Banner trang chủ

Ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thông tin Formosa Hà Tĩnh lấn biển để chôn xỉ thải và phương án nhận chìm chất thải tại biển Vĩnh Tân

28/08/2017

   Trong thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải thông tin Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) lấn gần 300 ha biển để chôn hàng chục triệu m³ xỉ thải và việc nhận chìm 1 triệu m³ vật chất ra khu vực biển Vĩnh Tân của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân). Để rộng đường dư luận, giải đáp những thông tin mà báo chí và người dân quan tâm, Bộ TN&MT đã có ý kiến về vấn đề này.

   Công ty Formosa Hà Tĩnh: Chưa có hoạt động đổ thải chất thải ra bãi xỉ

   Tình hình phát sinh và quản lý chất thải rắn (CTR) của FHS

   Trên cơ sở kết quả giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS do Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành, cơ quan khoa học, các chuyên gia về môi trường thực hiện trong thời gian qua cho thấy, hiện tại, FHS vẫn đang lưu giữ an toàn các loại CTR phát sinh trong khu vực lưu giữ của Nhà máy, chưa lưu giữ trong bãi chứa xỉ lấn biển.

Quy hoạch Dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân

   Trước thời điểm Lò cao số 1 vận hành thử nghiệm (29/5/2017), FHS đã thực hiện thu gom, phân loại và quản lý các loại CTR phát sinh theo quy định, chưa có hoạt động đổ thải ra bãi xỉ. Rác thải sinh hoạt được thu gom và định kỳ chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vận chuyển, xử lý. Đối với tro bay, xỉ và thạch cao của Nhà máy điện, FHS thực hiện quản lý theo Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (xuất khẩu 6.802,3 tấn thạch cao sang Philippines); bùn thải sinh hoạt, công nghiệp, sinh hóa và chất thải nguy hại (CTNH) được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý là Công ty TNHH MTV Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh. Đồng thời, FHS cũng ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP Xử lý tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình, Tập đoàn Xi măng Thành Công là những đơn vị có Giấy phép để xử lý tro, xỉ, thạch cao, CTR, CTNH khi lượng chất thải phát sinh lớn và tiếp tục nghiên cứu để có phương án tái chế, tái sử dụng chất thải theo quy định.

   Ngoài các loại CTR trên, FHS còn phát sinh một số loại CTR như xỉ hạt lò cao, xỉ thép, vật liệu chịu lửa, bùn, bụi (thu hồi từ các hệ thống rửa khí Lò cao và khí lò chuyển). Trong đó, xỉ hạt lò cao phát sinh khoảng 90.200 tấn/tháng, được FHS phân định là CTR công nghiệp thông thường và đang lưu giữ an toàn tại kho chứa có nền bê tông, xung quanh có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn, được che phủ bạt. Tại các nhà máy sản xuất thép trên thế giới và các nhà máy luyện thép liên hợp ở Việt Nam, xỉ hạt lò cao vẫn đang được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Mô hình Cảng tổng hợp Vĩnh Tân 

   Đến nay, FHS đã hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu sản phẩm xỉ hạt ra nước ngoài theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đối với các chất thải là bùn, bụi thu hồi từ các hệ thống rửa khí Lò cao và khí lò chuyển, Bộ TN&MT đã yêu cầu FHS phân định để quản lý theo quy định; khi có kết quả chất thải này là CTR công nghiệp thông thường, FHS sẽ tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất; trong trường hợp là CTNH sẽ được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

   Ngoài ra, FHS cũng phân định, vật liệu chịu lửa (phát sinh khoảng 13.349 tấn/năm) là chất thải thông thường và thực hiện tái chế, thu hồi kim loại; xỉ thép là chất thải công nghiệp thông thường và đang được xử lý tại Trạm xử lý xỉ thép để thu hồi kim loại làm nguyên liệu cho lò chuyển. Khi Lò cao số 1 đạt 100% công suất sẽ phát sinh khoảng 423.150 tấn xỉ thép/năm, phần không thể sử dụng khoảng 34.100 tấn/năm, dự kiến sẽ lưu giữ an toàn tại bãi thải xỉ. Thời gian tới, khi Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn sử dụng xỉ thép, xỉ lò cao làm vật liệu xây dựng, toàn bộ khối lượng xỉ thải của FHS sẽ được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định, khối lượng phải lưu giữ tại bãi xỉ thải sẽ còn rất ít. Ngoài ra, FHS cũng đang phối hợp với các đơn vị tư vấn để nghiên cứu phương án phối trộn phần xỉ thép trên cùng tro bay của Nhà máy nhiệt điện và một số loại phụ gia khác để làm vật liệu xây dựng.

   Xây dựng bãi xỉ thải theo tiêu chuẩn bãi lưu giữ CTR thông thường

   Theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ TN&MT phê duyệt năm 2008 và quy hoạch sử dụng đất lấn biển được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, Dự án của FHS được quy hoạch bãi xỉ lấn biển có diện tích là 281,6 ha. Trên thực tế, các nhà máy sản xuất thép liên hợp trên thế giới đều có bãi chứa xỉ lấn biển như: Nhà máy thép liên hợp Gwangyang, Nhà máy thép liên hợp Pohang tại Hàn Quốc... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án, FHS đã nghiên cứu và đề xuất phương án tái sử dụng phần lớn CTR công nghiệp thông thường phát sinh để phục vụ quá trình sản xuất. Hiện tại, bãi xỉ đã được điều chỉnh xây dựng trên diện tích chỉ còn 143 ha, FHS đang hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi phần diện tích còn lại của bãi xỉ thành khu vực lưu giữ nguyên liệu sản xuất cho giai đoạn 2 của Dự án. Mặt khác, FHS cũng đang tiến hành xây dựng bãi xỉ để đáp ứng tiêu chuẩn bãi lưu giữ CTR thông thường theo TCXDVN 261:2001; xung quanh bãi được xây bờ đê kiên cố bằng đá khối cao khoảng 7 m, phía trong đê được phủ 2 lớp vải lọc theo đúng báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; lòng bãi xỉ đã được khảo sát địa chất (khoan 19 lỗ vào các năm 2010, 2011) và xác định có lớp sét tự nhiên có độ dày trung bình khoảng 10 m.

   Bộ TN&MT đã yêu cầu FHS khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng, hoàn chỉnh bãi lưu giữ xỉ thải là CTR công nghiệp thông thường, đảm bảo tiêu chuẩn chống thấm đối với đáy bãi; chống thẩm thấu mặt ngang để có thể chống chịu được các biến động của tự nhiên như động đất và sóng thần.

   Không nhận chìm 1 triệu m³ vật chất ra khu vực biển Vĩnh Tân

   Ngày 16/8/2017, Bộ TN&MT đã chính thức phát đi thông tin báo chí về việc nhận chìm gần 1 triệu m³ vật chất ra khu vực biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Theo đó, ngày 14/8/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp giữa các bên có liên quan về phương án nhận chìm vật, chất nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại vùng biển xã Vĩnh Tân. Trên cơ sở ý kiến thống nhất tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý phương án không nhận chìm mà sử dụng vật, chất nạo vét của Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 để san lấp mặt bằng khu vực lấn biển theo quy hoạch của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Phương án này sẽ đảm bảo tiến độ cho dự án phát điện, đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng cho các tỉnh phía Nam và BVMT. Phương án đã được Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/7/2017.

   Cảng tổng hợp Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận) là một trong những công trình cảng biển trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư hơn 2.292 tỷ đồng, thời hạn hoạt động là 70 năm. Dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141 ha, trong đó, khoảng 51 ha diện tích mặt nước biển cần san lấp để xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng, dịch vụ cảng và khoảng 90 ha diện tích mặt nước được sử dụng để làm diện tích khu mặt nước của Cảng. Hiện Dự án đã được phê duyệt báo cáo ĐTM, đồng thời đã xây kè kiên cố. Vị trí này có thể tiếp nhận khoảng 1,1 triệu m³ vật, chất từ hoạt động nạo vét. 

   Để thực hiện phương án trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bên liên quan chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chủ đầu tư của Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng, Công ty Đại Dương (chủ đầu tư Cảng tổng hợp Vĩnh Tân) thống nhất phương án để tạo điều kiện cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nạo vét sớm nhất có thể. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Thuận, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục nghiên cứu quy hoạch các vị trí nhận chìm vật, chất ở biển và các khu vực cần sử dụng vật, chất nạo vét để san nền, lấn biển, chống xói lở bờ biển, đáp ứng các yêu cầu về BVMT và phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời, Bộ TN&MT hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh nội dung báo cáo ĐTM của các dự án có liên quan theo quy định pháp luật và phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện ĐTM, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của chủ đầu tư. Hiện nay, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc điều chỉnh nội dung báo cáo ĐTM của các dự án có liên quan theo quy định pháp luật.

   Trong thời gian tới, khi Quy hoạch khai thác sử dụng biển Việt Nam được Quốc hội phê duyệt, cùng với việc áp dụng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam năm 2015, Luật BVMT 2014, mọi hoạt động tương tự của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cũng như các doanh nghiệp khác trong cả nước sẽ được thực hiện theo tinh thần ưu tiên tái sử dụng như một loại tài nguyên cho lấn biển, chống xói lở, nhận chìm thực hiện theo quy hoạch, chương trình, dự án và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường.

Phương Linh 

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn