Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Hệ thống phí xác định theo khối lượng rác phát thải - Công cụ kinh tế hữu hiệu nhằm đẩy mạnh tuần hoàn tài nguyên ở Hàn Quốc và cơ hội áp dụng ở Việt Nam

15/11/2019

     Quản lý chất thải (QLCT) một cách hiệu quả cả về kinh tế và môi trường đang trở thành thách thức lớn ở cấp toàn cầu. Đây không chỉ là thách thức của riêng các quốc gia đang phát triển, mà còn ở các quốc gia phát triển. Hiện nay, thói quen tiêu dùng thiếu bền vững, phát sinh từ quan điểm hưởng thụ những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được, đang trở thành vấn đề đòi hỏi phải có sự thay đổi về chính sách ở mọi cấp, bao gồm cả những chính sách quốc gia, định hướng và cam kết của từng doanh nghiệp và mỗi người tiêu dùng.

     Áp dụng các công cụ kinh tế trong chính sách QLCT đã trở thành xu hướng chủ đạo trong chiến lược QLCT của nhiều quốc gia nhằm mục tiêu giảm thiểu phát sinh ngay tại nguồn, tăng cường tái chế và dần thay thế các biện pháp quản lý truyền thống chỉ chú trọng vào xử lý cuối đường ống. Các công cụ kinh tế hiện đang được triển khai trong công tác QLCT ở các quốc gia chủ yếu tập trung vào hệ thống phí chất thải, phí chôn lấp, hệ thống ký quỹ phục vụ thu hồi chất thải tái chế sau khi sử dụng sản phẩm và mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).

 

TS. JUNG GUN YOUNG, Trưởng đại diện

Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam

 

     Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những lợi ích của việc áp dụng công cụ kinh tế trong QLCT: Giảm lượng chất thải; Giảm tỷ lệ các thành phần nguy hại trong chất thải phát sinh; Tăng khả năng ứng dụng các biện pháp vận chuyển và xử lý các thành phần nguy hại một cách an toàn; Khuyến khích tái sử dụng, tái chế và tận thu chất thải; Nâng cao chi phí - lợi ích của các hoạt động quản lý chất thải, từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý đến tiêu hủy.

     Từ đầu thập niên 1990, với việc áp dụng các biện pháp kinh tế trong QLCT, chất thải rắn sinh hoạt (CTSH), tỷ lệ tái chế chất thải sinh hoạt ở các quốc gia phát triển đã tăng lên (Bảng 1) song việc giảm khối lượng CTSH phát sinh tính trên đầu người vẫn còn là thách thức đối với hầu hết các quốc gia phát triển.

 

Bảng 1. Tỷ lệ tái chế CTSH của một số quốc gia phát triển

Top 10 Quốc gia đạt tỷ lệ tái chế CTSH hàng đầu trên thế giới năm 2018

Tỷ lệ tái chế (%)

Mỹ

EU

Nhật Bản

Hàn Quốc

  1. Đức (65%)
  2. Hàn Quốc (59%)
  3. Slovenia và Áo (58%)
  4. Bỉ (55%)
  5. Thụy Sĩ (51%)
  1. Thụy Điển và Hà Lan (50%)
  2. Luxembourg (48%)
  3. Iceland (48%)
  4. Đan Mạch (44%)
  5. Anh (43%)

1995

16

22

0.3

16

2008

34-35

44

-

-

2018

34-35

44

15.8

59

 

     Trong số các quốc gia phát triển, Hàn Quốc được xem là quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác quản lý CTSH. Đến nay, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đã thực hiện được mục tiêu giảm lượng phát thải CTSH tính theo đầu người và có tỷ lệ tái chế CTSH đứng thứ hai trong số các quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc khối OECD. Những thành tựu này của Hàn Quốc có được là nhờ triển khai áp dụng hệ thống phí CTSH được xác định theo khối lượng chất thải phát sinh (VBWFS).

     Về mặt văn hóa, xã hội, điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế, Hàn Quốc có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam và cũng là nền kinh tế mới nổi chỉ từ sau thập niên 1980 với tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc trong các lĩnh vực quản lý khác nhau, để tìm cách áp dụng một cách phù hợp sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cũng như tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam theo hướng bền vững cả về môi trường và kinh tế.

     Áp dụng hệ thống phí CTSH ở Hàn Quốc

     Từ năm 1995, hệ thống phí được xác định theo khối lượng chất thải phát sinh là biện pháp áp dụng công cụ kinh tế nhằm khuyến khích giảm thiểu phát sinh chất thải, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn một cách bắt buộc đã được chính thức áp dụng tại Hàn Quốc. Cũng giống như Việt Nam hiện nay, trước năm 1995, trong lĩnh vực quản lý CTSH, Hàn Quốc áp dụng hệ thống thu phí kiểu định mức, áp dụng theo đầu người và từng tháng, mà không xem xét đến lượng rác phát sinh hoạt của từng hộ gia đình.Thực tế cho thấy, hệ thống thu phí này không khuyến khích người dân giảm thiểu lượng rác phát thải, cũng như tự nguyện thực hiện phân loại rác thải. Mặt khác, xét trên khía cạnh công bằng xã hội, hệ thống phí này thể hiện rõ sự bất bình đẳng do thực tế các hộ gia đình giàu phát thải nhiều hơn so với các hộ gia đình trung lưu hay các hộ gia đình nghèo, song chỉ phải đóng mức phí tương đương với các hộ gia đình nghèo.

     Việc triển khai áp dụng hệ thống phí CTSH theo khối lượng rác phát sinh được thực hiện bằng các quy định của Chính phủ về danh mục các loại CTSH cần phải phân loại tại nguồn; quy cách các loại túi chuyên dụng để đựng CTSH khi thải bỏ; chế độ bán và sử dụng túi đựng rác theo từng loại hình CTSH với kích cỡ khác nhau, cũng như quy định về việc chỉ tiến hành thu gom CTSH được phân loại đúng cách và đựng trong túi đúng quy cách.

     Trong hệ thống VBWFS của Hàn Quốc, CTSH được phân thành các loại: CTSH dạng vô cơ tái chế được (giấy, vỏ hộp kim loại, chai, kim loại, nhựa, vải…), CTSH hữu cơ và CTSH không tái chế được. Túi đựng rác được thiết kế với kích cỡ, chất liệu và màu sắc khác nhau tùy theo từng loại hình (Bảng 2). Giá bán từng loại túi được chính quyền địa phương quy định, tùy theo thực tế của từng vùng, thấp nhất tương đương khoảng 1.450 đồng (có giá trị tương đương với 6% giá 1L xăng) đối với loại túi bé nhất (5L) và cao nhất khoảng 13.600 đồng đối với loại túi lớn nhất (50L) dùng cho hộ gia đình. Nguồn thu từ việc bán túi hiện xấp xỉ cỡ 30% tổng chi phí vận chuyển, xử lý và tiêu hủy CTSH ở Hàn Quốc. Chi phí lợi nhuận của các đơn vị được chỉ định sản xuất và bán túi chứa CTSH đúng quy cách chiếm khoảng 6% nguồn thu từ bán túi.

 

Bảng 2. Quy cách các loại túi đựng rác người phát thải phải mua theo quy định của VBWFS ở Hàn Quốc

Nguồn

Quy cách và yêu cầu bắt buộc đối với túi đựng CTSH khi thải bỏ

Hộ Gia đình

Màu

Trắng

(i) Túi PE dùng để đựng CTSH thông thường

(ii) Túi LDPE dạng phân hủy sinh học được dùng để đựng CTSH sẽ đem đi sản xuất phân compost

(iii) Túi LDPE với hàm lượng CaCO3 lớn hơn 30% dùng để đựng CTSH sẽ đem đi đốt

Khối lượng

5, 10, 20, 50 (L)

Doanh nghiệp

Màu

Cam

Khối lượng

20, 50, 75, 100 (L)

Tổ chức công

Màu

Xanh lá cây nhạt

Khối lượng

20, 50, 75, 100 (L)

 

     Theo quy định, chính quyền hay các tổ chức thu gom hợp pháp chỉ thu gom rác được phân loại đúng cách và để trong túi đúng quy cách. Đối với các loại chất thải vô cơ có khả năng tái chế, người dân hay tổ chức có thể lựa chọn cách cho vào túi đựng CTSH thông thường (đồng nghĩa với việc họ phải trả tiền để mua túi đựng), hoặc thải bỏ ở khu vực được quy định để cơ sở thu gom đem đi tái chế (đồng nghĩa với việc thải rác miễn phí do không phải trả tiền mua túi đựng rác). Ngoài ra, đối với một số loại hình chất thải có kích cỡ quá lớn (như ti vi, tủ lạnh, bàn ghế,…) hay chất thải xây dựng, người phát thải sẽ phải trả khoản phí khác để thải bỏ và xử lý. Với quy định này, người dân được khuyến khích tự phân loại các chất thải có khả năng tái chế, trước khi thải bỏ để tiết kiệm chi phí mua túi đựng rác. Điều này áp dụng đối với các loại chất thải không tái chế được.

     Người dân hay cơ sở phát sinh CTSH có thể mua các loại túi đựng rác theo quy định ở các cửa hàng tạp phẩm hay siêu thị. Việc sản xuất và cung cấp các loại túi này cho hệ thống bán lẻ được chính quyền các tỉnh thực hiện trên cơ sở chỉ định doanh nghiệp hay tổ chức được phép sản xuất và phân phối túi đựng rác theo quy định của pháp luật. Hành vi đổ rác không đúng nơi quy định hoặc đựng rác trong các túi không đúng quy cách khi thải sẽ bị phạt rất nặng.

     Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, việc triển khai hệ thống VBWFS ở Hàn Quốc vẫn còn phải tiếp tục cải thiện nhằm giải quyết một số thách thức như các hành vi đổ thải hay đốt rác trái phép và trốn tránh việc mua túi đựng CTSH theo quy định. Để khắc phục tình trạng đổ thải trộm, các chính quyền địa phương đã áp dụng các biện pháp giám sát như tăng cường lắp đặt các hệ thống CCTV (camera giám sát an ninh và hành vi dân sự) ở các khu dân cư, cũng như banh hành nhiều chính sách khen thưởng dành cho người phát hiện các hành vi đổ thải trộm (ví dụ như: 50% mức phạt thu từ người đổ thải trộm sẽ dành thưởng cho người phát giác hành vi đổ thải trộm).

     Hình 1. Thay đổi về áp dụng công nghệ xử lý CTSH ở Hàn Quốc (giai đoạn 1995 - 2015)

 

 

Nguồn: Bộ Môi trường Hàn Quốc, 2015

 

     Với việc áp dụng hệ thống VBWFS, tổng lượng CTSH phát sinh ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 15,95% trong giai đoạn từ 1994 - 2006 (tương ứng với lượng CTSH phát sinh tính theo đầu người giảm từ 1,33 kg/người/ngày xuống còn 1,05 kg/người/ngày). Trong khi đó, cùng thời kỳ này, tỷ lệ tái chế CTSH đã tăng từ 15,4% lên 57,2%. Đến năm 2018, tỷ lệ tái chế CTSH của Hàn Quốc ước tính cỡ 80% (Hình 1), đặc biệt tỷ lệ tái chế chất thải là thực phẩm đạt 98%. Về mặt kinh tế, việc áp dụng VBWFS trong thời kỳ 1995 - 2015 đã giúp tiết kiệm được khoảng 19 tỷ USD do giảm lượng CTSH phải thu gom, xử lý và tăng thu từ các sản phẩm tái chế.

     Gợi mở một số đề xuất để Việt Nam nghiên cứu, xem xét và áp dụng

     Với những thành tựu kinh tế to lớn đạt được trong thời gian gần đây, sau hơn 30 năm áp dụng chính sách đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã chính thức được xếp vào nhóm các quốc gia thu nhập trung bình từ năm 2010. Tuy nhiên, những thành tựu kinh tế to lớn này đồng thời đã và đang đem lại cho Việt Nam những thách thức mới trong công tác BVMT. Cùng với mức độ tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân, xu hướng tiêu dùng thiếu bền vững và lượng CTSH phát sinh theo đầu người của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng (từ 0,9 -1,2 kg/người/ngày năm 2004 lên 1,45kg/người/ngày năm 2008 ở các thành phố lớn). Thực tế những năm gần đây cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức trong công tác quản lý CTSH như: Khối lượng CTSH phát sinh gia tăng một cách nhanh chóng với thành phần ngày càng đa dạng; Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy CTSH còn lạc hậu và không theo kịp xu hướng phát sinh CTSH trong thực tế; Chi phí dành cho công tác quản lý CTSH ngày càng gia tăng và trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia... Đây là những yếu tố gây áp lực mạnh mẽ đối với việc mở rộng các khu chôn lấp CTSH, là công nghệ chủ yếu mà hiện nay Việt Nam đang áp dụng để xử lý CTSH.

 

Sinh viên Hàn Quốc tham gia Chiến dịch giới thiệu túi đựng CTR sinh hoạt

 

    Chính vì vậy, Việt Nam cần phải nhanh chóng có những biện pháp đáp ứng về chính sách để sớm giải quyết những thách thức nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTSH. Hiện nay, trong hoạt động BVMT nói chung và công tác QLCT nói riêng, Việt Nam có nhiều điểm khá tương đồng so với Hàn Quốc trước khi áp dụng hệ thống VBWFS vào năm 1995. Trên cơ sở phân tích thực trạng của Việt Nam và so sánh với Hàn Quốc vào giai đoạn trước khi triển khai VBWFS, có thể thấy rõ một số thuận lợi và cơ hội đối với việc áp dụng VBWFS ở Việt Nam như sau:

     Thứ nhất, Việt Nam đang phải đối mặt tình trạng thiếu quỹ đất dành cho chôn lấp CTSH. Năm 2018, theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường, tỷ lệ tỷ lệ tái chế CTSH ở Việt Nam ước tính đạt xấp xỉ 8-18%, tương đương với tỷ lệ tái chế CTSH của Hàn Quốc năm 1995 (Bảng 1). Tỷ lệ CTSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp vẫn chiếm xấp xỉ 90% tổng lượng CTSH phát sinh (Cụ thể: 75% CTSH được thu gom để xử lý, 34% lượng CTSH được thu gom được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp và 24% phần thải sau xử lý hoặc tái chế được chôn lấp). Tỷ lệ chôn lấp này tương đương với tỷ lệ chôn lấp CTSH của Hàn Quốc vào năm 1995 là 81%.

     Thứ hai, lượng CTSH phát sinh gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. So với mức phát thải tính theo đầu người của Hàn Quốc năm 1994 (1,33kg/người/ngày), trước khi áp dụng VBWFS, thậm chí lượng CTSH phát sinh tính theo đầu người ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay đã cao hơn (1,45kg/người/ngày). Nếu không có những biện pháp kiểm soát kịp thời, chắc chắn lượng phát sinh CTSH của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo cùng với xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và gia tăng mức sống.

     Thứ ba, Việt Nam đã chính thức triển khai Chương trình Nhãn sinh thái (Nhãn xanh Việt Nam) vào năm 2009. Thông qua việc áp dụng Chương trình Nhãn sinh thái, ý thức và nhận thức của phần lớn người tiêu dùng về giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên và nguồn tài chính dành cho xử lý chất thải sẽ được nâng cao. Đây là một cơ hội rất tốt để triển khai áp dụng khối lượng chất thải phát sinh (VBFS) sau này. Ở Hàn Quốc, Chương trình Nhãn sinh thái được chính thức triển khai vào năm 1992, 3 năm trước khi triển khai VBFS.

     Thứ tư, người dân Việt Nam có ý thức tiết kiệm cao trong việc chi trả cho các dịch vụ môi trường. Thực tế cho thấy, hiện nay ở nhiều thành phố lớn, người dân vẫn phân loại và bán những loại CTSH có thể tái chế được cho đội ngũ thu gom phế liệu phi chính thức mà người dân Việt Nam vẫn gọi là “các cơ sở buôn bán đồng nát”. Đây sẽ là yếu tố rất tích cực cho thấy khả năng hưởng ứng của người dân nếu áp dụng VBWFS ở Việt Nam.

     Thứ năm, điểm mấu chốt của chính sách VBWFS là đem lại sự công bằng trong chi trả các dịch vụ môi trường, người phát thải nhiều phải trả nhiều và người phát thải ít chỉ trả ít tiền thông qua việc quy định giá bán túi theo khối lượng chất thải phát sinh. Nếu người dân Việt Nam hiểu rõ được nguyên lý này, chắc chắn họ sẽ tích cực tham gia và ủng hộ việc thực hiện chính sách này.

     Cuối cùng, chính sách VBWFS sẽ mang lại cơ hội giúp Việt Nam thực hiện thành công phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Phân loại CTSH tại nguồn được các chuyên gia chuyên ngành đánh giá là hoạt động cấp thiết và thiết yếu nhất quyết định hiệu quả kinh tế của các công nghệ xử lý, tiêu hủy chất thải hiện đại. Nếu không thực hiện được phân loại chất thải tại nguồn thì sẽ không có khả năng áp dụng bất cứ công nghệ xử lý hiện đại nào để xử lý chất thải một cách hiệu quả cả về mặt kinh tế và môi trường.

 

JUNG GUN YOUNG - Trưởng đại diện

Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

     Trong khuôn khổ bài viết trao đổi kinh nghiệm, tác giả chỉ xin nêu một số yếu tố thuận lợi cũng như cơ hội đối với việc nghiên cứu áp dụng VBWFS ở Việt Nam trên cơ sở phân tích kinh nghiệm của Hàn Quốc và những quan sát thu nhận được trong hơn 10 năm công tác tại Việt Nam trong lĩnh vực xúc tiến và thúc đẩy quan hệ hợp tác về môi trường giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện thành công bất kỳ chính sách mới nào, việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng tình hình thực tế, học hỏi kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau và quyết định thời điểm thích hợp để triển khai trong nước mình là yếu tố hết sức quan trọng quyết định sự thành công của chính sách. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý môi trường ở Việt Nam cần phải có những nghiên cứu khả thi sâu hơn nữa để tháo gỡ và làm rõ những vấn đề liên quan để đưa ra những quyết định chính sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như trào lưu chung của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

 

 

Ý kiến của bạn