20/07/2016
Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, đòi hỏi hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường cần phải đẩy mạnh, đảm bảo tính thống nhất, tập trung và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, nhằm ngăn chặn những hành vi hủy hoại môi trường, thiên nhiên, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tập trung triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra về BVMT
Trong những năm qua, Bộ TN&MT luôn xác định hoạt động thanh tra, kiểm tra về TN&MT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2016 về môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học của một số tổ chức tại 7 tỉnh, TP: Lai Châu, Yên Bái, Ninh Bình, Thái Bình, Đồng Tháp, Bình Phước, Quảng Ninh. Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành 74 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) một cách quyết liệt, hiệu quả. Kết quả cho thấy, các cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
Cán bộ thanh tra lấy mẫu nguồn thải của Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng tại Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình |
Để tránh chồng chéo với kế hoạch thanh tra của địa phương, Tổng cục Môi trường phối hợp với Thanh tra Bộ TN&MT rà soát, tổng hợp để đề xuất với lãnh đạo Bộ điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2016 cho phù hợp; đồng thời, tiến hành rà soát, mở rộng các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguồn xả thải ra biển và triển khai thanh tra, kiểm tra trên diện rộng. Sau khi xảy ra vụ việc hàng loạt hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), trong những ngày đầu tháng 4/2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ TN&MT về kiểm tra công tác BVMT, Tổng cục Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra về BVMT đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện các Bộ, ngành, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường, một số đơn vị thuộc Tổng cục Môi trường, các cơ quan có liên quan tại địa phương. Đoàn kiểm tra đã thực hiện việc kiểm tra đối với 3 cơ sở hoạt động tại KKT Vũng Áng. Hiện tại, Đoàn đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để ban hành kết luận kiểm tra đối với các cơ sở theo đúng quy định pháp luật.
Từ ngày 4 -7/5/2016, tại Thanh Hóa cũng xảy ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổng cục Môi trường đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ TN&MT ký ban hành Quyết định số 1058/QĐ-BTNMT ngày 10/5/2016 thanh tra việc chấp hành pháp luật BVMT đối với các cơ sở trên địa bàn xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình). Theo đó, Đoàn đã tiến hành thanh tra và ban hành Quyết định xử phạt VPHC đối với 3 cơ sở là Công ty CP Mía đường Hòa Bình, Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng (Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình) và Trang trại chăn nuôi gia công heo của ông Nguyễn Ngọc Sáng, với số tiền 3.904.165.200 đồng, đồng thời yêu cầu các cơ sở thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 70/BTNMT-TCMT chỉ đạo các địa phương ven biển khẩn trương kiểm tra, đánh giá các nguồn thải ra biển và cửa sông ven biển có khối lượng từ 1.000 m3/ngày, đêm trở lên. Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành thống kê, rà soát, tổng hợp các nguồn thải từ 200 m3/ngày, đêm trở lên để tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong năm 2016. Đến nay, Tổng cục đã thống kê, rà soát trên 1.300 cơ sở.
Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra một số vụ việc ÔNMTNT, gây ra những hậu quả nặng nề cho kinh tế - xã hội và môi trường. Trước những thách thức đó, Tổng cục Môi trường đã tham mưu, triển khai các hoạt động rà soát, khoanh vùng, hỗ trợ xác định nguyên nhân cá chết, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, hỗ trợ tích cực cho việc khắc phục ô nhiễm, xử lý thảm họa môi trường có hiệu quả.
Đối với công tác xử lý đơn thư, kiến nghị về môi trường, Tổng cục Môi trường đã quan tâm, xử lý theo đúng trình tự, thẩm quyền, với 9 hồ sơ đơn thư khiếu nại, đề nghị và 251 báo cáo giải trình, khắc phục hậu quả vi phạm.
Những khó khăn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về BVMT
Thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức, cá nhân và các cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động thanh, kiểm tra về môi trường. Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra đã phát hiện những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực thi các quy định BVMT; kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật về môi trường để có biện pháp chấn chỉnh, răn đe và xử lý vi phạm theo quy định, tạo tính nghiêm minh, công bằng trong việc tuân thủ chính sách pháp luật BVMT.
Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động thanh, kiểm tra vẫn tồn tại một số khó khăn như: Việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT còn kéo dài do nhiều đối tượng vi phạm trốn tránh, hoặc không hợp tác; Các vi phạm về BVMT ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đặc biệt là các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của DN; Việc xả thải của DN có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, thường che giấu rất tinh vi và xả vào ban đêm; Việc tiếp cận các vi phạm xả thải gặp nhiều khó khăn (đường ống xả ngầm dưới đất, dưới lòng sông, ống khói cao, không có điểm để quan trắc, đo đạc mẫu môi trường).
Trong khi đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành còn bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục hành chính theo quy định của Luật Thanh tra và chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời (phải có Quyết định thanh, kiểm tra; phải thông báo trước; chỉ làm việc trong giờ hành chính...) làm hạn chế việc phát hiện và xử lý các VPHC, đặc biệt là đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm soát các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn chồng chéo giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành liên quan và lực lượng cảnh sát môi trường các cấp; giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương... làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN. Mặt khác, lực lượng thanh tra chuyên ngành môi trường từ Trung ương đến địa phương còn yếu và thiếu. Mỗi Sở TN&MT có từ 5 - 6 công chức/thanh tra viên cho 6 hoặc 7 lĩnh vực chuyên ngành, trong khi số lượng đối tượng phải thanh tra rất lớn.
Mặc dù, thẩm quyền kiểm tra được quy định cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thời hạn kiểm tra dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo trong hoạt động. Việc thay đổi cơ cấu, tổ chức thanh tra nhanh gây lúng túng và ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra chuyên ngành, trong đó có lĩnh vực môi trường.
Một số đề xuất, kiến nghị
Để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT có hiệu quả, thống nhất và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, Tổng cục Môi trường xin đề xuất một số nội dung:
Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn hoạt động thanh tra, kiểm tra DN thay thế cho Nghị định số 61/1998/NĐ-CP của Chính phủ, để giảm bớt chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giảm phiền hà cho các DN.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2012/NĐ-CP theo hướng bổ sung các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực, trong đó, cần thiết phải bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục BVMT thuộc Sở TN&MT.
Thanh tra Chính phủ sớm ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn kiểm tra để tạo hành lang pháp lý, hiệu quả và thống nhất cho hoạt động kiểm tra, phát huy sức mạnh công cụ hỗ trợ đắc lực để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực
Hoàng Văn Vy
Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát hoạt động BVMT
Tổng cục Môi trường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016