Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Phương pháp tính giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất một số giải pháp

07/01/2021

     TÓM TẮT

     Thị trường dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trong thời gian qua phát triển nhanh, thu hút sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước. Hiện cả nước có khoảng 105 đơn vị xử lý chất thải áp dụng các loại công nghệ khác nhau, trong đó công nghệ lò đốt công suất nhỏ (42%), nhà máy ủ phân compost (24%), cơ sở kết hợp ủ phân compost và lò đốt (24%), công nghệ khác (10%). Tổng công suất lắp đặt là 17.600 tấn rác/ngày [1].Mặc dù, thị trường này được đánh giá là một thị trường tiềm năng nhưng thực tế chưa có nhiều DN đầu tư cho hoạt động xử lý CTRSH. Một trong những nguyên nhân là do giá dịch vụ xử lý CTRSH hiện được áp dụng tại các tỉnh, TP đang ở mức thấp, không đồng bộ, thiếu sự thống nhất và chưa tính toán đầy đủ các loại chi phí cho DN trong quá trình thực hiện. Bài viết trình bày về thực trạng và đề xuất một số giải pháp để xây dựng phương pháp tính giá dịch vụ xử lý CTRSH phù hợp ở Việt Nam trong thời gian tới.

     Từ khóa: Chất thải rắn sinh hoạt đô thị, giá dịch vụ, thị trường dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

     Nhận bài: 29/7/2020; Sửa chữa: 3/8/2020; Duyệt đăng: 4/8/2020

  1. Thực tế thực hiện giá dịch vụ xử lý CTRSH ở Việt Nam

     Quá trình đô thị hóa, cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số, kéo theo lượng CTRSH phát sinhở Việt Nam ngày càng tăng. Dự báo, đến năm 2020, lượng CTRSH đạt khoảng 60 - 70 triệu tấn/năm, vì vậy, nhiệm vụ về quản lý CTRSH sẽ làthách thức lớn đối với công tác BVMT[2]. Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng lượng CTRSH đó là Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh. Cùng với sự gia tăng dân số và sự phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, du lịch, dịch vụ cũng làm làm gia tănglượng chất thải. Các TP lớn ở Việt Nam như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ chiếm khoảng 70% lượng CTRSH phát sinh trên cả nước. Mức độ phát sinh chất thải trung bình ở Việt Nam là 0,7kg/người/ngày ở khu vực đô thị và 0,4kg/người/ngày ở khu vực nông thôn[3]. Khoảng 63% chất thải thu gom được đưa đến các bãi chôn lấp và 22% (khoảng 14,000 tấn/ ngày) được đưa đến các cơ sở xử lý khác nhau (tái chế chiếm 10%, ủ phân compost 4%, đốt rác 14%).

     Hiện nay, loại hình DN tham gia cung cấp dịch vụ này chủ yếu là cácDN nhà nước được cổ phần hóa vàcông ty tư nhân và công ty có vốn đầu tư nước ngoài.  Sự tham gia của đa dạng các DN ở các thành phần kinh tế khác nhau đã tạo ra một thị trường dịch vụ môi trườngtiềm năng ở Việt Nam. Theo lý thuyết về kinh tế, một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên thị trường đó là giá. Đối với dịch vụ này có hai nhóm giá gồm: Giá dịch vụ vụ xử lý CTRSH và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có quy định về lập phương án giá đối với dịch vụ xử lý CTRSH  mà chưa có quy định hướng dẫn về lập phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH.

     Đối với việc lập phương án giá dịch vụ xử lý CTRSH theo quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu thì giá dịch vụ xử lý CTRSH được quy định như sau: Đối với cơ sở xử lý CTRSH được đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn một tỉnh, UBND cấp tỉnh giao các sở chuyên ngành lập phương án giá gửi Sở Tài chính chủ trì tổ chức thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; Đối với cơ sở xử lý CTRSH được đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư lập và trình phương án giá, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt;

    Mặc dù, có sự phân loại về phương án xây dựng giá, nhưng thực tế cả hai đối tượng trên đều áp dụng phương pháp, công thức và cơ cấu tính giá dịch vụ xử lý CTRSH do Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Thông tư số7/2017/TT-BXD ngày 15/5/2017.

     Theo đó, giá dịch vụ xử lý CTRSH  phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của quá trình đầu tư và khai thác, vận hành cơ sở xử lý CTRSH. Về phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH được xác định theo công thức:

GXLCTR= ZTB + (ZTB x P) (1)

     Trong đó:

     - GXLCTR: Giá dịch vụ xử lý 1 tấn CTRSH chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Đơn vị: đồng.

     - ZTB: Giá thành toàn bộ để xử lý 1 tấnCTRSH. Đơn vị: đồng

     - P là tỷ lệ lợi nhuận (%): Không quá 5%.

     Chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH (CT)

     Bảng 1. Chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH (CT)

TT

Nội dung chi phí

Ký hiệu

1

Chi phí vật tư trực tiếp

Cvt

2

Chi phí nhân công trực tiếp

CNC

3

Chi phí máy, thiết bị trực tiếp

CM

4

Chi phí sản xuất chung

CSXC

 

Tổng chi phí sản xuất

Cp = Cvt+ CNC + CM + CSXC

5

Chi phí quản lý DN

Cq

 

Tổng chi phí

C= Cp+ Cq

 

     Trên cơ sở Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, TP ban hành khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và giá dịch vụ tối đa xử lý CTRSH sử dụng ngân sách nhà nước, ví dụ: Tại TP.Hồ Chí Minh: Quyết định 38/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 Quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và giá tối đa dịch vụ xử lý CTRSH sử dụng nguồn vốn NSNN.

     Bảng 2. Tóm tắt giá dịch vụ tối đa thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn NSNN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ năm 2018

(Giá đã tách thuế giá trị gia tăng đầu vào và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng đầu ra)

Nội dung

Đơn vị tính

Lộ trình

Năm 2018 - 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022 trở đi

1. Giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước

 

 

 

 

 

a) Giá tối đa đối với dịch vụ thu gom tại nguồn

 

 

 

 

 

Thu gom thủ công

Đồng/kg

364

364

364

364

Thu gom cơ giới

Đồng/kg

166

166

166

166

b) Giá tối đa đối với dịch vụ vận chuyển CTRSH

Đồng/kg

40

133,5

227

247

2. Giá tối đa dịch vụ xử lý CTRSH sử dụng ngân sách nhà nước

Đồng/kg

-

-

-

475

 

     Tại tỉnh Thanh Hóa: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 4/7/2019 về mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể theo Bảng sau:

     Bảng 3. Giá dịch vụ xử lý CTRSH (bao gồm thuế giá trị gia tăng)

TT

Biện pháp xử lý CTRSH của đơn vị cung cấp dịch vụ

Đơn v tính

Mức giá tối đa

1

Xử lý bằng công nghệ đốt

đồng/m3

210.000

2

Xử lý bằng công nghệ chế biến phân vi sinh, tái chế kết hợp đốt (công nghệ hỗn hợp)

đồng/m3

170.000

3

Xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh

đồng/m3

70.000

 

     Bảng 4. Giá tối đa dịch vụ xử lý CTRSH thanh toán cho nhà đầu tư tại các khu xử lý (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng)

TT

Công suất, biện pháp xử lý

Mức giá tối đa (đồng/tấn)

Ghi chú

Công nghệ, thiết bị nước ngoài

Công nghệ, thiết bị trong nước

I

Cơ sở xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt

1

Công suất từ 10 đến dưới 50 tấn/ngày

340.000

320.000

Chỉ áp dụng cho các lò đốt đang hoạt động, không áp dụng đối với dự án đầu tư mới.

2

Công suất từ 50 đến dưới 300 tấn/ngày

480.000

440.000

 

3

Công suất từ 300 đến dưới 500 tấn/ngày

470.000

420.000

 

4

Công suất từ 500 tấn/ngày trở lên

450.000

390.000

 

II

Cơ sở xử lý CTRSH bằng công nghệ chế biến phân vi sinh, tái chế kết hợp đốt (công nghệ hỗn hợp)

1

Công suất từ 100 đến dưới 300 tấn/ngày

390.000

360.000

 

2

Công suất từ 300 đến dưới 500 tấn/ngày

350.000

320.000

 

3

Công suất từ 500 tấn/ngày trở lên

330.000

300.000

 

III

Cơ sở xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh

1

Công suất từ 10 đến 100 tấn/ngày

140.000(có tính khấu hao)

130.000(không tính khấu hao)

Chỉ áp dụng cho các bãi chôn lấp đang hoạt động, không áp dụng đối với dự án đầu tư mới

 

     Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, tính toán giá dịch vụ tập trung vào các loại chi phí cố định bao gồm chi phí vật tư trực tiếp, nhân công,máy móc, mua nguyên liệu, nhiên liệu, chi phí quản lý DN, chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định...mà chưa tính toán, bổ sung các loại chi phí biến đổi khác như chi phí xử lý tác động của dự án đến môi trường, tác động tới sức khỏe người dân,tác động tới cây trồng, vật nuôi do ô nhiễm môi trường khi cơ sở xử lý CTRSH đi vào hoạt động. Vì vậy, giá dịch vụ đối với CTRSH theo hướng dẫntrên đang ở mức thấp và mức giá đó chưa tính đúng, tính đủ các loại chi phí cần thiết mà DN phải chi trả, từ đó chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của DN đối với xã hội và trách nhiệm trong BVMT.

     Thực tế tại một số tỉnh, TP đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tham gia vào thị trường dịch vụ xử lý CTRSH như tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức đấu thầu đơn vị thực hiện xử lý CTRSH theo công nghệ đốt phát điện, tại Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, Sóc Trăng tổ chức đấu thầu dự án nhà máy xử lý CTRSH...Với phương pháp và công thức tính toán giá dịch vụ và phạm vi áp dụng theo hướng dẫn như trên thì các tỉnh, TP hiện đang phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình triển khai, những rào cản trong việc kêu gọi đầu tư, đặc biệt chưa thu hút được các DN trong nước, nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Một số tỉnh, TP khôngcam kết đơn giá tối thiểu cho dự án. Do vậy, nhiều tổ chức, cá nhân không dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này khi chưa biết giá dịch vụ được nhà nước ký kết là bao nhiêu tiền. Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều DN, nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư 100% cho lĩnh vực xử lý rác thải, nhưng họ cần một cơ chế tài chính rõ ràng của các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương.

  1. Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng giá dịch vụ xử lý CTRSH

     Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) và Trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc về quản lý chất thải rắn ở châu Á - Thái Bình Dương, thực trạng quản lý CTRSH được tổng hợp ở 3 cấp độ từ thấp tới cao. Theo đó, chi phí cho thu gom vận chuyển và xử lý CTRSH ở các nước với cấp độ quản lý cao sẽ cao hơn so với các nước có cấp độ quản lý thấp. Các hệ thống quản lý CTRSH ở các quốc gia có thu nhập cao thường từ 50-100 USD/tấn, hoặc có thể cao hơn. Mức phí CTRSH giao động ở mức trung bình khoảng 37 USD/ hộ gia đình/năm đối với các quốc gia thu nhập thấp và khoảng 168 USD/hộ gia đình/năm đối với các quốc gia thu nhập cao. [4]

     Bảng 5. Tổng hợp chi phí cho quản lý CTRSH (USD/tấn)

Hoạt động

Các nước thu nhập thấp

Các nước thu nhập trung bình

Các nước thu nhập trung bình cao

Các nước thu nhập cao

Thu gom và vận chuyển

20-50

30-75

50-100

90-200

Chôn lấp hợp vệ sinh

10-20

15-40

20-65

40-100

Chôn lấp không hợp vệ sinh

2-8

3-10

-

-

-Sản xuất phân compost

5-30

10-40

20-75

35-90

 

     Nguồn: Tổng hợp từ Silpa K. và cộng sự, 2018

     Một số nghiên cứu trên thế giới đã xem xét, lồng ghép và tính toán chi phí môi trường, chi phí xã hội trong tổng chi phí quản lý CTRSH. Kết quả là chi phí cho hoạt động quản lý CTRSH ở các nước phát triển, các nước có thu nhập cao thường cao hơn so với chi phí quản lý CTRSH ở các nước đang phát triển.

     Nghiên cứu của Cơ quan BVMT Hoa Kỳ (EPA) (1977) đã đưa ra những chi phí cho quản lý CTRSH bao gồm [5]:

     Bảng 6. Tổng hợp chi phí cho quản lý CTRSH

Chi phí trả trước bao gồm các khoản đầu tư ban đầu và chi phí cần thiết để thực hiện các dịch vụ quản lý chất thải rắn: Giáo dục và tiếp cận cộng đồng, thu hồi đất, cấp phép, xây dựng

Chi phí vận hành:Vốn, nợ, sự cố, vận hạnh và bảo trì

Chi phí kết thúc: Đóng cửa địa điểm không hoạt động, ngừng hoạt động của trang thiết bị, hưu trí cho nhân viên

Chi phí khắc phục tại các địa điểm không hoạt động: Dọn dẹp các địa điểm đóng cửa

Chi phí dự phòng: Chi phí khắc phục (chưa được phát hiện và /hoặc phát hành trong tương lai).  Chi phí trách nhiệm (ví dụ: thiệt hại tài sản, thương tích cá nhân, thiệt hại tài nguyên thiên nhiên)

Chi phí môi trường:Suy thoái môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên (diện tíchđất để chôn lấp...)

Chi phí xã hội:Ảnh hưởng đến giá trị tài sản,  Hình ảnh cộng đồng, tác động thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân

 

 

     Nghiên cứu của tổ chức phát triển Đức (GIZ)về hướng dẫn xác định chi phí quản lý CTR gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Trong đó, chi phí trực tiếp gồm chi phí đầu tư, chi phí duy trìhoạt động chiếm từ 60-85% tổng chi phí quản lý CTR. Chi phí gián tiếp xem xét chi phí xã hội, môi trường hoặc chi phí của từng phương án lựa chọn, ví dụ chi phí tác động tiêu cực tới sức khỏe, chi phí y tế, chi phí do thu nhập bị mất [6].

 

 

 

     Nghiên cứu của Seongwon và cộng sự (2004)về tác động môi trường của các phương án xử lý chất thải rắn tại Hàn Quốc bao gồm: phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, phương pháp đốt, sản xuất phân compost và ủ kỵ khí. Với mỗi phương án lựa chọn nghiên cứu đã chỉ ra những tác động môi trường. Trong các phương án lựa chọn phương pháp đốt và sản xuất phân compost, ủ kỵ khí là phương án có ít tác động tới môi trường và phương pháp chôn lấp có tác động tới môi trường lớn hơn. Trong số các loại tác động môi trường xem xét, sự nóng lên toàn cầu, phú dưỡng và axit hóa là những yếu tố chính đóng góp cho tác động môi trường. [7]

     Nghiên cứu Ari Rabi và cộng sự (2008)về tác động môi trường và chi phí về xử lý CTR, so sánh giữa hai phương án là đốt và chôn lấp. Nghiên cứu xác định chi phí thiệt hại từ các phương án xử lý CTR. Nghiên cứu đã tính toán chi phí thiệt hại liên quan tới khí thải từ việc đốt CTR là từ 4-21 EUR/tấn và đối với bãi chôn lấp chi phí này là từ 10-13 EUR/tấn. [8]

     Nghiên cứu của Jihyun Kim và Sukjae Jeong (2017)về phân tích chi phí về môi trường và kinh tế cho giải pháp đốt CTR ở Hàn Quốc cho thấy chi phí về môi trường đối với giải pháp đốt được tính toán liên quan tới các loại khí COx và NOx. Hai loại khí này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng chi phí môi trường trong hoạt động quản lý chất thải.[9]

     Nghiên cứu của Emmanue Kuzava, Jiquan Zhang (2019)phân tích vấn đề quản lý chất thải rắn đô thị đã tính toán chi phí xử lý CTR với hai nhóm chi phí đó là chi phí về kinh tế và chi phí về môi trường. Chi phí kinh tế bao gồm chi phí về đầu tư và duy trì, vận hành nhà máy và chi phí môi trường đó là chi phí tác động do phát sinh khí CO2 từ hoạt động xử lý chất thải gây ra. [10]

 

Hình 1. Tổng chi phí cho hoạt động quản lý CTR

 

      Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nghiên cứu trên thế giới về phương pháp tính toán chi phí quản lý CTRSH cho thấy, bên cạnh những chi phí trực tiếp, chi phí cố định như chi phí về đầu tư, xây dựng, công nghệ, lao động... đã chỉ ra những chi phí ngoại ứng (cụ thể là chi phí về môi trường và chi phí về sức khỏe) có vai trò và ý nghĩa quan trong trong công tác quản lý CTRSH và lồng ghép những chi phí này trong công thức tính toán tổng chi phí quản lý CTRSH.

  1. Đề xuất, kiến nghị

      Xuất phát từ thực trạng ở Việt Nam và kinh nghiệm một số nghiên cứu trên thế giới về cơ cấu chi phí quản lý, xử lý CTRSH, trong thời gian tới, cần có nghiên cứu để xây dựng và ban hành phương pháp tính giááp dụng đối với dịch vụxử lý CTRSH phù hợp nhằm giải quyết bài toán về tài chính dựa trên nguyên tắc giá dịch vụ xử lý CTRSH phải được tính toán đầyđủ dựa trên những chi phítài chính, chi phí đầu tưvàchi phí ngoạiứngkhi xây dựng và vận hành cơ sở xử lý CTRSH. Các chi phí ngoạiứng cần được xem xét là một biến trong hàm sốtính toán giá dịch vụ xử lý CTRSH như chi phí thiệt hại tới môi trường, thiệt hại tới sức khỏe, chi phí thiệt hại cơ sở hạ tầng hay chi phí do thu nhập bị mất...

     Với phương pháp tính toán được đề xuất như trên, chắc chắn trong tương lai giá dịch vụ xử lý CTRSH được áp dụng sẽ cao hơn, các DN sẽ chủ động, tích cực và mong muốn tham gia thực hiện và tham gia đấu thầu để thực hiện dịch vụ đối với CTRSH. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi về giá thì bản thân mỗi DN phải có vai trò và trách nhiệm để hạn chế tới mức tối đa các tác động tới môi trường, bởi lẽ nếu để sẩy ra tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân thì DN cũng phải thực hiện bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của pháp luật. 

 

Hàn Trần Việt 1

1Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2020)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1]. Ngân hàng thế giới, 2018, Đánh giá công tác quản lý CTRSH và CTR công nghiệp nguy hại: các phương án và hành động

     [2]. Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2020

     [3]. Petra Schneider và cộng sự, 2017, Case Report: Solid Waste Management in Ho Chi Minh City Vietnam: Moving towards a Circular Economy?

     [4]. TS. Nguyễn Trung Thắng, (2019). Tổng quan về quản lý CTR trên thế giới và một số giải pháp cho Việt Nam, Tạp chí môi trường, 10-2019.

     [5]. EPA (1977), Full Cost Accounting for Municipal Solid Waste Management: A Handbook

     [6]. GIZ, Economic instruments in solid waste management.

     [7]. Seongwon và cộng sự (2004), Environmental Impact of Solid waste treatment methods in Korea.

     [8].Jihuyn Kim và Sukafe Jeong (2017), Economic and Environmental Cost analysí of incineration and Recovery Alternativs: The case of South Korea.

     [9]. Emmanue Kuzava, Jiquan Zhang (2019): Analyzing municipal solid waste treatment scenarios in rapidly urbanizing cities in developing countries: the case of Dar es Salaam, Tanzania.

     [10]. Emmanue Kuzava, Jiquan Zhang (2019):Analyzing municipal solid waste treatment scenarios in rapidly urbanizing cities in developing countries: the case of Dar es Salaam, Tanzania.

 

CALCULATION METHOD FOR PRICE ON SOLID WASTE TREATMENT SERVICE IN VIETNAM: SITUATION AND SOLUTIONS

 

Hàn Trần Việt 1

  1. Viện Khoa học môi trường

 

     ABSTRACT

     The market of municipal solid waste (MSW) treatment services in recent years has grown relatively strongly, attracting investment participation from foreign invested enterprises and domestic enterprises. Currently, in Vietnam there are 105 waste treatment units across the country applying different technologies, including small-capacity incinerators (42%), composting plants (24%), and composting and incinerating facilities (24%) and other technologies (10%). The total treatment capacity is about 17,600 tons/day. Although this market is assessed as a potential market, but not many investors would like to participate in this market. One of the reasons is that the price for MSW treatment service which is currently applied in provinces and cities is low rate, inconsistent and incomplete calculation ofall types of cost for business.

     The paper presents the current situation as well as proposes methods for calculation of the price of MSW treatment service in the future in Vietnam.

     Key Words:Municipal solid waste; price of service; Municipal solid waste treatment market.

 

 

 

Ý kiến của bạn