06/08/2018
Saerbeck - Một thị trấn nhỏ ở huyện Steinfurt, bang North Rhine-Westphalia, miền Tây Bắc nước Đức thu hút du khách không chỉ bởi vẻ đẹp cổ kính và yên bình, mà còn ở cách người dân địa phương tạo ra nguồn năng lượng sạch, quản lý nguồn năng lượng này và duy trì một cuộc sống thân thiện với môi trường. Vì thế, Saerbeck được xem là mô hình “thị trấn xanh" tiêu biểu mà các thị trấn, TP khác trong khu vực và trên thế giới muốn học hỏi và hướng tới trong tương lai.
Từ kho đạn dược cũ kỹ đến công viên năng lượng mặt trời
Nằm cách trung tâm Saerbeck khoảng 1,5 km, khu căn cứ quân sự cũ rộng 90 ha với lô cốt, hầm xe tăng và lựu đạn từ Thế chiến thứ 2 hiện đã trở thành công viên năng lượng sinh học. Theo đó, khu vực này đã cải tạo để lắp đặt 7 tuabin gió, mỗi tuabin có công suất 3 MW. Các hầm chứa đạn cũ đã được sửa chữa lại và trang bị các tấm pin mặt trời, có khả năng tạo ra 5,7 MW. Tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 70 triệu Euro, được huy động từ các hợp tác xã, công ty địa phương và sự đóng góp tự nguyện của người dân. Tại đây, 4 nhà máy khí sinh học cung cấp nhiệt, điện, nhiên liệu sinh học và một số sản phẩm như phân bón chất lượng cao, vật liệu cách nhiệt, nhựa… Ngoài ra, một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về năng lượng sinh học do các các cơ sở giáo dục môi trường hợp tác với các viện nghiên cứu hàng đầu như Đại học Khoa học ứng dụng Münster.
Pin năng lượng mặt trời và tuabin gió tại Công viên năng lượng mặt trời Saerbeck
Vào năm 2008, Hội đồng Thị trấn Saerbeck đã quyết định chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và nguyên liệu sạch, nhờ đó, điện năng được sản xuất từ mặt trời, gió, nước và sinh khối. Theo kế hoạch, thị trấn sẽ hoàn thành mục tiêu chuyển đổi năng lượng vào năm 2030, tuy nhiên, với những chính sách hợp lý và sự chung tay của nhiều bên liên quan (công dân, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp…), thị trấn đã đạt được mục tiêu vào năm 2012 - 2013. Ban đầu, năng lượng mặt trời chỉ tạo ra khoảng 9,9 MW, chiếm 26% sản lượng địa phương, đủ cung cấp điện cho khoảng 2.000 gia đình. Khi 7 tua bin gió được lắp đặt, hệ thống tiếp tục sản xuất được thêm 7,2 triệu kWh điện. Đến năm 2007, thị trấn đã giảm 25% phát thải khí CO2 và cung cấp được 50% nhu cầu điện của người dân thông qua nguồn năng lượng tái tạo.
Hiện, Saerbeck đã tạo ra nguồn năng lượng tái tạo lớn gấp khoảng 3,5 lần nhu cầu sử dụng tối đa của cả thị trấn. Nhờ đó, thị trấn đã đạt được những thành tích như, hai lần đoạt giải Năng lượng châu Âu và nhận được giải thưởng Bền vững của Đức vào năm 2013. Năng lượng tái tạo còn mang lại doanh thu đáng kể cho thị trấn cùng các nhà đầu tư địa phương từ lượng điện dư thừa được bán lại vào lưới điện.
Khi con người là nhân tố quyết định
Theo Thị trưởng thị trấn Wilfried Roos, Dự án năng lượng tái tạo sẽ không thể thành công nếu không có sự hỗ trợ và những sáng kiến của cộng đồng địa phương. Mỗi người dân đều được khuyến khích tìm hiểu, tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển Dự án. Thị trưởng Wilfried Roos chia sẻ, mỗi tháng một lần, chính quyền thị trấn cùng thảo luận với người dân về năng lượng. Người dân là nhân tố quan trọng nhất trong việc đưa ra quyết định.
Các tấm pin mặt trời trên nóc nhà của một trường học tại thị trấn Saerbeck
Trên cơ sở đó, Dự án xác định quyền sử dụng và các lợi ích sinh ra từ nguồn năng lượng tái tạo là thuộc về cộng đồng, việc quản lý đô thị gắn liền với lợi ích của người dân địa phương. Không chỉ người lớn, trẻ em cũng được tham gia vào các dự án giáo dục môi trường hàng ngày, hay tham gia lắp đặt tấm pin mặt trời trong trường học… Ngoài ra, trong năm 2009, với sự cộng tác của các học sinh trung học tại thị trấn, Saerbeck đã xây dựng con một con đường đi bộ với nhiều mô hình về công nghệ, thiết bị sử dụng trong ngành năng lượng tái tạo, cho phép người dân tham quan, tìm hiểu một cách trực quan.
Dự kiến, trong tương lai, Saerbeck có kế hoạch triển khai các dự án mới, bao gồm xây dựng thêm một nhà máy địa nhiệt lớn trong công viên năng lượng sinh học nhằm tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo, phát triển hơn nữa nền kinh tế theo hướng bền vững, đồng thời cải thiện cuộc sống của người dân.
Lưu Trang (Theo National Observer)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)