08/07/2014
UNEA là thiết chế cấp cao ra các quyết định về môi trường mới được LHQ thành lập với nhiệm vụ vạch ra một tiến trình mới trên con đường cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức phát triển bền vững về môi trường. Sự thành lập UNEA như một sự đáp ứng lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị LHQ về phát triển bền vững (Rio +20), tổ chức tại Braxin vào tháng 6/2012, nhằm tăng cường và nâng cấp UNEP là cơ quan môi trường hàng đầu thế giới thông qua việc hoạch định chương trình nghị sự toàn cầu về môi trường và bằng cách thiết lập tư cách thành viên toàn diện trong Hội đồng điều hành UNEP. Tiếp đó, tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Hội đồng điều hành UNEP tổ chức vào tháng 2/2013, các nước thành viên đã đề nghị Đại hội đồng LHQ đổi tên Hội đồng điều hành UNEP - cơ quan điều hành của UNEP với 58 thành viên được thiết lập từ năm 1972- thành Đại hội đồng Môi trường LHQ với tư cách thành viên toàn diện. Tháng 3/2013, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết A/RES/67/251, chính thức đổi tên gọi của Hội đồng Điều hành Môi trường thành Đại hội đồng Môi trường LHQ. Hiện 193 nước thành viên của LHQ, các nước quan sát viên và các bên liên quan khác được tham gia các cuộc thảo luận và ra quyết định về các vấn đề có ảnh hưởng đến trạng thái của môi trường và phát triển bền vững toàn cầu.
Là cơ quan điều hành mới của UNEP, UNEA có nhiệm vụ đưa ra các quyết định mang tính chiến lược, hướng dẫn chính sách trong hoạt động của UNEP và thúc đẩy một giao diện mới, mạnh mẽ hơn về khoa học và chính sách.
Kỳ họp đầu tiên diễn ra từ 23 - 27/6/2014 của UNEA có chủ đề chung là "Các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình phát triển sau năm 2015, bao gồm cả sản xuất và tiêu thụ bền vững". Chủ đề này được thiết kế nhằm định hướng và thông tin cho các thảo luận tiếp diễn về việc xây dựng một bộ các mục tiêu và chỉ số mà bộ chỉ số này có thể đem đến thành công cho các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Các Bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã - vấn đề đang gia tăng sự chú ý toàn cầu do tác động tiêu cực của nó đối với đa dạng sinh học. Các vấn đề khác được đề cập đến trong chương trình nghị sự UNEA bao gồm các nội dung từ luật pháp về môi trường đến các hoạt động và ngân sách của UNEP. Trong phiên họp đầu tiên, các Hội thảo về “Tài chính cho nền Kinh tế xanh”, “Các quy tắc môi trường của luật pháp” sẽ tập hợp những người có liên quan từ các khu vực tư nhân và công cộng tới các nhà lập pháp, tư pháp ở Nairobi. Qua những Hội thảo này và các hoạt động kết hợp khác, Đại hội đồng sẽ đưa ra những cơ sở tương tác để thảo luận và huy động các hành động phối hợp về những vấn đề môi trường quan trọng hướng tới “Một cuộc sống phẩm hạnh cho tất cả”.
Trong suốt tuần lễ UNEA năm 2014, hơn 40 sự kiện đặc biệt, sự kiện bên lề, diễn đàn, đối thoại cấp cao sẽ diễn ra tại trụ sở chính của UNEP, bao gồm các vấn đề như: biến đổi khí hậu, giới tính và môi trường, việc làm xanh, chất lượng không khí, các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), quản lý an toàn hóa chất, và các chủ đề khác.
Phiên thảo luận đầu tiên của UNEA ngày 24/6/2014
Phó Tổng thư ký LHQ kiêm Giám đốc điều hành của UNEP, ông Achim Steiner cho biết, “Việc tổ chức kỳ họp UNEA đầu tiên tại Nairobi - trụ sở của UNEP và được biết đến như thủ đô môi trường của thế giới - biểu trưng cho sự phát triển của cộng đồng môi trường toàn cầu. Lần đầu tiên này, tất cả các nước thành viên LHQ, các nước quan sát viên và những bên liên quan chính sẽ hiện diện trong đại hội đồng mới - do vậy đã đưa đến cho UNEA một cấp độ mới về tính đại diện, tính hợp pháp và thẩm quyền. Một ban các nhà hoạt động từ các lĩnh vực kinh tế, tài chính, khoa học xã hội, lập pháp, tư pháp và phát triển trên thế giới có trách nhiệm tham gia hoạch định chương trình nghị sự môi trường toàn cầu dưới sự quản lý của UNEA. Những vấn đề được đưa ra tại kỳ họp đầu tiên của UNEA là những vấn đề rất quan trọng đòi hỏi lắng nghe ý kiến của tất cả các nước thành viên và đối tác. Hơn bao giờ hết, thời điểm này càng thấy rõ sự đối lập giữa bền vững về môi trường và phát triển kinh tế - xã hội cần phải vượt qua và giải quyết bằng cách quản lý cẩn trọng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như một nền tảng của xã hội bền vững và thịnh vượng. Trong diễn đàn mới này, UNEP và các đối tác của mình sẽ đem đến cho chính phủ và các nhà hoạch định chính sách khác những căn cứ và lựa chọn chính sách, khoa học nhằm đảm bảo sự hợp tác quốc tế trong giải quyết một cách hiệu quả hơn các khía cạnh môi trường của phát triển bền vững”.
Lê Thị Hường
Viện Cơ học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014