13/10/2013
Dự án Phòng chống ô nhiễm trong sản xuất ô tô của Canađa
đã thu hút sự tham gia của tất cả các hãng sản xuất ô tô lớn
Thay vì dùng luật pháp để kiểm soát ô nhiễm (KSÔN), các quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng các chương trình khuyến khích sự tham gia tự nguyện của các đối tượng tiềm năng gây ô nhiễm. Canađa là một trong những quốc gia có nhiều chương trình tự nguyện thành công, mang lại lợi ích cho môi trường.
Để KSÔN và suy thoái môi trường, các chính phủ thường áp dụng cách tiếp cận bằng luật pháp. Nghĩa là, đặt ra các tiêu chuẩn, các quy định nhằm đạt được các mục tiêu môi trường, sau đó giám sát các đối tượng bị luật ràng buộc và truy tố các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, hệ thống này tồn tại rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, công nghệ KSÔN có thể thay đổi nhanh chóng nhưng luật thì vẫn giữ nguyên. Điều này sẽ không tạo ra động cơ cho người xả thải trong việc cải thiện các nỗ lực KSÔN, chừng nào họ vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện hành. Thứ hai là phí tiến hành giám sát và thực thi. Mặc dù một phần chi phí giám sát do đối tượng xả thải chi trả, nhưng cơ quan quản lý vẫn phải chịu chi phí pháp lý và hành chính cao để thực thi pháp luật và truy tố sai phạm.
Những năm gần đây, cách tiếp cận tự nguyện trong KSÔN ngày càng được quan tâm và có thể được áp dụng riêng hoặc kết hợp với các chính sách và pháp luật hiện hành. Các sáng kiến này có thể là thỏa thuận giữa cơ quan quản lý và ngành công nghiệp nào đó. Ở Mỹ, các sáng kiến tự nguyện tập trung vào phòng chống ô nhiễm công nghiệp thông qua việc khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng ít nhiên liệu độc hại hơn, chất thải ít hơn, đồng thời tái chế và tái sử dụng chất thải. Ở Canađa, một trong những sáng kiến tự nguyện nổi tiếng nhất là Chương trình chăm sóc có trách nhiệm của Hiệp hội các nhà sản xuất hóa chất Canađa. Tham gia chương trình này, các thành viên phải ký cam kết quản lý hóa chất độc hại một cách chặt chẽ từ khâu sản xuất, dự trữ đến khâu tiếp nhận trở lại các hóa chất tồn dư đã bán cho khách hàng. Chương trình này hiện đang được hầu hết các công ty sản xuất hóa chất tại Canađa hưởng ứng và được nhân rộng tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ và một số nước ở châu Âu.
Một chương trình KSÔN tự nguyện khác ở Canađa là Dự án Phòng chống ô nhiễm trong sản xuất ô tô (MVMA) và Dự án Xanh Sạch. Hai dự án này đều do Trung tâm Phòng chống ô nhiễm Canađa kết hợp với các cơ quan quản lý và các Hiệp hội công nghiệp khởi xướng. Với mục tiêu giảm các chất độc hại và các chất gây ô nhiễm khác, Dự án MVMA đã thu hút sự tham gia của tất cả các hãng sản xuất ô tô lớn của Canađa, những đối tượng sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Dự án đã trở thành mô hình cho các ngành khác về phòng chống ô nhiễm. Đây là một nỗ lực hợp tác tự nguyện giữa các công ty thành viên tham gia Hiệp hội các nhà sản xuất xe cơ giới Canađa (MVMA), Cục liên bang về Môi trường (DOE) và Bộ Môi trường - Năng lượng Ontario (MOEE). Dự án Xanh Sạch lại là một nỗ lực hợp tác của chính phủ, ngành công nghiệp giặt là và các tổ chức phi chính phủ để ngăn chặn ô nhiễm từ hoạt động của ngành này. Trong nhiều trường hợp, các chương trình tự nguyện đã giúp các chính phủ trong việc nâng cao nhận thức của các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm và thúc đẩy các hoạt động hướng đến phòng ngừa ô nhiễm.
Các sáng kiến tự nguyện cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, rõ ràng các sáng kiến tự nguyện sẽ tốn ít chi phí hơn trong thiết kế, quản lý và triển khai so với cách tiếp cận truyền thống dựa vào luật pháp. Bởi các sáng kiến này được các ngành công nghiệp tham gia tự nguyện nên thời gian để tranh luận, thống nhất được thay thế bằng các hoạt động KSÔN. Ngoài ra, các cơ quan quản lý sáng kiến tự nguyện chỉ cần một nhóm nhân viên so với hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm nhân viên cho việc triển khai, giám sát và thực thi các chương trình theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, các chính phủ có thể chuyển số tiền tiết kiệm được sang công tác giáo dục phòng chống ô nhiễm và các hoạt động mang lại lợi ích tương tự. Các sáng kiến tự nguyện cung cấp nền tảng cho quan hệ đối tác lâu dài giữa chính phủ và ngành công nghiệp, giữa ngành công nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Lợi ích của các chương trình KSÔN tự nguyện là khả năng thúc đẩy tính linh hoạt và sáng tạo. Trong khi cách tiếp cận theo quy định pháp luật chỉ cần những người gây ô nhiễm thi hành đúng theo luật, thì các chương trình tự nguyện được thiết kế tốt có thể thúc đẩy và khuyến khích các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm thử nghiệm các công nghệ mới để KSÔN.
Tuy vậy, mặt trái của chương trình là không có sự đảm bảo của đối tượng tham gia hoặc kết quả. Có nghĩa là chương trình tự nguyện chỉ đi vào hoạt động khi thu hút được đối tượng phát thải tham gia. Trong khi đó, với một khung pháp lý toàn diện, được thực thi một cách chặt chẽ và nhất quán, tất cả mọi người đều buộc phải tham gia hoặc bị xử phạt. Các chương trình tự nguyện chỉ thành công khi đối tượng phát thải có tài chính và khả năng để tham gia. Điều này có nghĩa là chỉ những ngành công nghiệp lớn, các thành phố… mới có đủ điều kiện về kỹ thuật, nhân lực và thời gian để triển khai những chương trình mới. Tương tự, những tổ chức lớn mới có thể chi trả cho những rủi ro từ việc triển khai những công nghệ mới.
Chương trình tự nguyện với mục đích thu hút ngành công nghiệp nên thường đặt ra các mục tiêu tổng quát, mang tính trách nhiệm xã hội như giảm chất độc hại, cùng có lợi, xây dựng mối quan hệ mà phớt lờ các mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu của chương trình tự nguyện chú trọng vào sự tham gia của đối tượng hơn là các kết quả có thể đo đếm được. Vì thế, các mục tiêu nhiều khi bị đánh giá là không rõ ràng nên ít tạo được sự hấp dẫn đối với những đối tượng tiềm năng.
Thêm vào đó, một chương trình tự nguyện chắc chắn dựa trên sự tham gia tự nguyện, không có sự ràng buộc về trách nhiệm. Các đối tượng tham gia chương trình có thể theo suốt toàn bộ hoạt động của chương trình hoặc từ bỏ chương trình. Do vậy, các biện pháp khuyến khích tham gia chương trình phải rất mạnh mẽ để thu hút sự tham gia của các đối tượng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiều đối tượng tham gia đã đăng ký tham gia nhưng lại không thực hiện cam kết của mình thì mức độ tin cậy và thực thi chương trình có thể bị ảnh hưởng.
Lê Thị Hường
Viện Cơ học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Nguồn: Tạp chí MT, số 8/2013