Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Các nhà máy điện than toàn cầu: Sự bùng nổ và thoái trào năm 2022

07/06/2022

    Năng lượng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Chính sách năng lượng lấy an ninh năng lượng làm mục tiêu phấn đấu. Trong những năm trước đây, khi các nguồn cung cấp năng lượng còn giới hạn thì việc đảm bảo cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội là hướng ưu tiên, nên những tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án về năng lượng nói chung và các dự án về nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) chưa được quan tâm đầy đủ. Ngày nay những tác động tiêu cực của các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã và đang được thế giới quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đã mang tính toàn cầu, lũ lụt và hạn hán đã xảy ra ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia. Trước tình hình đó, vấn đề BVMT và sức khỏe cộng đồng đang đặt ra những đòi hỏi vô cùng bức thiết.

Tổng quan ngành nhiệt điện than trên thế giới

    Trên thế giới hiện có hơn 2.400 nhà máy điện than hoạt động ở 79 quốc gia (năm 2000 là 65 quốc gia), với tổng công suất gần 2.100 gigawatt (GW). Bên cạnh đó còn có thêm 176 GW công suất điện than đang được xây dựng tại hơn 189 nhà máy và 280 GW được kế hoạch tại 296 nhà máy. Nhiệt điện than đã và đang giữ vai trò chính trong sản lượng điện của thế giới và của nhiều nước. Ba nước có tổng công suất nhiệt điện than lớn nhất thế giới là Trung Quốc: 935GW, Hoa Kỳ: 279GW và Ấn Độ: 215GW, tiếp theo là: LB Đức: 50GW, Nhật Bản: 44,5GW, Nam Phi: 41,3GW, Hàn Quốc: 38GW, Ba Lan: 29GW và Inđônêxia: 28,6GW. Hiện tại có hai xu hướng về nhiệt điện than đó là xu hướng giảm, chủ yếu tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Áo, Ai-len, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan...) và xu hướng tăng, chủ yếu các nước ngoài OECD, nhất là các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Pakistan...

    Sự phát triển của ngành nhiệt điện than đã và đang tác động lớn tới môi trường. Các sản phẩm của quá trình đốt than phát tán ra môi trường bao gồm bụi, SOx, NOx, CO2. Khí SO2 phát thải sẽ gây mưa axit và do đó tác động lớn đến hệ sinh thái. Khí CO2 từ nhà máy điện đốt than gây hiệu ứng khí nhà kính, làm tăng nhiệt độ Trái đất và dẫn đến BĐKH. Do đó, các nhà máy nhiệt điện than đều phải áp dụng công nghệ hoặc/và hệ thống thiết bị nhằm kiểm soát nồng độ đầu ra các chất này dưới các giới hạn cho phép. Nước thải phát sinh từ nhà máy nhiệt điện than chủ yếu là nước làm mát các hệ thống thiết bị, nước vệ sinh các xưởng, các loại nước thải xỉ… cần phải được thu gom và xử lý theo quy định đáp ứng quy chuẩn môi trường. Lượng nước làm mát bình ngưng của các nhà máy rất lớn (khoảng 120÷150 lít/kWh). Hiện nay có hai phương án sử dụng nước để làm mát bình ngưng là phương án làm mát trực lưu sử dụng nguồn nước sông, biển và phương án làm mát bằng tháp làm mát. Nếu áp dụng phương án trực lưu, nước làm mát đầu ra sẽ có nhiệt độ cao hơn đầu vào khoảng 7oC. Điều này làm cho môi trường sống của các sinh vật biển như cá, tôm, tảo, san hô… bị ảnh hưởng nặng. Việc hút nước vào hệ thống làm mát giết chết rất nhiều cá, cá bị nghiền nát và luộc chín trong các màng lọc hệ thống. Ở Mỹ, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio giết 60 triệu tấn cá lớn mỗi năm, nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu tấn cá mỗi năm trong hệ thống làm mát của họ.

    Các chất thải rắn sinh ra trong quá trình đốt gồm tro bay, xỉ với một lượng lớn tùy theo thành phần tro có trong nhiên liệu than được vận chuyển và lưu chứa trong các bãi thải xỉ có thể gây ra vấn đề lớn về chiếm diện tích, ô nhiễm bụi, nước thải. Tái chế, tái sử dụng tro xỉ là cách thức khôn ngoan nhất đang được các nước trên thế giới thực hiện. Theo “World Wide Coal Combustion Products Networks”, từ năm 2010, tỷ lệ tái sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than tại các nước đã đạt mức bình quân 53,5%. Đến nay, các tiến bộ kỹ thuật đang cho phép sử dụng nhiều hơn tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Chẳng hạn, sử dụng tro bay làm phụ gia khoáng cho xi măng, làm nguyên liệu sản xuất clinke xi măng, làm gạch xi măng cấp phối, gạch nhẹ; sử dụng tro xỉ làm lớp nền và lớp lót cho đường giao thông, gia cố nền đường...

Một nhà máy nhiệt điện than ở Nhật Bản được xây dựng trước năm 1995 có hiệu suất thấp và phát thải nhiều khí CO2

Cần có sự cắt giảm mạnh mẽ, nhanh chóng để đạt được các mục tiêu về khí hậu

    Năm 2021 là một năm quan trọng trong quá trình toàn cầu tiếp tục chuyển đổi khỏi điện than mới, với nhiều quốc gia đưa ra cam kết công khai quan trọng để xoay chuyển tương lai năng lượng của họ tránh xa khỏi than và hàng loạt công suất điện than tiền xây dựng bị hủy bỏ. Một hội nghị COP 26 tập trung vào than, dựa trên những lời kêu gọi trước đó của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về việc chấm dứt xây dựng nhà máy điện than mới, đã tạo ra động lực trong việc toàn cầu chuyển hướng khỏi điện than mới, với tiến bộ đáng kể được công bố tại COP 26 ở Glasgow vào tháng 11/2021.

    Theo khảo sát hàng năm lần thứ tám về dự án nhà máy điện than của Cơ quan Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor), công suất nhà máy điện than đang được phát triển trên toàn cầu đã giảm vào năm 2021. Báo cáo cho thấy, sau khi tăng lần đầu tiên vào năm 2020 kể từ năm 2015, tổng công suất điện than đang được phát triển đã giảm 13% vào năm 2021, từ 525 gigawatt (GW) xuống còn 457 GW, một mức thấp kỷ lục. 34 quốc gia có nhà máy than mới đang được xem xét, giảm từ 41 quốc gia vào tháng 1/2021. Đặc biệt, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cam kết ngừng cấp vốn cho các nhà máy điện than mới ở các nước khác, tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu tất cả các quốc gia về xây dựng các nhà máy điện than mới trong nước, cũng như đưa vào vận hành nhiều công suất điện than hơn tất cả phần còn lại của thế giới.

    Bên cạnh đó, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã cho ngừng hoạt động 12,9 GW điện than - mức kỷ lục - vào năm 2021, trong đó số công suất điện than bị ngừng hoạt động nhiều nhất ở Đức (5,8 GW), Tây Ban Nha (1,7 GW) và Bồ Đào Nha (1,9 GW). Bồ Đào Nha trở thành quốc gia không có điện than vào tháng 11/2021, sớm hơn 9 năm so với mục tiêu loại bỏ điện than vào năm 2030 của họ. Các nền kinh tế mới nổi đã cắt giảm kế hoạch tăng cường công suất nhiệt điện than mới, trong đó mức cắt giảm lớn nhất là ở Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Ai Cập.

    Báo cáo quan trọng của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cho thấy, không còn ngân sách carbon để xây thêm các nhà máy điện than mới và việc sử dụng than cần giảm 75% vào năm 2030 (từ mức năm 2019) để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,50C, phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Để phù hợp với mục tiêu đó, các nước OECD nên loại bỏ điện than chậm nhất vào năm 2030 và phần còn lại của thế giới chậm nhất vào năm 2050.

Nguyễn Thành Trung

Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

 

Ý kiến của bạn