Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Hà Lan: Phát triển hệ thống sản xuất chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường

02/10/2018

     Mặc dù là nước có diện tích đất canh tác nhỏ, nhưng Hà Lan đã xây dựng thành công một nền nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường. Để kiểm soát các vấn đề môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất thải, nước thải chăn nuôi, Hà Lan đã đưa ra các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, với sự tham gia của toàn xã hội trong việc thực hiện hiệu quả các chính sách.

     Hà Lan có khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, bình quân diện tích đất canh tác khoảng 0,058 ha/người - thuộc mức thấp nhất của thế giới. Vì diện tích đất canh tác hạn chế nên Hà Lan đã thực hiện Chiến lược “đầu tư cao - sản xuất nhiều”, trong đó phát triển hệ thống thủy lợi và nhà kính để trồng các loại hoa, rau, củ, quả…, cung cấp các sản phẩm chăn nuôi sạch và đạt chất lượng. Chính phủ Hà Lan xác định rõ, chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng nhất của nền nông nghiệp, trong đó ưu tiên hàng đầu là nuôi bò sữa. Hiện nay, Hà Lan là nước sản xuất sữa và chế phẩm sữa bò lớn nhất thế giới. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sữa hàng năm của Hà Lan đạt 2,5 tỷ Euro.

     Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng phát triển và nâng cao năng suất chăn nuôi lợn, dê, cừu, gà... Tuy nhiên, việc gia tăng số lượng gia súc, gia cầm đã tạo sức ép đối với môi trường do phát sinh nước thải, chất thải và mùi. Trước những quan ngại về ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, Chính phủ Hà Lan đã phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất, đưa ra các phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn. Theo đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính là nâng cao năng lực quản lý môi trường, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường tại các trang trại chăn nuôi; xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ thống sản xuất bền vững.

 

Các nông dân được tập huấn về phương pháp nuôi bò sữa thân thiện với môi trường

 

     Là nước nằm trong khối Liên minh châu Âu (EU), Hà Lan cũng phải thực hiện đúng các yêu cầu và quy định pháp luật về môi trường của châu Âu. Mặt khác, Hà Lan đã thiết lập một hệ thống chính sách hoàn chỉnh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi. Ngay từ những năm 1980, Hà Lan đã quyết tâm giảm số lượng vật nuôi thông qua việc cấp giấy phép chăn nuôi lợn và gia cầm. Hà Lan đã ban hành Luật Hạn chế phát thải phân phốt pho (P) ra môi trường. Theo đó, các trang trại có lượng phân gia súc thải ra hàng năm vượt quá 55 kg P/ha sẽ không được phép tăng mật độ chăn nuôi. Người chăn nuôi phải tính toán được lượng phân bón P mà gia súc tạo ra (sử dụng số liệu P bài tiết tiêu chuẩn cho các loại vật nuôi khác nhau) và có trách nhiệm xử lý đối với phần phân dư qua các “ngân hàng phân bón”, hoặc bằng “hợp đồng chuyển nhượng” trực tiếp đối với các trang trại trồng trọt, chăn nuôi quy mô nhỏ. Đến năm 2015, Luật Hạn chế phát thải phân phốt pho ra môi trường được thay bằng Luật Hệ thống quyền sản xuất. Thông qua luật mới, người chăn nuôi có thể sản xuất với bất cứ quy mô nào, miễn là có thể xử lý tốt chất thải chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.

     Bên cạnh đó, Hà Lan còn đưa ra tiêu chuẩn trang trại và hoạt động trang trại như quy định về hạn chế số lượng gia súc, vận chuyển gia súc, gia cầm; Giảm sử dụng hóa chất (phân, thuốc) nhằm ngăn ngừa ô nhiễm nước và đất; Tiêu chuẩn về phân bón/chất thải trong hoạt động chăn nuôi; Tiêu chuẩn về amôni, mùi và bụi chuồng nuôi; Cấm sử dụng chất thải chăn nuôi hỗn hợp trong điều kiện thời tiết không thuận lợi cho thực vật sinh trưởng (Tất cả các trang trại chăn nuôi phải có thùng lưu trữ chất thải hỗn hợp ít nhất 5 tháng, những thùng lưu trữ phải được che đậy để giảm sự bay hơi amoniac)…

     Đối với nước thải chăn nuôi, từ những năm 1960, Chính phủ đã cấm các trang trại xả trực tiếp nước thải vào nước mặt và yêu cầu, trang trại phải có hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng nước thải cho mục đích trồng trọt. Cùng với đó, các trang trại phải thực hiện các biện pháp quan trắc môi trường, bao gồm từ bãi chăn thả, trại vỗ béo, đường nội bộ trong trang trại và khu vực lưu trữ phân. Để kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải chăn nuôi, Chính phủ Hà Lan đã ban hành một số chính sách thuế như thuế nhiên liệu, thuế sử dụng phân quá mức và các loại thuế liên quan đến môi trường. Đồng thời, khuyến khích chủ trang trại xây dựng hệ thống sản xuất phát triển bền vững, bảo vệ phúc lợi động vật nuôi và tăng cường hoạt động sản xuất sạch, xanh. Đối với các nhà sản xuất, thương mại phải công khai hóa các tiêu chí sản phẩm trên thị trường như Chứng chỉ sản phẩm sinh thái để nâng cao giá trị thương hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

 

Trang trại chăn nuôi bò sữa với hệ thống năng lượng mặt trời

 

     Năm 1998, Hà Lan áp dụng hệ thống hạch toán dinh dưỡng (MINAS) ở cấp độ trang trại nhằm cân bằng đầu vào, đầu ra của N và P trong thức ăn chăn nuôi, phân bón với các khoản phí về thặng dư N và P (Khi dư thừa N và P vượt quá mức quy định, chủ trang trại phải nộp tiền). Hệ thống MINAS được xem là một công cụ pháp lý hữu hiệu, bắt buộc các trang trại và nông dân phải thực hiện, nếu không sẽ bị đánh thuế. Nhờ áp dụng công cụ trên, lượng N và P trong thức ăn chăn nuôi, phân bón đã giảm rõ rệt. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Hà Lan, chất dinh dưỡng dư thừa đã giảm từ 512 triệu kg N (năm 1998) xuống còn 334 triệu kg N (năm 2002); đối với P giảm từ 140 triệu kg (năm 1998) xuống 87 triệu kg (năm 2002).

     Mặt khác, Chính phủ Hà Lan cũng tăng cường phổ biến kiến thức về quản lý chăn nuôi, xây dựng chuỗi cung ứng sạch thông qua các dự án trình diễn, tư vấn và mạng lưới liên kết nông dân, giúp người nông dân thấy được những lợi ích từ BVMT. Năm 2008, Chính phủ Hà Lan đã ký thỏa thuận đối tác công - tư, với tên gọi “Nông nghiệp sạch và hiệu quả” với các trang trại, nông dân, nhằm thực hiện các cam kết của Hà Lan trong khuôn khổ châu Âu. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các trang trại trồng trọt và trang trại chăn nuôi để giảm thiểu khí mê tan và thúc đẩy các hoạt động chăn nuôi sạch như xây dựng hệ thống phân hủy cho phân gia súc, sử dụng biogas...

     Để giải quyết những thách thức về diện tích đất nông nghiệp giảm, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Hà Lan đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, cải tiến các phương thức BVMT, đảm bảo sức khỏe động vật và đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Với những giải pháp hiệu quả trên, ngành chăn nuôi của Hà Lan đã có phát triển vượt bậc, trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm.

 

Phạm Thị Ngọc Thùy

Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

     Mới đây, TP. Rotterdam (Hà Lan) đã khởi công xây dựng trang trại bò sữa nổi trên mặt nước, nhằm cung cấp nguồn sữa sạch hàng ngày cho toàn TP, kết nối người dân TP với nguồn cung cấp thực phẩm và ngành chăn nuôi thuần tự nhiên; đồng thời giảm phát thải nhà kính. Đây là một công trình thân thiện với môi trường, với kích thước 40 x 32 m. Khi đi vào hoạt động, trang trại sẽ nuôi 40 con bò sữa. Theo thiết kế, phân bò sẽ được rô-bốt thu gom và ép thành bánh để đốt nhằm tạo ra nhiệt, năng lượng cho trang trại, còn một phần chuyển thành phân bón, hoặc tạo khí biogas. Nước mưa được thu gom để lọc và sử dụng làm nước uống cho bò. Trang trại sẽ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió từ các tổ hợp phong điện và pin mặt trời.

 

Ý kiến của bạn