06/08/2020
Trong những năm gần đây, sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV) là nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực hiện sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững đang được coi là cách tiếp cận hiệu quả, toàn diện nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế và BVMT. Là một nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trên thế giới, hoạt động SX&TDBV đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn trong việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát thải chất thải và các chất ô nhiễm, để đảm bảo những mục tiêu phát triển bền vững (PTBV).
Kinh nghiệm của thế giới về thực hiện SX&TDBV
Nhật Bản
Sự phát triển kinh tế nhanh của Nhật Bản trong những năm qua dựa vào quá trình phát triển các ngành công nghiệp cơ bản như sắt thép, công nghệ thông tin, đóng tàu, hóa chất, cơ khí lắp ráp... Thực hiện quan điểm về SX&TDBV, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành lồng ghép trong các chính sách quốc gia như: Quyết định về “Chiến lược xã hội bền vững của Nhật Bản: Trở thành quốc gia dẫn đầu về môi trường trong thế kỷ 21” được ban hành ngày 1/7/2007 là cơ sở cho việc thực hiện kinh tế xanh tại Nhật Bản, với 3 trọng tâm chính (xã hội các bon thấp, xã hội tuần hoàn vật chất và xã hội hài hòa với tự nhiên); Chính sách “Kinh tế xanh và sự thay đổi xã hội” được Bộ Môi trường ban hành vào tháng 3/2009; Chiến lược phát triển mới được Chính phủ ban hành vào tháng 8/2010. Năm 2009, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết thực hiện giảm khí nhà kính và tăng nguồn cung từ năng lượng tái tạo lên 10% trong năm 2020 thông qua việc phát triển năng lượng mặt trời, các nguồn năng lượng thay thế khác. Phương pháp tiếp cận mới hy vọng sẽ tạo ra 50 tỷ yên và 1,4 triệu công việc mới trong năm 2020.
Cùng với đó, Chương trình nhãn sinh thái (NST) của Nhật Bản cũng được ban hành và điều hành bởi Hiệp hội Môi trường Nhật Bản (JEA), quản lý phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO 14020 và ISO 14024. Chương trình đề ra mục tiêu hướng người tiêu dùng đến sự lựa chọn các sản phẩm sinh thái thay đổi lối sống cộng đồng và môi trường trong lành hơn cho xã hội. Mục đích của Chương trình NST của Nhật Bản nhằm phổ biến rộng rãi thông tin về các khía cạnh môi trường của sản phẩm và hướng dẫn hoạt động của doanh nghiệp, người tiêu dùng theo hướng hình thành xã hội bền vững. Chương trình NST của Nhật Bản là chương trình tự nguyện, mở cửa cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 75% số giải thưởng của chương trình được trao cho các doanh nghiệp này. JEA là thành viên của Mạng lưới NST toàn cầu (GEN), do vậy, Chương trình không chỉ góp phần trao đổi thông tin mà còn hỗ trợ các chương trình NST trên toàn thế giới, góp phần loại bỏ các rào cản thương mại không cần thiết. Tháng 2/1996, dưới sự bảo trợ của Cơ quan môi trường Nhật Bản, Mạng lưới mua sắm xanh (GPN) được thành lập. Mục tiêu của chương trình góp phần giảm những tác động tới môi trường thông qua việc mua sắm xanh.
GPN và Chương trình chứng nhận sinh thái (Ecomark) có mối liên hệ chặt chẽ trong quá trình phát triển các sản phẩm sinh thái ở Nhật Bản. Theo kết quả thống kê của Văn phòng Ecomark, trong khoảng 10 năm qua, có 4.617 sản phẩm, 1.633 công ty và 47 nhóm sản phẩm được chứng nhận NST. Hiện tại, Chương trình NST của Nhật Bản đã thực hiện liên kết với các chương trình NST của các nước khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Newzeland.
Pháp
Là một trong nhiều quốc gia đi đầu trong việc thực hiện tăng trưởng xanh, bao gồm việc thực hiện SX&TDBV. Quốc gia này đã thiết lập nhiều mục tiêu khác nhau như: Sản xuất điện năng từ nguồn nhiên liệu tái tạo dự kiến đạt 23% vào năm 2020; khôi phục hoạt động của các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo... Với những cam kết trong bộ Luật BVMT Grơnenlơ, Pháp đã có những bước khởi đầu và đạt được nhiều thành công đáng kể trong lĩnh vực này.
Việc phát triển “nền kinh tế xanh” không chỉ giúp con người cứu hệ sinh thái đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng, mà còn tạo thêm nhiều việc làm mới liên quan lĩnh vực này. Theo thống kê của cơ quan quản lý việc làm Pháp, trong 10 năm qua đã có khoảng 220 nghìn việc làm xanh. Do Pháp có tiềm năng lớn về ngành năng lượng tái tạo nên Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho thị trường này phát triển như giảm thuế và yêu cầu người dân sử dụng nguồn điện này... Chính sách về năng lượng đã giúp Pháp giảm khí thải nhà kính, chi phí nhiên liệu và phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu mỏ. Trong lĩnh vực xây dựng, Pháp đã sử dụng vật liệu cách âm, cách nhiệt đối với các công trình xây mới và triển khai tu sửa hệ thống cách nhiệt của những tòa nhà cũ nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ điện năng tới 38% trong năm 2020.
Ngày nay, bên cạnh việc phát triển kinh tế, BVMT cùng với tăng trưởng bền vững là vấn đề được Chính phủ Pháp quan tâm. Chiến lược phát triển bền vững quốc gia được ban hành từ năm 2010 đã hướng tới phát triển kinh tế xanh, với 9 nội dung được tuyên bố: Tập trung phát triển kinh tế xanh và công bằng: Tiêu thụ và sản xuất bền vững; Xã hội tri thức; Quản trị; Biến đổi khí hậu và năng lượng; Giao thông vận tải bền vững; Bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên; Y tế cộng đồng, quản lý và ngăn ngừa rủ ro; Dân số, di dân và xã hội; Thách thức quốc tế.
Ngoài ra, đối với tiêu thụ bền vững, Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp như: Ban hành chính sách khuyến khích đối với phát triển và tăng cường nhãn sinh thái loại 1; Thiết lập hệ thống nhằm giới thiệu nhãn môi trường đối với các sản phẩm tiêu dùng (Điều 228 Luật số.2010-788 “Grenelle 2”); Thông qua Luật mua sắm công khai, khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội đối với hợp đồng tư nhân...
Canađa
Canađa là một trong những nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, với các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, vấn đề dịch vụ tài chính. Các nguồn tài nguyên (năng lượng, đất đai, nước…) đang là đầu vào chủ yếu cho quá trình sản xuất. Để giải quyết các vấn đề này, Chính phủ Canađa đã xây dựng cơ chế, chính sách tập trung vào sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng; phát triển nguồn năng lượng mới (gió, mặt trời), tái chế chất thải, giao thông bền vững, chính sách về NST. Theo đó, Chương trình NST (Ecologo) được Chính phủ Canađa xây dựng từ năm 1988. Đến nay, Ecologo là chương trình NST lớn nhất Bắc Mỹ được công nhận trên phạm vi toàn thế giới với hơn 450 khách hàng thường xuyên và cấp chứng chỉ cho hơn 10.000 sản phẩm khác nhau. Đây là tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn môi trường có uy tín và là những người tiên phong thành lập Mạng lưới nhãn sinh thái toàn cầu. Chương trình Ecologo cung cấp cho các nhà doanh nghiệp và cộng đồng sự chứng thực về tiêu chuẩn môi trường của sản phẩm, dịch vụ được gắn NST. Những sản phẩm, dịch vụ được mang logo của Chương trình Ecologo là những sản phẩm có tính ưu việt hơn về môi trường so với các sản phẩm cùng loại sau khi trải qua những kiểm nghiệm nghiêm ngặt và khoa học phản ánh các khía cạnh môi trường của toàn bộ vòng đời sản phẩm. Chương trình Ecologo là một trong hai chương trình gắn NST ở Bắc Mỹ được kiểm toán bởi Mạng lưới NST Toàn cầu (GEN) đáp ứng tiêu chuẩn ISO 14024 về gắn NST.
Một số giải pháp thúc đẩy SX&TDBV Việt Nam
Thứ nhất, cách thức tổ chức triển khai SX&TDBV: Để triển khai có hiệu quả hoạt động SX&TDBV, trong thời gian tới, Việt Nam cần có các giải pháp về sơ đồ, cơ cấu, cách thức tổ chức với mục tiêu giảm tiêu dùng nguyên liệu và năng lượng trong toàn bộ hệ thống sản xuất, tiêu dùng bằng cách tăng hiệu quả sử dụng; thay đổi, tối ưu hóa mẫu hình sản xuất, tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, cụ thể như:
Hỗ trợ nguồn lực để thúc đẩy phát triển các công nghệ, dịch vụ và sản phẩm thân thiện môi trường; Ban hành tiêu chí cho các sản phẩm để được dán nhãn Xanh, công nhận là sản phẩm thân thiện, tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia; Chính phủ cần có những giải pháp khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai mô hình sản xuất sạch hơn; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tiếp cận với các nguồn quỹ khác nhau để được vay vốn và hưởng ưu đãi liên quan đến sản xuất sạch hơn.
Cung cấp thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng; phát triển mua sắm xanh trong đó đặc biệt ưu tiến hoạt động mua sắm công. Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ công, doanh nghiệp là những nhà tiêu dùng lớn nhất và có tác động lớn nhất trong xã hội cần đi đầu, thực hiện mua sắm xanh để BVMT, phát triển bền vững.
Áp dụng phương thức tiếp cận vòng đời sản phẩm trong triển khai các hoạt động đổi mới sinh thái tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, phòng ngừa và giảm thiểu chất thải.
Thiết kế sinh thái trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh là sự kết hợp hệ thống yếu tố môi trường vào giai đoạn thiết kế/phát triển sản phẩm nhằm giảm bớt tác động xấu đến môi trường, đồng thời có thể cải thiện hiệu suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng các cơ hội về thị trường, bao gồm: cải tiến, thiết kế lại và đổi mới chức năng sản phẩm nhằm mục đích hỗ trợ thay đổi mô hình cơ bản của sản xuất, tiêu dùng.
Module trong chương trình hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) của UNIDO-UNEP
Thứ hai, nguồn lực (nhân lực, tài chính): Cần hoàn thiện khung chính sách tài chính, nhân lực cho thực hiện SX&TDBV. Xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược SX&TDBV. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung chính sách tài chính (bao gồm: thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí SX&TDBV, tiêu chí xanh với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán).
Đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác công tư, chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ tư nhân, cũng như triển khai các công cụ tài chính dựa vào thị trường, cân bằng cán cân Cung - Cầu để bảo đảm tính bền vững và nguồn lực tài chính ổn định cho sản xuất ổn định, tiêu dùng bền vững; nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Cùng với đó, các ngành, địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động SX&TDBV và triển khai thực hiện, nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra vào năm 2020; nâng cao nhận thức về SX&TDBV cho các cấp lãnh đạo ở cơ quan quản lý nhà nước, ngành, địa phương và khu vực doanh nghiệp; có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ban hành chính sách về bảo đảm giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức về SX&TDBV: Đa dạng hình thức, nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục, để thay đổi trong nhận thức về vai trò của hợp tác quốc tế, truyền thông trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng như để phát triển các lĩnh vực mua sắm bền vững; tiếp thị bền vững…; vận động nhân dân thực hiện lối sống thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức BVMT, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các bon thấp, hài hòa; tổ chức các kênh thông tin và thực hiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường tới người tiêu dùng; tăng cường đào tạo và phổ biến các kiến thức, chính sách, pháp luật về SX&TDBV cho cán bộ, doanh nghiệp, người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động thực hành về SX&TDBV; nâng cao vai trò hỗ trợ của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về SX&TDBV; các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong việc chủ động, tích cực thực hiện việc chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thường xuyên trao đổi thông tin mạng lưới đại diện SX&TDBV ở nước ngoài thu thập các thông tin về hiện trạng SX&TDBV…
Trần Thị Giang, Lê Thị Phượng
Viện Khoa học môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)