30/06/2022
Tóm tắt
Để thực hiện việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), huyện Thanh Liêm đang sử dụng các lò đốt nhằm tiết kiệm diện tích đất dành cho xử lý, tuy nhiên đây là một phương pháp xử lý tạo ra lượng lớn khí thải, chi phí vận hành cao. Do đó, nghiên cứu đã đánh giá hiện trạng và xây dựng các kịch bản quản lý CTRSH của khu vực một cách an toàn đồng thời có thể tận dụng năng lượng, tài nguyên trong chất thải. Bài báo đã tóm tắt hiện trạng xử lý CTRSH tại huyện Thanh Liêm, tổng quan các công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng và sự khả thi của chúng khi ứng dụng tại huyện cũng như phân tích các thách thức có thể gặp phải. Theo nghiên cứu, hiệu quả thu gom CTRSH tại huyện Thanh Liêm đạt tỷ lệ 93%, song vẫn còn tồn tại một số vấn đề đó là chi phí cần cho hoạt động thu gom xử lý chất thải rắn (CTR) vẫn lớn hơn khả năng chi trả của địa phương. Trong tương lai, khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh thì điều này sẽ tạo ra áp lực không nhỏ cho chính quyền trong đảm bảo việc phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền huyện Thanh Liêm cần có các giải pháp thu hồi năng lượng, nguyên liệu để giảm chi phí thu gom xử lý CTR thông qua việc thu hồi tài nguyên từ chất thải. Các giải pháp công nghệ được đề xuất gồm: thu hồi điện năng từ rác, thu hồi khí sinh hoạt, tạo sản phẩm viên nhiên liệu có thể dùng cho các lò đốt công nghiệp.
Từ khóa: Chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải rắn.
Nhận bài: 2/6/2022; Sửa chữa: 22/6/2022; Duyệt đăng: 24/6/2022.
1. Đặt vấn đề
Hình 1. Vị trí huyện Thanh Liêm trong mối quan hệ vùng
Huyện Thanh Liêm nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hà Nam, tiếp giáp với TP. Phủ Lý và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 75 km; là huyện đồng bằng thấp trong lưu vực sông Đáy, thuộc đồng bằng Bắc bộ. Các đơn vị hành chính của huyện hiện nay gồm thị trấn Kiện Khê và 16 xã: Liêm Phong, Liêm Cần, Liêm Thuận, Liêm Sơn, Liêm Túc, Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải, Thanh Hà, Thanh Bình, Thanh Lưu, Thanh Phong, Thanh Hương, Thanh Nguyên, Thanh Tâm. Ngoài ra, huyện còn có trung tâm hành chính huyện và đô thị Phố Cà đang trong quá trình nâng cấp đô thị.
Thanh Liêm là vùng có lợi thế giao thông trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô về đường bộ như Quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Quốc lộ 21A, tỉnh lộ 495, tỉnh lộ 499. Trên địa bàn huyện đã hình thành các khu công nghiệp tập trung, bao gồm các nhà máy sản xuất đã và đang triển khai trên địa bàn các xã Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thủy, thị trấn Kiện Khê cùng nhiều xã khác.
Hiện nay, việc thu gom và xử lý chất thải đô thị trên địa bàn còn nhiều vấn đề như lượng rác tồn đọng ngoài môi trường lớn, chi phí xử lý CTR cao dẫn đến khó bố trí nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý theo quy hoạch. Vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp tăng cường hiệu quả thu gom và xử lý là vấn đề khá cấp thiết hiện nay tại Thanh Liêm. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom và xử lý CTRSH phát sinh trên địa bàn từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý theo các giai đoạn.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu trong bài báo này là CTRSH phát sinh trên địa bàn huyện Thanh Liêm. CTRSH phát sinh sẽ được xem xét đánh giá ở các góc độ khối lượng phát sinh, thành phần, tính chất, các chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình thu gom xử lý.
Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng gồm: thu thập và tổng hợp tài liệu, phân tích thành phần, khảo sát hiện trường, phân tích và so sánh.
Các dữ kiện về biến động dân số, mật độ dân số, tốc độ phát triển đô thị được thu thập thông qua hồ sơ kế hoạch sử dụng đất, báo cáo thuyết minh quy hoạch của huyện. Các thông số về khối lượng thu gom, lượng CTRSH tồn được thu gom từ báo cáo định kỳ của các đơn vị thu gom trong thời gian từ 2019 - 2021. Số liệu về lượng phát thải CTRSH trên địa bàn được lấy theo quyết định do huyện ban hành [1] làm cơ sở để tính toán khối lượng thu gom trên địa bàn.
Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện khảo sát hiện trường để đánh giá thêm các số liệu về lượng CTRSH tồn tại các điểm trung chuyển, phương pháp xử lý và thu gom CTRSH đang áp dụng trên địa bàn. Để phân tích kỹ hơn về khả năng có thể thu hồi nhiệt, thu hồi tài nguyên từ chất thải, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát thành phần CTRSH thu gom được để từ đó ứng dụng phân tích so sánh giữa các phương án xử lý để đề xuất các giải pháp thu hồi năng lượng và nguyên liệu nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý CTR được hoạt động hiệu quả và bền vững hơn. Khung nghiên cứu được thể hiện ở Hình 2. CTRSH được thu thập với số mẫu là 50, trong đó 23 mẫu thuộc khu vực nông thôn và 27 mẫu thuộc khu vực đô thị. Việc thu mẫu được tiến hành liên tục trong 7 ngày (một tuần).
Hình 2. Sơ đồ khung nghiên cứu
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Hiện trạng phát sinh CTRSH tại huyện Thanh Liêm
Năm 2020, dân số toàn huyện là 118.677 người với 38.512 hộ dân [1]. Mật độ dân số trung bình toàn huyện là 693 người/km2. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Thanh Liêm mới đạt 28%, nhằm nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trong thời gian tiếp theo, huyện đặc biệt quan tâm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về phát triển công nghiệp; xây dựng các khu đô thị mới, phát triển các khu nhà ở, cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu theo hướng đô thị văn minh, hiện đại làm động lực thu hút và làm gia tăng dân số cơ học.
Huyện Thanh Liêm có tổng diện tích tự nhiên 16.491,39 ha, chiếm 19,13% về diện tích của tỉnh Hà Nam, là huyện đồng bằng thấp trong lưu vực sông Đáy, thuộc đồng bằng Bắc bộ. Cơ cấu diện tích đất của huyện có diện tích đất giành cho hoạt động chuyên dùng như xử lý CTR là rất thấp. Vì vậy, hiện nay, huyện đang sử dụng giải pháp xử lý CTR là đốt.
Thành phần CTRSH phát sinh trên địa bàn có sự sai khác tại các khu vực đô thị và nông thôn (Hình 3). Theo kết quả phân tích thành phần thì lượng chất hữu cơ ở nông thôn chỉ chiếm 25% tổng khối lượng CTRSH phát sinh, trong khi tại đô thị thì khối lượng này chiếm 48%. Cả hai số liệu này đều thấp hơn tỷ lệ chất thải hữu cơ trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019. Lý do của tỷ lệ thấp này là khu vực nông thôn vẫn đang tận dụng thực phẩm thừa làm thức ăn chăn nuôi và chôn một phần rác trong góc vườn. Tại khu vực đô thị, theo khảo sát các hộ gia đình nhiều hộ vẫn còn đất vườn và có chăn nuôi nhỏ nên cũng như khu vực nông thôn, một phần chất thải được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Lượng CTRSH dễ phân hủy sinh học này là một nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất chế biến phân vi sinh từ rác thải.
Lượng CTRSH không cháy được chiếm khoảng 11% ở khu vực đô thị và 20% ở nông thôn, lượng chất thải rắn này nếu đưa vào đốt sẽ làm giảm hiệu quả cháy trong các lò đốt.
Nông thôn Đô thị
Hình 3. Kết quả khảo sát thành phần CTRSH khu vực đô thị và nông thôn
Hiện nay, tại địa bàn huyện, các xã thị trấn sẽ thu gom CTRSH đến các bể trung chuyển hoặc điểm tập kết rác thải, sau đó Công ty TNHH Môi trường Thanh Liêm thực hiện thu gom, vận chuyển rác từ các khu dân cư tập trung về nơi xử lý với giới hạn định mức thu gom ngày là 35 tấn [1]. Tuy nhiên, trong thực tế, khối lượng phát sinh lớn hơn khối lượng thanh toán lại nên có hiện tượng tồn rác tại các điểm thu gom với tổng khối lượng tồn toàn huyện là 1.023 tấn, phân bố khối lượng CTRSH tồn và thu gom trong năm 2021 được thể hiện ở Hình 4, như vậy tỷ lệ thu gom tại khu vực ước tính 93%.
Hình 4. Tổng hợp khối lượng rác phát sinh và tồn lại trong năm 2021
Nếu căn cứ vào dân số năm 2021 và định mức do huyện ban hành theo Quyết định số 01/QĐ-UBND (0,24 kg/người.ngày với các xã và 0,49 kg/người/ngày với các thị trấn [3]) thì khối lượng CTRSH phát sinh thực tế chênh lệch là 3.010 tấn trong năm 2021. Như vậy, định mức do huyện ban hành cũng chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế.
Bảng 1. Kết quả tính toán khối lượng CTRSH phát sinh theo định mức
TT
|
Đơn vị hành chính
|
Dân số (người) |
Khối lượng CTRSH phát sinh (tấn/năm) |
TT
|
Đơn vị hành chính
|
Dân số (người) |
Khối lượng CTRSH phát sinh (tấn/năm) |
---|---|---|---|---|---|---|---|
|
|
|
|
|
|||
1 |
Liêm Sơn |
8.041,000 |
704,3916 |
10 |
Thanh Tân |
6.001,000 |
525,6876 |
2 |
Liêm Thuận |
5.332,000 |
467,0832 |
11 |
Thanh Hà |
10.679,000 |
935,4804 |
3 |
Thanh Thủy |
6.929,000 |
606,9804 |
12 |
Liêm Cần |
7.358,000 |
644,5608 |
4 |
Thanh Hải |
9.011,000 |
789,3636 |
13 |
Thanh Tâm |
4.695,000 |
411,282 |
5 |
Thanh Hương |
7.167,000 |
627,8292 |
14 |
Liêm Phong |
4.447,000 |
389,5572 |
6 |
Thanh Nghị |
9.760,000 |
854,976 |
15 |
Liêm Thuận |
5.332,000 |
467,0832 |
7 |
Thanh Nguyên |
6.161,000 |
539,7036 |
16 |
Liêm Túc |
5.081,000 |
445,0956 |
8 |
Thanh Phong |
5.211,000 |
456,4836 |
17 |
Liêm Sơn |
8.041,000 |
704,3916 |
9 |
Thị trấn Kiện Khê |
9.470,000 |
1693,7095 |
18 |
Thị trấn Tân Thanh |
9.496,000 |
1698,3596 |
Đơn vị được giao xử lý CTRSH tại khu vực huyện Thanh Liêm là Công ty cổ phần Môi trường Thanh Thủy, có địa chỉ tại Thung Đám Gai, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Công ty sử dụng hình thức chôn lấp và đốt thông thường để xử lý CTRSH, cụ thể gồm ô chôn lấp CTRSH đang hoạt động có diện tích 5625 m2, 2 lò đốt rác thải sinh hoạt có công suất mỗi lò đốt 5 tấn/h, lò đốt không có bộ thu hồi năng lượng (sơ đồ công nghệ được thể hiện ở Hình 5). Theo công nghệ này, CTRSH sau khi được thu gom về sẽ được sấy qua hệ thống băng tải sau đó đổ vào bể chứa rác sấy chuẩn bị đưa vào đốt. Gầu ngoạm sẽ nạp rác từ bể chứa rác sấy vào xylo nạp rác, trong xylo sử dụng hệ thống đẩy thủy lực theo mẻ đưa CTRSH vào buồng đốt. Buồng đốt có 2 phần: buồng sơ cấp và buồng thứ cấp, nhiệt độ trong buồng đốt thứ cấp luôn được giữ ở mức trên 9500C với thời gian lưu khói tối thiểu 2s. CTR nạp vào lò sẽ được đưa qua các tầng ghi sấy, ghi cháy chính và ghi cháy kiệt. Buồng đốt được thiết kế hoàn toàn kín và quạt hút tạo áp suất âm ở trong buồng lò nhằm ngăn chặn sự rò rỉ của khí thải ra bên ngoài. Khói lò đốt sau khi ra khỏi buồng lò có nhiệt độ cao (trên 9500C) nên cần thiết phải hạ nhiệt độ trước khi đưa vào hệ thống xử lý khí thải. Hệ thống xử lý khí thải xử lý bụi và các khí ô nhiễm trước khi thải ra môi trường.
Như vậy, có thể thấy tại nhà máy, nhiệt năng sinh ra trong quá trình xử lý CTR mới chỉ được sử dụng để sấy rác. Chi phí cho quá trình xử lý hiện do huyện chi trả với mức giá bình quân là 275.000 đồng/tấn. Nhưng nếu tính theo định mức của Bộ Xây dựng thì giá thành xử lý rác thực tế cao hơn , nằm trong khoảng 410.000 đồng/tấn [2]. Như vậy việc chuyển toàn bộ CTR vào đốt sẽ gây lãng phí do việc không tận dụng được nguồn chất thải dễ phân hủy, tốn chi phí nhiều hơn cho việc đốt (bao gồm cả xử lý khí thải, nước thải từ lò đốt).
3.2. Đề xuất bổ sung các công nghệ xử lý chất thải cho khu vực Thanh Liêm
Hiện nay, có nhiều công nghệ để xử lý CTRSH, việc lựa chọn công nghệ phù hợp sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên. Có thể phân loại công nghệ xử lý thành hai nhóm là các công nghệ trực tiếp và công nghệ gián tiếp. Các công nghệ trực tiếp gồm đốt, chôn lấp, ủ phân compost, chôn lấp và phân hủy kỵ khí. Với các công nghệ gián tiếp thì chất thải sẽ được chuyển hóa thành một dạng mới trước khi xử lý tiếp để trở thành dạng tài nguyên mới, công nghệ này gồm nhiệt phân, khí hóa, plasma, các bon hóa thủy nhiệt, nung chảy.
Trong số các công nghệ xử lý CTR này, nếu muốn xử lý thành tài nguyên thì việc chuyển sang dạng năng lượng là hình thức phổ biến nhất, tiếp sau đó là quá trình chuyển chất thải thành phân bón. Quá trình thu hồi nhiệt xử lý chất thải bằng cách tạo ra nhiệt thông qua quá trình đốt, nhiệt lượng tạo ra trong quá trình này được sử dụng để đun sôi nước và sinh hơi, hơi nước được tạo ra được sử dụng để làm quay tuabin và tạo ra điện. Tại khu vực Thanh Liêm, theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng của huyện là mở rộng sản xuất công nghiệp và thu hẹp dần sản xuất nông nghiệp, vì vậy lượng CTR dễ phân hủy sinh học cần được xử lý tại các cơ sở xử lý tập trung chứ không thể xử lý tại hộ gia đình. Trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội và hiện trạng quản lý CTR tại Thanh Liêm, các công nghệ xử lý CTR đã được xem xét và đánh giá tính phù hợp cho huyện (Bảng 2).
Bảng 2. Khả năng áp dụng các công nghệ xử lý CTR cho huyện Thanh Liêm
Công nghệ |
Đặc điểm công nghệ ([6,7,8,9,10]) |
Đánh giá khả năng phù hợp với huyện Thanh Liêm |
||
Ưu điểm |
Nhược điểm |
Sản phẩm cuối cùng |
||
Đốt |
Có thể dùng cho lượng thải có khối lượng lớn, sản phẩm rắn còn lại sau xử lý thấp |
Chi phí lớn, yêu cầu người vận hành có tay nghề |
Nhiệt năng, tro xỉ, khí tạo ra do quá trình đốt như CO2, dioxin… Có thể tạo ra điện |
Công nghệ hiện đang sử dụng, cần bổ sung hệ thống thu hồi năng lượng chuyển sang điện năng |
Chôn lấp |
Chi phí thấp, vận hành dễ, cần ít thiết bị chuyên dụng |
Quá trình kéo dài (10 - 15 năm), phát thải khí nhà kính, tạo ra nước rác gây ô nhiễm nước ngầm |
Khí nhà kính như metan, CO2, nước rác có thành phần ô nhiễm lớn có thể tạo ra điện |
Không nằm trong định hướng quy hoạch đất của huyện |
Ủ sinh học (composting) |
An toàn và được coi là công nghê xanh |
Cần phải phân loại trước và sau xử lý. Diện tích xử lý lớn hơn phương pháp xử lý kỵ khí |
Phân vi sinh và bã thải |
Cần đầu tư bổ sung công trình, bổ sung thiết bị thu gom |
Kỵ khí |
Hiệu quả cao |
Quy trình phức tạp, quá trình công nghệ phức tạp và khó kiểm soát các chất ức chế |
Khí sinh học và các loại axit hữu cơ, phân lỏng |
Cần đầu tư bổ sung, yêu cầu nghiêm ngặt về vận hành nên sẽ khó khăn khi thực hiện. Nhưng có thể sử dụng như một nguồn năng lượng đốt hỗ trợ cho các hệ thống đốt rác hiện có |
Nhiệt phân |
Tốc độ xử lý nhanh |
Chi phí cao, cần lao động lành nghề |
Than sinh học và dầu sinh học |
|
Khí hóa |
Các sản phẩm có thể lưu trữ và vận chuyển |
Chi phí cao, cần lao động lành nghề |
Hỗn hợp khí tổng hợp, xỉ và nhiên liệu cháy |
|
Khí hóa plasma |
Không phát thải, nhiên liệu sach |
Chi phí cao, cần lao động lành nghề |
Hỗn hợp khí tổng hợp và kim loại |
|
Viên nhiên liệu |
Chi phí thấp |
Cần phân loại chất thải, sinh khối không bị phân hủy hoàn toàn |
Sinh khối đã được xử lý thành viên nhiên liệu để đố |
Cần đầu tư bổ sung dây chuyền nghiền và ép viên |
Kết quả phân tích cho thấy, giải pháp công nghệ khả thi cho huyện Thanh Liêm trong thời gian tới cần thực hiện theo lộ trình hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (trong vòng 10 năm) bổ sung các thiết bị thu hồi năng lượng từ lò đốt hiện tại, giai đoạn 2 được thực hiện ở giai đoạn tiếp theo khi sản xuất công nghiệp phát triển, lượng dân số đô thị tăng mạnh tại khu vực, lượng CTR phát sinh tăng vì vậy cần xem xét đầu tư bổ sung các công nghệ giảm tải lượng CTR cần đốt, các công nghệ được đề xuất là compost và viên nhiên liệu. Nếu phân tích kỹ hơn ở thời điểm 10 năm tiếp theo, với tỷ lệ dân số đô thị tăng và dân số nông thôn giảm, dẫn tới lượng CTR dễ phân hủy sinh học được xử lý tại hộ gia đình giảm nên cũng được thu gom nhiều hơn về khu xử lý, vì vậy có thể cân nhắc đến việc sử dụng xử lý bằng compost để có thể giảm lượng CTR đưa vào đốt và tái sử dụng một phần chất thải. Ngoài ra, công nghệ viên nhiên liệu có thể được xem xét khi quy mô lò đốt không còn đủ đáp ứng cho lượng CTR phát sinh, việc sản xuất viên nhiên liệu có thể phục vụ trực tiếp cho công nghiệp khu vực đồng thời giảm áp lực cho lò đốt. Như vậy, có thể đề xuất lộ trình thay đổi công nghệ cho Thanh Liêm theo các giai đoạn, giai đoạn 1 (từ nay đến 2030), giai đoạn 2 ở 5 năm tiếp theo (2030 - 2035). Cụ thể ở giai đoạn 1, mục tiêu của giai đoạn này là thu hết lượng CTRSH đảm bảo không tồn đọng nhưng không phát sinh thêm chi phí thu gom. Để thực hiện mục tiêu này, các hệ thống thu hồi năng lượng và chuyển hóa thành điện sẽ được đầu tư lắp đặt, đồng thời triển khai các chương trình hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu tại nguồn nhằm làm giảm lượng CTRSH đưa đi đốt. Với lượng chất thải dễ phân hủy chiếm khoảng trên 25 - 48% thì việc xử lý tại chỗ lượng sẽ làm giảm khoảng 10 - 20% lượng CTRSH cần thu gom (giả sử hiệu suất quá trình ủ sinh học tại chỗ là 50%).
4. Kết luận
Hiện nay, công tác quản lý CTR tại huyện Thanh Liêm nhìn chung có hiệu quả thu gom khá cao (93%) và đã đạt được yêu cầu về tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề đó là hệ thống xử lý CTR vẫn chưa thực hiện việc thu hồi và tái sử dụng nguyên liệu, năng lượng. Việc sử dụng các lò đốt trong xử lý có ưu điểm là tiết kiệm diện tích đất dành cho xử lý nhưng với nhược điểm là quá trình xử lý tạo ra một lượng lớn khí thải, chi phí vận hành cao thì trong tương lai khi lượng CTRSH gia tăng sẽ tạo ra áp lực không nhỏ cho chính quyền trong việc đảm bảo phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền huyện Thanh Liêm cần có chiến lược quản lý CTRSH theo hướng bền vững hơn và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, có thể chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2030) tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tái sử dụng cho hệ thống thu gom và xử lý CTRSH hiện có, giai đoạn 2 ở 5 năm tiếp theo (2030 - 2035) tập trung vào việc mở rộng các công nghệ thu hồi năng lượng và nguyên liệu từ chất thải.
5. Kiến nghị
Các giải pháp công nghệ được đề xuất khi xem xét dưới góc độ công nghệ kỹ thuật, để phân tích tính bền vững, cần có sự đánh giá rộng hơn theo các khía cạnh môi trường, xã hội để có thể giúp cho việc đánh giá toàn diện hơn.
Tài liệu tham khảo
1. UBND huyện Thanh Liêm, 2021, Báo cáo thuyết minh tổng hợp Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất huyện Thanh Liêm.
2. Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 2/01/2020 của UBND tỉnh Hà Nam ban hành mức phát thải rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
3. Quyết định số 1646/QĐ-UBND Đơn giá dịch vụ bốc xúc vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt Hà Nam.
4. Sunil Herat, Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải và phục hồi tài nguyên, 2019, Hội thảo về kinh tế tuần hoàn MONRE.
5. Công ty cổ phần Môi trường Thanh Thủy, Báo cáo kết quả thực hiện công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành Nhà máy xử lý rác thải tại Thung Đám Gai, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
6. S. Das, S.H. Lee, P. Kumar, K.H. Kim, S.S. Lee, S.S. Bhattacharya, 2019, Solid waste management: scope and the challenge of sustainability, J. Clean. Prod., 228 (2019), pp. 658 - 678.
7. M.A. Al-Ghouti, M. Khan, M.S. Nasser, K. Al-Saad, O.E. Heng, 2021, Recent advances and applications of municipal solid wastes bottom and fly ashes: insights into sustainable management and conservation of resources Environ. Technol. Innov., 21 (2021), Article 101267.
8. S. Sarsaiya, R. Singh, M. Awasthi, A. Jain, 2019, Biological Processing of Solid Waste, CRC Press-Taylor & Francis Group (2019).
9. S. Das, S.H. Lee, P. Kumar, K.H. Kim, S.S. Lee, S.S. Bhattacharya, 2018, Solid waste management: scope and the challenge of sustainability, Journal of Cleaner Production.
10. García et al., 2015, Study of biomass combustion wastes, Fuel, 148 (2015), pp. 152 - 159.
11. Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Liêm đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguyễn Thu Huyền
Lương Thanh Tâm
Nguyễn Bá Bút
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt II/2022)
Assessment of the current state of domestic solid waste management in Thanh Liem district, Ha Nam and overview of the proposed energy recovery treatment technology to local conditions
Nguyen Thu Huyen
Luong Thanh Tam
Nguyen Ba But
Hanoi University of Natural Resources and Environment
Abstract
In order to achieve a proper solid waste management system, Thanh Liem district uses incinerators to save land area for treatment. However, this treatment method generates significant emissions and has high operating costs. Therefore, the study assessed the current status and developed scenarios for safe MSW management in the area while also using energy and resources in the waste. The research summarizes the current status of solid waste treatment in Thanh Liem, overviews waste-to-energy technologies and their feasibility when applied in the district, and analyzes the encountered challenges. According to research, the efficiency of solid waste collection in Thanh Liem district is 93%. However, there are still some problems: the cost required for solid waste collection and treatment is still higher than the local ability to pay. In the future, when the speed of urbanization increases rapidly, this will pressure the government to ensure sustainable development. Therefore, the Thanh Liem district government needs to have solutions to recover energy and raw materials to reduce the cost of solid waste collection and treatment by recovering resources from waste in the future. Proposed technological solutions include recovering electricity from garbage, recovering gas, and producing fuel pellets used for industrial incinerators.
Keywords: Municipal solid waste, Waste management, solid waste treatment technology.