04/06/2018
Từng bị tàn phá tới hơn 80% trong Thế chiến II, nhưng Freiburg - TP gần 900 năm tuổi, nằm ở phía Tây Nam Cộng hòa Liên bang Đức đã hồi sinh từ đống tro tàn sau cuộc chiến tàn khốc, trở thành một trong những TP có hệ sinh thái tốt nhất thế giới. Hiện nay, Freiburg được mệnh danh là “TP của năng lượng mặt trời (NLMT)”, do có nhiều hệ thống sản xuất điện từ NLMT.
TP sinh thái với những công trình, nhà ở xã hội xanh
Freiburg là sự kết hợp tinh tế giữa kỹ thuật, ý thức xã hội và phong cách sống xanh. Mỗi ngôi nhà ở đây đều có ban công, sân cỏ, khu vườn cách biệt, với hệ thống thông gió mát tự động và cửa sổ 3 lớp kính. Mùa đông, nhà được giữ ấm, mùa hè, mái mặt trời ngăn ánh sáng giữ cho không khí luôn mát mẻ.
Các tòa nhà ở Freiburg được thiết kế, xây dựng trên cơ sở tiết kiệm năng lượng
Freiburg nổi tiếng với vùng ngoại ô sinh thái ở quận Vauban. Ở đây, các tòa nhà được thiết kế, xây dựng trên cơ sở tiết kiệm năng lượng và đa số đều sử dụng NLMT. Những tấm pin NLMT được sử dụng như mái nhà, có thể sản xuất ra khoảng 65% năng lượng. Kỹ thuật cách điện nhà ở, tiết kiệm hay tận dụng nhiệt của đất để sưởi ấm nhà cũng được sử dụng nhiều. Vật liệu sử dụng trong thiết kế kiến trúc luôn ưu tiên cho những loại thân thiện với môi trường như gỗ, các loại mái phủ bằng cây cỏ thiên nhiên. Hiện Vauban có 5.500 dân sinh sống trong hàng trăm “khối nhà thụ động”, sử dụng năng lượng hiệu quả, với nguồn nước nóng và khí đốt được cung cấp bằng năng lượng xanh từ các nhà máy xung quanh.
Một trong những địa điểm đáng quan tâm nhất hiện nay của Freiburg là Tòa Thị chính đang xây dựng gồm 5 tầng, theo mô hình tự động, với hiệu suất cách nhiệt và hệ thống trao đổi không khí cao, giữ nhiệt độ không đổi trong suốt cả năm mà không cần hệ thống sưởi ấm hoặc làm mát, có thể tiết kiệm tới 90% năng lượng. Đặc biệt, phía trước và mái vòm của tòa nhà được bao phủ bởi hàng nghìn tấm pin NLMT, lượng điện sản xuất ra không chỉ đủ dùng cho tòa nhà mà còn cung cấp cho cả mạng lưới điện của TP. Dự kiến, cuối năm 2018, tòa nhà sẽ chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, thư viện của Đại học Freiburg cũng được đánh giá là công trình xanh lớn và hiện đại nhất châu Âu. Sau khi được cải tiến thành mô hình tòa nhà thụ động vào năm 2015, thư viện đã tiết kiệm được hơn 2 triệu Euro/năm, tạo nguồn thu đầu tư trang thiết bị, phục vụ công tác giảng dạy, học tập của trường. Freiburg cũng tự hào vì từ giữa những năm 1990, TP đã xây dựng được sân vận động bóng đá sử dụng NLMT đầu tiên trên thế giới.
Thư viện Đại học Freiburg - Công trình xanh hiện đại nhất châu Âu
Không chỉ là một TP sinh thái, Freiburg còn được biết đến với tiêu chí cộng đồng xã hội cao, điển hình là khu phố Weingarten-West, nơi các gia đình nghèo, người di cư, dân tị nạn sinh sống trong những mô hình nhà ở xã hội thụ động đầu tiên của Đức cũng như trên thế giới. Tại các tòa nhà có tấm lưới thông hơi trên đỉnh bức tường, nút điều chỉnh cường độ không khí đi vào, nhờ quạt và hệ thống thông gió, tòa nhà thụ động này giữ được nhiệt độ không đổi bên trong các căn hộ mà không cần đến lò sưởi hoặc điều hòa, góp phần tiết kiệm chi phí. Hiện tại, Freiburg đang có kế hoạch cải tạo 3 khu nhà ở xã hội khác với công nghệ xanh mới nhất sẽ bổ sung thêm trong tương lai.
Mạng lưới giao thông tiện lợi, thân thiện với môi trường
Chính quyền TP Freiburg đã xây dựng một hệ thống giao thông sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, rất thuận tiện. Từ những năm 1960 - 1970, TP đã triển khai các chính sách giao thông bền vững như tạo không gian cho người đi bộ trong khu vực trung tâm TP, mở rộng mạng lưới giao thông công cộng, xây dựng và khai thác hệ thống đường sắt; Khuyến khích hạn chế sử dụng xe ô tô, ở nhiều trung tâm thị trấn và khu dân cư, bãi đỗ xe chỉ dành cho cư dân nơi đó và phải có giấy phép. Cùng với đó, TP cũng tập trung nâng cao chất lượng và dịch vụ của các phương thức vận tải công cộng thay thế ô tô riêng; Tăng cường công tác truyền thông cho người dân về lợi ích của việc đi xe đạp, đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đến với Freiburg, khách du lịch có thể mua vé sử dụng hệ thống giao thông công cộng dùng trong 3 ngày với giá 26 Euro, đồng thời, du khách có thể trải nghiệm những gì độc đáo nhất của Freiburg mà không cần đến xe riêng. Hệ thống xe điện sẽ đưa du khách đến hầu hết các điểm du lịch, khi đường xe điện kết thúc, hành khách có thể tiếp tục hành trình bằng xe buýt nối chuyến, cáp treo và xe đạp để tham quan những địa danh khác. Sự hữu hiệu của phương tiện giao thông công cộng đã khiến tỷ lệ người dùng xe ô tô riêng tại Freiburg giảm xuống còn 30%, đặc biệt, xe đạp cũng được trang bị những tấm NLMT, thân thiện với môi trường.
Có thể nói, kinh tế sinh thái đã tạo ra nhiều lợi nhuận, giúp Freiburg tiết kiệm tới 55% chi phí năng lượng. Với kinh nghiệm của mình, Freiburg hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn và đầy triển vọng trong lĩnh vực công nghệ xanh trên toàn thế giới. Đây là những tiền đề quan trọng, tạo động lực để Freiburg tiếp tục hướng đến phát triển bền vững.
Bùi Minh Huệ
Tổng cục Du lịch
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)