02/11/2022
Tình hình cấp bách về quản lý chất thải trên toàn cầu
Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức trong quản lý chất thải. Dân số ngày càng tăng cùng với đô thị hóa, phát triển kinh tế, và mức độ tiêu thụ tương ứng khiến tốc độ phát sinh chất thải tăng nhanh ở mức đáng lo ngại. Mức tăng này chủ yếu xuất phát từ các quốc gia thu nhập trung bình, trong đó lượng chất thải phát sinh sẽ tăng gần gấp đôi trong ba thập kỷ tiếp theo, mặc dù các quốc gia thu nhập thấp và nhiều quốc gia thu nhập cao cũng góp phần đáng kể gây ra lượng chất thải ngày càng tăng này.
Gánh nặng rác thải ngày càng tăng gây hậu quả nghiêm trọng. Rác thải được quản lý kém đe dọa cả môi trường và sức khỏe con người. Tình trạng này cản trở phát triển của con người và hoạt động kinh tế, là rào cản đối với các mục tiêu tham vọng về thịnh vượng của chính quyền trung ương và địa phương. Ngoài tác động đáng kể đối với địa phương, chất thải rắn đô thị không được quản lý đầy đủ còn là nguồn rác thải lớn xả ra biển và góp phần tạo ra khí nhà kính. Ô nhiễm biển và phát thải khí nhà kính do đốt và xử lý chất thải đô thị không kiểm soát ngày càng bị coi là những thủ phạm chính gây tổn hại cho lợi ích chung toàn cầu.
Việc cải thiện dần điều kiện môi trường và sức khỏe cộng đồng ở địa phương và trên toàn cầu đòi hỏi phải đẩy mạnh đáng kể các chương trình hỗ trợ và đầu tư để tăng quy mô năng lực thu gom, thải bỏ, và xử lý chất thải để vừa giải quyết được lượng chất thải phát sinh ngày càng tăng, vừa giảm dần thiếu hụt hiện tại về dịch vụ. Nếu không cải thiện đáng kể phạm vi thu gom chất thải và hoạt động thu hồi và xử lý chất thải, quy mô của những tác động môi trường hiện tại sẽ tăng lên rõ rệt.
“Chênh lệch” trong quản lý chất thải rắn
Trong chiến lược và kế hoạch quốc gia của các chính phủ trên thế giới đã thể hiện sự tham vọng trong cải thiện quản lý chất thải và chuyển đổi sang các mô hình kinh tế tuần hoàn. Chính phủ các quốc gia, kể cả ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, có mong muốn nhanh chóng hạn chế ô nhiễm, mở rộng dịch vụ đến các khu vực chưa được cung cấp dịch vụ, và tăng cường thu hồi và tái chế.
Tuy nhiên, việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu quốc gia trên thực tế còn hạn chế, có tình trạng thiếu kết nối hoặc “chênh lệch” giữa tham vọng của chính sách chất thải ở cấp Trung ương và năng lực đáp ứng các tham vọng này thông qua dịch vụ quản lý chất thải ở địa phương. Điều này làm gia tăng chênh lệch giữa năng lực của các quốc gia thu nhập thấp, trung bình và cao trong việc đạt được tham vọng và sự sẵn sàng tiến tới các hình thức tiên tiến trong quản lý chất thải, xử lý vật liệu, ngăn ngừa và tuần hoàn chất thải.
Theo Báo cáo Thu hẹp chênh lệch trong quản lý chất thải rắn do Ngân hàng thế giới nghiên cứu cho thấy, tình trạng thiếu kết nối giữa tham vọng và kết quả thực hiện, có sự chênh lệch về kết quả quản lý chất thải giữa các quốc gia có mức thu nhập khác nhau, chênh lệch về nguồn lực tài chính đối với dịch vụ và hạ tầng, chênh lệch về năng lực kỹ thuật và vận hành… Điều này xuất phát từ việc chưa có quy định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm trong khuôn khổ thể chế, như tình trạng không phù hợp giữa mức độ tham vọng cao trong khung chính sách và pháp lý, quy định, mức độ sẵn sàng của đầu tư và kinh phí hoạt động. Từ đó dẫn đến việc không thiết lập được môi trường thuận lợi cho lĩnh vực quản lý chất thải.
Tương tự, ở cấp chính quyền địa phương thường bị hạn chế về ngân sách khi có nhiều vấn đề cần ưu tiên ngoài chất thải. Trên thực tế ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thường có năng lực hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ một cách đầy đủ. Bên cạnh đó,năng lực kỹ thuật và vận hành không tốt, dẫn tới sắp xếp cung cấp dịch vụ chưa tối ưu, hoặc chưa thu hút được sự tham gia của các bên liên quan có vai trò quan trọng trong việc xác định và thực hiện thành công các dịch vụ địa phương, bao gồm người dân và các chủ nguồn thải khác, khu vực tư nhân, và khu vực phi chính thức.
Thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong quản lý chất thải rắn
Để có thể giải quyết sự “chênh lệch” này cần có hệ thống quản lý chất thải tổng hợp ở tất cả các cấp chính quyền, trong đó trách nhiệm, vai trò và chức năng thể chế được phân công rõ ràng; có chính sách và ưu đãi về kinh tế và tài trợ phù hợp; có quy định, giám sát và thực thi; địa phương có năng lực cung cấp dịch vụ; và chủ động thu hút sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan thuộc khu vực nhà nước và tư nhân. Dưới đây là một số thông điệp chính của nghiên cứu hướng đến việc đưa ra hướng dẫn thực tế về quản lý chất thải cho các cơ quan quản lý quốc gia và địa phương cũng như cán bộ chuyên môn trong ngành nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong quản lý chất thải rắn.
Tái chế giấy ở Curitiba, Braxin
Thiết lập cơ cấu thể chế phù hợp: Một hệ thống quản lý chất thải tổng hợp dựa trên mạng lưới các vai trò và trách nhiệm chính thức ở mọi cấp chính quyền cần được thiết lập. Những vai trò này phải bao gồm các chức năng hoạch định chính sách, lập kế hoạch chiến lược, thực thi quy định, hoạt động dịch vụ, và tài chính. Một cơ cấu thể chế hiệu quả là nền tảng để triển khai hệ thống quản lý chất thải hoạt động hiệu quả. Cơ cấu thể chế tạo ra khuôn khổ thuận lợi để khuyến khích các tổ chức khác nhau phối hợp cung cấp dịch vụ và hạ tầng, phù hợp với mục tiêu và ưu tiên quốc gia nhưng đồng thời cũng phản ánh nhu cầu và hạn chế của địa phương. Có hai khía cạnh quan trọng của cơ cấu thể chế hiệu quả cho quản lý chất thải đó là sự rõ ràng về vai trò và trách nhiệm chuyên môn của các cấp chính quyền khác nhau, và sự hợp tác, phối hợp giữa các cấp thể chế này.
Chính sách, quy hoạch và khung pháp lý: Cần có chính sách để định hướng quy trình lập kế hoạch của các cấp chính quyền Trung ương, địa phương; và có khung pháp lý tương ứng để có thể đạt được các mục tiêu và hành động chính sách. Việc xây dựng kế hoạch chiến lược để quản lý chất thải phù hợp với luật pháp và chính sách của Chính phủ là điều kiện tiên quyết nền tảng để có hệ thống quản lý chất thải thành công. Các kế hoạch chiến lược thiết lập các mục tiêu và chỉ tiêu, phù hợp với điều kiện hiện hành, phản ánh phân tích về các phương án phát triển và xác định các nguồn tài trợ đáng tin cậy. Chính quyền Trung ương có trách nhiệm chung trong việc lập kế hoạch chiến lược quản lý chất thải để đáp ứng các mục tiêu chính sách quốc gia.
Việc xây dựng kế hoạch địa phương là chức năng thiết yếu của chính quyền địa phương, do đó cần có quy trình lập kế hoạch để bảo đảm có sự phù hợp giữa chiến lược quốc gia và địa phương. Đồng thời khuyến khích từng chính quyền thực hiện đúng theo quy hoạch quốc gia, đặc biệt khi xây dựng hạ tầng và công trình mới, để bảo đảm việc phát triển lĩnh vực chất thải một cách thống nhất, có điều phối hợp lý trên toàn quốc và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước.
Tài trợ hướng tới bền vững và các chính sách ưu đãi: Quản lý chất thải là hoạt động cần nhiều chi phí, và nguồn đầu tư, tài trợ cho hoạt động này được cho là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự bền vững của dịch vụ chất thải đô thị. Trong khi nguồn thu từ vật liệu tái chế và thuế năng lượng có thể trang trải chi phí hoạt động, tuy nhiên nguồn thu này thường nhỏ hơn nhiều so với tổng chi phí để vận hành hệ thống quản lý chất thải. Do đó, cần có tương tác và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền trung ương và chính quyền địa phương để bảo đảm các mục tiêu dịch vụ sát với thực tế có thể đạt được và khả thi về tài chính.
Mô hình tổ chức: Các mô hình tổ chức hiệu quả - cơ cấu nền tảng cho hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý chất thải - cần đáp ứng nhu cầu quản trị của hệ thống quản lý chất thải mong muốn. Các mô hình cung cấp dịch vụ quản lý chất thải phải dựa trên yêu cầu về tài chính, vận hành, hành chính và mục tiêu chính sách của địa phương. Mô hình tổ chức tốt sẽ giảm thiểu hạn chế về tài chính, duy trì đầu tư vào các cơ sở quản lý chất thải, và có thể nắm bắt được cơ hội hợp tác và hiệu quả kinh tế nhờ quy mô giữa các chính quyền địa phương. Việc tổ chức dịch vụ cũng có thể khiến hoạt động quản lý chất thải trở nên hấp dẫn đối với khu vực tư nhân nhằm khai thác tiềm năng đầu tư, công nghệ mới, và bí quyết kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ. Mặc dù các dịch vụ chất thải chủ yếu do chính quyền địa phương thực hiện, thành công về mô hình tổ chức có thể phải dựa đáng kể vào các sắp xếp hỗ trợ từ chính quyền trung ương, cụ thể là dưới hình thức khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác giữa các chính quyền địa phương và sự tham gia của khu vực tư nhân, các hướng dẫn cụ thể, hoặc cơ cấu chính sách ưu đãi.
Tham gia của cộng đồng và thu hút sự tham gia của các bên liên quan: Công tác quản lý chất thải có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào sự tham gia của các bên liên quan và cần có “hợp đồng xã hội” với công dân và người dân nói chung. Hệ thống quản lý chất thải sẽ thành công hơn nhiều trong bối cảnh các bên liên quan chính tham gia, ủng hộ chính sách và dịch vụ về chất thải. Khi công chúng chấp nhận và tham gia quản lý chất thải với việc tuân thủ các hướng dẫn về xử lý chất thải và trả phí dịch vụ, hoạt động quản lý chất thải có cơ hội thành công. Quản lý chất thải có liên quan đến nhiều bên khác nhau và chính quyền địa phương phải tính đến việc thiết kế một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả. Quan điểm của các bên liên quan khác nhau không chỉ giúp thúc đẩy hành vi tích cực cho phép hệ thống hoạt động trơn tru, mà còn giúp chính quyền địa phương phát triển dịch vụ công này theo cách bình đẳng và công bằng hơn, nhờ đó dịch vụ sẽ trở nên bền vững trong dài hạn. Khi bảo đảm rằng hệ thống quản lý chất thải phục vụ tất cả các bên liên quan, chính quyền địa phương có thể thúc đẩy ý thức rộng rãi về “quyền sở hữu” đối với hệ thống quản lý chất thải, từ đó dẫn đến kết quả tích cực về xã hội, môi trường và kinh tế.
Công cụ chính sách: Cần có kết hợp thận trọng giữa các giải pháp chính sách và môi trường pháp lý thuận lợi để bảo đảm hành động hiệu quả ở tất cả các cấp chính quyền sao cho hoạt động quản lý chất thải đạt được các mục tiêu quốc gia theo cách gắn kết và phối hợp. Để đạt được hiệu quả, chính quyền Trung ương nên chịu trách nhiệm triển khai các công cụ chính sách trên toàn quốc. Công cụ chính sách phải phù hợp với bối cảnh. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi có nền tảng cơ bản của hệ thống quản lý chất thải thì mới có thể thực hiện được đầy đủ các chính sách tiên tiến để dịch chuyển lên phía trên “hệ thống phân cấp chất thải”, chuyển từ xử lý truyền thống sang tái sử dụng và ngăn ngừa, và hướng tới quản lý tài nguyên bền vững.
Đỗ Tuấn Đạt
Trung tâm Hành động, Liên kết vì sự phát triển bền vững
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10 năm 2022)