Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Đề xuất bộ tiêu chí phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù tại vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long

26/04/2021

     TÓM TẮT

     Theo tính chất của đất, nước và loại hình canh tác thì đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được chia thành 3 vùng đặc trưng: mặn, ngọt và phèn. Việc duy trì và phát triển sinh kế cho người dân nông thôn đặc biệt là người dân trong khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn (khu vực đất nhiễm mặn, nhiễm phèn và khô hạn) trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức lớn cho Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Thông qua việc đánh giá các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải gắn với các hoạt động sinh kế hiện hữu của người dân nông thôn ĐBSCL, đồng thời xác định các vấn đề cần quan tâm, nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng ĐBSCL cho người dân nông thôn. Bộ tiêu chí gồm 22 tiêu chí cụ thể và chia thành 5 nhóm tiêu chí: Sinh kế; Môi trường; Sinh thái; Kinh tế; Bền vững. Bộ tiêu chí sẽ định hướng và xác định các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải nhằm duy trì và phát triển bền vững sinh kế theo hướng sinh thái cho người dân nông thôn tại các khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn tại ĐBSCL.

     Từ khóa: Mô hình, ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý, tiêu chí, khu vực đặc thù, nông thôn ĐBSCL.

     Nhận bài: 17/1/2021; Sửa chữa: 28/2/2021; Duyệt đăng: 10/3/2021.

  1. Đặt vấn đề

     Sinh kế của người dân vùng nông thôn luôn là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), là một trong những mục tiêu trong các chính sách an sinh xã hội của quốc gia. Cùng với các chính sách giảm nghèo, phát triển sinh kế cho lao động vùng nông thôn là việc làm cần thiết, góp phần tạo cơ hội cho người lao động phát huy tốt vai trò và nỗ lực tạo ra các giá trị sản phẩm lao động, đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống. Vùng nông thôn với nguồn lực lao động dồi dào, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên quá trình phát triển sản xuất công nghiệp hiện đại, kinh tế và hội nhập, lực lượng lao động nông thôn có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, lao động nông thôn còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình phát triển sinh kế, do giới hạn về trình độ chuyên môn và kỹ năng lao động, hạn chế khả năng tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, phát triển các mô hình sinh kế cho lao động vùng nông thôn đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai với các hoạt động cũng như chính sách thiết lập nhằm giúp cho người lao động vùng nông thôn phát huy năng lực lao động, tạo cơ hội tìm kiếm nguồn thu nhập, thông qua việc phát triển các nguồn lực tạo thêm sinh kế ‎[1].

     ĐBSCL là vùng đất ngập nước lớn nhất Việt Nam với tính đa dạng sinh cao, số lượng và số loài động thực vật phong phú. Hệ sinh thái vùng ĐBSCL được đánh giá là nhạy cảm với các biến động thời tiết, cũng như chất lượng nguồn nước ‎[2]. ĐBSCL là vùng canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam. Vùng có đặc điểm thủy văn rất phức tạp với các hiện tượng lũ lụt vào giữa và cuối mùa mưa, thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô. Chất lượng nước bị chi phối mạnh bởi sự xâm nhập mặn và ảnh hưởng của phèn.

     Phân vùng sinh thái của Việt Nam rất đa dạng, tùy theo cách tiếp cận mà có thể chia theo nhiều cách khác nhau. Về tính chất của các loại đất, nước và loại hình canh tác có thể chia ĐBSCL thành 3 vùng lớn: vùng mặn, ngọt và phèn. Diện tích các vùng thay đổi theo mùa, đặc biệt mùa khô thì diện tích vùng mặn lớn hơn các mùa khác, ngoài ra còn ảnh hưởng bởi hệ thống thủy lợi như đê bao, hệ thống thoát nước,… Nghiên cứu của tác giả Lê Huy Bá [3] chia ĐBSCL thành 9 vùng sinh thái theo mục đích nuôi trồng thủy sản. Tác giả Nguyễn Hiếu Trung và cộng sự [4] đã xây dựng bản đồ sinh thái nông nghiệp ĐBSCL và cũng chia ĐBSCL thành 9 nhóm. Nghiên cứu về phân vùng sinh thái cũng đã được triển khai ở các cấp quy mô nhỏ hơn như cấp tỉnh hoặc huyện. Nghiên cứu của Lê Hồng Việt và cộng sự [5] đã phân vùng sinh thái đối với đất phèn nhiễm mặn của tỉnh Hậu Giang, chia thành 7 kiểu sinh kế nông nghiệp chính. Tương tự, nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Linh và cộng sự [6] đã phân vùng sinh thái nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng thành 03 vùng sinh thái: vùng mặn quanh năm, vùng mặn theo mùa và vùng ngọt quanh năm. Một nghiên cứu khác của tác giả Lê Văn Khoa và cộng sự ‎[8] về phân vùng nông nghiệp cho các huyện ven biển Bến Tre gồm có 3 vùng: vùng nước ngọt, vùng nước lợ và mặn.

     Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến các tiêu chí phát triển mô hình bền vững như: tiêu chí và chỉ số đánh giá khả năng phát triển theo hướng khu công nghiệp sinh thái [9], bộ chỉ tiêu phát triển bền vững về các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường các tỉnh Tây Nguyên [10]. Tạo sinh kế bền vững cho người dân là nội dung “then chốt” của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 4 nhóm và 19 tiêu chí theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn từ năm 2016 – 2020. Tuy vậy, việc thực hiện chương trình vẫn còn hạn chế, đa số địa phương còn khó khăn trong huy động nguồn lực để thực hiện. Việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thiếu tính bền vững, bộ mặt nông thôn nhiều nơi chưa thật sự “mới”, các tiêu chí tạo sinh kế bền vững, các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức... Nhóm tác giả [8] đã xây dựng bộ tiêu chí phát triển mô hình sản xuất công nông nghiệp theo hướng sinh thái khép kín cho ngành sản xuất thạch dừa thô ở ĐBSCL với 4 nhóm và 18 tiêu chí giúp cho việc xác định mô hình cho ngành mang lại hiệu quả cao trong việc BVMT, duy trì sinh kế.

     Từ tổng quan các nghiên cứu cho thấy, vẫn chưa có bộ tiêu chí cho việc xác định các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng: mặn, ngọt và phèn cho người dân nông thôn ĐBSCL, giúp người dân duy trì và phát triển sinh kế bền vững. Do đó, việc đề xuất bộ tiêu chí phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù ĐBSCL là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

  1. Phương pháp nghiên cứu

     Các phương pháp chủ yếu sử dụng trong quá trình thực hiện nghiên cứu bao gồm:

     - Phương pháp tổng quan tài liệu: Tổng quan chọn lọc các nghiên cứu và các nguồn tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu.

     - Phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích hệ thống: Phân tích đánh giá tình hình phát triển mô hình sinh kế, ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm theo hướng sinh thái, những thành công, hạn chế, khó khăn tồn đọng.

     - Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Thiết kế 2 mẫu phiếu khảo sát (1 mẫu cho người dân và 1 mẫu cho cán bộ địa phương) kết hợp quay phim, chụp hình, phỏng vấn trực tiếp.

     - Phương pháp chuyên gia: Phỏng vấn, lấy ý kiến các chuyên gia, cán bộ quản lý địa phương. Gồm 02 nhóm:

  • Nhóm chuyên gia trong lĩnh vực môi trường: Các nhà nghiên cứu đang công tác tại các Viện nghiên cứu, Trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
  • Nhóm cán bộ quản lý địa phương: Các cán bộ đang công tác tại các địa phương ở ĐBSCL (cấp xã/phường, huyện/thị, tỉnh/thành phố) trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nông nghiệp nông thôn.

Các bước xây dựng bộ tiêu chí như trong Hình 1.

 

Bước 1

 Đánh giá các vấn đề, các hạn chế của các mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải hiện hữu của người dân nông thôn khu vực đặc thù ĐBSCL

Bước 2

 Xác định cơ sở khoa học để lựa chọn tiêu chí phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù ĐBSCL

Bước 3

Đề xuất bộ tiêu chí phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù ĐBSCL

 

Bước 4

Áp dụng bộ tiêu chí đánh giá mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù ĐBSCL.

Hình 1. Các bước xây dựng bộ tiêu chí phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù ĐBSCL

  1. Kết quả nghiên cứu
    1. 1. Đánh giá các hạn chế của mô hình hiện hữu

     Sau khi thu thập, tổng hợp tài liệu, khảo sát thực tế các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải từ các hoạt động sinh kế mà người dân nông thôn các khu vực có điều kiện tự nhiên đặc thù (mặn, ngọt và phèn) ở ĐBSCL đang triển khai, gặp một số hạn chế sau:

  • Về kinh tế: Thu nhập của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn thường không cao, các công việc theo thời vụ không có nguồn thu ổn định, đồng thời còn chịu sự chi phối của thị trường nên việc tái đầu tư vào các hoạt động sinh kế gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho các hạng mục, công trình xử lý ô nhiễm vượt khả năng của người dân, chưa kể đến chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình xử lý này.
  • Về điều kiện tự nhiên: Hoạt động sinh kế, cũng như các công trình, giải pháp xử lý chất thải chịu sự chi phối, tác động từ nguồn nước và môi trường đất trong khu vực. Cụ thể như công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi vào mùa hạn mặn, nguồn nước vệ sinh chuồng trại bị nhiễm mặn gây ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý của hệ thống biogas.
  • Về kỹ thuật: Các mô hình, giải pháp xử lý chất thải hiện nay đang áp dụng chưa mang tính chất xử lý, chỉ tập trung theo hướng thu gom để tạo thêm nguồn thu. Điển hình như phân chuồng (bò, heo…) chỉ thu gom, phơi khô để bán trực tiếp, mà chưa qua công đoạn xử lý; hay cá chết tại các ao nuôi được gom bán cho các thương lái thu mua về làm thức ăn cho gia súc… Chưa có hướng dẫn cụ thể về các mô hình, giải pháp xử lý ô nhiễm đối với từng nhóm sinh kế. Các công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm có quy trình vận hành phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, người dân khó tiếp cận.
  • Về sinh kế: Sinh kế phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, môi trường và chịu sự tác động mạnh của BĐKH, không duy trì được sinh kế bền vững do nhiều yếu tố tác động, từ đó dẫn đến các công trình xử lý cũng khó vận hành liên tục, bị gián đoạn và có thể bỏ không vận hành.
  • Về kết cấu cơ sở hạ tầng: Quy hoạch hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa chưa được hoàn thiện. Người dân vận chuyển trang thiết bị, nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn, khả năng thông thương yếu kém.
  • Về nhận thức: Người dân ở các khu vực khó khăn ít có điều kiện tiếp cận với các chương trình giáo dục, trình độ học vấn thấp, ý thức BVMT còn thấp. Bên cạnh đó, những tác động đến môi trường từ hoạt động hàng ngày không rõ nên người dân có tâm lý chủ quan, không chủ động trong công tác ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.
  • Về tiêu chuẩn môi trường: Các quy định về BVMT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường chưa cụ thể cho các nhóm đối tượng là các hộ dân nông thôn với các loại hình sinh kế mang đặc trưng theo vùng sinh thái khác nhau. Chỉ có những cơ sở kinh doanh quy mô lớn mới chịu sự quản lý về mặt môi trường bởi cơ quan quản lý nhà nước, còn các hộ dân thì chủ yếu là do ý thức và sự vận động của cán bộ quản lý tại địa phương, chưa bắt buộc và không có quy định cụ thể.
  • Về chính sách: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong công tác phát triển sinh kế và triển khai các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế, người dân khó tiếp cận được nguồn tài chính hỗ trợ. Nguồn kinh phí thực hiện các mô hình có hạn chế, dàn trải, thiếu tập trung và chưa đủ mạnh để kích thích phát triển mô hình với quy mô lớn, tập trung, công nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả nhưng khó nhân rộng chưa có cơ chế hỗ trợ sau mô hình không có sức hút đối với các doanh nghiệp do hiệu quả thấp.

Những hạn chế trên thì nhóm rào cản về kinh tế và kỹ thuật ảnh hưởng đến việc phát triển các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải cho người dân nông thôn khu vực có điều kiện khó khăn (nhiễm mặn, phèn) cũng như ảnh hưởng đến việc duy trì sinh kế. Do vậy, phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải theo hướng duy trì và phát triển bền vững sinh kế cho người dân nông thôn khu vực đặc thù ĐBSCL, cần phải có mô hình mang tính sinh thái với những kỹ thuật xử lý đơn giản, hiệu quả, chi phí đầu tư và vận hành hợp lý, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế và điều kiện tiếp nhận của người dân.

  1. 2. Các vấn đề lưu ý khi đề xuất bộ tiêu chí

     a. Các vấn đề liên quan đến mô hình phát triển bền vững

     Đánh giá tính bền vững của mô hình cần đảm bảo các vấn đề sau:

     Tính bền vững về môi trường: Cũng giống như sự phát triển của sinh vật, sự phát triển xã hội phải giải được bài toán do môi trường đặt ra. Trong bất kì phương án quy hoạch phát triển theo hướng bền vững cũng đều phải tính toán kỹ các tác động qua lại giữa con người và thiên nhiên sao cho sự phát triển KT-XH không làm suy thoái hoặc hủy diệt môi trường, bảo tồn tài nguyên, ngăn chặn ô nhiễm.

     Tính bền vững về kinh tế: Theo quan điểm của trường phái phát triển bền vững, thì nguồn lực kinh tế của một xã hội tuỳ thuộc vào khả năng giải quyết vấn đề giá trị thặng dư bằng cách sử dụng giá trị thặng dư để trao đổi và bù đắp những thiệt hại do sự phát triển kinh tế đơn thuần gây ra. Giá trị thặng dư có thể được tạo ra bằng cách nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ.

Tính bền vững về xã hội: Sự phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội, nghĩa là nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Đó cũng chính là sự phát triển tự sinh do chính xã hội chủ động thực hiện, chứ không phải là một sự phát triển ngoại sinh, sống nhờ hoàn toàn vào nguồn lực từ bên ngoài, muốn vậy phải giảm đói nghèo, thường xuyên xây dựng thể chế tốt và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

  1. Các vấn đề liên quan đến các giải pháp kỹ thuật

     Khi lựa chọn các giải pháp áp dụng trong mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải cho người dân nông thôn cần lưu ý lựa chọn các giải pháp theo hướng sinh thái, xoay vòng khép kín các dòng vật chất – năng lượng, bao gồm các giải pháp kỹ thuật:

(1) Các giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn

(2) Các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả

(3) Các giải pháp pháp tái chế, tái sử dụng, sửa chữa

(4) Các giải pháp tái sinh, phục hồi, tái chế

(5) Các giải pháp kỹ thuật sinh thái

(6) Các giải pháp xử lý cuối đường ống

  1. Các vấn đề liên quan đến mô hình gắn với các điều kiện tự nhiên đặc thù

Bất kì mô hình nào khi triển khai cho người dân nông thôn tại các vùng sinh thái đặc thù ở ĐBSCL cũng cần lưu ý các vấn đề:

  1. Sự tương thích về điều kiện sinh thái tự nhiên của các vùng đặc thù.
  2. Sự tương thích về kinh tế.
  3. Sự tương thích về thể chế.
  4. Sự tương thích về văn hóa - xã hội
  5. Sự tương thích khí hậu.

     3.3. Cơ sở đề xuất bộ tiêu chí

     a. Cơ sở lý luận

     Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù tại vùng nông thôn ĐBSCL là mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật mang tính sinh thái nhằm xoay vòng, khép kín các dòng vật chất và năng lượng, tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có hướng tới phát triển bền vững. Mô hình cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Các vấn đề về sinh kế: Mô hình đảm bảo giúp duy trì sinh kế hiện hữu, phát triển thêm sinh kế bổ sung phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và nằm trong khả năng tiếp cận của người dân nông thôn.
  • Các vấn đề về môi trường: Các nguồn chất thải phải được thu gom và xử lý theo tư tưởng “chất thải là tài nguyên” nhằm đảm bảo các yêu cầu về BVMT hiện hành.
  • Các vấn đề về sinh thái: Các giải pháp của mô hình phải tận dụng được điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực trong vấn đề xử lý chất thải và phát triển sinh kế.
  • Bền vững về công nghệ: Lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực và điều kiện của người dân và được cộng đồng chấp nhận.
  • Bền vững về môi trường: Đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về BVMT của pháp luật hiện hành.
  • Bền vững về kinh tế: Đảm bảo đáp ứng mọi chi phí, đặc biệt là chi phí đầu tư, vận hành và quản lý mô hình cũng như hiệu quả kinh tế từ mô hình mang lại;
  • Bền vững về xã hội: Mô hình có sự tham gia của cộng đồng và được cộng đồng chấp nhận

     b. Cơ sở pháp lý

     Các tiêu chí để phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù tại vùng nông thôn ĐBSCL được đề xuất dựa trên cơ sở các văn bản pháp lý hiện hành gồm Luật BVMT, các Quyết định liên quan đến Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BVMT, chiến lược và kế hoạch hành động quốc qua về tăng trưởng xanh…

     c. Cơ sở thực tiễn

Dựa trên thực trạng tình hình các chỉ tiêu về kinh tế, môi trường và đặc trưng sinh thái của các vùng đặc trưng (mặn, phèn) ở ĐBSCL và những chỉ tiêu đạt được về các mặt kinh tế, BVMT và sinh thái của các mô hình đã được nghiên cứu và thực hiện trong thời gian qua.

     3.4. Đề xuất bộ tiêu chí

      Trên cơ sở các phân tích trên, nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí để phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù (vùng mặn, phèn) cho người dân nông thôn ở ĐBSCL như Bảng 1.

     Bảng 1. Tổng hợp bộ tiêu chí phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù tại nông thôn ĐBSCL

Nhóm tiêu chí

Tiêu chí

Nhóm tiêu chí về sinh kế

1. Sinh kế được duy trì lâu dài

2. Sinh kế đáp ứng nhu cầu thị trường

3. Các loại hình sinh kế thuộc quy hoạch phát triển KT - XH của địa phương

4. Các loại hình sinh kế phù hợp với người dân địa phương (lao động, giới tính, trình độ,…)

5. Khuyến khích mỗi hộ dân có từ 2 sinh kế trở lên, trong đó 1 sinh kế chính, còn lại là các sinh kế hỗ trợ

6. Sinh kế thuộc diện được chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, kỹ thuật,…

7. Các loại sinh kế được tập huấn, chuyển giao về quy trình, công nghệ và kỹ thuật áp dụng

8. Sinh kế có tính rủi ro thấp

Nhóm tiêu chí về môi trường

9. Các dòng thải phải được thu gom, xử lý đảm bảo các yêu cầu về BVMT hiện hành

10. Áp dụng các biện pháp: ngăn ngừa và giảm thiểu tại nguồn, kỹ thuật sinh thái, tái sinh, phục hồi, năng lượng tái tạo, xoay vòng, khép kín các dòng vật chất, năng lượng, không sử dụng hóa chất

11 Tạo cảnh quan, môi trường sống xanh – sạch – đẹp

12. Tận dụng nguồn tài nguyên chất thải để tạo thành các sản phẩm có giá trị

13. Lựa chọn các giải pháp liên quan để khắc phục vấn đề thiếu nước, nước bị nhiễm mặn, phèn và các giải pháp cải tạo môi trường đất

Nhóm tiêu chí về sinh thái

14. Phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng

15. Tận dụng điều kiện tự nhiên, đặc trưng sinh thái của khu vực để phát huy hiệu quả của mô hình sinh kế

16. Áp dụng các quy trình, kỹ thuật theo hướng tự nhiên, thuận thiên, hạn chế tác động làm thay đổi hình dạng, cấu trúc của tài nguyên

17. Thích ứng được với các điều kiện BĐKH

Nhóm tiêu chí về kinh tế

18. Chi phí đầu tư và vận hành các hạng mục phục vụ sinh kế và xử lý môi trường thấp

19. Giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân

20. Thời gian hoàn vốn nhanh (dưới 1 năm)

Nhóm tiêu chí về bền vững

21. Người dân và địa phương tiếp cận và chấp nhận mô hình dễ dàng

22. Các quy trình, kỹ thuật vận hành đơn giản

3.5. Áp dụng bộ tiêu chí đánh giá mô hình

     Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù cho người dân nông thôn ở khu vực nhiễm phèn tại ĐBSCL như Hình 1.

Hình 1. Sơ đồ mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải cho người dân nông thôn khu vực nhiễm phèn ở ĐBSCL

Mô hình gồm 7 thành phần chính: N: Nhà, V: Vườn canh tác, ruộng, rẫy, A: Ao, mương, C: Chuồng nuôi gia súc, gia cầm, B: Hệ thống biogas, X: Khu nuôi trùn, ủ phân, T: Cụm bể lắng, lọc nước thải và ao sinh học.

  • N: Đóng vai trò trung tâm của mô hình, là nơi ở, quản lý tất cả các hoạt động của mô hình và là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các kết quả của mô hình.
  • C: Chuồng nuôi là một trong những hoạt động sinh kế của người dân. Chất thải từ chuồng trại được dẫn qua máng tách phân. Tại đây một phần phân lẫn trong nước thải được giữ lại để cho qua khu ủ phân compost. Phần nước thải sẽ được dẫn vào bể biogas. Khí sinh học thu hồi từ biogas được dùng cho các hoạt động cần nhiệt như nấu ăn, tháp sáng,... Nước sau biogas được dẫn qua bể lắng, lọc nước thải với vật liệu lọc là biochar được làm từ rác vườn. Nước thải sau khi qua bể lắng lọc được dẫn qua ao sinh học để tiếp tục xử lý các thành phần ô nhiễm còn lại. Phân tươi được thu gom một phần dùng để ủ phân, một phần dùng để nuôi trùn quế.
  • B: Biogas đóng vai trò như một hạng mục xử lý chất thải chăn nuôi, vừa giúp thu hồi khí sinh học giúp giảm chi phí nhiên liệu đun nấu cho hộ dân, giảm tải lượng các chất ô nhiễm ra môi trường. Bùn cặn từ hệ thống biogas được thu gom dùng làm nguyên liệu ủ phân compost và nuôi trùn quế. Nước thải sau biogas đã qua xử lý dùng để nâng pH nước nhiễm phèn trong các ao, mương trữ nước tưới cây.
  • A: Ao cũng là một loại hình sinh kế nông thôn để nuôi thủy sản. Ao có vai trò là công trình xử lý nước thải (XLNT) (dạng đất ngập nước, ao tuỳ nghi) để giảm chi phí đầu tư và vận hành hệ thống XLNT. Ngoài ra ao còn có vai trò trữ nước thải sau xử lý và cung cấp nước tưới cho Vườn, trong ao sẽ bổ sung một số thực vật thủy sinh có khả năng hấp thu phèn như rong, bèo, cỏ năng,... Sau một thời gian sống trong môi trường nước phèn, các loại thực vật này sẽ hấp thu hàm lượng phèn sau đó được đem lên ủ gốc cây ở vườn để giữ ẩm cho đất. Một số loại thực vật có khả năng xử lý nước thải đồng thời có thể dùng làm thức ăn cho vật nuôi như sau muống, rau nhút,... cũng được trồng trong ao. Thủy sản trong ao được dùng làm nguyên liệu ủ đạm cá.
  • V: Là một trong những hoạt động sinh kế của người dân, vườn đóng vai trò tạo nguồn thu nhập, đồng thời là nơi cung cấp nguyên liệu (sinh khối thực vật) để sản xuất biochar. Lò sản xuất biochar là một loại hình sinh kế bổ sung, hỗ trợ cho sinh kế hiện hữu. Sản phẩm biochar (than sinh học) được dùng làm vật liệu lọc để xử lý nước thải hoặc dùng để cải tạo đất phèn để trồng cây. Bên cạnh đó Vườn là nơi tiếp nhận nguồn nước thải sau xử lý.
  • X: là những hạng mục bổ sung nhằm tạo thêm sinh kế mới hỗ trợ cho các sinh kế hiện hữu của người dân, gồm: khu ủ phân compost, khu nuôi trùn quế, thiết bị ủ đạm cá, lò sản xuất biochar. Những sản phẩm từ các hạng mục thuộc thành phần X này gồm vừa có thể sử dụng cho chính các thành phần trong mô hình giúp giảm chi phí canh tác, sản xuất vừa là sản phẩm có thể thương mại hóa để đem lại lợi ích kinh tế. Phân compost, phân trùn dùng để cải tạo đất phèn, bón cho cây trồng, đạm cá dùng để phun xịt cho vườn trồng cây, rau màu, trùn quế dùng để bổ sung vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc có thể phát triển thêm sinh kế khác như nuôi ếch, nuôi lươn,...
  • T: là một tổ hợp gồm các hạng mục máng tách phân, bể biogas, bể lắng lọc, ao sinh học giúp cho chất lượng nước thải đầu ra đạt quy chuẩn hiện hành có thể tái sử dụng cho nhiều mục đích như tưới cây, rửa chuồng.

Đánh giá mô hình so với bộ tiêu chí phát triển mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù ở tại nông thôn ĐBSCL đã đề xuất được tổng hợp như sau:

Bảng 2. Đánh giá mô hình so với bộ tiêu chí đề xuất

Nhóm tiêu chí

Tiêu chí

Đánh giá

Về sinh kế

1.

Trồng trọt, chăn nuôi là sinh kế truyền thống của người dân nông thôn từ lâu đời nay

2.

Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi được tiêu thụ hằng ngày

3.

Trồng trọt, chăn nuôi là những loại hình sinh kế phù hợp với người dân nông thôn

4.

Trồng trọt, chăn nuôi là loại hình được khuyến khích ở nông thôn

5.

Hộ có 02 sinh kế trồng trọt và chăn nuôi hỗ trợ cho nhau

6.

Trồng trọt và chăn nuôi là các loại hình sinh kế được hỗ trợ trong các chương trình khuyến nông

7.

Địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo về quy trình, kỹ thuật cho người dân

8.

Các sinh kế này được người dân duy trì ổn định lâu đời

Về môi trường

9.

Tất cả nguồn thải đều được thu gom và xử lý bằng các hạng mục, công trình đảm bảo chất lượng đầu ra

10.

Cải giải pháp áp dụng giúp hình thành mô hình sinh thái khép kín các dòng vật chất năng lượng

11.

Các nguồn thải được thu gom xử lý, không còn xả bừa bãi, giúp cải thiện vẽ mỹ quan

12.

Thu hồi khí sinh học phục vụ nấu ăn, thu gom phân để ủ phân, nuôi trùn quế, rác vườn dùng để sản xuất than sinh học

13.

Sử dụng phân hữu cơ, phân trùn quế, than sinh học để cải tạo môi trường đất

Về sinh thái

14.

Các giải pháp đặc trưng cho vùng phèn

15.

Tận dụng hệ thống ao, mương và hệ thực vật bản địa trong quá trình xử lý nước thải

16.

Khồng làm thay đổi cấu trúc, hình thái tài nguyên đất và nước

17.

Không bị tác động bởi BĐKH

Về kinh tế

18.

Các hạng mục đầu tư với chi phí thấp nằm trong khả năng của người dân, không tốn chi phí vận hành

19.

Giảm chi phí phân bón và nhiên liệu, thêm thu nhập từ các sản phẩm như trùn quế, phân hữu cơ,…

20.

Với chi phí đầu tư và vận hành thấp. Thời gian hoàn vốn của mô hình dưới 1 năm

Về bền vững

21.

Người dân đã tiếp nhận và vận hành mô hình trong thời gian dài. Địa phương đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện

22.

Các giải pháp kỹ thuật đơn lẻ trong mô hình là những giải pháp truyền thống, người dân đã thực hiện nhiều trong thời gian qua

     4. Kết luận

     Nghiên cứu đã đánh giá được hạn chế của các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải từ các hoạt động sinh kế hiện hữu mà người dân nông thôn tại các khu vực có điều kiện tự nhiên đặc thù (mặn, ngọt và phèn) ở ĐBSCL đang triển khai, thực hiện, đồng thời nhận ra được các vấn đề cần lưu ý (phát triển bền vững, giải pháp kỹ thuật, điều kiện sinh thái đặc thù) khi lựa chọn mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù cho người dân nông thôn tại ĐBSCL. Trên cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn, nghiên cứu đã đề xuất được bộ tiêu chí để phát triển mô hình này. Bộ tiêu chí gồm được chia thành 05 nhóm với tổng cộng 22 tiêu chí cụ thể (nhóm tiêu chí về sinh kế: 8 tiêu chí, nhóm tiêu chí về môi trường: 5 tiêu chí, nhóm tiêu chí về sinh thái: 4 tiêu chí, nhóm tiêu chí về kinh tế: 3 tiêu chí, nhóm tiêu chí về bền vững: 2 tiêu chí). Bộ tiêu chí khi đánh giá cho mô hình điển hình ở vùng nhiễm phèn cho thấy hoàn toàn phù hợp. Đây sẽ là cơ sở để phát triển các mô hình giúp người dân nông thôn tại các khu vực đặc thù ĐBSCL duy trì và phát triển bền vững sinh kế, đảm bảo các yêu cầu về BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên, cải thiện thu nhập cho người dân.

     Lời cảm ơn

     Nhóm tác giả xin chân thành gửi lời cảm ơn đến Bộ Khoa học và Công nghệ đã tài trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu này thông qua chương trình KC.08/16-20 Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ BVMT và phòng tránh thiên tai mã số KC.08.19/16-20, hợp đồng thực hiện đề tài số 19/2018/HĐ-ĐT/CT-KC.08/16-20.

     Xin cảm ơn đến Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện Môi trường và Tài nguyên đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể hoàn thành nghiên cứu, xin cảm ơn các Sở Ban Ngành các tỉnh ĐBSCL đã hỗ trợ và cung cấp số liệu, tạo điều kiện khảo sát thực tế địa phương.

Trần Thị Hiệu1, Đồng Thị Thu Huyền2, Lê Quốc Vĩ1, Nguyễn Thị Phương Thảo1, Trần Trung Kiên1, Nguyễn Hồng Anh Thư1, Nguyễn Việt Thắng1

1Viện Môi trường và Tài nguyên

2Đại học Công Nghệ Đồng Nai

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt I/2021)

                                                                           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Hồng Thu, “Các mô hình phát triển nguồn lực sinh kế ở các nước trên thế giới và định hướng cho lao động vùng nông thôn ở Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, số 45 (55), pp. 16-20, 2019.
  2. Lê Thị Hồng Hạnh and Trương Văn Tuấn, “Ảnh hưởng của BĐKH đến sinh thái tự nhiên ĐBSCL”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Tp.HCM, vol. 64, pp. 155-162, 2014.
  3. Lê Huy Bá, “Phân vùng sinh thái nuôi trồng thủy sản tám tỉnh ven biển ĐBSCL”, Tạp chí phát triển Khoa học Công nghệ, vol. 13, pp. 35-47, 2010.
  4. Nguyễn Hiếu Trung, Văn Phạm Đăng Trí, Võ Thị Phương Linh, “Phân vùng sinh thái nông nghiệp ở ĐBSCL: Hiện trạng và xu hướng thay đổi trong tương lai dưới tác động của BĐKH”, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2012.
  5. Lê Hồng Việt, Hồ Minh Phúc, Trần Văn Dũng, Châu Minh Khôi, and Phạm Thanh Vũ, “Đánh giá thích nghi đất đai vùng đất phèn nhiễm mặn tỉnh Hậu Giang”, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, vol. 3, pp. 158-165, 2014.
  6. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Văn Bé, Văn Phạm Đăng Trí, Mai Thị Hà, and Phạm Lê Mỹ Duyên, “Phân vùng sinh thái nông nghiệp dựa trên đặc tính nước mặt tại tỉnh Sóc Trăng”, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, vol. 30, pp. 84-93, 2014.
  7. Lê Văn Khoa, Nguyễn Thị Cẩm Sứ, Võ Quang Minh, and Phạm Thanh Vũ, “Phân vùng sinh thái nông nghiệp theo thủy văn, thổ nhưỡng và hiện trạng canh tác cho các huyện ven biển tỉnh Bến Tre”, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, vol. 26, pp. 227-236, 2013.
  8. Trần Thị Hiệu, Lê Thanh Hải, Trà Văn Tung, Lê Quốc Vĩ, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Thị Kiều Diễm, “Đề xuất xây dựng bộ tiêu chí phát triển mô hình sản xuất công nông nghiệp theo hướng sinh thái khép kín cho ngành sản xuất thạch dừa thô ở ĐBSCL”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ (Đại Học Quốc Gia TP.HCM), vol. 3(2), pp. 66- 74, 2019.
  9. Trần Thị Mỹ Diệu, Phan Thu Nga, Hoàng Quốc Hùng, “Hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá khả năng phát triển theo hướng khu công nghiệp sinh thái đối với khu công nghiệp hiện hữu”, Tạp chí môi trường, 2015.
  10. Trần Văn Ý, Ngô Đăng Trí, Lê Thạc Cán, Trần Thùy Chi, Nguyễn Thế Chinh, Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Việt Hiệu, Đỗ Quốc Tuấn, Nguyễn Viết Thịnh, Nguyễn Thanh Tuấn, James Hennessy, “Xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển bền vững về các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường các tỉnh Tây Nguyên”, Tạp chí các Khoa học về Trái đất, 36(3), pp. 241-251, 2014.

 

PROPOSING THE CRITERIA DEVELOP MODELS FOR PREVENTION, MINIMIZATION, AND WASTE TREATMENT WITH SPECIAL NATURAL CONDITIONS IN THE RURAL OF MEKONG DELTA

Tran Thi Hieu1, Đong Thi Thu Huyen2, Le Quoc Vi1, Nguyen Thi Phuong Thao1, Tran Trung Kien1, Nguyen Hong Anh Thu1, Nguyen Viet Thang1

(1) Institute for Environment and Resources

(2) Dong Nai Technology University

     ABSTRACT

     According to the nature of soil, water and the type of cultivation, the Mekong Delta is divided into three characteristic regions: salty, sweet and alum. The maintenance and development of livelihoods for rural people, especially people in areas with difficult natural conditions such as salinity, alum and drought... in the context of Climate change, sea level rise, environmental pollution, natural disasters, epidemics are challenges and many difficulties for Vietnam in general and the Mekong Delta in particular. Through the assessment of models of waste prevention, reduction and treatment associated with existing livelihood activities of rural people in the Mekong Delta, at the same time identifying issues that need concern, research has proposed a set of criteria for developing a model to prevent and minimize, and disposing of waste in accordance with the specific natural conditions of the Mekong Delta for rural people. The criterion set consists of 22 specific criteria and divided into 05 groups: (1) livelihood criteria group, (2) environmental criteria group, (3) ecological criterion group, (4) economic criteria group and (5) sustainability criteria group. The set of criteria will orient and identify waste prevention, reduction and treatment models to maintain and develop sustainably eco-oriented livelihoods for rural people in areas with special conditions difficulties (saline and alum contaminated areas) in the Mekong Delta.

     Key words: Model, prevention, reducing and handling, criteria, specific areas, rural Mekong Delta.

 

Ý kiến của bạn