14/10/2021
Tóm tắt:
Việt Hải là xã thuộc huyện đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng, nằm ở phần phía Đông của đảo Cát Bà, diện tích 141 ha và có 88 hộ dân sinh sống. Hiện nay, vấn đề rác thải tại địa phương đang cần được đặc biệt quan tâm, nhằm phù hợp với mô hình kinh tế xanh. Nguồn phát sinh rác thải của xã đảo Việt Hải chủ yếu là từ sinh hoạt và một phần nhỏ từ các hoạt động du lịch. Thành phần rác thải được phân tích với nguồn rác thải hữu cơ (RTHC) là 65%, lượng rác phát sinh trung bình là 85kg/ngày, lượng rác đưa ra bãi chôn lấp là 51kg/ngày. (Theo kết quả nghiên cứu trích từ đề tài cấp Nhà nước mã số KC.08.09/16-20). Rác được thu gom khá tốt, nhưng vẫn chưa xử lý triệt để, do xã có 1 bãi rác chôn lấp chưa hợp vệ sinh, biện pháp xử lý thông thường là đổ đống và đốt tự do để giảm thể tích rác thải. Thời gian qua, một số giải pháp như phân loại rác tại nguồn; xử lý lượng rác hữu cơ tại hộ gia đình; không đốt tự do; tách các nguồn pin thải tập trung và đưa vào đất liền xử lý; thu gom, xử lý rác tại các bãi tập kết theo quy trình hợp vệ sinh; tuyên truyền, tập huấn cho các đoàn thể, cấp chính quyền, người dân để nâng cao nhận thức về việc quản lý rác thải tại xã.… đã được đề xuất và thực hiện.
Từ khóa: Rác thải, Việt Hải, quản lý.
Nhận bài: 30/8/2021; Chỉnh sửa: 4/9/2021; Duyệt đăng: 7/9/2021.
1. Mở đầu
Rác thải ở các vùng đảo ven bờ và xa bờ là một trong những chủ đề đang được quan tâm vì tính chất đặc thù do thiếu điều kiện quản lý phù hợp. Rác thải không được xử lý đã đi vào môi trường biển, theo các dòng chảy phân tán ra xa và lắng đọng xuống đáy biển. Rác thải gồm nhiều thành phần: Thành phần hữu cơ phân hủy trong môi trường; thành phần vô cơ khó phân hủy và gây nên tác hại đối với môi trường, đặc biệt, rác thải có thành phần thủy tinh, kim loại, nhựa, đang tác động trực tiếp lên các hệ sinh vật biển [1]. Tại Việt Hải - Xã đảo thuộc quần đảo Cát Bà, biệt lập với đất liền và thị trấn Cát Bà, vấn đề rác thải đang cần được quản lý, xử lý triệt để nhằm phù hợp với mô hình kinh tế xanh được xây dựng tại đây. Vì vậy, cần phải có nghiên cứu đánh giá thực trạng khối lượng rác phát sinh, từ đó đề xuất các giải pháp về truyền thông, quản lý và kỹ thuật phù hợp áp dụng cho xã đảo Việt Hải.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Phạm vi nghiên cứu
Xã đảo Việt Hải thuộc huyện đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng, nằm ở phần phía Đông của đảo Cát Bà, với diện tích thuộc xã quản lý là 141 ha và 88 hộ dân sinh sống [2]. Việt Hải là một thung lũng nằm ở vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Bà, do điều kiện đi lại khó khăn nên trước đây có rất ít người biết đến. Chỉ vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của du lịch Cát Bà, Việt Hải đã thu hút được một lượng lớn khách đến tham quan. Điều này vừa mang lại nguồn thu nhập, giúp cải thiện cuộc sống của người dân nhưng đồng thời cũng khiến địa phương phải đối mặt với bài toán về rác thải.
Hình 1. Vị trí xã đảo Việt Hải, huyện đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tổng hợp tài liệu
+ Kế thừa các kết quả đã nghiên cứu, tài liệu liên quan được công báo [3];
+ Thu thập thông tin qua internet, tại các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương và người dân.
Sử dụng phương pháp này nhằm thu thập, xử lý các số liệu về điều kiện tự nhiên, khí tượng thuỷ văn, kinh tế - xã hội tại khu vực nghiên cứu, kế thừa các giải pháp về quản lý và công nghệ đã được triển khai.
Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa bằng phiếu và kỹ thuật xác định lượng thải (chất thải rắn, nước thải sinh hoạt) trung bình của người dân, hộ gia đình
+ Xác định thành phần chính của rác thải sinh hoạt (RTSH), đánh giá hiện trạng thu gom và xử lý đang thực hiện;
+ Điều tra xã hội học: Dựa trên việc phỏng vấn người dân và sử dụng tài liệu báo cáo hàng năm của địa phương nhằm thu thập các thông tin về kinh tế - xã hội, đặc điểm dân cư; tình hình thực hiện nông thôn mới (NTM).
Phương pháp xây dựng mô hình và đánh giá kết quả mô hình
+ Khảo sát vị trí áp dụng mô hình, tính toán thiết kế và tổ chức thực hiện xây dựng thử nghiệm mô hình;
+ Theo dõi, đánh giá hiệu quả xử lý, tính phù hợp của mô hình.
Phương pháp chuyên gia
Xin ý kiến chuyên gia thuộc cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý và các công ty xây dựng, tư vấn hoạt động về lĩnh vực môi trường.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Thực trạng phát sinh và xử lý rác thải ở xã đảo Việt Hải
+ Nguồn phát sinh: Trên xã đảo hiện có khoảng 88 hộ dân với hơn 270 nhân khẩu, nguồn thải chủ yếu từ các nguồn sau:
Hình 2. Nguồn phát sinh RTSH
Qua phân tích thành phần rác tại xã đảo Việt Hải có thể thấy, RTHC phát sinh từ sinh hoạt của người dân và hoạt động dịch vụ du lịch là chủ yếu. Bên cạnh đó là các loại rác thải vô cơ (RTVC) có thể tái chế như vỏ lon, chai nhựa… tuy nhiên, hoạt động thu mua với giá trị thấp do tiền vận chuyển từ đảo vào đất liền cao, dẫn đến không thu hút được các đại lý thu gom. Một số thành phần rác thải khác không thể tái chế chỉ chiếm một lượng nhỏ, nhưng cũng là bài toán khó vì lượng khách du lịch ngày một tăng. Cần có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế loại RTVC không thể tái chế này.
Với dân số khoảng 270 người, thêm lượng khách du lịch nghỉ lại tại xã chiếm 10% (khoảng 20 người/ngày), lượng rác phát sinh ước tính là 85 kg/ngày. Khối lượng thu gom đạt 60% (40% đã được phân loại tái chế, thu gom làm thức ăn cho chăn nuôi, triển khai mô hình ủ phân hữu cơ); lượng rác vào bãi chôn lấp là 51 kg/ngày (18 tấn/năm). Lượng rác thải ra sẽ giảm nếu thực hiện các giải pháp như phân loại rác triệt để, triển khai mô hình ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình.
Hình 3. Xác định thành phần RTSH
Lượng chai nhựa, vỏ lon trên địa bàn xã được tách đến 95%, chủ yếu do khách du lịch vứt bỏ vào thùng rác công cộng.
Bảng 1. Khối lượng và thành phần rác sinh hoạt trung bình tại Việt Hải năm 2019
TT |
Thành phần CTRSH |
Tỷ lệ (%) |
1 |
Thực phẩm thừa ( cơm, thức ăn, rau củ…) |
60 |
2 |
Rác thải vườn (cỏ, cây, lá…) |
5 |
3 |
Giấy, bìa carton |
4,3 |
4 |
Chai nhựa, ống nhựa |
2,1 |
5 |
Nilon, bao bì sản phẩm |
9 |
6 |
Kim loại |
0,75 |
7 |
Chất trơ: thủy tinh, sành, sứ, vỏ ốc, gốm, gạch đá... |
18,85 |
|
Tổng cộng |
100 |
Qua tiến hành khảo sát và phân tích thành phần RTSH tại các hộ dân cho thấy, RTHC có khả năng phân hủy chiếm 65%, xử lý ngay tại hộ gia đình. Các loại RTVC như giấy, bìa carton chỉ chiếm một lượng nhỏ, có thể sử dụng phương pháp đốt để xử lý. Một số loại có thể tái chế như chai nhựa, kim loại đã được phân loại để bán. Chỉ còn một lượng nhỏ rác thải là ni lông, vỏ bao bì, chất trơ được đưa ra bãi chôn lấp để xử lý.
+ Dự báo mức độ tăng lượng rác thải trong tương lai khi có khách du lịch: Năm 2020 lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và thám hiểm, nghiên cứu rừng, nghiên cứu biển lên tới 40.000 lượt người với 85% là người nước ngoài, lượng khách nghỉ qua đêm bình quân từ 7 - 10% tổng lượng khách du lịch. Khối lượng RTSH tăng lên, gây khó khăn cho việc quản lý của chính quyền địa phương, bởi ở Việt Hải chỉ có hình thức đốt rác thủ công, chưa có biện pháp xử lý thích hợp để bảo đảm vệ sinh môi trường. Dự báo khối lượng, thành phần RTSH phát sinh của xã đảo Việt Hải đến năm 2030 là 396 kg; lượng rác thu gom được là 356 kg, trong đó, lượng RTHC là 232 kg/ngày và RTVC là 125 kg/ngày.
+ Nguồn phát sinh và thành phần của chất thải nguy hại (CTNH) ở xã đảo Việt Hải: CTNH trong sinh hoạt thường gặp là các loại đèn huỳnh quang thải bỏ có chứa Hg; ắc quy xe ô tô, xe máy, ắc quy dùng trong gia đình, các loại pin thải; dầu bôi trơn ô tô, xe máy, dầu phanh thải; chất thải chứa amiang như đệm, vật liệu cách nhiệt, tấm lợp phibroximăng; bao bì đựng sơn, vecni, thuốc trừ sâu, thuốc rửa ảnh, tráng phim; các chất làm sạch, tẩy rửa như javen, nước lau kính, lau nhà bếp, tẩy vết đốm, cọ bệ xí, xi đánh giày; sản phẩm chăm sóc cá nhân như thuốc nhuộm tóc, làm đầu, xịt tóc, sơn sửa móng tay, thuốc quá hạn sử dụng... Các chất thải nguy hiểm bị vứt bỏ lẫn vào chất thải sinh hoạt thường < 1%.
+ Hiện trạng thu gom và xử lý RTSH tại xã đảo Việt Hải: Trước kia, xã đã thành lập được tổ dịch vụ vệ sinh môi trường gồm 2 người chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải của thôn 1 và thôn 2 về khu chôn lấp rác của xã. Hiện nay, việc thu gom RTSH được chuyển về Công ty Quản lý công trình công cộng đô thị Hải Phòng. Lượng rác thu gom trung bình 2 xe/lần. Xe đến thu gom rác tại các hộ gia đình theo thời gian quy định 2 ngày/lần vào 16 - 18 giờ. Rác được thu gom khá tốt, tuy nhiên vẫn chưa triệt để hoàn toàn.
Hình 4. Hoạt động thu gom rác thải tại xã đảo Việt Hải
Hiện Việt Hải đã có 1 khu chôn lấp RTSH được xây dựng năm 2015, trước khi xã đạt tiêu chuẩn xã NTM, diện tích 1.800 m2, chia thành 2 ô, nằm ở khu vực rừng phòng hộ thôn 2, cách khu dân cư 500 m. Tuy nhiên, do không có đơn vị chuyên nghiệp vận hành, quản lý nên hiện nay bãi chôn lấp trở thành bãi tập kết rác tập trung của xã. Bãi rác này là bãi lộ thiên, mặt hố rác không được che đậy, phát tán mùi hôi, ruồi muỗi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Biện pháp xử lý rác thông thường là đổ đống và đốt tự do để giảm thể tích rác thải, phần rác còn lại cùng lượng lớn tro từ hoạt động đốt rác hiện chưa có biện pháp xử lý.
Hình 5. Hoạt động xử lý rác thải tại xã đảo Việt Hải
3.2. Đề xuất biện pháp xử lý rác thải ở xã Việt Hải
Với thành phần rác thải phân tích ở trên, Đề tài đưa ra một số giải pháp nhằm xử lý các loại RTHC phát sinh, đồng thời giảm lượng RTVC cần được xử lý tại bãi chôn lấp. Cụ thể là các hoạt động như sau:
- Triển khai mô hình cấm rác thải tại xã đảo Việt Hải theo Kế hoạch số193/KH-UBND ngày 8/8/20019 về “Hành động để giảm thiểu rác thải nhựa và ni lông, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn huyện Cát Hải, nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền, người dân về tác hại của các sản phẩm nhựa một lần sau khi thải vào môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái.
- Để hạn chế các loại RTVC không thể tái chế, tổ chức Hội thảo triển khai mô hình với đại diện tham dự của Chi cục Biển và hải đảo (Sở TN&MT Hải phòng); Phòng TN&MT huyện Cát Hải; Đài Truyền hình Hải Phòng và Tập đoàn An Phát Holdings; UBND xã Việt Hả; các đoàn thể, hội phụ nữ và những hộ dân làm du lịch, hộ dân làm nông nghiệp và một số hộ dân khác.
- Đẩy mạnh tuyên truyền đến các công ty khai thác, khách du lịch tại bến Việt Hải không mang túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần (ống hút, hộp xốp đựng thức ăn) vào xã. Các chai nước uống, lon đồ uống dùng xong được thu bỏ vào thùng rác trên thuyền hoặc thùng rác dọc đường trong xã. Nếu vi phạm, Công ty khai thác du lịch hoặc khách du lịch cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định được ban hành bởi Ban Quản lý du lịch cộng đồng.
- Triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn và mô hình ủ phân hữu cơ tại các hộ gia đình với kích thước là 60 cm x 60 cm, hố có nắp đậy, nửa nổi nửa chìm, dùng chế phẩm Bio - Dicomposer. Đây là giải pháp nhằm xử lý RTHC tại hộ gia đình, giúp phân loại rác thải tại nhà một cách triệt để, vừa giúp giảm lượng rác thải ra bãi chôn lấp, vừa tạo một lượng phân bón hữu cơ cho mỗi hộ gia đình.
Hình 6. Các hoạt động phân loại rác tại nguồn và mô hình ủ phân hữu cơ
- Triển khai hoạt động tuyên truyền về CTNH. Giáo dục cho các em học sinh về tác hại của CTNH và hướng dẫn thu gom, xử lý CTNH.
Hình 7. Các hoạt động tuyên truyền tác hại của pin thải và cách thu gom để chuyển vào đất liền xử lý
- Triển khai hướng dẫn quy trình thu gom rác, khuyến cáo người dân không bỏ các loại vỏ thủy, hải sản vào thùng. Khuyến khích các hoạt động BVMT của các đoàn thể trên địa bàn xã từ 1 lần/tháng tăng lên 4 lần/tháng, nhằm thu gom triệt để rác thải.
Hình 8. Tập huấn thu gom rác phù hợp với điều kiện xã đảo Việt Hải
- Với điều kiện tự nhiên đã nghiên cứu, Đề tài xây dựng quy trình chôn lấp hợp vệ sinh cho xã đảo Việt Hải, hướng dẫn thực hiện quy trình, đồng thời hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ xử lý rác hợp vệ sinh như: Thiết bị phun thuốc ruồi nhặng, côn trùng, chế phẩm, thuốc phun. Do Việt Hải là một thung lũng, việc đốt rác thải không đảm bảo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, bởi khói thải không thể thoát ra ngoài. Vì vậy, hướng dẫn cho công nhân vệ sinh không đốt mà tiến hành phân loại, phun thuốc diệt ruồi, sau đó chôn lấp có lớp đất phủ. Đây là giải pháp vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa phù hợp với một xã đảo là một thung lũng, dân cư thưa thớt, cách xa đất liền như Việt Hải.
Hình 9. Các hướng dẫn để chôn lấp rác hợp vệ sinh phù hợp điều kiện tại xã đảo Việt Hải
4. Kết luận
Nguồn phát sinh rác thải của xã đảo Việt Hải chủ yếu đến từ các nguồn thải sinh hoạt và một phần nhỏ từ hoạt động du lịch. Thành phần rác thải được phân tích, với nguồn RTHC là 65%. Lượng rác tái chế được tách khỏi dòng thải đạt hiệu suất đến 95%. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển rác tái chế vào đất liền cao nên không thu hút được các đơn vị kinh doanh. Lượng rác phát sinh hàng ngày là 85kg/ngày, lượng rác đưa ra bãi chôn lấp là 51kg/ngày (18 tấn/năm).
Thu gom rác ở xã Việt Hải còn khá thô sơ, tần suất 2 chuyến/ngày với nhân lực là 2 người. Rác được thu gom khá tốt, nhưng vẫn chưa triệt để hoàn toàn. Tại xã có 1 bãi rác chôn lấp chưa theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Bãi rác này là bãi lộ thiên, mặt hố rác không được che lấp, làm phát tán mùi hôi và ruồi muỗi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Biện pháp xử lý rác thông thường là đổ đống và đốt tự do để giảm thể tích rác thải.
Các giải pháp như phân loại tại nguồn; xử lý lượng RTHC tại hộ gia đình; không đốt tự do; tách các nguồn pin thải tập trung, đưa vào đất liền xử lý; triển khai thu gom, xử lý rác tại các bãi rập kết theo quy trình hợp vệ sinh; tuyên truyền và tập huấn cho các đoàn thể, cấp chính quyền, người dân để nâng cao nhận thức về việc quản lý rác thải tại xã.đã được đề xuất và thực hiện.
Lê Xuân Sinh, Bùi Thị Minh Hiền, Đoàn Thị Thanh Xuân1
Nguyễn Thị Thùy Linh, Trần Hữu Long2
Lê Duy Khương3
Nguyễn Thị Phương Dung4
1Viện Tài nguyên và Môi trường biển
2Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam
3Trường Đại học Hạ Long
4Trường Đại học Giao thông Vận tải
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chi Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2021)
Tài liệu tham khảo
{1}UNEP (2011). Hướng tới nền kinh tế xanh - Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, Bản dịch của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội 2011, tr.13.
{2}UBND xã Việt Hải, 2020. Thuyết minh Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Việt Hải - Huyện Cát Hải - TP. Hải Phòng giai đoạn 2015 - 2020.
{3} Lê Xuân Sinh, 2021. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam”, mã số KC.08.09/16 - 20. Lưu trữ tại thư viện quốc gia.
Current status of solid waste and propose some treatment measures in Viet Hai commune Lê Xuan Sinh1, Bui Thi Minh Hieền1, Doàn Thi Thanh Xuan1 1Institute of Marine Environment and Resources Nguyen Thi Thuy Linh2, Tran Huu Long2 2Vietnam Maritime University Le Duy Khuong3 3Ha Long University Nguyen Thi Phuong Dung4 4University of Transport and Communications Abstract: Viet Hai island commune in Cat Hai district (Hai Phong city) is located in the eastern part of Cat Ba Island with an area under the management commune of 141 hectares and 88 households living. Necessary management in the problem of solid waste because it is in line with the green economic model being built here. This is part of the research results extracted from the state-level project code KC.08.09/16-20. The source of waste of Viet Haiisland commune mainly comes from domestic waste sources and a small part from tourism activities. The composition of waste is splited, with organic waste sources being 65% with daily waste generated of 85 kilograms per day, The amount of garbage put to landfill is 51 kilograms per day (18 tons per year). The garbage is collected quite well, but it is not completely complete. In the commune, there is a landfill that does not meet hygiene standards, the usual garbage disposal measure is to dump piles and burn freely to reduce the volume of waste. Solutions for sorting at source, treating organic waste in households and not burning freely have been proposed and implemented. Separate concentrated waste cell sources and bring them to the mainland for treatment. Implementing garbage collection and treatment activities at landfills according to hygiene procedures. Propagate and train unions, authorities and people to raise awareness about solid waste management in communes. Keywords: solid waste, Viet Hai, administer. |