Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Kinh nghiệm tái sử dụng nước thải trên thế giới và áp dụng đối với Việt Nam

09/03/2021

     Vai trò tiềm năng của việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý như một nguồn cấp nước thay thế các nguồn nước tự nhiên hiện nay đã được thừa nhận và gắn liền với các chiến lược bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam: Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật BVMT năm 2020, Luật Chăn nuôi năm 2018 cũng nêu rõ chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động tái sử dụng nước thải. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 quy định về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó, nêu những nguyên tắc chung cho việc tái sử dụng nước thải; đồng thời ban hành Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 8/6/2015 quy định rõ các ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, trong đó bao gồm hoạt động tái sử dụng nước…

     Tuy nhiên, theo Báo cáo Quản trị nguồn nước năm 2019 của Ngân hàng thế giới [2], tình trạng thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải đô thị của Việt Nam bị đánh giá là kém so với khu vực. Trong các năm từ 2016-2020, Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT đã nhận được các văn bản của UBND tỉnh/Sở TN&MT các tỉnh Bình Thuận (2016), Khánh Hòa (2017), Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên (2019), Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên - Huế (2019), Sở TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu (2020)… đề nghị hướng dẫn quản lý việc tái sử dụng nước thải sau xử lý (đã đạt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải) cho hoạt động tưới cây, hoặc hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng để tái sử dụng nước thải sau xử lý… Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải, trong đó bao gồm cả việc hướng dẫn các doanh nghiệp xác định mục đích tái sử dụng nước thải một cách phù hợp để bảo đảm các yếu tố về sức khỏe cũng như các yêu cầu về BVMT.

     Mặc dù, trong thời gian qua, ở Việt Nam việc tái sử dụng nước thải sau xử lý đã được quan tâm và khuyến khích trong các văn bản luật, nghị định. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về tái sử dụng nước thải về cơ bản vẫn dừng ở nguyên tắc chung, chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện việc tái sử dụng nước thải và các cơ quan quản lý địa phương quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải trên thực tế.

     Ở nhiều quốc gia trên thế giới, nước thải từ lâu đã được coi là tài nguyên và việc tái sử dụng nước thải được xem là biện pháp hữu hiệu để giảm các áp lực về tài nguyên nước. Một số quốc gia còn hướng đến chính sách "không xả thải" (zero discharge) hoặc lồng ghép việc tái sử dụng nước thải trong quy hoạch, quản lý nguồn nước. Bên cạnh những lợi ích về việc bổ sung nguồn nước cấp, hoạt động tái sử dụng nước thải cũng có những nguy cơ gây tác động tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Chính vì lẽ đó, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã nghiên cứu, ban hành các quy định, hướng dẫn về yêu cầu tối thiểu khi tái sử dụng nước thải… Việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, quy định về tái sử dụng nước thải của các quốc gia, các tổ chức quốc tế là cần thiết, quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, môi trường, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững của nước ta.

  1. Kinh nghiệm thế giới về tái sử dụng nước thải

     Nước Mỹ: Tại nước này, xấp xỉ 7-8% nước thải được tái sử dụng với nhiều mục đích khác nhau: tái sử dụng nước thải cho các hoạt động ở đô thị (tưới cảnh quan và các sân golf); tái sử dụng nước cho nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi); tái sử dụng nước cho các mục đích tạo khoảng không cách ly; tái sử dụng nước cho các mục đích môi trường (cấp nước cho vùng đất ngập nước, cấp nước duy trì dòng chảy sông suối); tái sử dụng nước cho các mục đích công nghiệp (sản xuất, làm mát, vệ sinh thiết bị...)... Trong đó, tái sử dụng nước thải cho hoạt động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (Hình 1). Theo báo cáo Hội đồng Nghiên cứu quốc gia của Mỹ năm 2012, ước tính có khoảng 45 triệu m3/ngày nước thải đô thị, tương đương với khoảng 37% tổng lượng nước thải đô thị phát sinh trên toàn quốc, đã được tái sử dụng sau xử lý [4].

Hình 1. Tình hình tái sử dụng nước thải ở Mỹ (2011) [4]

     Có được những thành quả trên, trước hết là nhờ những thay đổi trong chính sách tiếp cận đối với vấn đề quản lý, tái sử dụng nước thải trong công tác quản lý nguồn nước và bảo vệ môi trường của Mỹ. Cụ thể, phương thức quản lý nguồn nước truyền thống đã dần được chuyển sang phương thức quản lý tổng hợp nguồn nước (Hình 2); trong đó, nước thải là một mắt xích quan trọng, không chỉ được coi và quản lý đơn thuần như chất thải xả vào nguồn tiếp nhận mà còn được tuần hoàn, tái sử dụng bổ sung cho nguồn nước cấp.

     Để từng bước chuyển đổi phương thức, mô hình quản lý nguồn nước từ truyền thống sang tổng hợp (có xét đến yếu tố tái sử dụng nước), đã có nhiều nghiên cứu, hướng dẫn được ban hành để hướng dẫn cho chính quyền các bang, các cơ quan liên bang có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét lồng ghép việc tái sử dụng nước thải vào quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước. Trong đó, theo hướng dẫn về quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước, quy hoạch tổng thể tái sử dụng nước thải sẽ là một phần trong quy hoạch tổng hợp này với việc tập trung vào quy hoạch các hệ thống cơ sở hạ tầng để tái sử dụng nước thải đô thị. Quy hoạch tổng thể về tái sử dụng nước thải sẽ phải xác định sự sẵn lòng sử dụng nước thải đã được xử lý cho mục đích tái sử dụng của cộng đồng dân cư, các khách hàng tiềm năng và nhu cầu sử dụng nước của họ, vấn đề công nghệ và những vấn đề liên quan đến lưu lượng, chất lượng nước…

Hình 2. Mô hình quản lý nguồn nước truyền thống được chuyển sang mô hình quản lý tổng hợp nguồn nước tại Mỹ (Rodrigo và nnk, 2012) [4]

     Các vấn đề quản lý nước thải tái sử dụng cũng đã được đề cập một cách hệ thống và toàn diện trong các văn bản pháp luật cấp liên bang, cấp bang của Mỹ như trong Đạo luật Môi trường quốc gia (NEPA), các đạo luật về bảo vệ tài nguyên sinh học, cảnh quan và văn hoá… Trên cơ sở các khung quy định, hướng dẫn cấp liên bang, nhiều bang đã ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn tài chính, kỹ thuật, quản lý chi tiết cho việc tái sử dụng nước thải.

     Tại Mỹ, nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm: Tái sử dụng nước cho đô thị; nông nghiệp; công nghiệp; các khu vực cảnh quan, giải trí; cấp nước sinh hoạt; môi trường (ví dụ bổ cập nước cho khu vực đất ngập nước; tăng cường dòng chảy sông, suối…).

     Hiện nay, nhiều bang của Mỹ đã ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể cho việc tái sử dụng nước thải đối với các mục đích sử dụng nước khác nhau. Trong đó, quy định rõ các yêu cầu về chất lượng nước, công nghệ xử lý, quan trắc, giám sát chất lượng nước, khoảng cách giới hạn tối thiểu đến các giếng cấp nước… tương ứng với từng mục đích tái sử dụng khác nhau. Các thông số chất lượng nước yêu cầu phải được kiểm soát chặt chẽ bao gồm pH, BOD, độ đục, Fecal Coliform và Clo dư. Một số bang quy định giấy phép riêng cho hoạt động tái sử dụng nước thải trong hệ thống chương trình cấp phép của bang, một số bang khác lại tích hợp việc cho phép hoạt động tái sử dụng nước thải trong các giấy phép về tài nguyên nước sẵn có [4].

     Liên minh châu Âu: Tình hình khan hiếm nước, hạn hán diễn ra phổ biến trong những thập kỷ gần đây đã làm ảnh hưởng đến ít nhất 11% người dân Châu Âu tại 17% diện tích toàn khu vực. Đặc biệt, tại khu vực Địa Trung Hải (bao gồm các quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, miền Nam nước Pháp, Hy Lạp, Cộng hòa Shíp và Malta), khoảng 20% dân số thường xuyên sống trong tình trạng căng thẳng về nước và trong mùa hè, đến hơn 50% dân số bị ảnh hưởng do khan hiếm nước. Theo ước tính, trung bình mỗi năm khoảng hơn 40.000 triệu m3 nước thải được xử lý trên toàn Châu Âu, nhưng trong số đó chỉ khoảng 964 triệu m3 (tương đương với 2,4%) được tái sử dụng [3, 5].

     Do đó, vai trò tiềm năng của việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý như một nguồn cung cấp nước thay thế hiện đã được thừa nhận và đưa vào các chiến lược có liên quan của Liên minh châu Âu. Tái sử dụng nước thải là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch thực hiện chiến lược của Đối tác Sáng kiến châu Âu về nước và tối đa hóa việc tái sử dụng nước là một mục tiêu cụ thể trong Chiến dịch truyền thông "Kế hoạch chi tiết để bảo vệ tài nguyên nước của châu Âu".

     Với mục tiêu thúc đẩy tái sử dụng nước thải để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, tháng 5/2018, Uỷ ban châu Âu đã đưa ra đề xuất hướng tới việc ban hành hướng dẫn chung trên toàn Liên minh châu Âu về tiêu chuẩn chất lượng nước tái sử dụng cho nông nghiệp. Sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng, Quy định về các yêu cầu tối thiểu cho việc tái sử dụng nước thải (Regulation 2020/741) đã được ban hành tháng 5/2020 và dự kiến có hiệu lực trên toàn Liên minh châu Âu kể từ tháng 6 năm 2023 [6]. Quy định này khởi đầu cho việc thống nhất và đồng bộ các yêu cầu tối thiểu đối với việc tái sử dụng an toàn nước thải đô thị cho sản xuất nông nghiệp trên toàn khu vực châu Âu, bao gồm cả các yêu cầu về quan trắc. Đồng thời, là hành động nhằm cụ thể hoá Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn vừa được Liên minh châu Âu thông qua trong năm 2020. Uỷ ban châu Âu ước tính và kỳ vọng rằng chính sách này có thể làm tăng lượng nước tái sử dụng trong nông nghiệp tăng từ 1,7 tỷ m3 lên 6,6 tỷ m3/năm, giảm áp lực nguồn nước xuống 5%.

     Quy định về các yêu cầu tối thiểu cho việc tái sử dụng nước thải bao gồm các điều khoản về quản lý rủi ro để đánh giá và xử lý các rủi ro về môi trường và sức khoẻ cộng đồng liên quan đến việc tái sử dụng nước thải; các điều khoản liên quan đến cấp phép và công khai, minh bạch thông tin đến cộng đồng đối với các dự án có sử dụng nước thải sau xử lý…Yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nước thải tái sử dụng được đề xuất theo 4 mức, trên cơ sở xem xét các yếu tố như loại cây trồng (rau trồng, cây lương thực, cây công nghiệp...), phương thức tưới. Tương ứng với đó, công nghệ xử lý nước thải để tái sử dụng, tần suất quan trắc, giám sát chất lượng nước thải cũng được đề xuất để bảo đảm tiêu chuẩn và tính ổn định của chất lượng nước thải trước khi tái sử dụng (Bảng 1, 2) [6].

     Bảng 1. Phân loại mức độ nước thải đô thị được phép tái sử dụng cho trồng trọt theo quy định của Liên minh Châu Âu

Phân loại mức độ

Loại cây trồng cho phép dùng nước TSD

Phương thức tưới

A

Các loại rau dùng ăn trực tiếp có tiếp xúc trực tiếp với nước TSD, các loại cây ăn củ trực tiếp.

Tất cả các phương thức tưới

B

Các loại rau dùng ăn trực tiếp mà phần ăn được mọc trên đất không tiếp xúc trực tiếp với nước TSD; các loại cây thực phẩm, phi thực phẩm có qua chế biến bao gồm cả các loại cây trồng làm thức ăn cho vật nuôi lấy thịt và lấy sữa.

Tất cả các phương thức tưới

C

Các loại rau dùng ăn trực tiếp mà phần ăn được mọc trên đất không tiếp xúc trực tiếp với nước TSD; các loại cây thực phẩm, phi thực phẩm có qua chế biến bao gồm cả các loại cây trồng làm thức ăn cho vật nuôi lấy thịt và lấy sữa.

Tưới nhỏ giọt và các phương thức tưới khác không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa nước thải và phần cây trồng được dùng để ăn.

D

Cây công nghiệp, cây năng lượng và cây lấy hạt

Tất cả các phương thức tưới

 

     Bảng 2. Yêu cầu tối thiểu về chất lượng đối với việc tái sử dụng nước thải đô thị cho trồng trọt theo quy định của Liên minh châu Âu 

Phân loại

Chỉ định về mức độ kỹ thuật xử lý

Yêu cầu về chất lượng

E. Coli (số vi khuẩn/100ml)

BOD5

(mg/l)

TSS

(mg/l)

Độ đục

(NTU)

Thông số khác

A

Xử lý bậc hai, lọc và khử trùng

≤ 10

≤ 10

≤ 10

≤ 5

Vi khuẩn Legionella spp. < 1.000 cfu/l ở những nơi có nguy cơ hình thành sol khí.

Trứng giun sán ≤ 1 trứng/l nếu sử dụng tưới cho đồng cỏ hoặc thức ăn gia súc.

B

Xử lý bậc hai và khử trùng

≤ 100

Theo tiêu chuẩn nước thải đô thị quy định tại Chỉ thị 91/271/EEC (cụ thể: BOD < 25 mg/l; tỷ lệ loại bỏ sau xử lý tối thiểu là 70-90%)

Theo tiêu chuẩn nước thải đô thị quy định tại Chỉ thị 91/271/EEC (cụ thể: TSS <35 mg/l; tỷ lệ loại bỏ sau xử lý tối thiểu 90%)

-

C

Xử lý bậc hai và khử trùng

≤ 1.000

-

D

Xử lý bậc hai và khử trùng

≤ 10.000

-

     Nhật Bản: Để quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải, năm 2005, Chính phủ Nhật Bản ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về tái sử dụng nước thải với 7 thông số ô nhiễm cần kiểm soát ứng với các mục đích tái sử dụng nước thải khác nhau (Bảng 4). Đồng thời, Bộ Đất đai, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và du lịch của Nhật Bản cũng đã xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến tái sử dụng nước thải như hướng dẫn về hệ thống tái sử dụng nước thải có sử dụng công nghệ lọc màng UF và khử trùng bằng tia UV…

     Đối với yêu cầu về kỹ thuật, Nhật Bản cũng có các quy định về mức độ xử lý nước thải ứng với các mục đích tái sử dụng nước, cụ thể, đối với nước tái sử dụng cho các mục đích xả rửa vệ sinh, phun tưới và tạo cảnh quan, nước thải phải được lọc cát hoặc xử lý cấp tương đương hoặc cao cấp hơn; đối với nước tái sử dụng cho mục đích giải trí, nước thải phải được xử lý keo tụ kết hợp lọc cát hoặc xử lý cao cấp hơn.

     Bảng 3. Tiêu chuẩn chất lượng nước cho tái sử dụng nước của Nhật Bản

 

Vị trí áp dụng tiêu chuẩn

Nước xả rửa vệ sinh

Nước để phun tưới cây

Nước sử dụng tạo cảnh quan

Nước cho các khu vực giải trí

E-Coli

Đầu ra cơ sở xử lý nước thải để tái sử dụng

Không phát hiện

Tổng Coliform =1000 CFU/100ml

Không phát hiện

Độ đục

(Mục tiêu quản lý) ≤ 2

≤ 2

pH

5.8-8.6

Đánh giá cảm quan

Tốt

Màu*

 

 

≤ 40

≤ 10

Mùi

Không mùi

Clo dư

Vị trí ranh giới chịu trách nhiệm.

(Mục tiêu quản lý)

Clo dư tự do  ≥ 0.1 mg/l

Clo dư tổng hợp ≥ 0.4 mg/l

Không quy định

(Mục tiêu quản lý)

Clo dư tự do  ≥ 0.1 mg/l

Clo dư tổng hợp ≥ 0.4 mg/l

  1. Bài học về tái sử dụng nước thải đối với Việt Nam

     Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, cùng với vấn đề khan hiếm, cạn kiệt nguồn nước vì các ảnh hưởng nhân sinh cũng như tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề suy thoái, ô nhiễm nguồn nước do hoạt động xả nước thải gây ra cũng ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng, đòi hỏi các cơ quan quản lý và toàn xã hội phải quan tâm, chú trọng hơn đến việc nâng cao hiệu suất sử dụng nước, tăng cường tái sử dụng nước thải..., đặc biệt tại các khu vực khan hiếm về nguồn nước.

     Tuy nhiên, hiện nay, việc thống kê, kiểm kê, quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải gần như chưa được triển khai trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực, địa phương nào ở nước ta. Việc quản lý hoạt động tái sử dụng dụng nước thải cũng chưa được phân công, phân cấp một cách rõ ràng, cụ thể. Ở cấp vĩ mô, vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý cũng chưa được chú trọng, quan tâm một cách thích đáng; trong các quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, cũng như quy hoạch về khai thác, sử dụng nước chủa các ngành kinh tế hầu như không đề cập đến vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý. Ở cấp vi mô, vấn đề tái sử dụng nước thải đối với các dự án đầu tư chưa được nhìn nhận, xem xét ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế hoặc thẩm định dự án.

     Mặc dù, chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ở nhiều cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ tại nhiều đô thị, địa phương trên toàn quốc đã và đang áp dụng các biện pháp tái sử dụng nước thải cho nhiều mục đích khác nhau. Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Đà Nẵng, Khánh Hoà, TP. Hồ Chí Minh… tận dụng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn để tưới cây. Trong nhiều hồ sơ đề nghị cấp phép xả nước thải vào nguồn nước của các nhà máy sản xuất giấy, sản xuất đường, nhiệt điện, khai thác chế biến khoáng sản… gửi về Bộ TN&MT có đề cập đến việc tái sử dụng nước thải sau xử lý cho các hoạt động như rửa nguyên liệu, tưới rửa đường, vệ sinh thiết bị, tưới ẩm than, tưới ẩm tro xỉ, tưới cây trong khuôn viên nhà máy… Điều này cho thấy, nhận thức và nhu cầu về tái sử dụng nước thải sau xử lý của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng nước thải của các doanh nghiệp hiện nay đa phần mang tính thụ động (xem xét tái sử dụng để tận dụng nước thải sau xử lý, đồng thời giảm lượng nước xả ra môi trường để giảm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải); các doanh nghiệp hầu như chưa chủ động lập phương án, kế hoạch tái sử dụng nước thải ngay từ giai đoạn thiết kế dự án.

     Chính sách tái sử dụng nước thải mặc dù đã được quan tâm, khuyến khích trong các văn bản luật, nghị định nhưng còn thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể để thực thi hiệu quả.

     Trên cơ sở quá trình tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các kinh nghiệm, quy định, hướng dẫn của một số quốc gia (Mỹ, EU, Úc, các nước châu Á…) và tổ chức quốc tế trên thế giới về tái sử dụng nước thải, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho  công tác quản lý, quy định, xác định mục đích tái sử dụng nước thải cho Việt Nam như sau:

     Tái sử dụng nước thải là giải pháp quan trọng ưu tiên để bổ sung đáp ứng nguồn nước cấp trong tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng.

     Việc tái sử dụng nước thải cần được xem xét một cách chủ động cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Ở tầm vĩ mô, tái sử dụng nước thải phải được đưa vào chiến lược quản lý nguồn nước và quy hoạch tổng thể tái sử dụng nước thải phải là một phần trong quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm quy hoạch và đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung để tái sử dụng nước thải. Ở tầm vi mô, các chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ động lập kế hoạch, phương án tái sử dụng nước thải trong giai đoạn thiết kế dự án.

     Nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm: sử dụng cho các hoạt động tại khu vực đô thị (chăm sóc cảnh quan, tẩy rửa, xả toilet…); phát triển nông nghiệp (trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản); tái sử dụng nước thải trong công nghiệp; bảo vệ môi trường (duy trì dòng chảy, phát triển cảnh quan,…); cấp nước sinh hoạt (trực tiếp, gián tiếp)…

     Theo quy định của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, nước tái tạo được phân cấp các mức độ: Cao - trung bình - thấp (hoặc A - B - C - D). Trong đó, yêu cầu về chất lượng nước thải, mức độ công nghệ xử lý, quan trắc giám sát liên quan chặt chẽ với mục đích tái sử dụng. Về cơ bản, yếu tố quan trọng nhất để phân cấp mức độ ứng với mục đích tái sử dụng là khả năng tiếp xúc, phơi nhiễm của nước thải đối với con người đi kèm với các rủi ro về sức khỏe. Đối với việc tái sử dụng nước thải cho trồng trọt, phân cấp các mức độ nước tái tạo (tương ứng với các mức yêu cầu về chất lượng nước, công nghệ xử lý và quan trắc giám sát) phụ thuộc vào loại cây trồng và phương thức tưới.

     Việc tái sử dụng nước thải phải được quản lý và giám sát chặt chẽ, bảo đảm các yêu cầu về sức khoẻ và môi trường. Nhìn chung, để bảo đảm yêu cầu sức khoẻ khi tái sử dụng nước thải, các quốc gia, tổ chức quốc tế sử dụng các thông số (chỉ tiêu) gồm có pH, Fecal Coliform (hoặc E.Coli), độ đục, Clo dư, BOD, TSS, giun sán để đánh giá mức độ chất lượng nước thải sau xử lý phù hợp cho các mục đích sử dụng khác nhau.

     Tại nhiều quốc gia, hoạt động tái sử dụng nước thải, bao gồm xử lý nước thải để tái sử dụng; tiếp nhận, sử dụng nước tái tạo; quyền và trách nhiệm có liên quan… được ghi rõ trong giấy phép.

  1. Kết luận

     Tái sử dụng nước thải là một trong những nội dung nằm trong Mục tiêu 6 - đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người (SDG6) của Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals  SDG) được Liên hợp quốc đề ra và các quốc gia thành viên cam kết thực hiện đến năm 2030. Đối với Việt Nam, việc tái sử dụng nước thải một cách có kế hoạch, chiến lược, được quản lý hợp lý, rõ ràng, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong ổn định phát triển kinh tế đối với các doanh nghiệp và trong hoạch định quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường đối với các nhà quản lý; góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

     Việc nghiên cứu kinh nghiệm, quy định, hướng dẫn của các quốc gia thành công về tái sử dụng nước thải của các quốc gia trên thế giới sẽ là bài học quý cần được xem xét, tiệm cận trong quá trình xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn về tái sử dụng nước thải ở Việt Nam trong tương lai.

ThS. Phan Mai Linh; ThS. Nguyễn Đình Tùng

Cục Quản lý tài nguyên nước

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2021)

     Tài liệu tham khảo:

  1. Đề tài Nghiên cứu cơ sở xác định mục đích tái sử dụng nước thải sau xử lý (Mã số: CS.2020.02.02) do ThS. Phan Mai Linh (Chủ nhiệm đề tài) và các tác giả, Cục Quản lý tài nguyên nước, thực hiện năm 2020.
  2. Ngân hàng thế giới (WorldBank). Việt Nam: hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn. 2019.
  3. European Union Network for the Implementation and Enforcement of Environmental Law (IMPEL). Report on Urban Water Reuse. Integrated Water Approach and Urban Water Reuse Project. July, 2018.
  4. US Environmental Protaction Agency (EPA), Guidlines for Water Reuse, 2012.
  5. European Commission’s infographic. Water is too precious to waste.  (https://ec.europa.eu/environment/water/pdf/water_reuse_factsheet_en.pdf).
  6. EU. Regulation 2020/741 of the European Parliament and of the council of 25 May 2020 on Minimum requirements for Water Reuse.

 

Ý kiến của bạn