Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Báo cáo của McKinsey đưa ra đánh giá toàn diện về yêu cầu chuyển đổi kinh tế nhằm đạt được trạng thái phát thải net-zero

27/01/2022

    ​Viện Toàn cầu McKinsey (MGI), đơn vị nghiên cứu kinh doanh và kinh tế của McKinsey, được thành lập năm 1990 nhằm xây dựng hiểu biết sâu hơn về nền kinh tế toàn cầu với những biến chuyển không ngừng. Sứ mệnh của McKinsey là cung cấp cho các nhà lãnh đạo khu vực thương mại, nhà nước và xã hội những dữ liệu thực tế và nhận định am tường làm nền tảng cho các quyết định quản trị và chính sách. Nghiên cứu của MGI kết hợp các chuyên ngành kinh tế và quản trị, sử dụng các công cụ phân tích kinh tế với những hiểu biết am tường của lãnh đạo các doanh nghiệp. MGI áp dụng phương pháp luận “từ vi mô tới vĩ mô” để nghiên cứu các xu hướng ngành kinh tế vi mô nhằm hiểu rõ hơn các động lực kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và chính sách công.   

    Khi các cam kết để đạt trạng thái net-zero trong phát thải khí nhà kính vào năm 2050 đang gia tăng trên toàn cầu, câu hỏi làm thế nào để các cam kết này trở thành hiện thực và làm thế nào để quản trị công cuộc chuyển đổi kinh tế tương ứng với các cam kết đó, được quan tâm hơn bao giờ hết. Một báo cáo mới đây của McKinsey & Company được công bố trong ngày 26/1/2022 cung cấp một góc nhìn rộng hơn so với các nghiên cứu khác tính đến thời điểm hiện tại về bản chất và mức độ của những chuyển đổi kinh tế cần diễn ra nhằm đạt được mục tiêu nói trên. Báo cáo mang tên “Chuyển tiếp sang trạng thái net-zero: Chi phí và lợi ích tiềm năng” (nguyên bản: The net-zero transition: What it would cost, what it could bring”) phân tích ý nghĩa của quá trình chuyển tiếp này xét theo các khía cạnh: nhu cầu, chi đầu tư ban đầu, chi phí sản xuất, và việc làm ở các ngành gây 85% tổng lượng phát thải, với phân tích sâu về 69 quốc gia.

    “Quá trình chuyển tiếp sang trạng thái net-zero sẽ dẫn đến một cuộc chuyển đổi kinh tế đồ sộ. Hành động của mỗi doanh nghiệp, mỗi Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ được điều phối dành cho các lĩnh vực, các quốc gia, và các cộng đồng dễ bị tổn thương có thể tạo điều kiện cho những điều chỉnh cần thiết về kinh tế xã hội”, bà Mekala Krishnan, một Giám đốc Hợp danh của Viện Toàn cầu McKinsey, đồng thời là tác giả chính của báo cáo, cho biết.

    Bản báo cáo đánh giá quá trình chuyển tiếp trên hai phương diện: các lĩnh vực kinh tế và các khu vực địa lý. Xuất phát điểm và lộ trình hướng tới trạng thái phát thải net-zero được sử dụng trong phân tích là kịch bản do Mạng lưới Phủ xanh hệ thống tài chính (NGFS) xây dựng với giả định thế giới đạt trạng thái phát thải net-zero ở năm 2050. Các phát hiện của báo cáo gồm:

    Quá trình chuyển tiếp sẽ mang tính phổ quát. Tất cả các ngành kinh tế và các quốc gia sẽ đều chịu ảnh hưởng, do các hệ thống sử dụng năng lượng và đất đóng vai trò nền tảng cho các nền kinh tế ở khắp nơi trên thế giới và gây phát thải sẽ đều được cải tổ.

    Quy mô chuyển đổi kinh tế sẽ rất lớn. Tổng chi đầu tư ban đầu cho tài sản vật lý sẽ đạt khoảng 275 nghìn tỷ USD từ nay đến 2050 - tương đương xấp xỉ 9,2 nghìn tỷ USD mỗi năm - tức là tăng 3,5 nghìn tỷ USD mỗi năm so với mức chi thường niên hiện nay, khi các hoạt động có mức phát thải cao giảm dần quy mô, và các hoạt động có mức phát thải thấp được đẩy mạnh. Đơn cử, hiện 65% tổng mức chi cho năng lượng và đất được dành cho các sản phẩm gây phát thải cao. Trong tương lai, 70% sẽ được dành cho các sản phẩm gây phát thải thấp và hạ tầng hỗ trợ, đảo ngược xu hướng hiện tại. Nếu tính đến mức tăng chi dự kiến, khi thu nhập và dân số tăng lên, cũng như các chính sách chuyển đổi hiện đang được xây dựng, mức tăng chi bắt buộc có thể sẽ thấp hơn, nhưng vẫn tăng khoảng 1 nghìn tỷ USD.

    Có thể cần tái phân bổ lao động trên diện rộng, khi quá trình chuyển tiếp sang trạng thái net-zero sẽ tạo thêm khoảng 200 triệu nhưng cũng làm biến mất khoảng 185 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

    Chuyển đổi sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian đầu. Thập kỷ tiếp theo sẽ đóng vai trò quyết định. Mức chi sẽ tăng từ 6,8% GDP ở thời điểm hiện tại lên 8,8% GDP trong giai đoạn 2026 -2030, sau đó sẽ giảm dần.

    Tác động của quá trình dịch chuyển sẽ được cảm nhận với mức độ không đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế, các quốc gia và các cộng đồng. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các ngành có sản phẩm hoặc hoạt động vận hành với lượng phát thải cao; các quốc gia có thu nhập thấp và có nguồn tài nguyên nhiên liệu hóa thạch lớn; và các cộng đồng có nền kinh tế bản địa phụ thuộc vào các ngành chịu ảnh hưởng của quá trình dịch chuyển. Các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất hiện đóng góp khoảng 20% GDP toàn cầu. Ngoài ra, 10% GDP toàn cầu nằm ở các ngành có chuỗi cung ứng phát thải cao, ví dụ như ngành xây dựng. Các hộ gia đình có thu nhập thấp ở khắp nơi trên thế giới có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá điện rất đắt trong tương lai gần và những chi phí đầu tư ban đầu có thể phát sinh mà họ phải trả ngay để có được các sản phẩm phát thải thấp như máy sưởi và xe hơi chạy bằng điện.

    Sự dịch chuyển kinh tế về cơ bản sẽ ở mứccao hơn nếu quá trình chuyển tiếp diễn ra không có trật tự. Nếu không được quản lý tốt, cuộc dịch chuyển này sẽ đi kèm với rủi ro, bao gồm rủi ro thiếu hụt năng lượng và tăng giá. Nếu bị trì hoãn hoặc diễn ra quá đột ngột, cuộc dịch chuyển lại có thể gây rủi ro khiến tài sản bị mắc kẹt và người lao động bị mất việc làm.

    Đối với tất cả các chi phí và rủi ro đi kèm, các điều chỉnh kinh tế cần thiết để đạt trạng thái net-zero sẽ đi kèm với các cơ hội và ngăn chặn rủi ro vật lý tiếp tục gia tăng. Mặc dù tác động sẽ phân bố không đồng đều, song một quá trình chuyển tiếp được điều phối hiệu quả sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp, bao gồm tiềm năng giảm chi phí năng lượng trong dài hạn, cải thiện các chỉ số sức khỏe, và bảo tồn vốn tự nhiên. Các khía cạnh đem lại khả năng tăng trưởng có thể gồm: hiệu suất hoạt động được cải thiện nhờ phi carbon hóa và các thị trường mới cho hàng hóa có mức phát thải thấp được hình thành. Quan trọng nhất là, việc đạt được trạng thái phát thải net-zero và giới hạn được sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C sẽ ngăn chặn được những tác động mang tính thảm họa của biến đổi khí hậu, như hạn chế được nguy cơ xảy ra tình trạng tác hại leo thang theo cơ chế vòng lặp luẩn quẩn, và bảo toàn được khả năng kiềm chế không để trái đất nóng lên hơn nữa.

    Ông Hamid Samandari, một Giám đốc Hợp danh Cao cấp của McKinsey, cho rằng: “Một quá trình chuyển tiếp có trật tự hơn không những tránh được những tác hại tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, mà còn đem lại những lợi ích to lớn như giảm chi phí năng lượng và chi phí sản xuất trong dài hạn. Sự thống nhất giữa ý định và hành động là điều kiện cần thiết cho quá trình chuyển tiếp này, và cũng là lời báo hiệu cho cách giải quyết các vấn đề toàn cầu khác. Đồng thời, những rủi ro trong ngắn hạn của một quá trình chuyển tiếp không được suy nghĩ thấu đáo cũng cần phải tính đến”.

    Báo cáo chỉ ra 06 nguyên mẫu chính của các quốc gia, dựa trên bản chất chung của mỗi nguyên mẫu về mức độ chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển tiếp, bao gồm: các nước sản xuất tài nguyên nhiên liệu hóa thạch, các nước sản xuất có tỷ lệ phát thải cao, các nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, các nước thâm dụng đất, các nước sản xuất phát thải hạ nguồn, và các nền kinh tế dựa vào dịch vụ.  

    Việt Nam nằm ở nhóm các quốc gia thuộc nguyên mẫu thứ 2 “Các nước sản xuất có tỷ lệ phát thải cao” cùng với Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh, như sản xuất với mức độ phát thải cao, sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch, và nông nghiệp, chiếm tỷ trọng khá lớn, trung bình khoảng 18%, trong GDP của các quốc gia này. Việc làm có xu hướng tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp (hơn 20%), trong khi phần lớn dung lượng vốn lại nằm ở lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo và sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch.

    Các quốc gia thuộc nhóm nguyên mẫu thứ hai này nhiều khả năng sẽ điều chỉnh theo quá trình chuyển tiếp chủ yếu bằng cách phi carbon hóa các quy trình công nghiệp, mở rộng công suất điện từ năng lượng tái tạo, và hỗ trợ nông dân áp dụng các tập quán canh tác carbon thấp hoặc dần chuyển từ nông nghiệp sang các hoạt động khác. Các quốc gia này sẽ cần đầu tư đáng kể để phi carbon hóa nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng carbon thấp, tiếp cận năng lượng và khả năng chi trả cho tất cả mọi người.

    Phân tích của McKinsey cho thấy rằng các quốc gia trong nhóm này phải đối mặt với một rủi ro đặc biệt về tài sản bị mắc kẹt. Dung lượng vốn tại các quốc gia này (đơn cử như các nhà máy điện than) thường mới hơn so với tại các nền kinh tế tiên tiến. Nếu không lập kế hoạch cẩn thận, việc tiếp tục bỏ tiền vào các tài sản có chi phí thấp và mức phát thải cao có thể khiến các quốc gia này đứng trước nguy cơ phải dừng sử dụng sớm hơn dự kiến hoặc giảm khai thác các tài sản này chỉ sau vài năm khi thế giới chuyển sang con đường net-zero. Song song đó, các quốc gia trong nhóm này lại có tiềm năng phục vụ các thị trường hàng hóa có lượng khí thải thấp đang ngày một lớn mạnh. Xét trên bình diện rộng hơn, các quốc gia châu Á - trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm nguyên mẫu này - sở hữu những nguồn lực có lợi cho những đổi mới sáng tạo phát thải thấp.

    Thành công của quá trình chuyển tiếp sang trạng thái net-zero phụ thuộc vào sự chung tay của các doanh nghiệp, Chính phủ, tổ chức và cá nhân trên toàn cầu, đòi hỏi một sự chuyển biến toàn diện về tư duy, bao gồm việc chuẩn bị sẵn sàng cho một tương lai khó đoán định và những rủi ro trong ngắn hạn, hành động với quyết tâm cao hơn, thống nhất hơn và sáng tạo hơn và kéo dài niên độ của hoạt động lập kế hoạch và đầu tư. Các bên liên quan cũng sẽ cần đẩy mạnh những nỗ lực hiện tại để phi carbon hóa, nắm bắt cơ hội, và thích ứng với rủi ro vật lý.

    “Quá trình chuyển tiếp kinh tế để đạt trạng thái net-zero sẽ là một quá trình phức tạp và đầy thách thức, nhưng cần thiết”, theo ông Dickon Pinner, một Giám đốc Hợp danh tại McKinsey và đồng lãnh đạo McKinsey Sustainability. “Câu hỏi lúc này là liệu thế giới có thể hành động một cách táo bạo và mở rộng những biện pháp ứng phó và những khoản đầu tư cần thiết trong thập kỷ tới đây hay không”.

    Nghiên cứu công bố được dựa trên nghiên cứu đề cương của McKinsey với tiêu đề Solving the net-zero equation: Nine requirements to for a more orderly transition (tạm dịch: “Giải phương trình net-zero: Chín yêu cầu đặt ra để có được một quá trình chuyển dịch trật tự hơn”) và là nghiên cứu tiếp theo xuất bản phẩm được ra mắt năm 2020 với tiêu đề Climate risk and response: Physical hazards and socioeconomic impacts (tạm dịch: “Rủi ro khí hậu và biện pháp ứng phó: Mối nguy vật lý và tác động kinh tế xã hội”) - một nỗ lực nghiên cứu đa lĩnh vực được McKinsey thực hiện trong suốt một năm, tập trung nghiên cứu rủi ro vật lý và tác động tiềm ẩn đến con người, các cộng đồng, vốn tự nhiên và vật lý, và hoạt động kinh tế, cũng như ý nghĩa đối với các doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức tài chính và mỗi cá nhân.

    Toàn văn báo cáo do McKinsey Sustainability, Ban Tư vấn Năng lượng & Vật liệu Toàn cầu, Ban Tư vấn các ngành Công nghiệp Tiên tiến và Viện Toàn cầu McKinsey phối hợp thực hiện được đăng tại: mck.co/netzerotransition.

An Vi

Ý kiến của bạn