Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Từ kinh nghiệm quốc tế đề xuất chính sách thúc đẩy mô hình tái sử dụng hướng đến thực hiện kinh tế tuần hoàn

26/12/2023

    Tóm tắt:

    Tái sử dụng (reuse - TSD), từ lâu, đã được biết tới là một trong những biện pháp giúp giảm thiểu và ngăn ngừa phát sinh chất thải ra môi trường giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến ô nhiễm và tối ưu hóa tài nguyên. Việc thúc đẩy phát triển các mô hình TSD góp phần đáng kể trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng và thúc đẩy những chính sách thúc đẩy áp dụng mô hình TSD trong đời sống. Chính sách này thường bao gồm việc thiết lập tiêu chuẩn và quy tắc cụ thể cho việc TSD, từ việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế đến khuyến khích người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm TSD. Nghiên cứu này sẽ tiến hành rà soát các chính sách thúc đẩy mô hình TSD đang được áp dụng tại các quốc gia trên thế giới nhằm tìm kiếm các bài học kinh nghiệm quý báu, hướng tới mục tiêu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện KTTH trong thực tiễn tại Việt Nam.

    Từ khóa: Tái sử dụng, kinh tế tuần hoàn, kéo dài vòng đời sản phẩm; phát triển bền vững.

    Nhận bài: 3/10/2023; Sửa chữa: 2/11/2023; Duyệt đăng: 13/12/2023.

    From international experience, propose policies to promote the reuse model aiming to implement a circular economy

    Abstract:

    Reuse, long known as a measure to reduce and prevent waste generation in the environment, helps minimize negative impacts on pollution and optimize resource use. Promoting the development of reuse models significantly contributes to the implementation of a circular economy in Vietnam. Many countries around the world have been developing and promoting policies to encourage the application of the reuse model in daily life. These policies often include establishing specific standards and rules for reuse activities, from facilitating recycling to encouraging consumers to reuse products. This study will review the policies promoting the reuse model currently applied in countries worldwide to seek valuable lessons, aiming to implement tasks and solutions for a circular economy in practice in Vietnam.

    Key words: Reuse, circular economy; extending the product lifecycle; sustainable development.

    JEL Classifications: Q55, Q56, Q57, Q59.

    1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Tái sử dụng (reuse) là hoạt động sử dụng lại một hoặc nhiều lần các sản phẩm, vật dụng, linh, phụ kiện nhằm mục đích kéo dài vòng đời sản phẩm nhằm khai thác tối đa giá trị mà sản phẩm đó mang lại trong đời sống trước khi được phân rã, xử lý hoặc tái chế, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, năng lượng và tài nguyên, giảm thiểu chất thải phát sinh và bảo vệ môi trường [1].  Trong quy trình quản lý chất thải, TSD là một chiến lược bao gồm các hoạt động giúp làm chậm dòng vật chất thông qua việc kéo dài quá trình sử dụng sản phẩm [2]. Có thể chia hoạt động TSD theo hai mục đích chính bao gồm: (i) TSD trực tiếp và (ii) TSD sau sơ chế. TSD trực tiếp nhằm mục đích sử dụng lại các sản phảm đã qua sử dụng nhưng vẫn còn nguyên giá trị sử dụng ban đầu, có thể hiểu đây là hình thức sử dụng lại đồ cũ thông qua hình thức mua giá rẻ, mượn hoặc thuê. TSD sau sơ chế là TSD sáng tạo khi các sản phẩm được sơ chế, phân tách linh kiện hoặc TSD để phục vụ một mục đích khác ví dụ như TSD chiếc ô tô sau sử dụng được phân tách và tái sử dụng lốp xe, ghế ngồi, cửa kính, vô lăng…

    Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay. TSD sản phẩm là một trong những nội dung quan trọng của KTTH, giúp kéo dài vòng đời sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc thúc đẩy phát triển các mô hình TSD góp phần đáng kể trong việc thực hiện KTTH ở Việt Nam, cụ thể: (i) giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu; tiết kiệm năng lượng; (ii) kéo dài thời gian sử dụng vật tư, thiết bị, sản phẩm và các thành phần của chúng; (iii) hạn chế phát sinh chất thải và giảm thiểu tác động tiêu cực của thải ra môi trường, giảm thiểu chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm việc sử dụng hóa chất độc hại; thúc đẩy tái chế chất thải và thu hồi năng lượng

    TSD đóng một vai trò không thể thiếu trong KTTH, khi từ lâu đã được đánh già là mộ trong những biện pháp tối ưu chỉ sau giảm thiểu (reduction) trong chiến lược 3R phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hoạt động TSD vật liệu và sản phẩm giúp duy trì sự bền vững của mô hình KTTH thông qua việc tăng tính ổn định của vòng đời sản phẩm, giúp giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, hạn chế tác động đến môi trường mà giúp tiết kiệm nguồn tai nguyên khai thác phục vụ trong sản xuất. Trên thế giới hiện nay, bên cạnh xu hướng tái chế chất thải, phế thải nhằm mục tiêu giảm phát sinh chất thải, phế thải ra môi trường, thực hiện thành công chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH thì việc TSD cũng là một chiến lược của các nước trên thế giới hiện nay. Không những là những các chiến lược từ phía Chính phủ mà còn là chiến lược phát triển của chính các doanh nghiệp, những người tạo ra các sản phẩm có thể được thải ra môi trường bởi nhiều cách khác nhau.

    2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu tập trung kinh nghiệm áp dụng các chính sách thúc đẩy mô hình tái sử dụng tại các quốc gia trên thế giới bao gồm khu vực Châu Âu và Châu Á.

    Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu áp dụng các phương pháp như nghiên cứu tại bàn; phương pháp tham vấn ý kiến chuyên gia, phương pháp phân tích chính sách.

    3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

    3. 1. Kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tái sử dụng trên thế giới

    Châu Âu: Tại Liên minh Châu Âu (EU), Kế hoạch hành động KTTH (CEAP) đầu tiên của EU đã được thông qua vào năm 2015 [3] với 54 hành động và 4 đề xuất lập pháp về chất thải, với các mục tiêu liên quan đến TSD, tái chế và chôn lấp. Thỏa thuận Xanh Châu Âu (EU Green Deal) được ban hành vào tháng 12 năm 2019 tiếp tục được xây dựng dựa trên KTTH. Thỏa thuận Xanh, cùng với các mục tiêu trọng tâm là tách tăng trưởng kinh tế khỏi sử dụng tài nguyên và năng lượng và không phát thải ròng vào năm 2050, đã xác định nền KTTH là một trong những trụ cột chính cơ bản. Theo tính toán của Liên minh Châu Âu, mỗi người dân Châu Âu sẽ thải ra 180 kg bao bì mỗi năm, vì ngăn chặn lãng phí bao bì, tăng cường TSD và nạp lại, đồng thời làm cho tất cả bao bì có thể tái chế được vào năm 2030 [4].

    Kế hoạch hành động về KTTH mới cho EU đã được ban hành vào tháng 3 năm 2020 [5]. Kế hoạch hành động KTTH mới này có bảy lĩnh vực trọng tâm khác nhau[4]. Trong số đó, tập trung vào việc thiết kế các sản phẩm bền vững hơn, thông qua sáng kiến chính sách sản phẩm bền vững, sẽ tiếp tục xây dựng dựa trên các chỉ thị và công cụ hiện có của EU, chẳng hạn như chỉ thị Thiết kế sinh thái (Ecodesign). Tương tự, trọng tâm sẽ là trao quyền cho người tiêu dùng và người mua sắm công, thông qua các đề xuất bao gồm sửa đổi luật tiêu dùng của EU để người tiêu dùng được thông báo về tuổi thọ và khả năng sửa chữa của sản phẩm.

    Chỉ thị về khung chất thải (WFD) quy định về khuyến khích thiết kế, sử dụng các sản phẩm tiết kiệm tài nguyên, bền (bao gồm cả về tuổi thọ và không bị lỗi thời theo kế hoạch), có thể sửa chữa, có thể TSD và có thể nâng cấp để ngăn ngừa phát sinh chất thải. Theo hệ thống phân cấp chất thải của EU (Điều 4 WFD), các biện pháp ngăn ngừa chất thải, sau đó là TSD, là ưu tiên hàng đầu khi nói đến chính sách và quản lý chất thải. Ngăn ngừa chất thải là cách hiệu quả nhất để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm tác động của chất thải đến môi trường. WFD quy định các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu việc tạo ra chất thải nhằm phá vỡ mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các tác động môi trường liên quan đến việc tạo ra chất thải và thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền KTTH. Điều 9 (1) (j) WFD bắt buộc MS giảm thiểu việc tạo ra chất thải, đặc biệt là chất thải không phù hợp để chuẩn bị TSD và tái chế.

Hình 1. Khung chất thải tại châu Âu (Nguồn: ec.europa.eu)          

    Pháp: Chính phủ Pháp đã ban hành Luật ngăn ngừa chất thải và KTTH (số 2020-105), theo đó:

    + Điều 16 của Luật bắt buộc nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà phân phối phải thông báo cho người bán sản phẩm của họ (và bất kỳ người nào yêu cầu) chỉ số về khả năng sửa chữa của các thiết bị điện và điện tử được đưa ra thị trường. Mục đích của chỉ số này là thông báo cho người tiêu dùng về khả năng sửa chữa sản phẩm liên quan. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2024, nó sẽ được thay thế bằng chỉ số bền vững bao gồm các tiêu chí bổ sung như độ tin cậy và độ bền của sản phẩm.

Hình 2. Chỉ số sửa chữa sản phẩm điện, điện tử (Nguồn: Ecologie.gouv.fr)

    + Điều 41 của Luật đã quy định rằng từ năm 2021 người tiêu dùng được quyền yêu cầu phục vụ và cung cấp sản phẩm vào vật chứa của bản thân, miễn là vật chứa sạch và phù hợp với đặc tính của sản phẩm cung cấp, quy định này nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm không kèm bao bì hoặc vật chứa. Ngoài ra,

    + Điều 42 của Luật yêu cầu người bán phải bán các loại đồ uống mang đi có bao bì có thể TSD với mức giá thấp hơn so với mức giá của đồ uống có bao bì không thể TSD

    + Điều 43 của Luật quy định các cửa hàng bán lẻ có diện tích lơn hớn 400 m phải đảm bảo việc cung cấp vật đựng sạch và có thể TSD để thay thế các bao bì không thể TSD

    + Điều 44 của Luật quy định người tiêu dùng sử dụng các vật đựng có thể tái chế hoặc TSD. Các cơ sở bán hàng có trách nhiệm thông báo cho người mua hàng về các quy định đối với vật đựng sạch, phù hợp với khả năng TSD hoặc tái chế. Người tiêu dùng có trách nhiệm vệ sinh vật đựng. Cơ sở có quyền từ chối phục vụ khách hàng trong trường hợp vật đựng không đảm bảo vệ sinh và phù hợp với đồ dùng.

    Bên cạnh đó, với mục đích là để đảm bảo tính tuần hoàn, quản lý chất thải phù hợp, ngăn ngừa lãng phí, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm và mang lại sự hòa nhập xã hội thông qua việc làm, Pháp đặt ra mục tiêu đến năm 2030, trọng lượng của sản TSD và chuẩn bị TSD (bao gồm hàng dệt may, đồ nội thất và thiết bị điện, điện tử) phải bằng ít nhất 5% tổng trọng lượng rác thải đô thị. Điều này được chuyển thành các mục tiêu TSD cụ thể cho từng loại sản phẩm được đề cập.

    Áo: Từ tháng 10/2020, Áo quy định các mục tiêu TSD có tính ràng buộc và có thể thi hành trong Đạo luật quản lý chất thải của họ bằng cách quy định hạn ngạch TSD đồ uống là 25% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Luật này quy định rằng các loại đồ uống cụ thể phải cung cấp hạn ngạch đóng gói có thể TSD tối thiểu từ 10% đến 15%.  Điều này có nghĩa là các siêu thị có nghĩa vụ cung cấp ít nhất 15% bao bì có thể TSD đối với bia và nước và 10% hạn ngạch bao bì TSD cho đồ uống không cồn, nước trái cây và sữa. Yêu cầu này bắt đầu áp dụng cho tất cả các tổ chức cung cấp đồ uống có diện tích lớn hơn 400 m2. Từ năm 2024, ít nhất cứ ba cửa hàng thứ ba của công ty phải cung cấp hàng trả lại, tăng lên 90% tổng số cửa hàng vào đầu năm 2025. Đến cuối năm 2025, hạn ngạch TSD cũng sẽ áp dụng cho tất cả các cửa hàng còn lại.

    Các nhà bán lẻ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này có thể chọn giữa hai lựa chọn để tuân thủ luật pháp:

  • Phương án 1: Công ty đảm bảo một số mặt hàng cụ thể có thể TSD. Trong tất cả các danh mục - từ bia đến nước trái cây - một số sản phẩm phải được cung cấp trong chai có thể trả lại (10-15%). Ví dụ: nếu công ty cung cấp mười loại bia khác nhau, ít nhất hai trong số đó phải có thể tái nạp lại. Ngoại lệ duy nhất là đồ uống không cồn đựng trong chai hoặc lon nhỏ có dung tích lên tới 0,5 lít. Chúng sẽ được nhiều người mua để tiêu dùng ngay và không mang về nhà. Ngoại lệ này chỉ áp dụng nếu sản phẩm được bảo hiểm theo hệ thống trả lại tiền đặt cọc.
  • Phương án 2: Công ty đảm bảo một lượng đồ uống có thể TSD tối thiểu nhất định được bán tính bằng lít. Đó sẽ là 25% tổng khối lượng bán ra cho mỗi loại đồ uống hoặc mỗi lít thứ tư được bán ra. Trong tất cả các danh mục phải có ít nhất một sản phẩm được đựng trong chai có thể TSD.

    Bỉ: Tại vùng Fladers của Bỉ đặt ra mục tiêu mỗi cá nhân sẽ phải tiêu thụ 7kg sản phẩm TSD hằng năm từ năm 2022 bao gồm tất cả cá sản phẩm TSD được sơ chế tại tại trung tâm TSD (reuse centre), vùng Wallonia đặt ra mục tiêu 2% các chất thải điên và điện tử (có tổng cộng 06 loại chất thải điện và điện tử được đưa đến trung tâm TSD để sơ chế) sẽ được chuẩn bị TSD vào năm 2020. Các sản phẩm đã qua sơ chế sẽ được bán dưới dạng đồ second-hand. Đối với quá trình thu thập dữ liệu, các trung tâm TSD có thể ký kết thỏa thuận riêng với chính quyền và nhận kinh phí để đổi lấy việc báo cáo hàng năm về hoạt động của họ. Mục tiêu của chính sách này hướng tới đưa các trung tâm TSD tham gia tích cực vào công tác ngăn ngừa và quản lý chất thải, tăng cường chuyên nghiệp hóa lĩnh vực TSD, tạo việc làm cho những người yếu thế trong xã hội, cải thiện tỷ lệ TSD, đạt được các mục tiêu ngăn ngừa chất thải và , cuối cùng, làm cho hàng hóa hàng ngày có thể tiếp cận được với các hộ gia đình có thu nhập thấp [6].

    Tây Ban Nha: Từ tháng 8/2018, Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu đầu tiên đưa ra mục tiêu ràng buộc về việc TSD, theo đó, nhà sản xuất có trách nhiệm TSD với tỉ lệ 3% đối với các sản phẩm điện, điện tử cỡ lớn (lớn hơn 50cm), đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị viễn thông cỡ nhỏ là 4%, đối với các sản phẩm dệt may, sản phẩm điện, điện tử, đồ nội thất và các dòng chất thải khác có mụ tiêu là 2%. Các sản phẩm TSD sẽ được sơ chế và đưa vào thị trường tiêu thụ đồ cũ. Bộ Môi trường tại Tây Ban Nha sẽ có trách nhiệm quản lý dữ liêu thông tin và giám sát quá trình thực hiện của cá doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này. Chính sách này sẽ giúp các chủ thể tham gia vào quy trình TSD, nâng cao tỉ lệ TSD quốc gia, tạo ra thêm nhiều việc làm xanh [6].

    Các chính sách của một số quốc gia thành viên Châu Âu được tổng hợp tại Bảng 1 như sau:

    Bảng 1. Tổng hợp các chính sách về TSD tại một số quốc gia thành viên Châu Âu

STT

Quốc gia

Năm ban hành

Chính sách

Chỉ tiêu TSD bắt buộc

1

Áo

2020

Đạo luật quản lý chất thải

15% đối với bao bì bia và nước

10% đối với bao bì đồ uống không cồn,

10% đối với bao bì nước trái cây

10% đối với bao bì sữa

2

Pháp

2021

Thông tư 3R năm 2021

Đến 2025: Giảm 20% bao bì sử dụng 1 lần trong đó một nửa phải được thực hiện thông qua TSD

Đến 2027: 10% bao bì trong siêu thị phải sử dụng vật liệu có thể TSD

3

Bồ Đào Nha

2021

Luật quản lý chất thải số 51/2021

Đến năm 2030: 30% bao bì trên thị trường phải sử dụng vật liêu có thể TSD

4

Romani

2021

Luật Liên quan đến cách quản lý chất thải đóng gói và đóng gói

Tăng bao bí có thể TSD hằng năm thêm 5% cho đến năm 2025

5

Tây Ban Nha

2018

Nghị định về bao bì và chất thải bao bì

Quy định hạn ngạch TSD bao bì đồ uống đối với nước, bia, nước hoa quả

(a) đối với thiết bị lớn (50+ cm), mức chuẩn bị tối thiểu cho mục TSD là 3%;

(b) đối với thiết bị CNTT và viễn thông cỡ nhỏ, mục tiêu TSD tối thiểu là 4%

6

Bỉ

Vùng Fladers 2022

Vùng Wallonia từ năm 2020

 

Vùn Fladers 7kg trên đầu người

Vùng Wallonia 2% sản phẩm điện và điện tử được TSD

Nguồn: Tổng hợp từ tập thể tác giả (2023)

3. 2. Thực tiễn áp dụng các mô hình tái sử dụng trên thế giới

  • Mô hình kinh doanh đồ second hand

    Nhật: Phố 2 (2nd street), là cửa hàng được người hâm mộ yêu thích trong danh sách các công ty TSD. Cửa hàng này còn được hỗ trợ bởi Hiệp hội các vấn đề TSD Nhật Bản. Phố 2 có hầu hết mọi thứ mà bạn có thể đang tìm kiếm.

    Ôxtrâylia: Salvos là một trong những cửa hàng đồ dùng second hand được yêu thích với hơn 350 cửa hàng trên khắp Ôxtrâylia:. Cửa hàng có đa dạng các mặt hàng như thiết bị điện tử, quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm, sách … với chất lượng được kiểm định kĩ càng trước khi được bán và phân phối đén người tiêu dùng.

  • Mô hình đặt cọc hoàn trả

    Áo: Berglandmilch (Công ty sữa lớn nhất tại Áo) đã sản xuất chai sữa 1l có thể tái nạp với mục tiêu giảm thiểu bao bì đòng gói. Khách hang phải đặt cọc 0,22 cents khi mua hang và được hoàn trả khi trả lại vở chai sữa. Chai sữa có thể TSD có thể được hoàn trả tại các máy thu hồi tự động được đặt ở khắp nơi tại nước Áo [7].

    Đan Mạch: Ngay từ năm 1998, công viên giải trí tại Copenhagen Tivoli Gardens ra mắt hệ thống TSD để phục vụ đồ uống một cách bền vững - những chiếc cốc Tivoli có thể TSD. Đồ uống được phục vụ trong những chiếc cốc có thể TSD và khách phải trả tiền khoản tiền gửi 5 DKK. Sau khi sử dụng, họ trả lại cốc cho máy được chỉ định và nhận lại tiền đặt cọc của họ. Nhân viên nhặt cốc, rửa sạch và mang chúng trở lại ngăn để chúng có thể được TSD. Công viên ước tính rằng sáng kiến này sẽ tiết kiệm môi trường khoảng 10 tấn rác thải nhựa mỗi năm [8].

    Đức: REBOWL là hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc (DRS) để TSD hộp đựng thực phẩm, được thiết kế để thay thế bao bì thực phẩm dùng một lần mang đi và giao hàng. Nó có sẵn khắp nước Đức. Khách hàng có thể mượn REBOWL – loại bát polypropylene không chứa BPA có nắp cao su nhiệt dẻo – từ các nhà hàng và quán cà phê tham gia với giá 5 EUR tiền gửi. Sau khi trả lại, bát được rửa sạch và sử dụng cho khách hàng tiếp theo [7].

  • Mô hình dùng chung

    Đan Mạch: Một mô hình TSD khá đặc trưng khác của Đan Mạch là mô hình - Thùng câu cá có thể TSD, Công ty Pack and Sea của Đan Mạch đã vận hành một thiết bị theo dõi hệ thống thùng câu cá có thể TSD từ năm 2008. Chìa khóa để sự thành công và bền vững của hệ thống theo dõi là một hợp tác giữa mười cảng của Đan Mạch, điều mà dễ dang hơn cho bến cảng là có thể thuê những chiếc thùng với cùng màu xanh lá cây. Tàu thuyền có thể lấy thùng ở bất kỳ bến cảng nào của Đan Mạch, và nhà xuất khẩu mua cá tại các cuộc đấu giá có thể trả lại những chiếc thùng này tại bất kỳ bến cảng nào của Đan Mạch hoặc tại một trong nhiều cơ sở của park and sea ở Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Bỉ, Anh và Pháp [7].

    Malaixia: Thương hiệu của Công ty Tapauware hướng tới mục tiêu trở thành người tiên phong trong nền KTTH và các lựa chọn thay thế tốt hơn, chẳng hạn như hộp đựng có thể TSD, trong ngành đóng gói thực phẩm ở Malaysia. Theo mô hình kinh doanh của công ty, Khách hàng có thể đặt đồ ăn trực tuyến như thường lệ, nhận đồ ăn được giao tại Tapauware và sau khi thưởng thức bữa ăn, khách hàng sẽ gửi các hộp đựng đã sử dụng của họ đến các điểm giao đồ ăn của Tapauware [9].

  • Mô hình reuse-refill

    Vương Quốc Anh: Với hệ thống tái nạp đầy di động, có thể tìm thấy những hệ thống nạp đầy của Ecover và Unilever tại các nhà bán lẻ có trụ sở tại Vương Quốc Anh, với bộ phân phối là những chiếc máy tự động cung cấp chất tẩy rửa Ecover dạng chai nhựa tái chế 100% sau khi sử dụng và Persil của Unilever trong dạng TSD được mã hóa QR chai nhôm hoặc thép không gỉ trong các trạm nạp đầy không cần chạm. Vòng tuần hoàn này được cung cấp bởi công ty TerraCycle, cung cấp cả mô hình trả lại từ nhà và trên đường đi và có thể tìm thấy tại các nhà bán lẻ lớn ở Pháp và Vương quốc Anh, cung cấp dịch vụ giao và nhận cả sản phẩm và bao bì rỗng có thể TSD, đồng thời đảm nhiệm khâu hậu cần ngược, làm sạch, vệ sinh và phân phối lại.

    Loop là một nền tảng toàn cầu về TSD. Mô hình này kết hợp với cá thương hiệu, doanh nghiệp và các nhà sản xuất nổi tiếng như Coca Cola, Tide, Walmart… để thúc đẩy các hoạt động TSD-tái nạp đối với các sản phẩm sử dụng một lần truyền thống. và hợp tác với các nhà bán lẻ hàng đầu để tích hợp các sản phẩm này vào cửa hàng thương mại điện tử trực tuyến và cửa hàng bán lẻ truyền thống của họ. Kích hoạt một hệ sinh TSD tuần hoàn với hàng ngàn sản phẩm - từ cốc cà phê đến chai dầu gội - với mục tiêu làm cho hoạt động TSD trở nên thuân tiện và dễ dàng hơn. Loop phí thành viên cho các công ty và khách hàng phải trả tiền đặt cọc. Kể từ khi được công bố vào tháng 1 năm 2019, nó đã được triển khai ở 5 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Canada và Nhật Bản. Úc và Đức là hai quốc gia khác cũng đang có kế hoạch gia nhập nhóm trong thời gian tới [10].

    Colombia: Tại nước này, một doanh nghiệp khởi nghiệp mang tên Mottainai với sứ mệnh góp phần giảm thiểu việc sử dụng nhựa dùng một lần. Hoạt động chính của công ty bao gồm nạp lại các sản phẩm vệ sinh cá nhân và gia đình. Điều này cho phép các hộ gia đình TSD các hộp nhựa có thể sử dụng được trong nhiều năm và chỉ cần đổ đầy sản phẩm vào đó và trả tiền theo trọng lượng nếu cần. Ý tưởng TSD và nạp lại rất quan trọng đối với Colombia vì nếu ngày càng có nhiều gia đình tham gia văn hóa nạp lại, nó sẽ có tác động tích cực đến hành tinh và giảm lượng chất thải rắn đến bãi rác, đại dương và hệ sinh thái của chúng ta [9]. 

  •  Mô hình thay đổi thiết kế sản phẩm có thể TSD

    Tại Mỹ: Hãng cafe nổi tiếng Starbucks có chiến lược thực hiện thu hồi lại chiếc cốc cá nhân có thể TSD từ những khách hàng cá nhân. Khách hàng có thể mang cốc cá nhân của mình - loại cốc bằng gốm được starbucks phát hành, tới các cửa hàng starbuck tại Mỹ để lấy đồ uống sau đó có thể rời cửa hàng mà không gây nguy cơ phát sinh chất thải nhựa dùng một lần (vỏ cốc, ống hút,...). Để khuyến khích khách hàng lựa chọn loại đồ uống có thể TSD này Starbucks sẽ tiếp tục tục giảm giá 0,10 USD cho đồ uống mà họ lựa chọn.

    Thái Lan: Cốc TSD có giá 150 Bath hiện có sẵn tại tất cả các cửa hàng của Starbucks tại Thái Lan, Khách hàng cũng sẽ được giảm giá 10 Bt cho mỗi lần mua cốc có thể TSD, vì vậy cốc sẽ tự thanh toán sau 15 lần sử dụng [11].

    

Hình 3. Cốc TSD tại Starbuck (Nguồn: stories.starbucks.com)

    Ý: Kể từ tháng 1/2019, Ý đã áp đặt lệnh cấm toàn quốc về sản xuất và kinh doanh nhựa dùng một lần do vậy các mô hình kinh doanh về TSD cũng đang là xu hướng của Ý. Trường Đại học Bologna bắt đầu dự án năm 2018 bằng cách thực hiện nhiều chiến lược là sản xuất chai nước kim loại có thể TSD đã được phát miễn phí cho sinh viên và đội ngũ nhân viên hành chính, giảng dạy. Tại Rome, Đại học Roma đã phân phát 30.000 chai nước bằng thép miễn phí. Chính quyền thành phố Milan đã phân phát 100.000 chai có thể TSD. Đô thị Brescia, A2a và Unibs đã bắt đầu sáng kiến dự đoán việc phân phối 7.500 chai nước bằng nhôm ở 29 trường trung học cơ sở vào năm 2020 và rất nhiều các trường đại học khác cũng hưởng ứng phong trào này [7].

    Ấn Độ: Nước này đã sử dụng hệ thống phân phối thực phẩm Dabbawalla trong nhiều thập kỷ cũng như phục vụ thức ăn đường phố trong những chiếc cốc và đĩa kim loại có thể TSD gọi là thali, cho hàng nghìn người mỗi ngày ở một số ngôi đền theo đạo Sikh thông qua dịch vụ bếp ăn cộng đồng hàng ngày [12].

    3.3 Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    a. Trong xây dựng chính sách

    Thứ nhất, cần thiết phải thiết lập các mục tiêu cụ thể đối với TSD tại các quốc gia Châu Âu. Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050  đã có những mục tiêu cụ thể trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt như giảm thiểu lượng rác đến bãi chôn lấp hay mục tiêu thu gom rác thải tuy nhiên vẫn chưa có các mục tiêu liên quan đến TSD được thiết lập tại Việt Nam. Chính phủ có thể thiết lập quy định và luật pháp để bắt buộc các công ty và tổ chức xây dựng kế hoạch TSD và giảm thiểu chất thải. Các quy định này có thể bao gồm mục tiêu TSD cụ thể, tiêu chuẩn về bảo quản và tái chế sản phẩm.

    Thứ hai, xây dựng các chính sách triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra đối với TSD chất thải. Đối tượng áp dụng sẽ bao gồm cả nhà sản xuất (tương tự EPR) hoặc người tiêu dùng (giống như Nhật Bản và các quốc gia Châu Âu). Việc áp dụng các lệnh cấm (như Ấn Độ và Ý) cũng có thể được tham khảo đối với từng mặt hàng cụ thể như bao bì nhựa sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm có thể TSD.

    Thứ ba, xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng triển khai các mô hình TSD. Chính phủ có thể thúc đẩy sự sáng tạo trong việc sử dụng lại chất thải thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm TSD. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, ưu đãi thuế, ưu đãi phát triển KTTH tuy nhiên, hướng dẫn chi tiết và quy trình áp dụng, hệ thống triển khai chưa hoàn thiện đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp nhận các ưu đãi này trong thực tiễn. Ngoài ra, có thể xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi mới như áp dụng thuế hoặc hạn chế thuế đối với các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất từ chất thải tái chế có thể khuyến khích việc sử dụng lại.

    Thứ tư, tạo cơ chế, hành lang trong phát triển thị trường tiêu thụ đồ second-hand. Sự phát triển của công nghệ và thị trường thương mại điện tử đã tạo ra sự bùng nổ trong việc tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng. Chính phủ cần ban hành các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồ second-hand như tạo thị trường phân phối sản phẩm (giống như Bỉ tạo Reuse Centre), thiết lập tiêu chuẩn giám định chất lượng sản phẩm đã qua sử dụng hoặc thiết lập các chính sách giám sát, quản lý các sản phẩm TSD kém chất lượng không có nguồn gốc rõ ràng.

    b. Áp dụng vào thực tiễn

    Thứ nhất, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp đã, đang và sẽ áp dụng các mô hình TSD tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã có những doanh nghiệp triển khai các mô hình TSD như reuse-refill, đạt cọc hoàn trả, mô hình dùng chung hay kinh doanh đồ second-hand. Tuy nhiên, quy mô của các mô hình này còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việc kết nối các doah nghiệp áp dụng mô hình TSD (tương tự PRO) sẽ giúp thúc đẩy phạm vi, quy mô của hội đồng doanh nghiệp trong cùng ngành, cùng lĩnh vực.

    Thứ hai, thống kê thông tin dữ liệu đầy đủ của các loại sản phẩm, chất thải áp dụng các mô hình TSD. Cơ sở dữ liệu đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong việc định hướng phát triển, xây dựng chính sách, xác định các cơ hội và thách thức trong việc phát triển và thúc đẩy các mô hình TSD, đặc biệt là tại Việt Nam. Ngược lại, khi cơ sở dữ liệu được thu thập và thống kê đầy đủ, các giải pháp sẽ được đề xuất và áp dụng một cách chính xác đem lại hiệu quả tối ưu, tiết kiệm nguồn lực cho chính doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

    Thứ ba, mở rộng tính kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong triển khai các mô hình TSD. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ đóng vai trò áp dụng và triển khai rộng rãi các chính sách, hoạt động thúc dẩy TSD đề ra. Việc phối hợp giữa 03 chủ thể này chắc chắn sẽ giúp các mô hình TSD được triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Ví dụ, Nhà nước có thể tạo điều kiện cho việc tạo hợp đồng và thỏa thuận dài hạn giữa các doanh nghiệp, nhà cung cấp và người tiêu dùng về việc sử dụng lại sản phẩm và vật liệu. Điều này có thể thúc đẩy sự ổn định và tạo động viên cho việc TSD.

    Thứ tư, nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc tiêu thụ các sản phẩm có thể TSD. Tại Việt Nam, nhận thức của người dân trong sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, các loại vật liệu có thể TSD đã được nâng cao đáng kể trong những năm gần đây. Cần thiết phải xây dựng và triển khai các chiến dịch truyển thống kèm với hướng dẫn chi tiết việc thực hiện và áp dụng các mô hình TSD đối với người tiêu dùng. Chính phủ có thể tạo ra các chương trình giáo dục và thông tin để tạo nhận thức về lợi ích của việc TSD và cách thực hiện nó đúng cách.

    4. Kết luận

    Chính sách TSD đã trở thành một trụ cột không thể thiếu trong KTTH, một mô hình được thiết kế để tái tạo và duy trì giá trị của sản phẩm, nguyên liệu và tài nguyên trong suốt chu trình vòng đời của chúng. Để thúc đẩy TSD, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng áp dụng các chính sách thực tiễn, đặt ra các mục tiêu cụ thể trong việc nâng cao tỉ lệ TSD sản phẩm, chất thải. Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh cơ chế chính sách theo hướng đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một trong những hướng đi được ưu tiên lựa chọn để nhằm đạt được định hướng phát triển này. Nghiên cứu đã rà soát kinh nghiệm về quá trình xây dựng trình sách thúc đẩy áp dụng mô hình TSD cũng như các thực tiễn áp dụng tại các quốc gia trên thế giới. Kết quả rà soát đã xác định các giải pháp thực hiện KTTH cho Việt Nam trong tương lai gần, điều này không chỉ giúp giảm lãng phí và tiết kiệm tài nguyên mà còn góp phần vào việc giảm ô nhiễm môi trường và thách thức về biến đổi khí hậu.

    Lời cảm ơn: Bài viết này dựa trên kết quả nghiên cứu “Đề xuất chính sách thúc đẩy áp dụng mô hình tái sử dụng phù hợp cho kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Mai Thanh Dung1, Lại Văn Mạnh1, Nguyễn Thế Thông1,

Nguyễn Trọng Hạnh1, Vũ Đức Linh1

1Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt IV/2023)

    Tài liệu tham khảo

    1. Repic, The role of reuse within a circular economy. 2020.

    2. Coelho, P.M., E. Sustainability of reusable packaging-Current situation and trends. Resource Conservation Recycle, 2020.

    3. European Commission, A., Closing the Loop-An EU Action Plan for the Circular Economy. Communication No. 614. 2015, European Commission Brussels, Belgium.

    4. Commission, E., A new Circular Economy Action Plan - For a Cleaner and more Competitive Europe. 2020.

    5. Commission, E., A new circular economy action plan for a cleaner and more competitive Europe. European Commission: Brussels, Belgium, 2020: p. 1-20.

    6. Rreuse, Re-use targets why they matter and what initiatives already exist in the EU. 2022.

    7. Risks, S.A., Best Practices To Reduce And Phase Out Single-UsePlastics In Europe. 2022.

    8. RethinkPlastic, Realising Reuse The potential for scaling up reusable packaging, and policy recommendations. 2021.

    9. Wagner, C., 5 inspiring reuse and refill projects from the Global South. 2022.

    10. Ayako, K., LOOP Japan to create model to reuse plastic containers for businesses. 2021.

    11. Nation, T. Starbucks introduces reusable cup to reduce waste. 2019; Available from: https://www.nationthailand.com/business/30368151.

    12. Gaia. Business unusual: Enterprises Paving the Way to Zero Waste, Philipines. 2021; Available from: www.no-burn.org.

Ý kiến của bạn