Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thực hiện kiểm toán môi trường

30/12/2022

    Điều 74 Luật BVMT 2020 có quy định về nội dung kiểm toán môi trường (KTMT): (a) Việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; (b) Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải. Trên cơ sở phân tích nội dung quy định về KTMT trong Luật BVMT 2020 có thể tóm tắt nội dung thực hiện KTMT bao gồm 2 nội dung chính: (1) kiểm toán tuân thủ chính sách, quy định pháp luật về BVMT (Kiểm toán tuân thủ - KTTT); (2) kiểm toán việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu, chất thải (hay còn được gọi là kiểm toán chất thải - KTCT).

    Bài viết trình bày kinh nghiệm xây dựng Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thực hiện KTMT của một số quốc gia và tổ chức quốc tế, từ đó rút ra một số nội dung chính phục vụ cho việc xây dựng Tài liệu hướng dẫn hoạt động tự KTMT ở Việt Nam trong thời gian tới.  

  1. Về sự phát triển tài liệu hướng dẫn KTMT

    KTMT có nguồn gốc từ khu vực Bắc Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ XX. Đây là giai đoạn mà nền công nghiệp và kinh tế của khu vực Bắc Mỹ phát triển mạnh mẽ, các loại chất thải, nước thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động công nghiệp và các hoạt động kinh tế khác đã làm ảnh hưởng xấu tới môi trường. Thực hiện KTMT được xem là công cụ quản lý môi trường hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, KTMT cũng được xem là kênh thông tin đáng tin cậy cung cấp cho cơ quan quản lý về tình hình quản lý môi trường của doanh nghiệp. KTMT lan tỏa nhanh chóng tại các nước công nghiệp do các quy định về quản lý môi trường ngày càng khắt khe hơn cũng như sự gia tăng trách nhiệm của tổ chức đối với các rủi ro liên quan đến môi trường và hệ sinh thái. Cùng với đó, các chính sách thực hiện KTMT ở một số nước trên thế giới ngày càng được hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả cơ chế này trên thực tế. Từ những năm 1980, KTMT thực sự trở thành một công cụ đóng vai trò quan trọng quản lý môi trường công nghiệp. 

    Trong quá trình phát triển, để công cụ KTMT sớm đi vào thực tiễn, được nhiều tổ chức, cá nhân tiếp cận và triển khai, một số quốc gia và các tổ chức quốc tế đã xây dựng và ban hành Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thực hiện KTMT như Malaysia, Ấn Độ, Nepal, Ôxtrâylia, tổ chức UNIDO, FAO... Đây được xem là những tài liệu hữu ích để các quốc gia như Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập.

  1. Nội dung tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thực hiện KTMT

2.1 Về KTTT

    + Tài liệu hướng dẫn về thực hiện KTTT của bang New South Wales, Ôxtrâylia

    Tài liệu hướng dẫn về thực hiện KTTT “Compliance Auditing Handbook” của Cơ quan BVMT New South Wales (2017).  KTTT môi trường (ECA) là công cụ hữu ích được sử dụng để giám sát việc tuân thủ các quy định, chính sách pháp luật về môi trường và phát hiện các hành vi vi phạm các quy định của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

    Tài liệu được thiết kế để đảm bảo một cách tiếp cận nhất quán đối với thực hiện KTTT. Nội dung chính của Tài liệu hướng dẫn gồm 3 bước, cụ thể:

     Bước 1: Lập kế hoạch trước kiểm toán: Việc lập kế hoạch phù hợp phải đảm bảo có sẵn các nguồn lực và thiết bị thích hợp và phân bổ thời gian thích hợp để thực hiện đánh giá một cách hiệu quả nhất. Kế hoạch đánh giá phác thảo các mục tiêu, phạm vi, tiêu chí và thời gian biểu thực hiện kiểm toán.

     Bước 2: Kiểm toán tại cơ sở: Trong bước này, kiểm toán viên (KTV) tiến hành các nội dung chính đó là thu thập các tài liệu, dữ liệu thực hiện kiểm toán. KTV sẽ tiến hành thu thập các tài liệu, dữ liệu cần phải kiểm toán. Một số thông tin, tài liệu có thể được thu thập từ các hồ sơ, giấy tờ được ghi chép, lưu trữ tại công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh; một số thông tin khác có thể thu thập trong quá trình điều tra, khảo sát tại hiện trường.

    Bước 3: Sau kiểm toán: Sau khi tiến hành các cuộc khảo sát thực địa, KTV sẽ tiến hành tổng hợp và đánh giá các thông tin, dữ liệu thu thập được. Với các phát hiện kiểm toán, nhóm kiểm toán xây dựng báo cáo kiểm toán với các nội dung đề xuất giải pháp giúp cơ sở tuân thủ tốt hơn các quy định, chính sách về BVMT. 

Hình 1. Các bước thực hiện KTMT tại bang New South Wales

    + Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật KTTT của Malaysia

    Tài liệu hướng dẫn này được Bộ TN&MT Malaysia ban hành nhằm khuyến khích áp dụng rộng rãi KTMT như là một công cụ quản lý rủi ro và có thể kiểm tra, giám sát các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tuân thủ các quy định, chính sách môi trường.

    Nội dung chính của Tài liệu là hướng dẫn là đánh giá sự tuân thủ Luật Chất lượng môi trường năm 1974 và các văn bản quản lý môi trường khác. Quy trình thực hiện việc đánh gia được chia thành 3 giai đoạn (trước kiểm toán, kiểm toán tại cơ sở và sau kiểm toán).  Trong mỗi giai đoạn Tài liệu xây dựng hướng dẫn các bước thực hiện.

Hình 2. Các bước chính trong thực hiện KTTT ở Malaysia

    Nội dung chính của Tài liệu hướng dẫn là xây dựng các tiêu chí để đánh giá sự tuân thủ hoặc không tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT. Các tiêu chí được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật BVMT, Nghị định, Thông tư, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý môi trường. Các tiêu chí được lựa chọn để làm cơ sở đánh giá phải là những tiêu chí rõ ràng, được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, dễ so sánh, dễ đánh giá.

    + Tài liệu hướng dẫn KTTT tại Ấn Độ, Nepal

    Tại Ấn Độ, KTTT được thực hiện nhằm xác định và giải quyết bất kỳ thiếu sót nào trong việc quản lý, triển khai và thực thi yêu cầu và quy định về BVMT của cơ sở. Để giải quyết các thiếu sót đã xác định, cơ quan kiểm toán đã đưa ra các khuyến nghị để cải thiện chương trình và hệ thống quản lý môi trường. Một cuộc KTTT tại Ấn Độ được thực hiện theo quy trình gồm 3 giai đoạn (chuẩn bị lập kế hoạch kiểm toán, giai đoạn kiểm toán tại cơ sở và giai đoạn xây dựng báo cáo sau kiểm toán). Tài liệu hướng dẫn này quy định chi tiết việc xây dựng các tiêu chí đánh giá tuân thủ. Các tiêu chí đánh giá cho cuộc KTTT có thể gồm 1 quy định hoặc nhiều các quy định/chính sách như sau: Luật Chất thải nguy hại - The Hazardous Wastes (Management, Handling and Transboundary Movement) Rules (2008); Luật Quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt - The Municipal Solid Wastes (Management and Handling) Rules (2000); Luật Sản xuất và sử dụng nhựa tái chế - The Recycled Plastics Manufacture and Usage Rules (1999); Các quy định, hiệp định quốc tế về môi trường.

    Tại Nepal, tiêu chí cho đánh giá KTTT không chỉ đến từ các văn bản pháp luật của quốc gia mà còn có thể đến từ các hiệp định/công ước quốc tế mà Nepal đã ký kết, tham gia như các hiệp định/công ước quốc tế liên quan đến vấn đề quản lý chất thải rắn, quản lý khí thải; các hiệp định/công ước quốc tế liên quan đến đa dạng sinh học.

    2.2. Về kiểm toán chất thải

    + Tài liệu hướng dẫn thực hiện KTCT của nước Cộng hòa RWANDA: Mục đích của Tài liệu hướng dẫn về KTCT của các dự án công nghiệp để đảm bảo rằng, việc thực hiện các dự án công nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định về BVMT. Đối với các ngành công nghiệp, Tài liệu hướng dẫn thực hiện các loại kiểm toán: ô nhiễm không khí công nghiệp, ô nhiễm nước thải công nghiệp, quản lý chất thải, đa dạng sinh học. Đối với nội dung KTCT, tập trung vào kiểm soát phát sinh chất thải, giảm thiểu tác động bất lợi từ chất thải tới môi trường.

    Về cơ bản, quy trình KTCT trong hướng dẫn này được thực hiện theo 3 giai đoạn (trước kiểm toán, giai đoạn kiểm toán tại cơ sở và giai đoạn sau kiểm toán). Cụ thể được thực hiện trong 7 bước như sau:

    Bước 1: Thu thập thông tin sơ bộ về dự án/ cơ sở được đánh giá.

    Bước 2: Thành lập nhóm kiểm toán.

    Bước 3: Xây dựng chương trình kiểm toán.

    Bước 4: Thực hiện kiểm toán tại cơ sở.

    Bước 5: Chuẩn bị cho báo cáo kiểm toán.

    Bước 6: Hoạt động sau kiểm toán.

    Bước 7: Xây dựng báo cáo cuối cùng.

    Hướng dẫn cũng có nêu ra vấn đề về tần suất để thực hiện các cuộc KTCT. Tần suất của việc thực hiện KTCT nên được thực hiện linh động trong từng trường hợp, đối với các cơ sở có hồ sơ môi trường kém thì nên thực hiện kiểm toán thường xuyên hơn đến khi dữ liệu hồ sơ được cải thiện. Đối với các cơ sở thực hiện tốt các quy định về BVMT thì tần suất thực hiện KTCT có thể được kéo dài hơn.

    + Tài liệu hướng dẫn thực hiện kiểm toán chất thải của tổ chức UNIDO và UNEP

    Các bước để thực hiện KTCT được thiết kế với nội dung chung nhất để đảm bảo có thể áp dụng cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp. Quy trình KTCT được hướng dẫn thực hiện của 2 tổ chức trên được thực hiện trong 3 giai đoạn, theo 20 bước.

    So với các hướng dẫn thực hiện KTCT của các quốc gia khác, Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của UNIDO và UNEP có bổ sung hướng dẫn về phân tích chi phí, lợi ích của từng giải pháp hành động. Việc thực hiện phân tích chi phí - lợi ích giúp nhóm kiểm toán đưa ra được những đề xuất có tính hiệu quả nhất về kinh tế để cơ sở lựa chọn thực hiện.

Hình 3. Quy trình thực hiện KTCT của UNIDO và UNEP

    + Tài liệu hướng dẫn thực hiện KTCT của Thái Lan

    Tại Thái Lan, nội dung KTCT được thực hiện nhằm mục tiêu tối thiểu lượng chất thải phát sinh trong sản xuất công nghiệp. Các cuộc kiểm toán này được gọi là KTCT hay kiểm toán giảm thiểu chất thải. Mục đích thực hiện KTCT nhằm đánh giá quá trình đầu vào, đầu ra để tìm ra phương pháp quản lý chất thải phát hiệu quả nhất cũng như thực hiện tiêu dùng, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý và bền vững. Tài liệu hướng dẫn chi tiết về phương pháp đánh giá cân bằng vật chất, đây là nội dung quan trọng nhất trong thực hiện KTCT. Việc thực hiện cân bằng vật chất có thể được áp dụng cho toàn bộ quy trình sản xuất hoặc áp dụng cho từng quy trình sản xuất riêng lẻ. Để thực hiện cân bằng vật chất nhóm kiểm toán cần thu thập đầy đủ thông tin đầu vào, thông tin đầu ra và áp dụng các phương pháp, công thức để thực hiện đánh giá, tính toán cân bằng vật chất.

    Kết quả thực hiện cân bằng vật chất có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất các giải pháp để quản lý chất thải tại cơ sở. Kết quả lý tưởng nhất khi thực hiện cân bằng vật chất là tổng khối lượng đầu vào bằng tổng khối lượng đầu ra, nhưng trên thực tế điều này rất khó xảy ra. Kết quả cân bằng vật chất thường được chấp nhận với tỷ lệ sai lệch < 10%. Tuy nhiên đối với các chất hóa học nguy hiểm thì độ chính xác về thực hiện cân bằng vật chất sẽ yêu cầu kết quả tính toán chính xác hơn và khắt khe hơn.

    Từ kết quả thực hiện cân bằng vật chất nhóm kiểm toán có thể đề xuất các giải pháp để hạn chế lượng chất thải phát sinh.

Hình 4. Quy trình thực hiện KTCT tại Thái Lan

  1. Một số nội dung chính rút ra khi xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện KTMT

    Đối với một Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về KTMT, trong đó có nội dung hướng dẫn thực hiện KTTT và KTCT quy trình chung để thực hiện bao gồm 3 giai đoạn cụ thể (trước kiểm toán, giai đoạn kiểm toán tại cơ sở và giai đoạn sau kiểm toán). Trong mỗi giai đoạn có các bước thực hiện khác nhau. Tài liệu hướng dẫn cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng bước thực hiện trong mỗi giai đoạn. Các hướng dẫn càng chi tiết càng tạo thuận lợi cho tổ chức cá nhân nghiên cứu, áp dụng trong thực tế.

    Với Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thực hiện KTTT, một nội dung quan trọng là hướng dẫn xây dựng là tiêu chí đánh giá và danh sách kiểm tra để làm cơ sở so sánh, đánh giá được sự tuân thủ quy định pháp luật về BVMT của cơ sở và bộ câu hỏi để thu thập thông tin liên quan tới công tác quản lý môi trường. Đây được xem là 2 nội dung quan trọng để việc đánh giá KTTT được thực hiện chính xác, đầy đủ và không bị thiếu sót. Tài liệu hướng dẫn KTTT cần hướng dẫn việc xem xét toàn bộ quy định pháp luật về BVMT như hồ sơ, giấy phép về BVMT, hồ sơ, giấy phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tuân thủ việc thực hiện quan trắc, phân tích môi trường...

    Với nội dung hướng dẫn về KTCT, Tài liệu hướng dẫn cần tập trung về nội dung thực hiện cân bằng vật chất bao gồm việc hướng dẫn thu thập thông tin, số liệu, hướng dẫn việc sử dụng nguyên vật liệu, điện, nước và thông tin đầu ra như sản phẩm chính, sản phẩm phụ, các loại chất thải... tại nhà máy, cơ sở sản xuất; hướng dẫn tính toán cân bằng vật chất của từng quy trình sản xuất.

    Ngoài những thông tin chính trên, Tài liệu hướng dẫn cần có nội dung về thành lập nhóm kiểm toán, hướng dẫn lập kế hoạch kiểm toán, hướng dẫn thu thập thông tin... Đây là những nội dung cần thiết của một Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thực hiện KTMT.

ThS. Hàn Trần Việt, ThS. Trần Bích Hồng

 Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2022)

    Tài liệu tham khảo

  1. Environmental Management and Compliance Requirements Handbook.
  2. Nikar Goyal, 2019, Environmental Audit in India: Practices and Principles.
  3. Environmental Audit Guidance Manual (2011), Department of environmental Malaysia
  4. Unep, 1991, Audit and Reduction Manual for Industrial Emission and Wastes.
  5. World Bank, 2016, Environmental Audit Report.

 

 

 

Ý kiến của bạn