Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Kinh nghiệm “Xây dựng mô hình Thành phố bền vững môi trường” của các quốc gia ASEAN

15/09/2015

     Chương trình hợp tác xây dựng “Mô hình thành phố bền vững môi trường (TPBVMT)” do Quỹ hợp tác Nhật Bản - ASEAN tài trợ, được phát động lần đầu tiên tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường cấp cao ASEAN vào năm 2003 ở Capuchia.  Chương trình đã được triển khai tại 14 thành phố ở 8 nước gồm: Campuchia, Inđônêxia, Lào, Myanmar, Malaixia, Philippin, Thái Lan và Việt Nam, nhằm thúc đẩy mạng lưới hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN để giải quyết những thách thức do quá trình đô thị hóa gây ra, cũng như các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường. Chương trình tập trung vào 5 hoạt động chính: Đưa ra sáng kiến xây dựng TPBVMT Đông Á; Hình thành hệ thống dữ liệu và thông tin về TPBVMT; Tạo ra Diễn đàn các thành phần công - tư đối với TPBVMT; Tăng cường năng lực xây dựng TPBVMT; Trao Giải thưởng TPBVMT dựa trên bộ tiêu chí chung ASEAN.      Campuchia      Campuchia tập trung “Xây dựng TP Sạch” với các hoạt động: Phổ biến tiêu chí TPBVMT ASEAN tới nhà quản lý, người dân dưới hình thức xuất bản sách (Tiếng Anh, tiếng Khmer); Chương trình sáng kiến quốc gia về “Xây dựng TP sạch”, nhằm cải thiện nhận thức về các điều kiện sống phù hợp với người dân; thay đổi hành vi, thói quen xả rác thải (tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu); phương châm sạch từ trong nhà ra ngõ, xóm; môi trường, điều kiện vệ sinh; cải thiện ngành du lịch. Campuchia đã từng bước thực hiện: Biên soạn hướng dẫn cơ chế chính sách về đất sạch, nước sạch và không khí sạch nhằm chấm điểm cho cơ quan quản lý môi trường ở 24 tỉnh; Trao Giải thưởng “TP Sạch” với các tiêu chí: Quản lý môi trường; Sạch; Quản lý rác thải; Cải thiện vùng đất xanh; Nâng cao ý thức người dân; An ninh xã hội, đảm bảo sức khỏe cộng đồng dân cư; Hạ tầng và khai thác du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Campuchia cũng gặp một số khó khăn như: Hệ thống văn bản pháp luật (VBPL) chưa đầy đủ; Mức độ hiểu biết của người dân về mô hình TPBVMT còn hạn chế; Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chưa chặt chẽ; Nguồn tài chính để triển khai hoạt động còn thiếu. Vì thế, các cơ quan quản lý của Campucchia đã nghiên cứu và đề ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề trên, cụ thể: Rà soát lại hệ thống VBPL cũng như các quy định ở cấp địa phương, tiến hành sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp; Tìm kiếm các nguồn tài trợ; Thực hiện Chương trình “Công - tư kết hợp đối với TP sạch”; Nỗ lực tuyên truyền tới cộng đồng, chính quyền địa phương về TPBVMT để nâng cao ý thức, từng bước thay đổi hành vi của người dân về quản lý rác thải và trách nhiệm đối với môi trường; huy động các sáng kiến, chương trình giảng dạy, các chiến dịch xây dựng TPBVMT…Với những giải pháp trên, bước đầu Camphuchia đã đạt được một số thành công như: Thực hiện chương trình giảm thiểu sử dụng túi nilông kết hợp giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống có thể thay thế; Sáng kiến xây dựng TP sạch, tập trung vào việc thu gom rác thải sinh hoạt, hoạt động làm sạch đường phố, khu công cộng… Mặc dù ở giai đoạn đầu, các kế hoạch của Campuchia khá rõ ràng, cụ thể và thiết thực, tạo ra phương hướng để tiếp tục thực hiện trong tương lai. Nhưng  các tiêu chí về TP sạch mang tính tổng quát nhiều lĩnh vực liên quan sẽ gây khó khăn cho Campuchia trong việc đánh giá và chấm điểm đối với các TP tham gia. Lào Tham gia “Mô hình TPBVMT ASEAN” với Dự án tăng cường kỹ năng quản lý dự án và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, xử lý rác thải và đô thị xanh, đồng thời, kết hợp với Chương trình xây dựng TP BVMT trong khuôn khổ hợp tác giữa chính phủ Lào và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ban thư ký ASEAN trong Dự án LPP (Laos Project Program), nhằm phổ biến tới nhà quản lý địa phương, người dân về việc xây dựng quy trình tiếp cận TPBVMT, hướng tới TP Xanh, Sạch, Đẹp. Lào đã triển khai các hoạt động như: Thực hiện chương trình TP Xanh, Sạch, Đẹp, tăng không gian xanh công cộng; Đảm bảo không ô nhiễm các nguồn nước tự nhiên; Giảm thiểu rác thải, tái sử dụng và tái chế; Thực hiện kiểm soát, quan trắc chất lượng môi trường không khí và môi trường nước. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở Lào, đó là khó kiểm soát tốc độ mở rộng đô thị tại các vùng đất nông nghiệp và vùng mặt nước tự nhiên; nhu cầu thực tế của người dân cao hơn so với kế hoạch phát triển đô thị và năng lực thực hiện; quá trình đầu tư, phát triển gây ảnh hưởng đến quy hoạch bền vững của các đô thị. Vì thế, nhiều giải pháp đã được Lào đưa ra như: Tích hợp khái niệm TPBVMT, TP xanh trong thiết kế đô thị; Tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương về TPBVMT và đô thị xanh; Cải thiện quá trình thực hiện quản lý rác thải, nước thải, bảo vệ các vùng xanh của TP; Đảm bảo sự kết hợp giữa các mục tiêu phát triển TP BVMT và các kế hoạch, hành động trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội; Tăng cường tìm kiếm các đối tác, nhà tài trợ, tổ chức trong và ngoài nước. Từ năm 2010, Chính phủ Lào đã thực hiện một dự án, trong đó hợp phần môi trường tập trung vào xây dựng TP BVMT. Lào thực hiện xây dựng TP Xanh - Sạch - Đẹp với kế hoạch sử dụng đất có sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc duy trì chất lượng môi trường đô thị, các kế hoạch cụ thể, chi tiết, trong đó bước đầu tạo diện tích công viên xanh và thực hiện sản xuất phân vi sinh tại các hộ gia đình, đó là những nỗ lực thực hiện của Lào với những hướng đi và kết quả rõ ràng. Ví dụ, thiết lập khoảng 1,5 ha diện tích công viên từ các khoảng đất trống, vấn đề thu gom rác thải được cải thiện, có 20 hộ gia đình, các trường học đã thực hiện sản xuất sản phẩm sinh học từ rác thải hữu cơ. Malaixia TP. Kuching North đại diện tham gia “Mô hình TPBVMT ASEAN”, với nội dung: Sử dụng phương pháp EM: Tạo phân vi sinh đối với rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình (tập trung vào rác thải trong nhà bếp); Sản xuất phân vi sinh tại Trung tâm Sejingkat từ rác thải các nguồn: nạo vét ao hồ, kênh mương; quá trình chặt cây, xén cành từ công ty cây xanh của TP, các khu chợ. Sau khi mô hình được áp dụng và bước đầu thu được kết quả khả quan, Chính phủ Malaixia thực hiện chia sẻ kinh nghiệm tới các TP khác nhằm bước đầu giảm lượng rác thải hữu cơ từ gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Malaysia đã gặp phải những khó khăn về nguồn vốn, sự tham gia của chính quyền địa phương chưa cao, đặc biệt là nhận thức của chính quyền địa phương về TP BVMT còn thấp. Do đó, Chính  phủ Malaixia đã xây dựng một kế hoạch thực hiện TPBVMT cụ thể, rõ ràng… và đã đạt được kết quả như sau:         Danh mục Trước khi thực hiện Trong quá trình thực hiện và thời gian sau đó Kết quả đạt được Lượng chất thải phát sinh 8 kg/ngày 3 kg/ngày 62% lượng rác thải giảm Sản phẩm phân vi sinh 200kg/tháng 1000kg/tháng Tăng 5 lần   TP. Kuching North (Malaixia) đạt Giải thưởng TPBVMT vào năm  2006/2007 và 2009/2010        Chương trình này được xem là một dự án thí điểm để nhân rộng tới các TP khác. Thành công giúp Malaysia có những kế hoạch cụ thể tiếp theo, ngoài ra lượng rác thải giảm dẫn đến lượng rác thải đưa tới các bãi rác giảm, từ đó vòng đời của các bãi rác được dài hơn. Malaysia hiện đang tích cực thực hiện tuyên truyền, tổ chức hội thảo nhằm tăng cường sự tham gia của các TP trong nước, ngoài ra liên kết và hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm từng bước nhân rộng mô hình trên. Inđônêxia        Việc xây dựng mô hình TPBVMT ASEAN ở Inđônêxia tiếp tục kế thừa Chương trình “Hệ thống ngân hàng rác thải”, với tầm nhìn xa: “Xây dựng TP thông minh, nhân văn và sinh thái”. Chương trình đề ra mục tiêu giảm 15% lượng rác thải, bao gồm các hoạt động như: Thực hiện chiến dịch giảm chất thải; Xây dựng và đào tạo cán bộ địa phương; Thiết lập hệ thống ngân hàng chất thải; Xây dựng các điểm thu gom rác thải tại các địa phương.      Tại Inđônêxia, có một số bất cập trong việc thực hiện Chương trình xây dựng mô hình TPBVMT như: Cần thời gian dài để thay đổi cách suy nghĩ của người dân về việc xả rác thải, xem rác thải là thứ bỏ đi, không có giá trị trở thành một sản phẩm có ích, có thể trao đổi, mua bán; Khó khăn trong việc thiết lập, xây dựng các chương trình đào tạo có ưu đãi cho cộng đồng. Kế thừa quy trình thực hiện, kinh nghiệm từ Chương trình quốc gia về ngân hàng rác thải, Inđônêxia tập trung giảm thiểu rác thải rắn đô thị và từng bước nâng cao ý thức người dân, kết hợp Chương trình quy mô quốc gia, xây dựng mô hình TP BVMT tập trung tại 2 địa phương bước đầu đạt được thành công, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho các TP khác, mở rộng việc thực hiện đối với các lĩnh vực khác: Nước cấp, xử lý nước thải, xanh hóa đô thị, TP các bon thấp, tái tạo năng lượng…      Với mục tiêu cụ thể, rõ ràng và quy trình thực hiện tốt đã mang lại kết quả ban đầu khá thành công cho các thành phố của Inđônêxia, đó là giảm lượng rác thải rõ rệt, với 6 ngân hàng rác thải được đặt ở 6 địa điểm khác nhau; Tổng lượng rác thải hữu cơ thu được: 2.100 kg/tháng; Tổng lượng rác thải vô cơ thu được là: 897 kg/tháng. Tuy nhiên, để Chương trình này áp dụng thành công trong thực tế với quá trình lâu dài đòi hỏi ý thức và hành vi của người dân về rác thải phải nâng cao.      Thái Lan      Chính phủ Thái Lan đã lựa chọn các TP Maehongson; Muangklang; Phitsanulok để thực hiện Chương trình xây dựng mô hình TPBVMT. Ở mỗi TP, Thái Lan lại có các hoạt động khác nhau nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất, cụ thể: Tại TP. Maehongson, khuyến khích phân loại và tái sử dụng rác thải thông qua giáo dục, tuyên truyền và đào tạo cho người dân của địa phương tiếp cận các mô hình phân loại và tái sử dụng rác thải; TP. Muangklang, thực hiện khuyến khích và đào tạo thực hiện kế hoạch TP các bon thấp và rác thải hữu cơ từ các nông trang chăn nuôi; TP. Phitsanulok, thực hiện “Chương trình quản lý CTR” do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) hỗ trợ, với mục tiêu: Thực hiện chuyển giao công nghệ; Cải thiện tình hình quản lý CTR.      Tại Thái Lan, việc xây dựng mô hình TP BVMT được triển khai thông qua việc tập trung tuyên truyền, giáo dục, đào tạo cho người dân về phân loại và tái sử dụng rác thải, chia sẻ kinh nghiệm thành công của mô hình quản lý chất thải tại TP Phitsanulok, khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn các TP khác thực hiện dựa trên mô hình trên. Sau một thời gian thực hiện, tại 3 TP trên, chất thải hữu cơ từ hộ gia đình được sản xuất thành phân vi sinh, rác thải giảm 50%; chất thải vô cơ được phân loại tại các hộ gia đình và đưa đến các điểm thu mua của TP, tỷ lệ phân loại chất thải đạt tới 95%; Các hoạt động quản lý chất thải: Tái chế, tái sử dụng, làm phân vi sinh được giới thiệu tại các trường học và trở thành môn học tại trường;  Hình thành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rác thải; Lượng rác thải tại các bãi chôn lấp giảm từ 142 tấn/ngày xuống 76 tấn/ngày từ 1999 - 2007, tiết kiệm 210.000 USD/năm.                                                                                      11.6% Nhiệt phân               5.1% chôn lấp                                                             Chương trình xây dựng mô hình TPBVMT ASEAN là chương trình mới, với sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực. Ngoại trừ Singapo là nước đề xuất sáng kiến xây dựng TP BVMT và ban đầu sử dụng bộ tiêu chí trên cơ sở bộ tiêu chí của quốc gia này, còn hầu hết các quốc gia thiếu hệ thống VBPL, năng lực trong việc quản lý, thực hiện, xây dựng TP BVMT. Mỗi quốc gia đều xây dựng mục tiêu dài hạn và những hoạt động ưu tiên trước mắt trong những năm đầu hoạt động. Nhìn chung, các quốc gia đều bám sát vào các nội dung được đề cập đến trong bộ tiêu chí TP BVMT ASEAN, tình trạng về môi trường và quản lý môi trường của từng quốc gia. Một số nước, xây dựng mô hình TP BVMT kết hợp với các chương trình quốc gia có liên quan đến các lĩnh vực về TP bền vững đã và đang thực hiện, mang lại những hiệu quả hoạt động rõ rệt và cụ thể như: Lào, Inđônêxia. Quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt ở đô thị đã được hầu hết các quốc gia lựa chọn thực hiện, nhằm phát triển bền vững các đô thị, bảo đảm nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn phải bảo đảm tính cạnh tranh về mặt kinh tế của các trung tâm đô thị cũng như đảm bảo các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả.   Lê Thanh Nga Viện Khoa học quản lý môi trường Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013  
Ý kiến của bạn