12/09/2016
Những năm gần đây, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông (LVS) diễn ra sôi động, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển này đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó có môi trường nước trên các LVS. Hiện nay, môi trường nước các LVS đang bị suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt ở những đoạn chảy qua các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và vùng hạ lưu.
Thả bè hoa thủy trúc trên sông Tô Lịch giúp cải thiện tình trạng nước đang bị ô nhiễm |
Trước thực trạng đó, thời gian qua, công tác quản lý môi trường nước LVS đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành tương đối đầy đủ các quy định về BVMT nói chung và chính sách hỗ trợ, khuyến khích BVMT nước LVS nói riêng như Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, Quyết định số 166/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, Quyết định số 1206/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015, Quyết định số 129/2009/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực BVMT”, Thông tư số 212/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động BVMT dựa trên Nghị định số 19/2015/NĐ-CP…
Để BVMT và khắc phục ô nhiễm do hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp hoạt động trên các LVS, cụ thể tại Khoản c, Mục 1 Quyết định số 174/QĐ-TTg quy định: “các doanh nghiệp hoạt động trên LVS Cầu phải BVMT và khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất, kinh doanh gây ra. Nhà nước xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ này theo hình thức hỗ trợ có mục tiêu cho từng nhiệm vụ, dự án cụ thể”; Tại Khoản c, Mục 2 của Quyết định số 197/2008/QĐ-TTg quy định: “các doanh nghiệp, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) hoạt động trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai phải thực hiện các công trình xử lý chất thải trước khi xả, thải vào môi trường hoặc xử lý ô nhiễm do cơ sở mình gây ra theo đúng quy định của pháp luật”.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật BVMT các khu, cụm công nghiệp, làng nghề nằm trên các LVS được hưởng hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo Điều 39, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Theo đó, Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất gắn với các công trình, hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, năng lượng) sẵn có ngoài phạm vi dự án nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Trong trường hợp Nhà nước không bố trí được quỹ đất, chủ đầu tư dự án được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào KCN, KCX, KCNC theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trên LVS thuộc đối tượng phải di dời được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai theo Điều 41, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Đặc biệt, các dự án đầu tư nằm trong danh mục ưu tiên cần thực hiện thuộc Đề án BVMT LVS Cầu; Đề án BVMT LVS Đồng Nai; Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy được ưu tiên vay vốn từ Quỹ BVMT Việt Nam và các quỹ tín dụng khác.
Mặt khác, Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ BVMT trong các lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường; tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ; giám định thiệt hại về môi trường và các dịch vụ khác về BVMT. Cùng với đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước trong LVS và phòng, chống tác hại do nước gây ra ( Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 120/2008/NĐ-CP).
Các đoàn viên, thanh niên phường Tân An (Quảng Yên, Quảng Ninh) tham gia dọn vệ sinh tại khu vực sông Bến Giang |
Như vậy, các chính sách về khuyến khích, hỗ trợ BVMT nước LVS đã từng bước được xây dựng và phát triển phù hợp với chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước LVS mà Việt Nam đang triển khai thực hiện. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đã bao phủ đầy đủ các nội dung gồm chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng… cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia BVMT nước LVS. Qua đó, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia có trách nhiệm vào BVMT nước LVS. Hiện nay, một số địa phương đã triển khai mô hình BVMT dựa vào cộng đồng và đạt hiệu quả tích cực, cụ thể như mô hình cam kết BVMT, tổ chức tự quản xử lý ô nhiễm môi trường, lồng ghép xóa đói giảm nghèo với BVMT, vệ sinh môi trường… Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên…) đóng vai trò quan trọng trong công tác BVMT.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số vướng mắc, bất cập như thiếu hướng dẫn cụ thể về cơ chế đặc thù để áp dụng; các dự án phải chờ đợi trong thời gian dài để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; chính sách khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia BVMT LVS chưa bám sát với lợi ích thực tế của cộng đồng, chưa thu hút được sự tham gia của người dân trong BVMT nước LVS.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi các chính sách về khuyến khích, hỗ trợ việc tham gia BVMT nước LVS, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, TN&MT cần hướng dẫn cụ thể về việc đề xuất các dự án nhằm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, đặc biệt là cơ chế ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm nước LVS. Cùng với đó, các địa phương nằm trong hệ thống LVS cần đẩy mạnh phong trào cộng đồng dân cư tham gia BVMT nước LVS, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, xây dựng mô hình khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia BVMT…
Hàn Trần Việt - Trần Bích Hồng
Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)