Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Tác động của biến động sử dụng đất đến đa dạng sinh học và diện tích phân bố của các thảm cỏ biển ở một số vùng biển ven bờ Việt Nam

15/04/2022

TÓM TẮT

    Các thảm cỏ biển là một trong những hệ sinh thái quan trọng đối với môi trường biển. Mặc dù diện tích các thảm cỏ biển có xu hướng suy giảm tại các Khu bảo tồn biển (KBT biển) của Việt Nam, tuy nhiên rất ít nghiên cứu đánh giá hiện trạng thảm cỏ biển ở các KBT biển. Nghiên cứu này đã tiến hành thành lập các bản đồ hiện trạng phân bố các thảm cỏ biển ở KBT biển Lý Sơn vào năm 2019 và KBT biển Nha Trang, Phú Quốc vào năm 2018. Nghiên cứu cũng làm rõ mối quan hệ giữa các lớp phủ trên cạn và sự phân bố các thảm cỏ biển. Phương pháp điều tra khảo sát thực địa, phân tích dữ liệu ảnh viễn thám vệ tinh và công nghệ GIS đã được sử dụng để giải đoán ảnh Landsat. Nghiên cứu cho thấy, Thalassia hemprichii chiếm ưu thế ở cả 3 KBT biển được lựa chọn, tạo thành các thảm cỏ biển đơn loài và đa loài cùng với các loài cỏ biển khác. Năm 2019, diện tích thảm cỏ biển phân bố ở KBT biển Lý Sơn khoảng 269,8 ha. Năm 2018, 82,1 ha thảm cỏ biển ở KBT biển Nha Trang và 5.670 ha ở KBT biển Phú Quốc với diện tích lớn của các thảm cỏ biển tập trung ở xã Cửa Dương. Bên cạnh đó, các thảm cỏ biển có xu hướng phân bố ở các khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao ở cả ba KBT biển được nghiên cứu. Do đó, nghiên cứu này góp phần cung cấp thông tin cơ bản cho công tác bảo tồn và quản lý bền vững các thảm cỏ biển nói riêng và KBT biển nói chung.

Từ khóa: Biến động sử dụng đất, đa dạng sinh học, khu bảo tồn biển, thảm cỏ biển…

1. MỞ ĐẦU

    Cỏ biển được đánh giá là một trong những hệ sinh thái biển tiêu biểu với năng suất sinh học cao, đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sống của con người, các loài động vật và hệ sinh thái biển ven bờ. Các thảm cỏ biển cung cấp nơi cư trú và nguồn thức ăn cho các loài sinh vật biển, lưu trữ một lượng lớn khí cacbon điôxít (CO2) từ khí quyển, giúp làm sạch nước và góp phần làm giảm tác động của sóng (Su & Huang, 2019).

    Các nghiên cứu về cỏ biển cho thấy, thành lập bản đồ hiện trạng phân bố hệ sinh thái thảm cỏ biển bằng công nghệ viễn thám và GIS kết hợp với khảo sát thực địa đã đạt được những kết quả khả quan (Hoàng & cs., 2019). Tại Việt Nam, các phương pháp điều tra và phân tích truyền thống cũng đã được thay thế bởi công nghệ viễn thám và GIS, nhằm hỗ trợ cho việc giám sát, theo dõi hiện trạng và biến động của các thảm cỏ biển qua từng giai đoạn một cách chính xác và dễ dàng (Nguyen & cs., 2015). Theo nghiên cứu của Cao và cs., khoảng 17.000 ha thảm cỏ biển tại Việt Nam được ghi nhận bằng dữ liệu ảnh vệ tinh và công nghệ GIS (Cao & cs., 2012).

    Hiện nay, tổng diện tích các KBT biển trên thế giới khoảng 27.495.595 km2 với số lượng là 14.830 khu vực, nhằm bảo vệ và duy trì các hệ sinh thái biển quan trọng (Grip & Blomqvist, 2018; Protected Planet, 2019). Ở Việt Nam, mạng lưới gồm 16 KBT biển với tổng diện tích 270.000 ha trải dài từ Bắc đến Nam đã được phê duyệt nhằm giải quyết các Kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Các KBT biển ở Việt Nam đều hướng đến mục tiêu chung là bảo tồn sự sinh trưởng và phát triển của các rạn san hô và thảm cỏ biển (Quach, 2018).

    Tuy nhiên diện tích phân bố và mật độ thảm cỏ biển ở Việt Nam đã và đang suy giảm nghiêm trọng, cụ thể giảm hơn 50% so với 10-15 năm trước. Các nguyên nhân gây suy giảm xuất phát từ tác động của quá trình tự nhiên, các hoạt động kinh tế và nhận thức bảo tồn của người dân địa phương (Cao & cs., 2012). Bên cạnh đó, việc lập bản đồ phân bố và biến động hệ sinh thái thảm cỏ biển vẫn còn khá hạn chế ở các KBT biển Việt Nam. Mặc dù một số nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong việc lập bản đồ phân bố cỏ biển đã được áp dụng ở KBT biển Nha Trang và Phú Quốc (Vo & cs., 2004; Vo & cs., 2005b).

    Vì vậy, nghiên cứu này sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh Landsat kết hợp với dữ liệu khảo sát thực địa nhằm mục đích đánh giá hiện trạng của các KBT biển điển hình ở vùng biển ven bờ Việt Nam, đồng thời đánh giá sự ảnh hưởng của biến động sử dụng đất đến sự phân bố của các thảm cỏ biển. Cụ thể, nghiên cứu trình bày (i) thành phần loài cỏ biển ở các KBT biển, (ii) hiện trạng diện tích phân bố của các thảm cỏ biển ở 3 KBT biển và (iii) tác động của biến động sử dụng đất đến diện tích phân bố cỏ biển.

2. TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Các khu vực nghiên cứu

    Các khu vực nghiên cứu được chọn bao gồm (i) KBT biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), (ii) KBT biển Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và (iii) KBT biển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) (Hình 1). Trong đó, KBT biển Phú Quốc có tổng diện tích lớn nhất với khoảng 336,57 km2 trong đó diện tích mặt nước là 18.700 ha (Bui & cs., 2014), tiếp đến là KBT biển Vịnh Nha Trang với tổng diện tích khoảng 160 km2 bao gồm 12.200 ha diện tích mặt nước và cuối cùng là KBT biển Lý Sơn ghi nhận tổng diện tích là 7.925 ha, trong đó diện tích mặt nước là 7.113 ha. Những KBT biển này được xem là ba trong số các KBT biển có tầm quan trọng lớn về đa dạng sinh học ở Việt Nam và có mức độ ảnh hưởng khác nhau bởi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Độ đa dạng sinh học ở vùng biển Lý Sơn bị suy giảm nghiêm trọng bởi tình trạng đánh bắt thủy hải sản quá mức kết hợp với một số hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như thuốc nổ, lưới kéo. Bên cạnh đó, các thảm cỏ biển còn bị đe dọa bởi hoạt động xây dựng cảng và khai thác cát ngay trên các thảm cỏ biển để trồng hành và tỏi (Nguyen & cs., 2018). Tương tự ở KBT Phú Quốc, sự gia tăng việc đánh bắt cá bằng lưới kéo ở các thảm cỏ biển và nuôi ốc trong vùng lõi cỏ biển cũng được xem là các mối đe dọa nghiêm trọng dẫn đến sự suy giảm diện tích các thảm cỏ biển từ năm 2010 (Bui & cs., 2014). Ngoài ra, hoạt động du lịch tại KBT biển Vịnh Nha Trang ghi nhận số lượng lớn khách du lịch tham quan vào mùa cao điểm, có đến trên 100 tàu thuyền du lịch và ca nô đưa đón khoảng 5.000-6.000 khách/ngày đến tắm, lặn biển, ngắm san hô ở Hòn Mun (thuộc phần lõi của KBT biển) (Nguyen, 2012). Do vậy, sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động du lịch đã tác động đến các hệ sinh thái biển (đặc biệt là các thảm cỏ biển và rạn san hô) (Nguyen, 2012).

Hình 1. Sơ đồ vị trí các khu vực nghiên cứu

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Khảo sát thực địa

    Trong quá trình khảo sát thực địa, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xác định toạ độ lấy mẫu cỏ biển và thống kê các kiểu loại nền đáy khác nhau bằng thiết bị định vị (GPS) Garmin eTrex 10 (Hoa Kỳ), nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu cho quá trình giải đoán ảnh vệ tinh. Thời gian khảo sát thực địa ở Lý Sơn vào tháng 4 năm 2019 (với 9 điểm thu mẫu), Vịnh Nha Trang vào tháng 6 và tháng 10 năm 2018 (với 11 điểm thu mẫu) và Phú Quốc vào tháng 3 năm 2019 (với 11 điểm thu mẫu).

    Quy trình thu mẫu cỏ biển được thực hiện như sau: nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát tối thiểu ba mặt cắt đồng thời sử dụng thiết bị định vị GPS để xác định tọa độ của 3 trạm lấy mẫu cỏ biển: trạm I (chỗ nông), trạm II (điểm giữa) và trạm III là chỗ sâu. Ô tiêu chuẩn có kích thước 0,5 × 0,5 m được sử dụng để thu mẫu cỏ biển, mẫu cỏ biển được bảo quản trong thùng lạnh và được vận chuyển về phòng thí nghiệm của Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

2.2.2. Phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm

2.2.2.1. Phân tích các mẫu cỏ biển

    Thành phần loài cỏ biển được xác định bằng phương pháp so sánh hình thái thực vật theo các tài liệu phân loại đã được công bố.

2.2.2.2. Phương pháp giải đoán ảnh viễn thám

    Việc lựa chọn dữ liệu ảnh vệ tinh để phục vụ cho quá trình giải đoán là vô cùng quan trọng. Ảnh viễn thám Landsat 8 với độ phân giải không gian 30 × 30 m được tải từ trang web của Tổng cục Địa chất Hoa Kỳ (https://earthexplorer.usgs.gov), trong đó vùng 49 (KBT biển Lý Sơn), vùng 52 (KBT biển Nha Trang) và vùng 53 (KBT biển Phú Quốc). Nghiên cứu lựa chọn các ảnh được chụp trong khoảng thời gian cùng với thời kì sinh trưởng và phát triển của các thảm cỏ biển, từ cuối tháng 2 đến tháng 7.

    Các dữ liệu được thu thập bao gồm dữ liệu thực địa (bộ điểm chìa khóa) và các ảnh vệ tinh Landsat. Quy trình phân tích, xử lý và giải đoán ảnh viễn thám được thực hiện bởi phần mềm phân tích ảnh viễn thám và GIS, bao gồm các kỹ thuật chính như hiệu chỉnh bức xạ, hiệu chỉnh khí quyển, hiệu chỉnh cột nước và thành lập bản đồ hiện trạng hệ sinh thái thảm cỏ biển.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thành phần loài cỏ biển ở các Khu bảo tồn biển

    Ở KBT biển Lý Sơn, nhóm nghiên cứu đã xác định được 6 loài cỏ biển, thuộc 2 loài và 2 chi, bao gồm Halophila ovalis, Thalassia hemprichii, Enhalus acoroides, Halodule pinifolia, Halodule uninervisCymodocea rotundata. Trong khi đó, ở KBT biển Nha Trang đã phát hiện 2 loài cỏ biển phổ biển thuộc 1 họ và 1 chi, bao gồm Thalassia hemprichii, Enhalus acoroides. Tương tự nhóm nghiên cứu đã xác định được 4 loài cỏ biển thuộc 2 loài và 2 chi ở KBT biển Phú Quốc, bao gồm Halophila ovalis, Thalassia hemprichii, Enhalus acoroides, Halodule pinifolia (Bảng 1). Nhìn chung, loài Thalassia hemprichii Enhalus acoroides chiếm ưu thế trong tất cả các khu vực nghiên cứu.

Bảng 1. Đa dạng thành phần loài cỏ biển ở 3 Khu bảo tồn biển

TT

Tên khoa học

Tên phổ thông

KBT Lý Sơn

KBT Nha Trang

KBT Phú Quốc

 

Họ Hydrocharitaceae

 

 

 

 

1

Halophila ovalis (Zol.) Den Hartog.

cỏ Xoan

+

 

+

2

Thalassia hemprichii (Her.) Asch.

cỏ Vích

+

+

+

3

Enhalus acoroides  (L.f.) Royle

cỏ Lá dừa

+

+

+

 

Họ Cymodoceaceae

 

 

 

 

4

Halodule pinifolia (Miki) D. Hartog

cỏ Hẹ tròn

+

 

+

5

Halodule uninervis (Forsk.) Asch.

cỏ Hẹ ba răng

+

 

 

6

Cymodocea rotundata Her .et Hemp.

cỏ Kiệu tròn

+

 

 

 

               

 

3.2. Hiện trạng thảm cỏ biển ở các KBT biển

    Diện tích các thảm cỏ biển được xác định vào năm 2018 đối với KBT biển Nha Trang và Phú Quốc và năm 2019 đối với KBT biển Lý Sơn được trình bày tại Bảng 2. Tại KBT biển Lý Sơn, tổng diện tích thảm cỏ biển được ước tính là 269,8 ha, phân bố tập trung ở các khu vực chính ở phía Đông, Tây Nam và Tây Bắc của đảo, với mật độ phân bố rải rác (Hình 2).

Hình 2. Sơ đồ phân bố của các thảm cỏ biển ở KBT biển Lý Sơn năm 2019

    Tại KBT biển Vịnh Nha Trang, khoảng 82,11 ha thảm cỏ biển được ghi nhận vào năm 2018; phân bố chủ yếu ở các vùng nước nông ven bờ như phường Vĩnh Hòa, xã Phước Đồng và Hòn Rùa; và xung quanh các đảo, đặc biệt các thảm cỏ biển lớn tập trung chủ yếu ở Hòn Tre (Hình 3).

Hình 3. Sơ đồ phân bố của các thảm cỏ biển ở KBT biển Nha Trang; KBT biển Phú Quốc năm 2018

    Đối với KBT biển Phú Quốc, diện tích thảm cỏ biển được giải đoán vào năm 2018  khoảng 5.670 ha. Các thảm cỏ biển phân bố rải rác ở các khu vực phía Bắc, Tây Bắc, Đông và Đông Nam của đảo, trải dài từ xã Gành Dầu đến các xã Bãi Dương, Hàm Ninh và An Thới. Đặc biệt, năm 2018 chứng kiến sự phân bố cỏ biển dày đặc tại khu vực ven đảo thuộc xã Cửa Dương (Hình 3).

3.3. Tác động của biến động sử dụng đất đến diện tích phân bố cỏ biển

    Năm lớp phủ chính được lựa chọn trong quá trình giải đoán hiện trạng sử dụng đất vùng ven biển bao gồm: khu dân cư, đất nông nghiệp, đất trống, đất rừng và đất khác. Kết quả phân loại hiện trạng sử dụng đất và thảm cỏ biển ở KBT biển Lý Sơn năm 2019, KBT biển Nha Trang và Phú Quốc năm 2018 được trình bày lần lượt ở Bảng 3; Hình 4, 5 và 6.

Hình 4. Sơ đồ lớp phủ sử dụng đất và thảm cỏ biển ở KBT biển Lý Sơn năm 2019

Hình 5-6. Sơ đồ lớp phủ sử dụng đất và thảm cỏ biển ở KBT biển Nha Trang; KBT biển Phú Quốc năm 2018

    Dựa vào Bảng 2 có thể thấy, trong khi KBT biển Lý Sơn chiếm ưu thế với đất nông nghiệp (40%) thì KBT biển Nha Trang chiếm lợi thế về diện tích rừng (41,1%). Ở KBT biển Phú Quốc, tỷ lệ rừng che phủ (> 60%) và đất nông nghiệp chiếm đến hơn một nửa diện tích so với các đối tượng còn lại, đặc biệt tỷ lệ này được ghi nhận lớn hơn nhiều so với hai khu vực nghiên cứu còn lại. Bên cạnh đó, các khu vực tập trung thảm cỏ biển thường có sự phân bố của các cánh rừng ở phía Tây Nam và Tây Bắc của KBT biển Lý Sơn và phía Đông của KBT biển Phú Quốc. KBT biển Phú Quốc cũng chứng kiến diện tích thảm cỏ biển và tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất so với hai khu vực nghiên cứu còn lại. Ngoài ra, ở các khu vực được bao phủ bởi các lớp phủ nhân tạo (chủ yếu là khu dân cư) dường như có rất ít sự phân bố của cỏ biển, hoặc hầu như không có, đặc biệt là ở phía Tây đảo Phú Quốc và khu vực ven biển Nha Trang (mặc dù KBT biển Nha Trang chiếm tới 41,1% tỷ lệ che phủ rừng).

Bảng 2. Diện tích thảm cỏ biển và tỷ lệ các lớp phủ trên cạn tại KBT biển Lý Sơn năm 2019 và KBT biển Nha Trang, Phú Quốc năm 2018

KBT biển

Lý Sơn

Nha Trang

Phú Quốc

Thảm cỏ biển (ha)

269,8

82,1

5.670

Diện tích các lớp phủ sử dụng đất

Khu dân cư (%)

17,9

9,8

15,8

Đất nông nghiệp (%)

42,1

1,2

13,2

Đất trống (%)

7,8

9,4

8,6

Rừng (%)

14,4

41,1

51,5

Khác (%)

17,8

38,4

10,9

4. KẾT LUẬN

    Nghiên cứu cho thấy Thalassia hemprichii chiếm ưu thế nhất ở cả 3 KBT biển Lý Sơn, Nha Trang và Phú Quốc, tạo thành các thảm cỏ biển đơn loài và đa loài cùng với các loài cỏ biển khác.

    Ảnh vệ tinh Landsat và dữ liệu khảo sát thực địa đã được sử dụng để xây dựng bản đồ phân bố hiện trạng của các thảm cỏ biển. Kết quả nghiên cứu chỉ ra diện tích thảm cỏ biển ở KBT biển Lý Sơn khoảng 269,8 ha năm 2019; khoảng 82,1 ha ở KBT biển Nha Trang và khoảng 5.670 ha ở KBT biển Phú Quốc năm 2018.

    Nghiên cứu cũng bước đầu cho thấy sự phân bố của các thảm cỏ biển tập trung chủ yếu ở các lớp phủ rừng và hầu như không có sự xuất hiện của cỏ biển ở các lớp phủ nhân tạo (đặc biệt khu dân cư). Bên cạnh đó, lớp đất nông nghiệp chiếm ưu thế ở KBT biển Lý Sơn và các lớp khác (công trình xây dựng và khu du lịch…) có xu hướng ưu thế ở 2 KBT biển còn lại.

    Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái ven biển, Chính phủ đã đề xuất ra các chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đồng thời phê duyệt đề án nhằm theo dõi, đánh giá, giám sát hiện trạng và biến động đa dạng sinh học cho các hệ sinh thái ven biển.

LỜI CẢM ƠN

    Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Huế về Tài nguyên - Môi trường và Sinh thái vùng ven biển (Mã số: NCM.DHH.2020.03).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bui L (2018). Quang Ngai develops Ly Son Marine Protected Area. Public Security News, Ha Noi, Viet Nam. http://en.cand.com.vn/Culture-travel/Quang-Ngai-develops-Ly-Son-Marine-Protected-Area-501693/. Accessed April 19, 2019.

2. Bui TTH, Walton A, Tran MH, Khuu TD, Nguyen BH, Phan VB, Brunner J (2014). Vietnam Marine Protected Area Management Effectiveness Evaluation. Gland, Switzerland: IUCN, 86 pp.

3. Cao VL, Nguyen VT, Komatsu T, Nguyen DV, Dam DT (2012). Status and threats on seagrass beds using GIS in Vietnam. Proc SPIE Int Soc Opt Eng., 8525, 852512-1. https://doi.org/10.1117/12.977277

4. Grip K, Blomqvist S (2018). Establishing marine protected areas in Sweden: Internal resistance versus global influence. Ambio, 47(1), 1-14. https://doi.org/10.1007/s13280-017-0932-8

5. Nguyen HQ, Nguyen HY, Luong VK, Nguyen VT (2018). Characteristics of seagrass ecosystem in Ly Son island, Quang Ngai province. Proc J Mar Sci Technol., Quang Ninh, Vietnam.

6. Nguyen VH (2012). Some solutions to environmental management of tourist activities in Nha Trang marine protected area - Khanh Hoa province. Sci. Technol. Dev., 15(3), 54-63. https://doi.org/10.32508/stdj.v15i3.1808

7. Nguyen XH, Nguyen NNT, Nguyen TH (2015). Current status and trends of mangroves and seagrasses in Nha Trang bay Collection of Marine Research Works, 21(2), 201-211.

8. Hoang C. Tin, Nguyen T. Uyen, Duong V. Hieu, Tran N. K. Ni, Nguyen H. C. Tu, Izuru Saizen (2019). Decadal dynamics and challenges for seagrass beds management in Cu Lao Cham Marine Protected Area, Central Vietnam, Environment, Development and Sustainability, 22: 7639-7660

9. Protected Planet Report. Protected areas coverage in 2019. https://www.protectedplanet.net/. Accessed April 19, 2020.

10. Quach TKN (2018). Impacts on the ecosystem and human well-being of the marine protected area in Cu Lao Cham, Vietnam. Mar. Policy, 90, 174-183. https://doi.org/10.1016/j.marpol.2017.12.015

11. Su L, Huang Y (2019). Seagrass Resource Assessment Using WorldView-2 Imagery in the Redfish Bay, Texas. J. Mar. Sci. Eng. 2019, 7(4), 98. https://doi.org/10.3390/jmse7040098

12. Vo ST, DeVantier L, Nguyen VL, Hua TT, Nguyen XH (2005a). Marine and coastal habitats of Nha Trang Bay Marine Protected Area. Reassessment 2002-2005. Nha Trang, Vietnam Institute of Oceanography. In Hon Mun MPA pilot project. Biodiversity report No.13.

13. Vo ST, DeVantier L, Nguyen VL, Hua TT, Nguyen XH, Phan KH (2004). Coral reefs of Hon Mun Marine Protected Area, Nha Trang bay, Vietnam, 2002: Species composition, community structure, status and management recommendations. Proc. Sci. Conf. "Bien Dong - 2002", Nhatrang, Vietnam. Agriculture publishing house, pp. 640–690.

14. Vo VQ, Hoang XB, Nguyen XV, Cox NJ (2005b). Conservation of the Dugong (Dugong Dugon) in Phu Quoc islands, Viet Nam. Final project: 001703, Asia & Pacific, Vietnam.

PGS. TS. Hoàng Công Tín1*, PGS. TS. Lê Văn Thăng1, TS. Võ Trọng Thạch2, TS. Lê Công Tuấn1, TS. Lương Quang Đốc3, ThS. Nguyễn Tú Uyên1, ThS. Nguyễn Hữu Chí Tư1, ThS. Trần Ngọc Khánh Ni1, CN. Ngô Hữu Bình1

1 Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

2 Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Công nghệ Nha Trang, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

3 Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022)

 

IMPACTS OF LAND-USE CHANGE ON BIODIVERSITY AND DISTRIBUTION AREA OF SEAGRASS BEDS IN SELECTED MARINE PROTECTED AREAS OF VIETNAM

Hoang Cong Tin1*, Le Van Thang1, Vo Trong Thach2, Le Cong Tuan1, Luong Quang Doc3, Nguyen Tu Uyen1, Nguyen Huu Chi Tu1, Tran Ngoc Khanh Ni1, Ngo Huu Binh1

1 Faculty of Environmental Science, University of Sciences, Hue University

2 Nha Trang Institute of Technology Research & Application, Vietnam Academy of Science and Technology

3 Department of Biology, University of Sciences, Hue University

ABSTRACT

    Seagrass beds are played an important role for the marine environment. The area of seagrass beds tended to decrease in the Marine Protected Areas (MPAs) of Vietnam, however, there has been limitted studies to evaluate the variation of seagrass beds among the MPAs. This study attempted to evaluate the biodiversity and current distribution area of seagrass beds in Ly Son, Nha Trang and Phu Quoc MPAs. The study also clarified the relationship between land-use covers and seagrass ecosystems. Field survey methods, data analysis of satellite remote sensing images and GIS technology were used to interpret Landsat images. The study showed that Thalassia hemprichii was dominant in all three selected MPAs, forming monotypic and multi-species seagrass beds along with other seagrass species. In 2018, the area of seagrass beds distributed in Ly Son MPA was 269.8 ha; 82.1 ha in Nha Trang MPA and 5,670 ha in Phu Quoc MPA. Besides, seagrass beds tended to be distributed in areas with high forest coverage in all three studied MPAs. Therefore, this study contributed to providing basic information for the conservation and sustainable management of seagrass beds in particular and MPAs in general.

Keywords: land-use change, biodiversity, Marine Protected Areas, seagrass beds.

Ý kiến của bạn