Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Luật Kiểm soát và Phòng ngừa ô nhiễm nước của Trung Quốc - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

20/06/2014

     Trung Quốc chiếm 22% dân số thế giới, trong khi chỉ có khoảng 7% nước sạch. Tình trạng thiếu nước sạch ngày càng trở nên nghiêm trọng khi nguồn nước tự nhiên đã và đang bị ô nhiễm do tác động của các hoạt động phát triển công nghiệp và đô thị tại Trung Quốc trong 20 năm qua. Thống kê cho thấy, trên 70% nguồn nước các sông, hồ và 50% các đô thị có nước ngầm bị ô nhiễm.

     Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó có Luật Kiểm soát và Phòng ngừa ô nhiễm nước năm 1984 (trước khi có Luật BVMT).

     Sự hình thành Luật Kiểm soát và Phòng ngừa ô nhiễm nước

     Pháp luật về BVMT Trung Quốc được quy định tại nhiều đạo luật, trong đó, Luật BVMT được xem là “luật khung”, quy định những vấn đề chung, cơ bản, khái quát, còn việc bảo vệ, quản lý 4 thành phần quan trọng của môi trường gồm nước, không khí, chất thải rắn và tiếng ồn được quy định trong các đạo luật mang tính chuyên sâu, trong đó bảo vệ nguồn nước luôn là một ưu tiên trong quá trình phát triển hệ thống pháp luật về môi trường của Trung Quốc.

     Vào năm 1972, tình trạng ô nhiễm nước ở vịnh Đại Liên gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành thủy sản và sự cố ô nhiễm nước tại sông Tùng Hoa gây ra bệnh Minamata cho người dân địa phương do ăn cá từ sông bị ô nhiễm. Nhận thấy việc kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN) là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, năm 1984, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Luật Kiểm soát và Phòng ngừa ô nhiễm nước (WPPCL) (1984) và Luật BVMT Biển (1999). Luật WPPCL có 7 chương và 46 điều là Luật đầu tiên của Trung Quốc về phòng chống và kiểm soát ô nhiễm, tập trung chủ yếu vào ô nhiễm công nghiệp. Luật WPPCL đã được sửa đổi lần đầu vào năm 1996, với 23 điều được điều chỉnh, bổ sung.

     Năm 2008, Luật WPPCL tiếp tục sửa đổi do hậu quả của việc ô nhiễm nước nghiêm trọng trên cả nước và các sự cố về ô nhiễm nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Vào năm 2007, Dự thảo sửa đổi Luật WPPCL được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc và sau đó, đã được công bố công khai để lấy ý kiến trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên một dự thảo luật môi trường đã được công bố công khai, lần đầu tiên toàn bộ công dân Trung Quốc tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật về môi trường. Trong vòng một tháng, Ban Pháp chế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc đã nhận được hơn 1.400 ý kiến góp ý của nhân dân. Ngày 28/2/2008, Ủy ban đã bỏ phiếu để thông qua Luật WPPCL mới.

     Vai trò của Luật Kiểm soát và Phòng ngừa ô nhiễm nước của Trung Quốc

     So với Luật WPPCL 1996, Bộ Luật năm 2008 có nội dung bao quát hơn, cấu trúc Luật hoàn chỉnh hơn, có nhiều điểm mới và cơ chế phạt nghiêm khắc hơn. Có thể tóm tắt 4 nội dung mới của Luật WPPCL 2008 như sau:

     Củng cố trách nhiệm BVMT của chính quyền địa phương: Theo Luật WPPCL 2008, chính quyền địa phương phải đưa BVMT nước vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính quyền sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng nước trong khu vực quản lý tương ứng của mình. Luật cũng quy định lấy thành tích đạt được trong mục tiêu bảo vệ nước là một chỉ số để đánh giá hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý môi trường. Cụ thể, chính quyền địa phương phải ký cam kết trách nhiệm với Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu BVMT trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, một trong số các mục tiêu đó là giảm nhu cầu ôxy hóa (COD) trong nước xuống 10% trong giai đoạn 2006 - 2010. Qua đó, Chính phủ sẽ xem xét các mục tiêu để đánh giá chính quyền địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.

 

Bộ TRÁCH NHIỆM CHÍNH
BVMT Xây dựng các chính sách, quy định và tiêu chuẩn KSON; Giám sát chất lượng nước; Kiểm tra báo cáo ĐTM của các dự án thủy lợi; Tham gia các chính sách tài nguyên nước
Tài nguyên nước Quản lý tài nguyên nước; Lập kế hoạch dự phòng cho tài nguyên nước; Quản lý dự án thủy lợi; Xây dựng chính sách thu phí tài nguyên nước; Phân bổ nước; Kiểm tra chất lượng và khối lượng nước mặt
Xây dựng Giám sát quy hoạch và xây dựng kế hoạch xử lý nước thải; Quản lý nước uống ở các thành phố; Quản lý cấp nước và sử dụng nước ở các thành phố
Nông nghiệp Kiểm soát nguồn nước ô nhiễm từ hoạt động nông nghiệp, bảo vệ tưới tiêu nông nghiệp
Tài chính Tham gia quản lý phí nước thải, xây dựng các tiêu chuẩn về thuế
Giá Quyết định lệ phí xử lý nước thái và giá tài nguyên nước

 

     Tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào công tác BVMT: Để giải quyết các vấn đề môi trường nghiêm trọng của Trung Quốc, bao gồm ô nhiễm môi trường nước, sự tham gia của cộng đồng trong công tác BVMT nước là rất quan trọng. Theo quy định của Luật WPPCL 2008, cộng đồng có quyền yêu cầu tiết lộ thông tin về chất lượng nước quốc gia một cách thống nhất. Bộ BVMT Trung Quốc có trách nhiệm ban hành các thông tin về tiêu chuẩn chất lượng nước quốc gia để tránh nhầm lẫn và bảo đảm công chúng được cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy về chất lượng nước. Luật mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp môi trường. Bên cạnh đó, Luật có một điều khoản quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại môi trường. Theo Điều 88, nếu số lượng (lớn hơn 10) các bên có quyền lợi hợp pháp bị thiệt hại trong một sự cố ô nhiễm nguồn nước với mức độ tương đối lớn, các bên có thể lựa chọn một đại diện để nộp đơn kiện tập thể.

 

 

Mặc dù, những năm gần đây sông Dương Tử đã bị ô nhiễm bởi các nhà máy
bao quanh nhưng người dân vẫn phải lấy nước cho sinh hoạt hàng ngày

 

     Đối với các đơn vị vi phạm pháp luật và gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước (nếu vụ việc là nghiêm trọng), chủ doanh nghiệp/nhà máy sẽ phải nộp khoản tiền phạt dưới 50 % doanh thu của doanh nghiệp trong năm trước đó. Luật mới cũng mở rộng các biện pháp thực thi bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp và được thực hiện bởi cơ quan môi trường địa phương. Ví dụ, Luật mới quy định, đối với các đơn vị thiết lập trái phép cống thoát nước hoặc đường ống ngầm, cơ quan môi trường địa phương hoặc Bộ BVMT phải ban hành lệnh dỡ bỏ trong một thời gian nhất định.

     Cải thiện một số công cụ quản lý: Theo Luật WPPCL 2008, để kiểm soát được hoàn toàn chất lượng nước dòng sông, hồ thì bắt buộc ngay cả các nhà máy đạt tiêu chuẩn cũng phải giảm lượng thải các chất gây ô nhiễm chính. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải giảm thiểu và kiểm soát tổng lượng thải các chất gây ô nhiễm nước trong khu vực hành chính và Chính phủ chịu trách nhiệm tương ứng để giảm thiểu và kiểm soát tổng lượng thải các chất trong phạm vi quốc gia. Đối với những nơi có tổng lượng thải các chất gây ô nhiễm nước trên mức quy định, cơ quan BVMT địa phương sẽ phải dừng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với hạng mục công trình nào có thể làm tăng tổng lượng phát thải các chất gây ô nhiễm.

     Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

     Để bảo vệ TN&MT, đặc biệt là môi trường nước, dựa vào bài học của Trung Quốc, Việt Nam cần xem xét ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải, kiểm soát ô nhiễm đối với các chất độc hại. Đặc biệt, chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN).

     Hệ thống kiểm soát ô nhiễm bao gồm các chính sách và quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm... Việc xây dựng Luật riêng về KSONN là rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay, nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý môi trường nước đạt hiệu quả. Luật KSONN cần tập trung vào 3 vấn đề: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước; Tiêu chuẩn và quy định phát thải; Kiểm soát tổng lượng chất ô nhiễm. Trong đó, tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước được quy định áp dụng đồng bộ cho tất cả mọi nguồn nước và chia thành nhiều nhóm tùy theo mục đích sử dụng.

     Các biện pháp cải thiện chất lượng nước có thể được phân thành 2 loại: Những biện pháp giảm tải lượng ô nhiễm tại vùng ô nhiễm nước (biện pháp nguồn phát thải); Những biện pháp lọc ngay tại khu vực ô nhiễm nước (biện pháp lọc trực tiếp). Nước thải công nghiệp từ các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh hay các trại chăn nuôi quy mô lớn được quy định bởi quy chế kiểm soát nước thải nhằm giảm tải lượng phát thải.

     Bên cạnh hệ thống chính sách kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cũng như người dân cần nỗ lực phối hợp trong việc làm sạch môi trường. Việc khuyến khích các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các phương tiện truyền thông đại chúng về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học cần được tăng cường.

     Để thực hiện được những bài học kinh nghiệm trên, Việt Nam cần có những thay đổi trong cách tiếp cận mới:

     Thứ nhất, cần chuyển đổi sang mô hình phát triển mới là “Kinh tế xanh”, nghĩa là không chỉ mang lại phúc lợi cho con người mà phải duy trì và phát triển hệ sinh thái. Muốn vậy, bên cạnh việc khai thác phải đầu tư trở lại cho tự nhiên để phục hồi hệ sinh thái. Đối với những tài nguyên không tái tạo, nguồn lợi thu được cần gìn giữ.

     Thứ hai, trong bối cảnh của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề bảo vệ TN&MT cần có sự kết hợp hài hòa giữa các giải pháp quản lý, nền tảng của các giải pháp này là thay đổi nhận thức của con người, chú trọng tới đạo đức, khơi dậy cái “tâm” của con người đối với thiên nhiên. Ngoài ra, cần phải lượng giá được tài sản của thiên nhiên để có sự so sánh giữa các phương án lựa chọn, phục vụ cho thiết kế chính sách về bảo vệ TN&MT.

 

Nguyễn Thị Ái Phương

Chuyên gia thể chế môi trường

(Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức)

Ý kiến của bạn