Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Khai thác điện gió ngoài khơi và trên bờ gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

19/10/2021

    Tóm tắt

    Với nhu cầu điện năng ngày càng tăng, Việt Nam cũng đang từng bước coi việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có phong điện là chìa khóa để giải quyết bài toán về an ninh năng lượng, qua đó góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của đất nước. Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045 và ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã duyệt thông qua nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào ngày 24/7/2020, đặc biệt Việt Nam đã chủ động nâng cao mức đóng góp ứng phó với biến đổi khí hậu. Như vậy, trong nổ lực chung để đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường quốc gia và có thể được tăng lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế, mà chính năng lượng sẽ là lĩnh vực đi đầu với mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là 5,5% trong giai đoạn 2021-2030. Vì thế, các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng với ưu điểm nổi bật là các nguồn điện xanh và sạch đang được đẩy mạnh phát triển tăng tốc, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh với biến đổi khí hậu. Trong bài báo này sẽ tổng hợp tình hình phát triển điện gió và nghiên cứu các khía cạnh liên quan để phát triển bền vững các dự án điện gió tại Việt Nam.

    Từ khóa: Điện gió, phong điện, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững.

    Nhận  bài: 9/9/2021; Sửa chữa: 17/9/2021; Duyệt đăng: 19/9/2021.

    1. Giới thiệu

    Năng lượng là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người và là một yếu tố đầu vào không thể thiếu được của hoạt động kinh tế. Khi mức sống của người dân càng cao, trình độ sản xuất của nền kinh tế ngày càng hiện đại thì nhu cầu về năng lượng cũng ngày càng lớn và việc thỏa mãn nhu cầu này thực sự là một thách thức đối với hầu hết mọi quốc gia.

    Cuộc chạy đua khai thác nhiên liệu hoá thạch của con người đang tiến đến giới hạn chịu đựng của môi trường tự nhiên, khiến môi trường sống bị ô nhiễm, khí hậu biến đổi, gây nên những bất ổn đối với an sinh xã hội và trở thành một trong những vấn đề nan giải trong công cuộc đảm bảo an ninh năng lượng mang tính toàn cầu, đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Để thay đổi, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió và mặt trời để hướng đến phát triển bền vững. Ở nhiều khu vực, nguồn điện năng từ các dự án năng lượng tái tạo đã tương đương lượng điện năng từ các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phá vỡ ngưỡng giới hạn mà chúng ta từng tin là bất khả thi.

    Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng điện sản xuất bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 là 10,7%/năm và dự báo giai đoạn 2021-2025 là 8,6%/năm. Để đáp ứng nhu cầu điện trong nước ngày càng tăng đồng thời giảm thiểu tác động của khí thải từ các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch, những năm gần đây Việt Nam đang triển khai các chính sách mới nhằm khuyến khích đầu tư các dự án điện gió.

    Kết quả từ các chính sách mới của Chính phủ đã làm gia tăng nhanh chóng số dự án đầu tư điện gió tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2018 – 2021, việc gia tăng số dự án điện gió là tín hiệu tích cực cho ngành điện đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn tiếp theo cần quan tâm để có thể phát triển điện gió thành nguồn năng lượng xanh bền vững.

    Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW và đến năm 2045 đạt gần 276,7 GW. Cơ cấu nguồn điện dự thảo cho thấy quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thuỷ điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045 [8]. Đây là xu hướng phát triển phù hợp với cơ cấu chuyển dịch năng lượng tái tạo toàn cầu.

    2. Tình hình phát triển điện gió trên Thế giới và tại Việt Nam

    Kể từ lần đầu tiên chiếc tua-bin gió được biết đến vào năm 1888, trải qua hơn 130 năm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng vào đời sống, ngày nay điện gió không còn là một khái niệm xa lạ, thậm chí dạng năng lượng tái tạo này còn đang được đẩy mạnh đầu tư và hòa vào xu hướng phát triển tiên tiến tại nhiều nước trên thế giới. Một số cột mốc phát triển điện gió [11] như sau:

  • 1888: Tua-bin gió đầu tiên trên thế giới do Charles F. Brush Tool phát minh tại Cleveland, Ohio (Mỹ), có công suất 12 kW;
  • 1900: Tua-bin điện gió xuất hiện trên khắp châu Âu và Mỹ.
  • 1920: Nhà phát minh người Pháp GJM Darrieus phát triển một động cơ tua-bin trục thẳng đứng, bao gồm các cánh quạt mảnh mai, lưỡi cong gắn vào đầu trục một ống thẳng đứng quay. Thiết kế này thường được gọi là một “eggbeater” hình dạng tua-bin.
  • 1941: Tua-bin gió lớn công suất 1.250 kW được xây dựng ở Vermont (Mỹ) để đáp ứng với tình trạng thiếu nhiên liệu trong Thế chiến II.
  • 1971: Trang trại gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới bắt đầu hoạt động ngoài khơi bờ biển của Đan Mạch.
  • 1990: Các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và sự nóng lên toàn cầu được quan tâm hơn và khuyến khích năng lượng tái tạo.
  • Từ 2001: Ngành công nghiệp điện gió trên thế giới phát triển mạnh mẽ, hình thành các chính sách hỗ trợ phát triển ở các quốc gia, qui mô các dự án năng lượng gió lớn, công nghệ cải tiến, công suất sản xuất năng lượng gió tăng theo cấp số nhân.

    Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, từ những chiếc cối xay gió có công suất 1-12 kW đến nay thế giới đã có những tua-bin khổng lồ cao trên 200 m với công suất 13-15 MW.

    Hiện nay, các dự án điện gió đã có mặt trên 127 quốc gia khắp 5 châu. Theo thống kê của The Wind Power [4], tổng sản lượng điện gió tính trong năm 2020 của thế giới đạt trên 1.011,5 GW, đứng đầu là Trung Quốc với 281.993 MW, theo sau là Mỹ với 122.328 MW và Đức 62.784 MW, trong khi đó Việt Nam ở mức 600 MW.

Hình 1. Công suất phát điện từ năng lượng gió của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 [4]

    Năm 2021, ngành năng lượng gió Việt Nam chứng kiến một sự tăng trưởng vượt bậc. Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 8/2021, có 24 nhà máy điện gió tổng công suất 963 MW đã đưa vào vận hành thương mại tại Việt Nam, dự kiến sẽ có 106 nhà máy điện gió tổng công suất 5.655 MW đưa vào vận hành thương mại trong năm 2021 [9]. Từ đó cho thấy xu hướng phát triển ngành năng lượng cacbon thấp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

    Song song với đó, Liên minh châu Âu ngày càng tập trung vào các chính sách có thể dẫn đến việc đánh thuế hàng hoá nhập khẩu dựa trên mức độ phát thải cacbon trong quá trình sản xuất. Các nhà đầu tư hiện đang ráo riết chuẩn bị để thích nghi với các chính sách này. Việt Nam cần phải có bước đi táo bạo hơn nữa để chiếm được niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài chất lượng đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của các khách hàng của họ trên khắp thế giới. Đây là lúc mà Việt Nam nên gửi đi thông điệp rõ ràng tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng nhu cầu sử dụng năng lượng xanh của họ có thể được đáp ứng tại Việt Nam, và rằng các nguồn điện sạch mới sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong một thị trường tiến dần lên mô hình đấu giá cạnh tranh với chi phí ngày càng thấp. Thị trường đã sẵn sàng đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo Việt Nam. Giờ là lúc cần triển khai các chính sách giúp cải thiện chi phí mua bán điện cho ngày càng cạnh tranh hơn (IEEFA, 2021) [7].

    3. Điểm khác biệt trong quá trình đầu tư khai thác điện gió ngoài khơi và trên bờ

    Theo đánh giá của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính - IEEFA (2021) cả hai nguồn điện hóa thạch từ nhiệt điện than và khí nhiên liệu mặc dù là những công nghệ trưởng thành nhưng đều không có tiềm năng cải thiện về chi phí trong tương lai, trong khi lại chịu tác động trực tiếp từ rủi ro giá nhiên liệu biến động và nguy cơ thiếu nguồn cung từ thị trường nhập khẩu khí. Bên cạnh đó, phát thải cacbon và các chi phí về môi trường khác cũng cần được xét đến ngay từ giai đoạn đầu tư ban đầu đối với các loại hình nhiệt điện truyền thống này. Trong khi đó, năng lượng tái tạo tiếp tục cho thấy những cải thiện vượt bậc về chi phí sản xuất nhờ vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật, và Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi từ việc này. Với một hạ tầng lưới điện hiện đại và các cơ chế khuyến khích đặc thù cho pin tích trữ, các nhà quy hoạch hoàn toàn có khả năng kéo chi phí mua điện xuống thấp và đạt được mục tiêu cấp điện ổn định.

    Bảng 1. Triển vọng phát triển của năng lượng tái tạo vượt xa các nguồn điện hóa thạch

 

Giá cơ sở năm 2020

Chi phí cho Hạ tầng đi kèm

Thời gian triển khai dự án

Rủi ro thanh toán chi phí công suất cố định

Rủi ro về giá nhiên liệu nhập khẩu

Tiềm năng cải thiện về giá

Nhiệt điện than

Thấp

Trung bình

Dài

Cao

Cao

Thấp

Nhiệt điện khí LNG

Trung bình

Cao

Dài

Cao

Cao

Thấp

Điện mặt trời

Trung bình

Trung bình

Ngắn

Thấp

Không có

Cao

Điện gió đất liền

Trung bình

Trung bình

Trung bình

Thấp

Không có

Cao

Điện gió ngoài khơi

Cao

Trung bình

Trung bình

Thấp

Không có

Cao

 

    Ghi chú: Hạ tầng đi kèm bao gồm cảng nhập khẩu, tái hoá khí, bồn chứa, và đường ống dẫn khí; hoặc các giải pháp tích trữ (đối với điện mặt trời, điện gió).

    Nguồn: IEEFA, 2021 [7]

    Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng gió cả trên đất liền và trên biển với lợi thế địa lý ở gần xích đạo và sở hữu những vùng lãnh thổ có khí hậu khô nắng nhiều và hướng gió tương đối ổn định, nổi trội là các khu vực Nam Trung bộ. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có công suất ước tính lên tới hàng nghìn MW, năng lực để sản xuất đến 513.360 MW điện gió hàng năm. Tiềm năng gió của Việt Nam trên độ cao 65 mét rất tốt, lớn hơn 210 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất điện cho toàn quốc vào năm 2020 [10].

    Với các đặc điểm khác biệt giữa điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ như sau:

    Bảng 2. Các đặc điểm khác biệt giữa điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ [12]

Điện Gió Ngoài Khơi

Điện Gió Trên Bờ

  • Các trang trại gió ngoài khơi được xây dựng trong các vùng nước nơi có tốc độ gió cao hơn.
  • Tốc độ gió ngoài khơi có xu hướng nhanh và tạo ra nhiều năng lượng hơn.
  • Tốc độ và hướng gió ngoài khơi cũng ổn định hơn trong bờ.
  • Tua-bin gió ngoài khơi có thể được xây dựng lớn hơn và cao hơn nhiều so với các tua-bin gió trong bờ.
  • Do các cấu trúc lớn hơn và hậu cần phức tạp của việc lắp đặt, các trang trại gió ngoài khơi có chi phí đầu tư xây dựng và vận hành tốn kém hơn đáng kể so với các trang trại gió trên bờ. Thông thường, các tua-bin ngoài khơi có giá cao hơn 20%, các tháp và móng có giá cao hơn 2,5 lần so với một dự án có kích thước tương tự trên bờ. Chi phí cho các cơ sở ngoài khơi, xây dựng, lắp đặt và kết nối mạng lưới cũng cao hơn đáng kể so với trên bờ. Chi phí vận hành và bảo trì cũng cao hơn nhiều đối với các cơ sở ngoài khơi.
  • Các trang trại gió ngoài khơi không chiếm diện tích trên đất liền và có xu hướng ít ảnh hưởng (tiếng ồn, cảnh quan) đến con người.
  • Các trang trại gió ngoài khơi có lợi cho hệ sinh thái biển.
  • Các trang trại gió trên bờ thường nằm ở những khu vực có giá trị bảo tồn hoặc môi trường sống thấp, khu vực ít dân cư.
  • Cơ sở hạ tầng cần thiết để truyền tải điện từ các tua-bin trên bờ ít hơn đáng kể so với ngoài khơi do có ít sự sụt giảm điện áp giữa tua-bin gió và người tiêu dùng.
  • Tua-bin gió trên bờ có thể triển khai rất nhanh với chi phí ít tốn kém hơn các trang trại gió ngoài khơi.
  • Ít bị hao mòn (độ ẩm có sẵn trong khu vực lắp đặt tua-bin gió trên bờ có độ xói mòn rất thấp), chi phí bảo trì cũng thấp hơn so với các trang trại gió ngoài khơi.
  • Tốc độ gió trên bờ không thể dự đoán được như tốc độ gió ngoài khơi. Tương tự, hướng gió trên bờ thay đổi thường xuyên hơn. Vì các tua-bin được tối ưu hóa ở một tốc độ cụ thể, điều này có thể hạn chế hiệu quả của các tua-bin gió.
  • Chiếm nhiều diện tích đất để lắp đặt tua-bin, nhất là các dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống các hộ dân bị thu hồi đất.
  • Vận hành tua-bin trên bờ phát sinh những tác động nhất định đến cộng đồng xung quanh (như sự nhấp nháy của cánh quạt, tiếng ồn, rủi ro rơi ngã)

Hình 2. Đặc điểm khác biệt giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi

    4. Phát triển điện gió gắn với mục tiêu phát triển bền vững

    Khác với các loại hình dự án điện sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch khác như than, dầu, khí,… các dự án điện gió sử dụng năng lượng tái tạo có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại nhiều tác động tích cực đối với mục tiêu phát triển bền vững, giảm biến đổi khí hậu và BVMT hơn là các tác động tiêu cực.

    Các lợi ích gắn với mục tiêu phát triển bền vững của nhóm dự án này bao gồm:

  • Các dự án năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu ổn định an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội đi đôi với BVMT và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
  • Các dự án này góp phần tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Theo công văn số 116/BĐKH-TTBVTOD ngày 26/2/2021 của Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TN&MT công bố, hệ số phát thải lưới điện Việt Nam năm 2019 là 0,8458 tấn CO2/MWh. Dựa vào đó có thể thấy rằng với tổng sản lượng điện gió của Việt Nam vào khoảng 0,97 TWh trong năm 2020 [5] có thể giảm được khoảng 820.426 tấn CO2. Đồng thời, lượng CO2 có thể cắt giảm nhờ chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo cho phát điện sẽ không ngừng tăng cao qua các năm tiếp theo, dự kiến cắt giảm 157,3 triệu tấn CO2 tương ứng với sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 [6]. Chính các nguồn điện sạch này sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 5,5% vào năm 2030 theo cam kết trong nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020 của Việt Nam.
  • Giảm đáng kể các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí: Vì đây là các nguồn năng lượng sạch, quá trình sản xuất điện của các dự án năng lượng tái tạo này không làm phát sinh các nguồn khói bụi, không phát thải khí độc hay khí nhà kính. Việc vận hành các tua-bin gió không cần sử dụng nước đầu vào và nhờ đó không phát sinh nước thải đầu ra gây ô nhiễm môi trường chẳng hạn nước thải công nghiệp, nước làm mát như các loại hình sản xuất điện truyền thống khác. Đồng thời, hoạt động điện gió cũng không phát thải chất thải rắn so với các nhà máy điện than đang phải đối mặt với việc lưu trữ và xử lý khối lượng lớn tro xỉ than và trở thành vấn nạn gây tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước… Đây rõ ràng là những ưu điểm nổi bật so với các nguồn năng lượng chúng ta sử dụng trước kia. Năng lượng nhiệt điện xả khí thải ô nhiễm môi trường. Năng lượng thủy điện đã tận dụng hết tài nguyên, thay đổi chế độ thủy văn và ảnh hưởng chia cắt hệ sinh thái. Năng lượng hạt nhân với chi phí đầu tư tốn kém và rủi ro nổ lò phản ứng. Các dự án năng lượng tái tạo điện gió hoàn toàn tránh được các tác động tiêu cực trên.
  • Giảm tiêu thụ các tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và càng khó khai thác, chi phí khai thác ngày càng cao. Trong khi đó năng lượng gió có thể coi là nguồn vô tận, ổn định và không phải trả tiền, nhất là điện gió ngoài khơi. Các tua-bin gió có thể được vận hành trong các diễn biến thời tiết khí hậu khác nhau và không bị gián đoạn giống như điện mặt trời, năng lượng gió được cung cấp suốt ngày đêm. Sự phát triển sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo này sẽ đồng nghĩa với việc giảm được đáng kể lượng khai thác tài nguyên và tiết kiệm một chi phí khổng lồ cho các nguồn nguyên liệu sản xuất điện như hiện nay.
  • Giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân: do giảm được lượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường phát ra khi đốt lượng nhiên liệu hóa thạch như đã nêu trên; góp phần giảm tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu (có được do giảm lượng khí nhà kính phát thải gây nguy hại tầng ô zôn). Từ đó, giảm được nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của cộng đồng.

    5. Các xung đột trong khai thác điện gió ngoài khơi và trên bờ

    Bên cạnh việc đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp cho quốc gia cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu nêu trên, các dự án năng lượng gió ngoài khơi và trên bờ cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng phần nào đến môi trường và xã hội khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng điện gió vẫn là một trong số ít các nguồn năng lượng mà khi khai thác sử dụng ít gây tác động tiêu cực đến môi trường nhất.

    Trong đó, một số xung đột giữa lợi ích tăng trưởng bền vững với môi trường và xã hội khu vực triển khai dự án ngoài khơi và trên bờ là khác nhau nên cần được nhận diện cũng như thực hiện các biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng có thể xảy ra như sau:

    Đối với điện gió ngoài khơi

    Bảng 3. Các xung đột trong khai thác điện gió ngoài khơi và biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu [2]

Nguồn gây xung đột

Đối tượng bị ảnh hưởng

Biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột

 

GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG

Tiếng ồn từ hoạt động nạo vét và đóng cọc trên biển

  • Tiếng ồn lớn có thể ảnh hưởng đến người lao động trực tiếp.
  • Xáo trộn môi trường sống của các loài sinh vật biển nhạy cảm với âm thanh như động vật có vú biển, rùa biển,… nhưng các loài sinh vật sẽ di chuyển tránh xa khỏi khu vực thi công.
  • Người lao động trên biển được trang bị các thiết bị bảo vệ cá nhân khi tham gia trực tiếp các công đoạn thi công phát sinh tiếng ồn lớn, nhưng nhìn chung thời gian chịu tác động ngắn và không liên tục.
  • Lựa chọn các địa điểm thực hiện dự án tránh xa các khu vực bảo tồn, các vị trí kiếm ăn để hạn chế các ảnh hưởng đến các động vật biển có vú, rùa biển.

 

 

Lắp đặt các tháp tua-bin, cáp ngầm và hạ tầng phụ trợ trên nền đáy biển

 

  • Làm xáo trộn đáy biển và làm tăng các chất lắng lơ lửng.
  • Giảm chất lượng nước và có khả năng ảnh hưởng xấu đến các loài sinh vật đáy và hoạt động đánh bắt hải sản, du lịch lân cận.
  • Lựa chọn các bệ đỡ trụ tua-bin ít gây xáo trộn đến đáy biển.
  • Lựa chọn vị trí dự án tránh các khu vực nước có hoạt động kinh tế biển hoặc tránh mùa đánh bắt của ngư dân địa phương.

 

Sự hiện diện của các phương tiện và hoạt động thi công

  • Gây xáo trộn môi trường sống của sinh vật biển như cá, động vật có vú biển, rùa biển,…

 

  • Đối với các khu vực có các loài có giá trị sinh học cao, giai đoạn xây dựng cần tránh các thời điểm nhạy cảm (mùa di trú, sinh sản…).
  • Nếu cần thực hiện đóng cọc cần thực hiện đuổi các loài sinh vật biển nhạy cảm khỏi khu vực thi công trước, khuyến khích áp dụng công nghệ màng chắn bằng bóng khí.
  • Áp dụng khoan cọc nhồi thay cho phương pháp đóng cọc truyền thống để giảm chấn động.
  • Dùng móng bằng cọc đơn cho khu vực nước nông. Đối với các khu vực nước sâu hơn, nên áp dụng các móng tự nâng phù hợp khác.
  • Hoạt động thi công cần cách xa các khu vực có các loài có giá trị sinh học cao (hữu nhũ và rùa biển) tối thiểu 500m.
  • Áp dụng công nghệ thổi thủy lực hoặc thân thiện với môi trường trong quá trình rải cáp.
  • Khi có các loài nhạy cảm với điện hay từ trường trong khu vực, cần áp dụng thêm các biện pháp như chọn loại cáp, vật liệu cách điện và độ sâu chôn cáp.

 

Hoạt động làm việc trên mặt nước để lắp đặt công trình

  • Nguy cơ tổn hại đến sức khỏe và an toàn lao động
  • Thực hiện đánh giá rủi ro để xây dựng hệ thống an toàn khi làm việc trên mặt nước.
  • Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cá nhân, phao cứu hộ và tập huấn sử dụng thành thạo cho công nhân.
  • Tàu cứu hộ phải luôn sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp.

 

Tương tác với hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản

  • Đối với các dự án trên biển gần các cảng hoặc có tuyến hàng hải đi qua, cần lưu ý vấn đề va đụng tàu và các công trình của dự án cũng như các ô nhiễm phát sinh từ sự cố này.

 

  • Tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý hàng hải khu vực theo luật hàng hải.
  • Tốt nhất nên tránh các khu vực có mật độ lưu thông hàng hải cao.
  • Dùng hệ thống bảng và đèn hiệu cảnh báo trên các tua-bin theo quy định quốc gia.
  • Thiết lập các khu vực an toàn quanh mỗi tua-bin và tàu xây dựng để không ảnh hưởng đến các đối tượng khác đang hoạt động trên biển.
  • Sử dụng phao báo hiệu để hỗ trợ định hướng.

 

GIAI ĐOẠN VẬN HÀNH

Sự hiện diện các tua-bin gió

  • Hạn chế khu vực hàng hải và tàu thuyền đánh bắt.
  • Nguy cơ va đụng tàu thuyền và phương tiện trên biển.

 

  • Phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền về vị trí hoạt động điện gió cũng như nguy cơ mất an toàn khi đi vào khu vực hành lang an toàn của các công trình.
  • Trang bị hệ thống cảnh báo và đèn hiệu hàng hải trên các tua-bin để báo hiệu và định hướng cho các phương tiện hàng hải và hàng không, tránh rủi ro va đụng.

 

Rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu

  • Nguy cơ gây hư hỏng, gãy vỡ trụ tua-bin, cánh quạt
  • Cần tính toán thiết kế an toàn về mặt cấu trúc và công nghệ ngay trong giai đoạn thiết kế dựa trên dữ liệu thiên tai trong nhiều năm của khu vực dự án (sóng, gió, dòng chảy, bão lớn,…)
  • Xem xét đầy đủ những yếu tố biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, nước biển dâng, thời tiết cực đoan,…) ảnh hưởng đến độ bền công trình như ăn mòn, hỏng hóc kết cấu… để lựa chọn vật liệu xây dựng nền móng, trụ tua-bin, cánh quạt.
  • Xây dựng đầy đủ kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
  • Định kỳ kiểm tra, bão dưỡng vận hành công trình và hiệu suất phát điện để kịp thời phát hiện các lỗi kỹ thuật, hư hỏng (nếu có) và sửa chữa khắc phục, đảm bảo an toàn.

 

    Bên cạnh các ảnh hưởng tiềm ẩn từ các công trình điện gió ngoài khơi như trên, hoạt động của loại hình điện gió này cũng góp phần tác động tích cực cho môi trường thủy sinh và kinh tế - xã hội, bao gồm:

  • Tạo bóng mát và vùng bảo vệ cho các sinh vật biển nhờ hàng lang an toàn, hạn chế tiếp cận các vùng nước nhất định quanh phạm vi dự án và tăng môi trường sống nhân tạo.
  • Các công trình điện gió trên biển có thể khai thác kết hợp với các hoạt động tham quan du lịch, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biển.

    Đối với điện gió trên bờ

    Bảng 4. Các xung đột trong khai thác điện gió trên bờ và biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu [2]

Nguồn gây xung đột

Đối tượng bị ảnh hưởng

Biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột

 

GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG

Các hoạt động gây tiếng ồn bao gồm nổ mìn, lắp cọc, làm đường, làm móng tua-bin và lắp đặt tua-bin.

  • Ảnh hưởng đến công nhân lao động và người dân địa phương.
  • Tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế công trình (sử dụng các tua-bin tốc độ khác nhau, hoặc các cánh dốc nhằm giảm tốc độ quay).
  • Đặt các trạm gió phù hợp nhằm tránh các khu vực có các đối tượng nhạy cảm (khu dân cư, bệnh viện, trường học).
  • Sử dụng các tiêu chuẩn thiết kế âm thanh cho tua-bin gió (quốc gia, quốc tế).

 

Lắp đặt các trụ đỡ tua-bin, cáp ngầm, đường vào và hạ tầng phụ trợ

  • Ảnh hưởng chất lượng nước, gây tăng xói mòn, lắng cặn, dòng chảy và bồi lắng của nước bề mặt. Ngoài ra còn có khả năng gây ô nhiễm nước do tràn đổ dầu, hóa chất.
  • Thực hiện các biện pháp quản lý nước mưa chảy tràn qua khu vực thi công, nước thải từ quá trình xây dựng.
  • Bố trí các nhà vệ sinh lưu động trên công trường để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt.

 

Phát quang mặt bằng

  • Ảnh hưởng thảm thực vật và tài nguyên sinh vật khu vực do suy giảm và xáo trộn môi trường sống của các loài sinh vật.
  • Cần điều chỉnh số lượng, kích thước tua-bin phù hợp với đặc điểm khu vực dự án.
  • Tránh dựng các công trình, đặc điểm thu hút các loài chim và dơi (như hồ nước, khu vực kiếm ăn, làm tổ…).
  • Tránh các cánh quạt gió quay tự do (không tạo ra điện).
  • Hạn chế tạo ra các nguồn sáng (nếu có thì dùng ánh sáng đỏ hoặc trắng chớp tắt theo nhịp là tốt nhất, tránh chớp tắt liên tục hoặc chậm).
  • Các đường dây điện nên chôn ngầm.
  • Các cột điện cần thiết kế cách điện để bảo vệ các loài chim (nhất là các loài săn mồi).
  • Đánh giá công nghệ ngăn cản các loài chim tiếp cận các công trình có thể gây nguy hiểm của dự án.

 

Bồi thường giải phóng mặt bằng

  • Việc bồi thường không đúng sẽ tác động đến cuộc sống người dân địa phương ảnh hưởng đến việc không đảm bảo tiến độ của dự án và khó khăn cho công tác thu hồi, triển khai dự án.
  • Đảm bảo nguồn kinh phí bồi thường.
  • Thực hiện công tác đền bù công khai và minh bạch.
  • Bồi thường theo đúng các quy định hiện hành và được chính quyền phê duyệt.
  • Đảm bảo đền bù đúng quy định trong phạm vi xây dựng công trình và hàng lang tuyến.

 

Hoạt động vận chuyển vật tư, thiết bị

  • Gia tăng các phương tiện vận chuyển siêu trường, siêu trọng gây ảnh hưởng hoạt động lưu thông của người dân địa phương và các rủi ro tai nạn giao thông.
  • Các phương tiện vận chuyển hạng nặng nguy cơ gây hư hại cơ sở hạ tầng đường bộ địa phương.
  • Cần thực hiện đánh giá khả năng chịu tải và tác động của quá trình vận chuyển lên cơ sở hạ tầng khu vực.
  • Sử dụng đúng các tuyến đường đã được duyệt, tránh di chuyển vào giờ cao điểm và hỗ trợ điều tiết giao thông để dừng các phương tiện khác khi cần thiết.

 

Hoạt động làm việc trên cao để lắp đặt tua-bin

  • Nguy cơ tổn hại đến sức khỏe người lao động do làm việc trên cao và rủi ro rơi ngã.
  • Hạn chế tối đa việc yêu cầu công nhân làm việc trên cao (lắp ráp dưới đất rồi dùng cần cẩu nâng lên và thực hiện kết nối). Nếu không tránh được thì phải dùng thiết bị bảo hộ đạt tiêu chuẩn, ưu tiên trang bị cho thiết bị trước khi cho con người.
  • Dùng lưới và túi khí để phòng tránh tai nạn do rơi ngã.
  • Đảm bảo thiết kế các công trình theo tiêu chuẩn an toàn và có đầy đủ phương tiên hỗ trợ để làm việc trên cao.
  • Công nhân làm việc trên cao phải được đào tạo sử dụng thành thạo thiết bị bảo hộ và cứu nạn.
  • Không làm việc trên cao trong điều kiện thời tiết xấu.
  • Có đầy đủ kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

 

GIAI ĐOẠN VẬN HÀNH

Tiếng ồn phát sinh từ hoạt động các tua-bin gió

  • Ảnh hưởng đến người dân xung quanh
  • Thiết kế tua-bin theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và lựa chọn vị trí đặt tua-bin.
  •  Vận hành tua-bin ở chế độ giảm tiếng ồn.
  •  Dựng rào chắn tiếng ồn quanh các công trình có thể bị ảnh hưởng.
  •  Dừng hoạt động tua-bin khi tốc độ gió quá cao (đối với một số dự án đặc thù).

 

Hiện tượng quét bóng

  • Những ngôi nhà nằm phía sau tua-bin gió sẽ thường xuyên gặp phải bóng nhấp nháy quét qua cửa sổ vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Điều này có thể trở nên rất khó chịu vì bóng nhấp nháy có thể gây căng thẳng thị lực hoặc thậm chí đau đầu cho những người bị ảnh hưởng.
  • Lắp đặt các rào chắn hoặc thiết lập hành lang cây xanh.
  • Thiết kế vị trí hoặc lập trình hoạt động cho tua-bin để thời gian chịu ảnh hưởng tối đa là 30 giờ/năm và 30 phút/ngày.
  • Tua-bin được sơn phủ sần và không gây phản chiếu để tránh gây lóa khi có ánh sáng chiếu vào.

 

Va chạm giữa cánh quạt tua-bin đang chuyển động với các loài chim, dơi bay ngang qua

  • Nguy cơ gây tổn thương hoặc chết cho các loài chim và dơi do va chạm với tua-bin, tháp tua-bin và các đường truyền trên cao.
  • Thực hiện các biện pháp quản lý nước mưa phù hợp, tránh tạo ra sự thu hút (ao nhỏ) chim, dơi đến kiếm ăn, tìm nguồn nước.
  • Quản lý các đường tiếp cận khu vực sinh sống của các loài sinh vật tự nhiên.
  • Qui định nội qui, nghiêm cấm các hành vi khai thác động vật hoang dã.
  • Giám sát đa dạng sinh học để đánh giá ảnh hưởng của dự án đến số lượng các loài chim và dơi.

 

Nguy cơ văng cánh quạt gió do lỗi kỹ thuật

  • Cánh quạt vỡ có thể làm văng các mảnh vỡ, gây nguy hiểm cho cộng đồng nhưng hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra.

 

  • Giữ khoảng cách an toàn giữ vị trí các tua-bin và đối tượng nhạy cảm gần đó (tối thiểu 1,5 lần chiều cao tua-bin).
  • Lựa chọn tua-bin có kiểm định chất lượng của bên thứ ba và có giám sát chất lượng sản xuất.
  • Lắp đặt và duy trì hệ thống chống sét.
  • Kiểm tra định kỳ, sửa chữa ngay các lỗi có thể dẫn tới hỏng cánh rotor.
  • Lắp đặt cảm biến rung động để kịp thời phản ứng với hiện tượng mất cân bằng cánh rotor và dừng tua-bin khi cần.

 

Ảnh hưởng đến hoạt động hàng không

  • Đối với các dự án gần sân bay, khu quân sự, khu có đường bay đã xác định, cần lưu ý vấn đề ảnh hưởng đến hệ thống ra-đa và an toàn hàng không.

 

  • Tham vấn ý kiến của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hàng không khu vực theo quy định an toàn hàng không.
  • Tốt nhất là nên tránh đặt dự án gần các khu vực này và các tuyến hàng không.
  • Dùng hệ thống bảng và đèn hiệu trên trụ đỡ tua-bin theo tiêu chuẩn quốc gia. Nếu quốc gia không có thì có thể tham khảo các hướng dẫn quốc tế.
  • Di dời các ra-đa bị ảnh hưởng hoặc thay bằng các hệ thống rada khác có thể bao phủ khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án.

 

Rủi ro do thiên tai, bão lốc

  • Nguy cơ gây hư hỏng, gãy vỡ trụ tua-bin, cánh quạt.
  • Cần tính toán thiết kế an toàn về mặt cấu trúc và công nghệ ngay trong giai đoạn thiết kế dựa trên dữ liệu thiên tai, bão lũ trong nhiều năm của khu vực dự án
  • Xem xét đầy đủ những yếu tố biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến độ bền công trình như ăn mòn, hỏng hóc kết cấu… để lựa chọn vật liệu xây dựng nền móng, trụ tua-bin, cánh quạt.
  • Xây dựng đầy đủ kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
  • Định kỳ kiểm tra, bão dưỡng vận hành công trình và hiệu suất phát điện để kịp thời phát hiện các lỗi kỹ thuật, hư hỏng (nếu có) và sửa chữa khắc phục, đảm bảo an toàn.

 

 

    Dựa vào các đánh giá trên cho thấy đối với các dự án điện gió ngoài khơi ít gây các xung đột với cảnh quan môi trường và cộng đồng xã hội hơn so với điện gió trên bờ, nhất là trong thời gian vận hành dự án, do hạn chế được các tác động đến dân cư xung quanh, được xem là các ảnh hưởng đáng kể nhất từ các dự án điện gió mà có thể gây khó chịu cho cuộc sống người dân địa phương, như hiện tượng quét bóng nhấp nháy, tiếng ồn vận hành, nhiễu sóng điện từ, nguy cơ rơi ngã tua-bin,..

    Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi về mặt ổn định năng lượng gió và cảnh quan môi trường, các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi suất đầu tư cao hơn điện gió trên bờ do những khó khăn để tiếp cận xây dựng/lắp đặt, kết nối và bảo dưỡng với chi phí cao hơn.

    6. Kết luận

    Mặc dù có một số sự khác biệt khi xem xét khía cạnh đầu tư và các xung đột tiềm ẩn, nhưng nhìn chung các dự án điện gió đóng góp rất lớn vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, các dự án ngoài khơi được đánh giá ít gây ra những xung đột ảnh hưởng lên cuộc sống con người và mang lại hiệu suất phát điện cao hơn. Một tín hiệu vui là nhờ vào các cơ chế khuyến khích phát triển, các nguồn điện gió đã phát triển vượt xa mong đợi của Chính phủ trong năm vừa qua và đạt mốc kỷ lục trong năm 2021. Tốc độ phát triển của các dự án điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung sẽ đồng hành cùng với lộ trình cắt giảm khí nhà kính của Việt Nam và các quy hoạch phát triển năng lượng trong tương lai gần.

Nguyễn Lệ Mỹ Nhân, Phạm Chiến Thắng, Nguyễn Đình Phong

Viện Dầu khí Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2021)

    Tài liệu tham khảo

1. International Finance Corporation (IFC), 2015, Environmental, Health and Safety Guidelines for Wind Energy.

2. Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ), 2018, Hướng dẫn thực hiện đánh giá tác động môi trường và xã hội cho các dự án điện gió tại Việt Nam.

3. Ngân hàng thế giới (World Bank), 2021, Báo cáo cuối cùng lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam.

4. The Wind Power, 2021, Global data reports, Vietnam wind farms file (https://www.thewindpower.net/country_en_74_vietnam.php).

5. Our World in Data, 2021, Wind power generation 2020
(https://ourworldindata.org/grapher/wind-generation?tab=table).

6. Quyết định 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/11/2015.

7. Institute for Energy Economics and Financial Analysis (IEEFA), 2021, Melissa Brown, Quy hoạch điện 8 của Việt Nam Phải là tác nhân cho đổi mới sáng tạo (http://ieefa.org/wp-content/uploads/2021/03/IEEFA_Briefing_Note_Vietnam_PDP8_VN.pdf).

8. Trang thông tin điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 2021, Quy hoạch điện VIII phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết (https://www.evn.com.vn/d6/news/Quy-hoach-dien-VIII-phai-dat-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-len-tren-het-2-10-28190.aspx).

9. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT), 2021, 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW đưa vào vận hành thương mại đến cuối tháng 8/2021 (https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/24-nha-may-dien-gio-voi-tong-cong-suat-la-963-mw-dua-vao-van-hanh-thuong-mai-den-cuoi-thang-8-2021.html).

10. Trang thông tin pháp luật công thương, Vì sao phải xây dựng cơ chế phát triển điện gió ở Việt Nam (http://legal.moit.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=9&news_id=661& rand=637620676258210377).

11. Trang tin Năng lượng tái tạo Việt Nam DEVI Renewable Energies, 2014, Lịch sử năng lượng gió (https://devi-renewable.com/news/lich-su-nang-luong-gio/).

12. Trang thông tin điện tử của Vietranstimex, 2020, Sự khác biệt giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi (https://www.vietranstimex.com.vn/su-khac-biet-giua-dien-gio-tren-bo-va-ngoai-khoi).

Offshore and onshore wind power sustainable development in Vietnam

Nguyen Le My Nhan, Pham Chien Thang, Nguyen Dinh Phong

Petroleum Institute of Vietnam

Abstract:

With the increasing demand for electricity, Vietnam is also gradually considering investing in the field of renewable energy, including wind power, as the key to solving the problem of energy security, this will contribute to the realization of the national green development strategy. According to Resolution No.55-NQ/TW dated February 11th, 2020 on the orientation of Vietnam's National Energy Development Strategy to 2030, vision to 2045, with objective of increasing the renewable energy contribution to the total energy sources to approximately 15 - 20% by 2030; 25 - 30% by 2045 and prioritize using wind and solar energy for electricity generation. At the same time, the Prime Minister also approved Intended Nationally Determined Contribution of Viet Nam (INDC) to the United Nations Framework Convention on Climate Change (UNFCCC) on July 24th, 2020, especially Vietnam actively increased its contribution to climate change response. Thus, in a joint effort to achieve by 2030, with domestic resources, Vietnam will reduce total greenhouse gas emissions by 9% compared to the Business as Usual scenario and can be increased up to 27% with international support, in which energy itself will be the leading sector with a reduction in greenhouse gas emissions of 5.5% in the 2021-2030 period. Therefore, renewable energy projects in general and wind power in particular with the outstanding advantage of green and clean power sources are being promoted development, greatly contributing to the fight against climate change. In this article, we will summarize the situation of wind power development and research related aspects for the sustainable development of wind power projects in Vietnam.

        ​Keywords: Wind energy, renewable energy, sustainable development.

 

 

Ý kiến của bạn