Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

El Nino và phát thải khí nhà kính khiến năm 2023 có thể là năm nóng nhất lịch sử

13/11/2023

    Theo Hãng tin Reuters, nhiệt độ không khí bề mặt trên toàn cầu vào tháng 10/2023 đã tăng 1,70C so với các tháng 10 trong giai đoạn từ năm 1850 - 1900, nghĩa là nóng hơn cả thời kỳ tiền công nghiệp.

    Ngày 8/11/2023, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, tháng 10/2023 đã phá vỡ kỷ lục tháng 10/2019, trở thành tháng 10 nóng nhất từng được ghi nhận. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra ở những tháng kế tiếp, năm 2023 nhiều khả năng sẽ trở thành năm nóng nhất trong suốt 125.000 năm.

    Trong báo cáo, C3S khẳng định ở thời điểm hiện tại, năm 2023 “gần như chắc chắn” là năm nóng nhất từng được ghi nhận, xét theo việc nhiệt độ tháng 10 năm nay đã phá vỡ kỷ lục trước đó vào năm 2016, cả 2 năm đều xảy ra hiện tượng El Nino.

    Bà Samantha Burges, Phó Giám đốc C3S mô tả sự bất thường của nhiệt độ trong tháng 10 là “rất khắc nghiệt”, kỷ lục của năm 2019 đã bị phá vỡ bởi 0,40C, đây là mức chênh lệch rất lớn. Tình trạng nắng nóng kỷ lục nói trên là kết quả của quá trình phát thải khí nhà kính liên tục từ hoạt động của con người kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra trong năm nay. Hiện tượng El Nino đã khiến lớp nước biển bề mặt ở khu vực phía đông Thái Bình Dương nóng lên một cách bất thường. Bà Samantha Burges nhấn mạnh: Bộ dữ liệu của C3S đã có từ năm 1940. Sau khi kết hợp dữ liệu của C3S với Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), chúng tôi có thể nói rằng đây là năm nóng nhất trong suốt 125.000 năm qua.

 

    Để tạo ra dữ liệu dài hạn về thời tiết trong quá khứ, Hội đồng Khoa học khí hậu Liên hợp quốc IPCC đã sử dụng phương pháp xác định thời tiết thông qua lõi băng, vòng cây và trầm tích san hô. Trước tháng 10/2023, tháng 9 là thời điểm đầu tiên ghi nhận mức chênh lệch nhiệt độ lớn nói trên. Mặc dù các nước trên thế giới đều đặt ra tham vọng cắt giảm lượng khí thải, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ quốc gia nào làm được việc này. Năm 2022, lượng khí thải CO₂ toàn cầu cũng đạt mức cao kỷ lục.

    Trước đó, thông qua việc phân tích Bộ dữ liệu nhiệt độ bề mặt toàn cầu của Trung Quốc 2.0 (CMST 2.0), nhóm nghiên gồm các nhà khoa học từ Trường Khoa học Khí quyển của Đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) tiến hành và được công bố ngày 19/9 trên Tạp chí Advances in Atmospheric Sciences cũng chỉ ra, năm 2023 đã trải qua nửa đầu năm nóng nhất kể từ khi số liệu được ghi chép, nhiệt độ bề mặt biển trung bình trên toàn cầu (SSTs) tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4, trong khi nhiệt độ không khí trên đất liền trung bình trên toàn cầu cũng tăng lên mức cao thứ 2 trong tháng 6. Sự kết hợp này khiến cho tháng 5 trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử về nhiệt độ bề mặt trung bình trên toàn cầu.

    Nghiên cứu còn cho thấy nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023, do các nhân tố gồm El Nino và cháy rừng lan rộng. Cả SSTs trung bình trên toàn cầu và nhiệt độ đất liền trung bình trên toàn cầu đều đạt mức cao chưa từng có vào tháng 7.

    Các nhà nghiên cứu dự báo năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, trong khi năm 2024 có thể ghi nhận nhiệt độ bề mặt toàn cầu còn cao hơn, dựa trên hướng dòng chảy và các kết quả dự báo ngắn hạn của El Nino, quá trình tăng giảm nhiệt độ bề mặt biển theo chu kỳ tại Đại Tây Dương (còn gọi là Dao động đa thập kỷ Đại Tây dương - AMO) - vốn ảnh hưởng mạnh đến nhiệt độ bề mặt toàn cầu.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn