09/01/2017
Ngày 14/10/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT về BVMT cụm công nghiệp (CCN), khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cùng với Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2016 về BVMT khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT góp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết về BVMT đối với các nhóm đối tượng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Cơ sở có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên phải có công tơ điện tử đo điện độc lập của hệ thống xử lý nước thải |
Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến hoạt động BVMT CCN; khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; làng nghề; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây viết tắt là cơ sở). Thông tư gồm 7 Chương và 29 Điều, kèm theo 11 Phụ lục. Ngoài Chương I về Quy định chung và Chương VII về Điều khoản thi hành, các chương của Thông tư quy định về: BVMT cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; BVMT làng nghề; BVMT cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phương án BVMT; quan trắc môi trường.
Tại Chương I, ngoài các Điều, khoản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cần lưu ý 2 khái niệm trong mục giải thích từ ngữ. Thứ nhất, khái niệm về CCN, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở đang hoạt động nhằm giúp phân định rõ phạm vi áp dụng của các công cụ quản lý môi trường khác nhau đối với giai đoạn khác nhau trong vòng đời của một dự án/cơ sở: Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) áp dụng với giai đoạn chuẩn bị, phê duyệt dự án; kế hoạch quản lý môi trường áp dụng với giai đoạn xây dựng nhà máy, cơ sở; phương án BVMT áp dụng với giai đoạn đi vào hoạt động. Thứ hai, khái niệm về phương án BVMT. Để tránh trùng lặp với công cụ kế hoạch quản lý môi trường đã được quy định trong Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM và kế hoạch BVMT (trong đó kế hoạch quản lý môi trường được lập cho giai đoạn xây dựng cơ sở), phương án BVMT được hiểu là kế hoạch quản lý môi trường được lập và triển khai cho giai đoạn hoạt động của cơ sở (cơ sở đang hoạt động).
Đồng thời, các quy định chi tiết về lắp đặt, vận hành hạ tầng kỹ thuật BVMT CCN được đưa ra trong Chương II, trong đó có các nội dung yêu cầu đối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, quan trắc tự động, ghi chép nhật ký vận hành, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, các trường hợp được miễn trừ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một nhóm nội dung quan trọng khác là các quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN, UBND cấp huyện, tỉnh đối với BVMT CCN, đáng lưu ý là quy định về việc không được tiếp nhận thêm dự án đầu tư hoặc mở rộng CCN nếu chưa có hạ tầng BVMT đáp ứng yêu cầu.
Chương III của Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về BVMT làng nghề thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ TN&MT đã quy định trong Luật BVMT và Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, trong đó nội dung quan trọng nhất là điều kiện BVMT làng nghề, bao gồm quy định về việc lập và phê duyệt phương án BVMT làng nghề (quy trình lập và phê duyệt được quy định cụ thể tại Chương V), việc tuân thủ quy định về BVMT của các cơ sở trong làng nghề, hạ tầng BVMT làng nghề, tổ tự quản về BVMT làng nghề. Đây sẽ là những nội dung các địa phương cần tuân thủ chặt chẽ trong quá trình xem xét, công nhận làng nghề cũng như quá trình đánh giá, công nhận nông thôn mới. Ngoài ra, Chương III còn đưa ra các quy định chi tiết về đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm, trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án BVMT làng nghề, trách nhiệm của tổ tự quản về BVMT làng nghề và một số trách nhiệm của các cơ sở trong làng nghề.
Mặt khác, các vấn đề BVMT cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quy định tại Chương IV, trong đó, bổ sung một số quy định chi tiết về quản lý nước thải, chất thải rắn, khí thải, nổi bật là các yêu cầu về ghi chép, lưu giữ nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đối tượng phải quan trắc nước thải, khí thải tự động. Bên cạnh đó, Điều 20 quy định các yêu cầu về BVMT đối với việc chuyển giao nước thải không nguy hại để xử lý, bao gồm các quy định đối với cơ sở chuyển giao, quá trình vận chuyển và cơ sở tiếp nhận.
Chương V đưa ra những quy định chi tiết về phương án BVMT, trong đó đã làm rõ các đối tượng phải lập và thực hiện phương án BVMT là các CCN, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở có loại hình, quy mô tương đương đối tượng phải lập ĐTM theo Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP. Phương án BVMT là hồ sơ do cơ sở tự lập, tự phê duyệt và thực hiện, không phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Một đối tượng khác phải lập phương án BVMT là làng nghề, do UBND cấp xã lập và trình UBND cấp huyện phê duyệt (đây không phải là một thủ tục hành chính). Thời điểm lập, nội dung, biểu mẫu và trách nhiệm thực hiện, cập nhật phương án BVMT cũng được quy định rõ trong Thông tư.
Ngoài ra, nội dung phương án BVMT quy định trong Chương V bao gồm việc liệt kê các thủ tục, trách nhiệm môi trường mà cơ sở phải thực hiện, mô tả chi tiết về hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình, biện pháp BVMT đối với giai đoạn hoạt động (thông số, quy trình vận hành, phân công trách nhiệm đối với các biện pháp thu gom, xử lý chất thải và biện pháp BVMT khác). Bên cạnh đó, nội dung phương án BVMT còn tích hợp việc kiểm kê dòng vật chất, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm, chất thải đầu ra nhằm giúp các cơ quan quản lý nắm bắt được quá trình hoạt động thực tế của cơ sở. Các nội dung về phòng ngừa và ứng phó sự cố theo yêu cầu của Luật BVMT cũng được tích hợp cụ thể trong phương án BVMT. Như vậy, phương án BVMT có thể coi là một hồ sơ môi trường chi tiết, thống nhất để làm căn cứ cho cơ sở thực hiện công tác BVMT, cũng như để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra.
Về quan trắc môi trường tại Chương VI quy định, các đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải, khí thải phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tần suất tối thiểu như sau: Cơ sở có quy mô tương đương đối với đối tượng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (đối tượng phải lập ĐTM) thực hiện quan trắc 3 tháng/1 lần; cơ sở có quy mô tương đương với đối tượng quy định tại Phụ lục 5.1 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT (đối tượng phải lập kế hoạch BVMT trình Sở TN&MT xác nhận) thực hiện quan trắc 6 tháng/1 lần; cơ sở có quy mô tương đương với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 32 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT (đối tượng phải lập kế hoạch BVMT trình UBND cấp huyện xác nhận) thực hiện quan trắc 1 năm/1 lần. Đây là quy định thống nhất về tần suất quan trắc, thay thế cho các nội dung quy định về tần suất quan trắc trong Phụ lục của Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT. Đối với nội dung quan trắc phát thải tự động, Thông tư cũng quy định chi tiết về thông số phải quan trắc (đối với nước thải và khí thải), yêu cầu về thiết bị lấy mẫu tự động, các yêu cầu về hiệu chuẩn, kiểm định, kết nối, truyền dữ liệu.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết đối với một số nội dung kỹ thuật trong Thông tư như xây dựng phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường cho từng nhóm đối tượng, yêu cầu kỹ thuật chi tiết đối với hệ thống quan trắc tự động. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2016.
Lê Hoài Nam
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm
Tổng cục Môi trường