03/07/2019
Từ năm 2010, Chương trình Thủ đô xanh châu Âu do Ủy ban châu Âu điều hành đã được khởi xướng nhằm tạo nên một cuộc cạnh tranh trong khu vực để thúc đẩy đổi mới, đồng thời chứng minh khả năng thu hút đầu tư và các thành phố (TP) trên khắp châu Âu đã không ngừng nỗ lực để giành được danh hiệu này. Chiến thắng trong năm đầu tiên thuộc về TP. Stockholm của Thụy Điển, tiếp đó là Hamburg (Đức), Vitoria - Gasteiz (Tây Ban Nha), Nates (Pháp), Copenhagen (Đan Mạch), Bristol (Vương quốc Anh), Ljubljana (Slovenia) và Essen (Đức). Đến năm 2018, vượt qua các đối thủ nặng ký như Ghent (Bỉ), Lahti (Phần Lan) và Tallinn (Estonia), TP. Nijmegen (Hà Lan) đã vinh dự đón nhận Danh hiệu Thủ đô xanh châu Âu.
Tọa lạc bên cạnh dòng sông Waal êm đềm, Nijmegen thuộc tỉnh Gelderland, gần với biên giới nước Đức, là đô thị cổ nhất Hà Lan với hơn 2000 năm lịch sử, đại diện cho văn hóa của xứ xở hoa tulip. Khác với vẻ đẹp phồn hoa của Amsterdam, Nijmegen sở hữu nét nền nã đồng nội với các ngọn đồi bao la, cánh rừng bạt ngàn cùng công trình kiến trúc cổ kính đan xen hiện đại. Nơi đây còn có các con đê uốn quanh ven TP, kết hợp với thiên nhiên kỳ vĩ, là địa điểm thích hợp cho các hoạt động ngoài trời, vừa thư giãn, vừa rèn luyện sức khỏe. Với phong cách Burgundian độc đáo, Nijmegen được mệnh danh là “TP miền Nam mang nhiều nét đặc trưng nhất của phương Bắc”, thể hiện sự giao thoa của hai miền đất nước, thu hút hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm.
Điều đặc biệt ở TP vừa cổ kính, vừa tân thời này so với các TP khác chính là phương tiện đi lại mà người dân thường xuyên sử dụng, đó là xe đạp. Từ lâu, hình ảnh xe đạp đã trở nên quen thuộc và trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống chậm rãi, thư thả của mọi ngóc ngách ở Nijmegen. Với 250.000 chiếc xe đạp, tỉ lệ đạp xe chiếm 65% trong tất cả các chuyến đi vào trung tâm TP và Đại học Radbound. Tại Nijmegen, có 60 km đường cao tốc dành riêng cho xe đạp, giúp cho việc đi lại bằng phương tiện này trở nên dễ dàng hơn. Sắp tới, sẽ có thêm 20 km đường cao tốc được xây dựng, biến xe đạp thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu trong các loại hình giao thông. Bên cạnh đó, xe buýt cũng là một lựa chọn khá tốt để BVMT tại Nijmegen. Toàn bộ xe buýt của TP chạy bằng khí sinh học, góp phần hạn chế lượng khí thải ra môi trường. Vé xe buýt một chiều trong TP chỉ có giá 1,5 euro và 3 euro với vé ngoại thành. Để sử dụng xe buýt, người dân và du khách phải mua thẻ điện tử gọi là “OV - chipkaart” với giá 7,5 euro.
Theo Karrmenu Vella, ủy viên Ủy ban Môi trường của Liên minh châu Âu, Nijmegen đã “thể hiện được kết quả mà sự hợp tác thực sự có thể đạt được”. Từ các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng và cam kết với nền kinh tế tuần hoàn, phong trào sử dụng xe đạp và phương tiện xanh vượt trội đến các biện pháp chống lụt lội tại sông Waal đã tạo nên tên tuổi Nijmegen trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững ở châu Âu.
Hình ảnh người dân đạp xe trên các con đường đã trở nên quen thuộc tại Nijmegen
Sử dụng 1.500 tấm pin mặt trời, thân thiện với môi trường
Như nhiều đô thị khác của Hà Lan, Nijmegen sở hữu môi trường xanh cùng bầu không khí trong lành, có 1.400 m2 mái nhà xanh và gần 1500 tấm pin mặt trời trên đỉnh các tòa nhà trong TP, giúp hấp thu ánh nắng mặt trời và tạo ra nguồn điện năng để hòa vào lưới điện, cung cấp điện cho các thiết bị điện trong nhà. Người dân tận dụng khoảng không của sân thượng, mái nhà và các khu đất cao, nhiều ánh sáng làm nơi lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT), biến ngôi nhà trở thành một trạm phát điện dựa vào NLMT, vừa cung cấp điện sinh hoạt cho gia đình, vừa thân thiện với môi trường.
Thiết kế hệ thống điện mặt trời trên mái ở Nijmegen mang lại nhiều ứng dụng thiết thực cho cuộc sống, đảm bảo không xả khí độc hại ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính, góp phần BVMT Xanh - Sạch - Đẹp. Theo đó, các tấm pin NLMT hấp thụ ánh nắng mặt trời và tạo ra dòng điện một chiều. Dòng điện này được truyền trực tiếp tới bộ chuyển đổi dòng điện (inverter). Bộ chuyển đổi inverter có nhiệm vụ chuyển dòng điện một chiều thành xoay chiều, kết nối với hệ thống điện sinh hoạt gia đình và ưu tiên sử dụng 100% điện mặt trời. Khi nguồn điện mặt trời cạn kiệt, các tải điện tiêu thụ mới chuyển sang sử dụng nguồn điện lưới. Quá trình lắp đặt và di chuyển hệ thống cũng dễ dàng với chi phí lắp đặt ban đầu hợp lý. Cách thiết kế khoa học này tiết kiệm diện tích đất ở và giúp ngôi nhà mát mẻ quanh năm. Đây là giải pháp năng lượng xanh ưu việt, giúp tiết kiệm năng lượng, BVMT.
Ngoài ra, hiện 67% chất thải tại Nijmegen đang được tái chế, góp phần đáng kể vào việc tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải. Lượng rác thải sinh hoạt còn lại được chuyển thành năng lượng, cung cấp cho hệ thống sưởi của toàn bộ cư dân TP. Nijmegen đặt mục tiêu tăng tỉ lệ tái chế chất thải lên 75% trong 2 năm tới.
Nhận thấy giữ gìn môi trường là việc làm không của riêng ai, bắt nguồn từ ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và môi trường, Nijmegen đang nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình bằng những việc làm thiết thực, để hình ảnh TP ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Có thể thấy, Danh hiệu “Thủ đô xanh châu Âu” là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của Nijmegen.
Lê Thị Ngà - Ngọc Lê
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)