07/01/2021
TÓM TẮT
Nghiên cứu trình bày quy trình phủ nano bạc lên than hoạt tính và khảo sát khả năng xử lý nước của vật liệu lọc thông qua các chỉ tiêu của nước uống như pH, độ đục, độ màu, SS, TDS, Fecal coliform và coliform tổng. Thông qua quá trình khuấy, các hạt nano bạc và than được phân tán đều trong dung môi và tiếp xúc với nhau làm tăng khả năng bám lên bề mặt than của các hạt nano bạc. Khi tăng nồng độ dung dịch bạc thì tỉ lệ phủ bạc tăng nhưng diện tích bề mặt riêng giảm. Ở nồng độ dung dịch bạc 10.10-2 mg/L, diện tích bề mặt riêng giảm khoảng 96 m2/g, nhưng tỉ lệ phủ bạc tăng 6.5 lần so với ở nồng độ bạc 1.10-2 mg/L. Sự tăng thêm nồng độ dung dịch bạc sẽ dẫn đến diện tích bề mặt riêng giảm nhiều, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả lọc. Mẫu nước sông được xử lý sơ bộ với chất trợ lắng PAC ở nồng độ 20 mg/L, sau đó được dẫn qua cột lọc với vật liệu than hoạt tính phủ nano bạc có chiều dày khác nhau. Nước sau khi được lọc có các chỉ tiêu đáp ứng Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT về nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống như pH 6.9, độ đục 0.3 – 0.42 NTU và TDS 77 – 79.7 mg/l cho các lớp vật liệu có chiều cao từ 2 cm. Đặc biệt, quá trình lọc đã loại bỏ được vi khuẩn Coliform tổng và Fecal coliform với hiệu quả đạt 100 %.
Từ khóa: nano bạc, than hoạt tính phủ nano bạc, xử lý nước, QCVN 01-1:2018/BYT
1. MỞ ĐẦU
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ nano để cho ra những vật liệu có kích thước nano phục vụ nhu cầu sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang được đẩy mạnh nghiên cứu [1]. Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm nước ngày càng tăng, đang gây sức ép lớn tới môi trường và đe dọa sức khỏe con người. Nhiều biện pháp xử lý nước đã được áp dụng, một trong những giải pháp, công nghệ được quan tâm hiện nay là ứng dụng công nghệ nano cũng như những vật liệu có khả năng lọc nước cao và phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia. Năm 2018, KS. Thiều Quốc Hân cùng các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Học viện Kỹ thuật Quân sự đã nghiên cứu thành công giải pháp xử lý nước thải bằng vật liệu nano kim loại hóa trị 0 trên nền nano sắt (một tổ hợp gồm nhiều nano kim loại hóa trị 0, thành phần chính là nano sắt và một số nano kim loại khác). Nghiên cứu cho thấy, có thể xử lý nhiều chất hữu cơ độc hại và kim loại nặng trong nước cùng lúc, dễ dàng vận hành và tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp truyền thống [2].
Các nhà khoa học nhận ra rằng, bạc là chất kháng khuẩn tự nhiên, an toàn và hiệu quả; đặc biệt ở dạng nano, hoạt tính này còn tăng lên nhiều lần. Do đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nano, ngày càng có nhiều sản phẩm, ngành sản xuất ứng dụng công nghệ nano bạc để làm sạch khuẩn hiệu quả [3]. Ngoài vật liệu nano, than hoạt tính được xem là vật liệu quan trọng và kinh tế trong việc xử lý nước. Tại Việt Nam, than hoạt tính được sản xuất từ những phụ phẩm nông nghiệp như xơ dừa, vỏ trấu, than bùn, gỗ... Với diện tích bề mặt lớn, độ xốp cao, than hoạt tính cung cấp bề mặt lớn để giữ các nguyên tử, ion, hợp chất... Đây chính là lý do than hoạt tính được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống lọc nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, than hoạt tính không lọc được các virus, vi khuẩn có hại trong nước [4]. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là tạo ra vật liệu lọc, trong đó tận dụng các hoạt tính của cả than hoạt tính và nano bạc nhằm kết hợp quá trình lọc, hấp phụ và khử trùng ngay trong cột lọc để xử lý nước sông thành nước sinh hoạt. Mẫu nước sông khảo sát được lấy dọc theo sông Hậu Giang qua 3 tỉnh An Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng vào các mùa tiền lũ (tháng 7) và lũ chính vụ (tháng 9, 10). Thông qua kết quả khảo sát các chỉ tiêu pH, độ đục, TDS, SS, Colifom, nhóm nghiên cứu chọn mẫu nước sông có độ ô nhiễm tương đối cao tại xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vào thời điểm tháng 9 để khảo sát khả năng xử lý (lọc và khử trùng) nước của than hoạt tính phủ nano bạc.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nguyên liệu và hóa chất
Trấu từ nhà máy sấy lúa Lộc Trời, An Giang được hoạt hóa bằng CO2 ở nhiệt độ 800oC để tổng hợp than hoạt tính.
Dung dịch nano bạc được điều chế từ Bạc Nitrate (AgNO3) và Natri Citrate (C6H5O7Na3.2H2O) cung cấp bởi Công ty Sigma - Aldrich.
Poly Aluminium Chloride (PAC) và phèn nhôm được sử dụng làm chất keo tụ trợ lắng trong quá trình xử lý nước sơ bộ trước khi dẫn qua cột lọc nước.
2.2. Thí nghiệm
2.2.1 Quá trình xử lý sơ bộ nước
Trước khi tiến hành lọc, nước sông cần được xử lý sơ bộ bằng phương pháp lắng nhằm loại nhanh những chất rắn không tan lơ lửng trong nước, đảm bảo hàm lượng rắn đi vào cột lọc không vượt giá trị cho phép, bảo vệ các thiết bị lọc. Nhóm nghiên cứu khảo sát 2 loại chất trợ lắng khá phổ biến hiện nay là PAC và phèn nhôm do hoạt động ở khoảng pH rộng là 5 - 8, thời gian keo tụ nhanh, ít làm biến động pH nước và không bị đục khi dùng vượt hàm lượng [5]. Sau khi khuấy đều ở các nồng độ 5-30 mg/L và để lắng trong khoảng thời gian 5-40 phút, phần nước trong sau lắng được kiểm tra các chỉ tiêu pH, TDS (độ khoáng hóa), SS (cặn lơ lửng), độ đục và độ màu nhằm đánh giá sơ bộ nước trước khi dẫn vào cột lọc.
2.2.2 Phủ bạc lên than hoạt tính
Dung dịch nano bạc sau khi điều chế theo nghiên cứu [6] được tiến hành phủ lên bề mặt than hoạt tính thông qua quá trình khuấy. Sau đó, hỗn hợp được lọc nhằm tách than đã phủ nano bạc ra khỏi dung môi và sấy ở nhiệt độ 105oC trong 10 giờ. Nồng độ dung dịch nano bạc và thời gian khuấy trong khoảng 4 - 12 giờ được tiến hành khảo sát; các phương pháp phân tích ICP-MS, SEM, diện tích bề mặt riêng được sử dụng để xác định tỉ lệ bạc so với than và tính chất hóa học của sản phẩm than hoạt tính phủ nano bạc.
2.2.3 Xử lý nước bằng nano-Ag/AC
Hệ thống lọc nước được thiết kế với cột lọc đường kính 6 cm và nước qua lớp than điều chỉnh ở lưu lượng 50 ml/phút. Mẫu nước sông sau khi xử lý sơ bộ bằng chất trợ lắng, được lọc qua than hoạt tính phủ nano bạc có chiều cao khảo sát trong khoảng 0.5 - 5 cm. Hiệu quả xử lý nước được đánh giá bằng các chỉ tiêu pH, TDS, SS, độ đục, độ màu coliform tổng và fecal coliform. Mỗi thí nghiệm được lặp lại 3 lần và độ lệch không quá 5% nhằm tăng tính chính xác của nghiên cứu.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Khảo sát quá trình xử lý sơ bộ nước
Ảnh hưởng của nồng độ chất trợ lắng đến chất lượng nước sau lắng được khảo sát ở thời gian lắng 10 phút. Hiệu quả lắng được kiểm tra thông qua các chỉ tiêu pH, TDS, SS, độ màu và được trình bày tương ứng ở Hình 1.
Từ kết quả phân tích ở Hình 1 có thể nhận thấy, nước sau khi xử lý có pH (Hình 1a) nằm trong khoảng 6,5 - 7,0 và tổng chất rắn hòa tan TDS (Hình 1b) không xử lý được ở tất cả các nồng độ của cả hai chất trợ lắng sử dụng. Trên thực tế, tùy vào loại chất rắn hòa tan mà các vật liệu hấp phụ (than hoạt tính, biochar...) hay các hóa chất được sử dụng để giảm TDS. Hình 1c - 1d cho thấy, khi nồng độ chất trợ lắng tăng thì hàm lượng SS, và độ màu giảm; và PAC có khả năng xử lý tốt hơn phèn nhôm. Ở nồng độ PAC bằng 10 mg/L, lượng chất rắn lơ lửng đã hoàn toàn không còn và với nồng độ là 30 mg/L thì đã xử lý hoàn toàn được màu trong mẫu nước. Trong khi đó, với nồng độ gấp đôi thì phèn nhôm mới xử lý được hết chất rắn lơ lửng và chưa xử lý hết được độ màu ở nồng độ 30 mg/L. Do đó, lựa chọn sử dụng PAC làm chất trợ lắng trong những thí nghiệm tiếp theo.
Hình 1: Ảnh hưởng của nồng độ chất trợ lắng đến chất lượng nước sau lắng
Chất trợ lắng được thêm vào nước nhằm kết dính các chất khuếch tán trong dung dịch thành các hạt có kích cỡ và tỷ trọng lớn hơn từ đó tăng hiệu quả lắng, đồng thời giảm thời gian lắng. Cách tốt nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình lắng là xem xét hiệu suất loại bỏ các chất rắn lở lửng SS và độ đục của nước. Do đó, ảnh hưởng của thời gian lắng khi sử dụng chất trợ lắng PAC trong khoảng nồng độ 5-30 mg/L đến khả năng lắng đục và lắng chất rắn lơ lửng được khảo sát.
Hình 2: Khảo sát độ đục của nước theo thời gian ở các nồng độ PAC khác nhau
Từ kết quả khảo sát độ đục ở Hình 2 có thể nhận thấy, trong cùng thời gian xử lý, độ đục của nước giảm dần khi tăng nồng độ PAC từ 5-20 mg/L, sau đó độ đục có xu hướng tăng khi tăng nồng độ PAC. Điều này có thể giải thích do ở nồng độ 20 mg/L, độ lắng đục của nước bão hòa, vượt quá hàm lượng này, chất trợ lắng trở thành tác nhân gây ra độ đục của nước. Bên cạnh đó, dễ dàng nhận thấy, thời gian xử lý càng dài thì độ đục trong nước càng giảm. Với thời gian lắng đục là 20 phút thì độ lắng đục thay đổi không đáng kể. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, PAC hoàn toàn xử lý được lượng chất rắn lơ lửng trong nước sông ở tất cả các nồng độ và thời gian khảo sát. Vì vậy, nồng độ PAC 20 mg/L và thời gian lắng 20 phút được sử dụng để xử lý sơ bộ mẫu nước sông nghiên cứu nhằm loại nhanh những chất rắn lơ lửng, bảo vệ thiết bị và vật liệu lọc.
3.2. Khảo sát quá trình phủ nano bạc lên than hoạt tính
Trong khảo sát này, nồng độ dung dịch bạc khoảng 1.10-2 - 10.10-2 mg/L được tiến hành phủ lên 5 g than hoạt tính với thời gian khuấy 6 giờ. Tỉ lệ nano bạc phủ lên than được xác định bằng phương pháp phân tích ICP-MS và được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1. Kết quả khảo sát nồng độ dung dịch nano bạc phủ lên than hoạt tính
Dd nano - Ag (mg/L) |
CAg/AC (mg/kg) |
S BMR (m2/g) |
|
1.10-2 |
5.14 |
|
|
5.10-2 |
17.2 |
723.459 |
|
10.10-2 |
33.4 |
697.736 |
Kết quả trình bày ở Bảng 1 cho thấy, khi tăng nồng độ dung dịch bạc dẫn đến tăng tỉ lệ bạc phủ lên than và giảm diện tích bề mặt riêng. Sự giảm diện tích bề mặt riêng có thể được giải thích do hiện diện của nano bạc trên bề mặt than hoạt tính, dựa vào kết quả phân tích SEM ở Hình 3 [7, 8]. Khi tăng nồng độ dung dịch bạc từ 1.10-2 lên 10.10-2 mg/L thì tỉ lệ phủ bạc tăng 6.5 lần và diện tích bề mặt riêng giảm khoảng 96 m2/g. Ở nồng độ dung dịch bạc 10.10-2 mg/L, diện tích bề mặt riêng giảm không nhiều so với diện tích bề mặt riêng của than. Nếu tiếp tục tăng nồng độ dung dịch bạc sẽ dẫn đến diện tích bề mặt riêng giảm nhiều, trong khi tỉ lệ phủ bạc đã bão hòa và tăng không đáng kể, điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả lọc [8]. Vì vậy, lựa chọn dung dịch nano bạc có nồng độ 10.10-2 mg/L để thực hiện khảo sát ảnh hưởng của thời gian khuấy.
Hình 3. Ảnh SEM mẫu than hoạt tính phủ nano bạc |
Hình 4. Tỉ lệ phủ bạc lên than theo thời gian khuấy |
Kết quả ở Hình 4 cho thấy, hàm lượng bạc phủ lên than hoạt tính tỉ lệ thuận với thời gian khuấy và khi tăng thời gian khuấy từ 8 giờ đến 12 giờ thì hàm lượng nano bạc phủ lên than tăng không đáng kể. Điều này có thể được giải thích do phần lớn lượng bạc đã phủ lên bề mặt than, vì vậy khi tăng thời gian khuấy lên lượng bạc trên bề mặt than hầu như tăng lên không nhiều [7, 8]. Do đó, lựa chọn dung dịch nano bạc có nồng độ 10.10-2 mg/L và thời gian khuấy 8 giờ để thực hiện quá trình phủ nano bạc lên than hoạt tính làm vật liệu lọc để xử lý nước sông Hậu Giang vào mùa lũ chính vụ tháng 9.
3.3. Khảo sát khả năng xử lý nước của nano-Ag/AC
Trước khi dẫn qua cột lọc chứa than hoạt tính phủ nano bạc, mẫu nước sông ban đầu và nước đã xử lý sơ bộ với chất trợ lắng PAC được phân tích đánh giá các chỉ tiêu dùng trong nước uống và kết quả thể hiện Bảng 2. Hiệu quả lọc được đánh giá thông qua các chỉ tiêu của nước gồm pH, độ đục, độ màu, TDS, SS, Coliform tổng và Fecal coliform ở các chiều cao vật liệu lọc khác nhau và được so sánh trong Bảng 2.
Bảng 2: Kết quả khảo sát khả năng xử lý nước của than hoạt tính phủ nano bạc
Chỉ tiêu |
Nước |
|
Chiều cao vật liệu lọc (cm) |
QCVN 01-1:2018/BYT |
|||||
Ban đầu |
Sau lắng |
0,5 |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
pH |
6.93 |
6.93 |
6.93 ± |
6.95 ± |
6.93 ± |
6.93 ± |
6.93 ± |
6.93 ± |
6.5 - 8 |
Độ đục (NTU) |
138 |
13 |
0.35 ± |
0.23 ± |
0.3 ± |
0.4 ± |
0.4 ± |
0.42 ± |
< 2 |
TDS |
80 |
76 |
77 ± |
77.67 ± |
79.67 ± |
79.34 ± |
78.34 ± |
78 ± |
< 1000 |
Độ màu (TCU) |
485 |
37 |
29.67 ±1.15 |
17.00 ±1.73 |
6.67 ±1.53 |
0.33 ± |
-- |
-- |
< 15 |
SS |
90 |
-- |
-- |
-- |
-- |
-- |
-- |
-- |
-- |
Coliform |
24000 |
24000 |
KPH |
KPH |
KPH |
KPH |
KPH |
KPH |
0 |
Fecal |
1500 |
1500 |
KPH |
KPH |
KPH |
KPH |
KPH |
KPH |
0 |
Ghi chú: KPH: không phát hiện; (--) SS sau khi qua xử lý sơ bộ thì không còn nữa
Dựa theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích ăn uống, khảo sát cho thấy nước sau khi qua lớp than hoạt tính phủ nano bạc có chiều cao từ 2 - 5 cm thì tất cả các chỉ tiêu đánh giá đều đã trong khoảng cho phép và độ chênh lệch các chỉ tiêu ở các kích thước cột lọc khác nhau không nhiều. Đặc biệt, chỉ tiêu Fecal và Coliform đạt hiệu quả xử lý tương đối cao sau khi qua lớp than phủ nano bạc. Bên cạnh đó, nghiên cứu khảo sát thời gian sử dụng cột lọc với khả năng lọc nước trung bình 20 lít nước/ngày cho thấy tuổi thọ trung bình của cột lọc có chiều cao 2 cm và 3 cm lần lượt là 40 ngày và 65 ngày, với giá thành tương ứng lần lượt là 400 nghìn đồng và 550 nghìn đồng. Từ nghiên cứu trên kết luận rằng nước sông mùa lũ chính vụ có thể được xử lý hiệu quả, chi phí thấp thành nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống bằng thiết bị lọc đơn giản và cơ động để người dân có thể di chuyển hoặc mang theo khi cần thiết. Nghiên cứu góp phần giải quyết nhu cầu nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân ở các vùng lũ lụt kéo dài như đồng bằng sông Cửu Long.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu tổng hợp thành công vật liệu lọc than hoạt tính phủ nano bạc một cách đơn giản và hiệu quả bằng cách khuấy trộn hỗn hợp dung dịch nano bạc nồng độ 10.10-2 mg/L với 5 g than hoạt tính trong thời gian khuấy 8 giờ. Để bảo vệ thiết bị lọc và loại nhanh những chất rắn lơ lửng không tan, nước sông mùa lũ chính vụ được xử lý sơ bộ với chất trợ lắng PAC ở nồng độ 20 mg/L và thời gian lắng 20 phút. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nước sau khi qua lớp than phủ nano bạc với chiều dày từ 2 cm thì tất cả các chỉ tiêu đánh giá của nước như pH, độ đục, độ màu, TDS, SS, Coliform tổng và Fecal coliform đều nằm trong khoảng cho phép của nước sạch phục vụ mục đích ăn uống theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT. Đặc biệt, quá trình lọc đã loại bỏ được vi khuẩn Coliform tổng và Fecal coliform với hiệu quả tương đối cao 100%. Do đó, than hoạt tính được phủ nano bạc có thể đưa vào ứng dụng trong quá trình xử lý nước sông vùng lũ lụt kéo dài như đồng bằng sông Cửu Long nhằm sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống một cách đơn giản, kinh tế và cơ động.
Trần Anh Khoa, Nguyễn Thị Mỹ Loan, Trần Tuyết Sương, Đỗ Hải Sâm, Hoàng Hiền Ý
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Z. Hu, M.P. Srinivasan, Mesoporous high-surface-area activated carbon, Microporous and Mesoporous Materials, 43 (2001) 267-275.
[2] Thiều Quốc Hân, Vũ Tân Cảnh, Trần Lưu Kiên, Nguyễn Thế Anh, Đặng Quốc Hiệu, Đ.Q. Toản, Quy trình xử lý nước thải sử dụng vật liệu nano kim loại hóa trị 0 trên nền vật liệu nano sắt, in: C.s.h.t. tuệ (Ed.)Việt Nam, 2018.
[3] R.R. Khaydarov, R.A. Khaydarov, O. Gapurova, I. Garipov, M. Lutfi Firdaus, Silver Nanoparticles as a Biocide for Water Treatment Applications, in: R. Prasad, T. Karchiyappan (Eds.) Advanced Research in Nanosciences for Water Technology, Springer International Publishing, Cham, 2019, pp. 407-419.
[4] Trần Anh Khoa, Nguyễn Phan Khánh Thịnh, P.Đ. Tuấn, Khảo sát khả năng xử lý nước của than hoạt tính sản xuất từ trấu, Tạp chí Môi trường, 1 (2017).
[5] A. Zouboulis, G. Traskas, P. Samaras, Comparison of Efficiency between Poly‐aluminium Chloride and Aluminium Sulphate Coagulants during Full‐scale Experiments in a Drinking Water Treatment Plant, Separation Science and Technology, 43 (2008) 1507-1519.
[6] C. Quintero-Quiroz, N. Acevedo, J. Zapata-Giraldo, L.E. Botero, J. Quintero, D. Zárate-Triviño, J. Saldarriaga, V.Z. Pérez, Optimization of silver nanoparticle synthesis by chemical reduction and evaluation of its antimicrobial and toxic activity, Biomaterials Research, 23 (2019) 27.
[7] J. Pal, M.K. Deb, D.K. Deshmukh, D. Verma, Removal of methyl orange by activated carbon modified by silver nanoparticles, Applied Water Science, 3 (2013) 367-374.
[8] M.T. Moustafa, Removal of pathogenic bacteria from wastewater using silver nanoparticles synthesized by two fungal species, Water Science, 31 (2017) 164-176.
A STUDY ON WATER TREATMENT USING SILVER NANOPARTICLES COATED ON ACTIVATED CARBON
Tran Anh Khoa, Nguyen Thi My Loan, Tran Tuyet Suong, Do Hai Sam, Hoang Hien Y
HoChiMinh City University of Natural Resources and Environment
ABSTRACT
The study presented the preparation of silver nanoparticles (Ag-NPs) loaded on activated carbon (AC) which revealed the high capacity for water treatment via some investigated parameters of drinking water including pH, turbidity, color, suspended solids (SS), total dissolved solids (TDS), Fecal Coliform and total Coliform. Activated carbon was added to the as-prepared Ag-NPs with vigorous stirring to ensure its even dispersion and distribution in the solvent resulting to the best coating of Ag-NPs on AC. It was found that as the concentration of silver solution increased, an enhancement in the coated silver amount and a slight reduction in the specific surface area were observed. At silver concentration of 10.10-2 mg/L, the surface area decreased by about 96 m2/g while the coated silver amount increased excessively by 6.5 times as compared to that of 1.10-2 mg/L. Further increasing concentration of Ag-NPs may cause the significantly reduction of surface area, which would have negative impact on the efficiency on water treatment. The treatment of river water could be categorized to: preliminary sedimentation using PAC of 20 mg/L and filtration in the column filled with the various thickness of Ag-NPs-AC. The results showed that the filtered water using the Ag-NPs-AC layers of above 2 cm satisfied the standard of QCVN 01-1:2018/BYT for drinking water such as pH of 6.9, turbidity of 0.3 – 0.42 NTU and TDS of 77 – 79.7 mg/l. In particular, Ag-NPs-AC performed efficiently in bringing down Fecal Coliform and total Coliform to zero.
Keywords: silver nanoparticles, silver nanoparticles coated on activated carbon, water treatment, QCVN 01-1:2018/BYT