Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Khu rừng trong thành phố hiện đại của Bỉ

15/09/2015

     Thủ đô Brussels của Bỉ được du khách mệnh danh là ''rừng trong thành phố,'' chính quyền và người dân nơi đây rất có ý thức gìn giữ ''lá phổi xanh'' của mình - rừng Soignes. Đây là khu rừng ngoại vi lớn nhất châu Âu với diện tích lên đến 5.000 ha, trong đó 1/5 diện tích thuộc vùng thủ đô. Rừng Soignes được nối liền với khu rừng Cambres tạo thành một quần thể rừng rộng lớn, kéo dài 14 km.       Thành phố Brussels có hơn 8.000 ha không gian xanh với rất nhiều công viên, rừng cây, thậm chí ngay cả khu nghĩa trang và sân thể thao cũng là những không gian xanh mát rượi của cây cối. Trong khoảng 100 khu vực có rừng ở thủ đô Brussels, việc chặt cây hoàn toàn bị nghiêm cấm.      Đặc điểm của khu rừng Soignes là gần 80% cây cối, chủ yếu là sồi, đều do tự trồng hoặc tái sinh tự nhiên, trong đó, nhiều cây sồi cao nằm tại khu vực nhà thờ trong rừng và được đặt tên ''rừng sồi nhà thờ.. Theo ông Stéphane Vanwijnsberghe, phụ trách chương trình ''Thiên nhiên và rừng'' thuộc Cơ quan Môi trường Brussels, có rất nhiều loại cây mọc tự nhiên và được bảo tồn nhằm duy trì sự đa dạng vì rừng ở Bỉ chủ yếu là gỗ sồi. Bằng cách này, cây cối được phát triển tự nhiên và sẽ tái sinh sau đó.   Rừng Soignes        Hàng năm, Sở Môi trường đều lên danh sách các cây hỏng cần chặt bỏ và thay thế bằng các cây được trồng mới.  Sau khi chặt bỏ, thân cây để trên mặt đất để gỗ phân hủy tự nhiên làm giàu dinh dưỡng cho đất cũng như cải thiện "sức khỏe" của khu rừng, còn cành cây sau khi chặt bỏ thì được xay nhỏ tại chỗ và rắc vào các gốc cây để làm phân bón.      Chính sách bảo vệ thiên nhiên rừng Soignes nhằm giúp bảo vệ khu rừng khỏi sự xâm phạm của con người cũng như giúp phát triển tính đa dạng sinh học của khu rừng. Khu rừng Soignes cũng nằm trong danh sách 33 khu rừng sồi thuộc 12 quốc gia được đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên của nhân loại.   Phạm Đình
Ý kiến của bạn