Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Một số công trình thân thiện với môi trường ở thành phố Rotterdam, Hà Lan

03/03/2020

     Nằm ở phía Tây Hà Lan, với dân số khoảng 620.000 người, Rotterdam là một trong những thành phố đã áp dụng thành công các mô hình tái chế rác thải, góp phần BVMT Xanh - Sạch - Đẹp.

     Công viên từ rác thải nhựa

 

Công viên nổi vừa thu gom rác vừa là điểm đến thư giãn

 

     Theo một báo cáo của Bộ Hạ tầng và Môi trường Hà Lan, hàng năm có khoảng hơn 1.000 m3 rác thải nhựa (RTN) thải xuống sông Meuse và biển Bắc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhằm hạn chế lượng RTN, Quỹ đảo tái chế (Recycled Island Foundation) và 25 đối tác khác đã xây dựng thành công Công viên Tái chế ở TP. Rotterdam. Trong gần 5 năm, từ thiết kế đến thu hồi nhựa, thi công, Công viên Tái chế đã được xây dựng và khánh thành vào tháng 8/2018. Nhóm nghiên cứu đã dành 1,5 năm để phát triển, thử nghiệm, cải thiện bẫy rác và cuối cùng phát triển một hệ thống để thu giữ nhựa trôi nổi trên sông và cảng. Các bẫy rác có tác dụng thu gom, chứa rác trôi nổi, mặc dù giao thông đường thủy cũng như thủy triều liên tục thay đổi. Đây là một cấu trúc xanh nổi, không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa, mà còn được thiết kế như một môi trường sống hoang dã cho các loài động vật siêu nhỏ như ốc sên, giun, ấu trùng, bọ cánh cứng, cá… nhằm phủ xanh TP và cải thiện hệ sinh thái ở cảng Rotterdam.

     Con đường bằng vật liệu tái chế

     Không chỉ có công viên nổi, Hà Lan còn nổi tiếng với công nghệ làm đường bằng vật liệu tái chế. Công ty xây dựng VolkerWessels đã thực hiện hiệu quả kế hoạch xây dựng con đường sinh thái, thân thiện môi trường, bằng cách sử dụng chất thải từ nhựa để lát mặt đường - một cuộc cách mạng trong việc sử dụng nhựa tái chế, góp phần hạn chế lượng khí CO2 thải ra môi trường. 

 

Con đường bằng vật liệu tái chế

 

     Theo đó, con đường sinh thái được trải hoàn toàn bằng nhựa tái chế, với tính năng ưu việt, rút ngắn thời gian xây dựng, cũng như bảo trì, bởi độ bền gấp 3 lần đường làm từ bê tông. Việc lắp đặt các ống dẫn tiện ích, dây cáp thuận tiện hơn và được bố trí dưới mặt đường, dễ dàng cho việc thoát nước, xử lý việc tắc nghẽn ống dẫn nước. Ngoài ra, các bề mặt nhựa có thể chịu được nhiệt độ từ -40°C đến 80°C, giúp giảm thiểu lượng khí thải CO2 từ nhựa đường.

     Nhà hàng nổi Drijvend Paviljoen

     Là một tổ hợp của 3 bán cầu trong suốt, hình quả bóng nổi, có chiều cao 12 m, Drijvend Paviljoen là kết quả đầu tiên của “Sáng kiến khí hậu Rotterdam” với mục đích xây dựng những căn nhà có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở các khu vực bên ngoài đê.

     Nhà hàng nổi Drijvend Paviljoen có khung cảnh đẹp, cùng nhiều tiện nghi, thuận tiện cho cả giao thông đường bộ và đường thủy. Đây là địa chỉ thường xuyên diễn ra các hoạt động về văn hóa, phát triển bền vững, công nghệ sạch, lễ hội ẩm thực... Drijvend Paviljoen không chỉ đặc biệt bởi thiết kế hình bóng đèn nổi trên mặt nước, mà còn thể hiện sự sáng tạo, tính bền vững, độ linh động, khả năng chống BĐKH. Mái vòm được làm bằng tấm ETFE nhẹ hơn so với thủy tinh khoảng 100 lần; khả năng tự sưởi ấm bằng hệ thống năng lượng mặt trời và làm mát từ hơi nước, qua đó, giúp giảm một nửa lượng khí thải CO2. Ngoài ra, Drijvend Paviljoen còn được lắp đặt hệ thống xử lý nước vệ sinh, đảm bảo đủ điều kiện trước khi thải ra vịnh. Đặc biệt, nhà hàng nổi tự động dâng theo mực nước - một hình mẫu cho các tòa nhà chống BĐKH sẽ mọc lên ở Rotterdam trong tương lai.

     Khu rừng Bobbing

     Khu rừng nổi có tên Bobbing là ý tưởng của nghệ sỹ Jorge Bakker - người Columbia nhưng sinh sống, làm việc ở Hà Lan. Dự án được hiện thực hóa nhờ nỗ lực của nhà sáng tạo nghệ thuật Jeroen Everaert và nhà sử học kiêm doanh nhân Anne Vander Zwaag với việc chọn cây du Hà Lan - Loại cây gỗ chắc, có thể phát triển mạnh ngay cả trong nước mặn. Tháng 3/2016, 20 cây du Hà Lan đầu tiên của khu rừng này được trồng vào trong các phao nhựa cũ tái chế, khi nước ở bến cảng quá mặn, một ngăn chứa nước ngọt trong phao sẽ phát huy tác dụng, cho phép cây phát triển trong gần 4 năm mà không cần phải tưới nước.

     Những thân cây nhỏ trôi bồng bềnh trên mặt nước gợi nhắc mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và thế giới xung quanh. Rừng Bobbing được coi là mô hình cho các công viên tương lai ở Rotterdam - TP có tới 1/3 diện tích bị phủ nước và 80% diện tích thấp hơn mực nước biển.

 

Gia Linh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

 

Ý kiến của bạn