02/10/2023
Tóm tắt:
Thành phố Bến Tre với tổng diện tích tự nhiên 2394,82 km2, dân số tính đến ngày 1/4/2019 là 1289908 người [11], có sông Hàm Luông với chiều dài trên 70 km, chảy trọn vẹn trên toàn địa phận tỉnh. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc ô nhiễm nguồn nước sông Hàm Luông cũng đang là vấn đề nhức nhối của địa phương. Nghiên cứu này tập trung đánh giá chất lượng nước sông Hàm Luông - đoạn chảy qua TP. Bến Tre vào hai mùa: mùa khô và mùa mưa thông qua chỉ số chất lượng nước (WQI) trong giai đoạn 2019 - 2021. Kết quả cho thấy, giá trị VN – WQI ở mùa khô dao động từ 71 - 90 (vàng - xanh), cao hơn mùa mưa 68 - 89 (vàng - xanh) và chất lượng nước mặt vào mùa mưa thường có xu hướng tốt hơn vào mùa khô. Khả năng tiếp nhận trực tiếp nước thải từ 5 vị trí quan trắc đều vượt quá khả năng chịu tải của sông Hàm Luông đoạn chảy qua TP. Bến Tre. Nghiên cứu là cơ sở giúp cho các nhà quản lý môi trường có được những biện pháp phù hợp để hạn chế ô nhiễm nguồn nước sông Hàm Luông.
Từ khóa: TP. Bến Tre; chất lượng nước; chỉ số WQI; sông Hàm Luông.
Ngày nhận bài: 17/7/2023; Ngày sửa bài: 5/8/2023; Ngày duyệt đăng: 20/9/2023.
Assessing water quality of the Ham Luong river flowing through Ben Tre city using the WQI index
Abstract: Ben Tre City, with a total natural area of 2394.82 km2 and a population of 1,289,908 people as of April 1, 2019 [11], is traversed by the Ham Luong River, which stretches over 70 km, flowing entirely within its territory. Concurrent with socio-economic development, the issue of water pollution in the Ham Luong River has become a pressing concern for the local community. This study aims to evaluate the water quality of the Ham Luong River, specifically the section that runs through Ben Tre City, during two distinct seasons: the dry season and the rainy season, spanning from 2019 to 2021. The findings reveal that the VN-WQI (Vietnam Water Quality Index) values during the dry season fluctuate between 71 and 90 (yellow to green), which is higher compared to the values during the rainy season, ranging from 68 to 89 (yellow to green). Generally, surface water quality tends to be better during the rainy season than in the dry season. It is noteworthy that the river's capacity to directly receive wastewater from five monitoring locations exceeds the carrying capacity of the Ham Luong River section passing through Ben Tre City. This research serves as a foundational resource to assist environmental managers in implementing suitable measures to mitigate water pollution in the Ham Luong River.
Keywords: Ban Tre City; water quality; WQI index; Ham Luong river.
JEL Classifications: Q52, Q53, Q55, Q57.
Hiện nay, các nguồn nước mặt được sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt cho đời sống của con người đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi các hoạt động như: sinh hoạt của con người, hoạt động sản xuất, nông nghiệp…Chính vì vậy, việc quan trắc chất lượng nước mặt thường xuyên để đánh giá đúng chất lượng nước mặt của một nguồn và là cơ sở lưu trữ dữ liệu quan trắc [1-2] giúp các cơ quan quản lý có được những giải pháp phù hợp để bảo vệ nguồn nước mặt. Vào những năm 1965 - 1970, chỉ số WQI được đề xuất và áp dụng đầu tiên ở Hoa Kỳ. Horton [3] đã phân loại và đề xuất chỉ số cho đánh giá chất lượng nước đầu tiên. Sau đó, chỉ số chất lượng nước nền (NSF – WQI) của Hệ thống vệ sinh quốc gia Hoa Kỳ [4] được phát triển để đánh các chỉ số chất lượng nước khác nhau trên toàn thế giới. Một nghiên cứu điển hình ở hồ Dokan, vùng Kurdistan, Iraq đã ứng dụng chỉ số WQI để đánh giá chất lượng nước hồ phù hợp cho việc tưới tiêu [5]. Chỉ số WQI trong khoảng 0-100 được sử dụng để đánh giá chất lượng nước sông Ganga, với 0 là nước ở mức độ cực kỳ ô nhiễm và 100 là nước không ô nhiễm [6]. Ở Ấn Độ, chỉ số WQI đã được sử dụng để đưa ra kết luận chất lượng nước hồ Loktak không phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là ăn uống [7].
Tại Việt Nam, cũng có nhiều nghiên cứu sử dụng chỉ số WQI để đánh giá chỉ số chất lượng nước mặt. Điển hình: diễn biến chất lượng nước mặt khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương được đánh giá qua các thông số nhiệt độ, pH, TSS, DO, COD, NH3… [8]. Cùng với hướng nghiên cứu trên, [9], [10] sử dụng các thông số pH, TSS, DO, BOD5, COD, NH3, Fe…để đánh giá chất lượng nước mặt sông Cần Thơ và sông Ray chảy qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghiên cứu [11] sử dụng chỉ số WQI-NSF của Hoa Kỳ và Bhargava (Ấn Độ) để đánh giá 9 thông số: pH, DO, độ mặn, TSS, COD, BOD5, NO3-, PO4, tổng Coliform. Kết quả cho thấy, các chỉ số cho kết quả khá nhạy cảm và phản ánh khá chính xác sự thay đổi của chất lượng nước. Nghiên cứu [12] ứng dụng chỉ số WQI để đánh giá chất lượng nước sông Hồng. Kết quả đã chỉ ra hàm lượng TSS và độ đục rất cao và chỉ số WQI không phản ánh được mức độ ô nhiễm nước sông. Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 1460/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng nước Việt Nam (VN_WQI) với công thức tính toán dựa trên 5 tổ hợp nhóm chất lượng nước.
TP. Bến Tre là nơi có quốc lộ 60 đi qua để đi tới các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch dọc biển Đông, có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, hình thành tuyến phòng thủ ven biển và là một mắt xích quan trọng trong việc kết nối các chuỗi đô thị TP. Hồ Chí Minh – Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long. Từ những thực trạng trên, nghiên cứu này sử dụng chỉ số WQI để đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt sông Hàm Luông - đoạn chảy qua TP. Bến Tre nhằm phục vụ công tác quản lý nguồn nước và đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường nước trên sông. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn vùng nghiên cứu đoạn sông Hàm Luông chảy qua TP. Bến Tre thuộc các phường 1,3,5,6,7 và phường Phú Tân, Phú Khương là nơi tập trung đông dân của TP.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Khu vực nghiên cứu
Khu vực nghiên cứu là đoạn sông Hàm Luông chảy qua TP. Bến Tre, thuộc khu vực các phường 1,3,5,6,7 và phường Phú Tân, Phú Khương (Hình 1), bao gồm 5 điểm:
Phà Hàm Luông: Tọa độ quan trắc 10°13'16,3"Bắc 106o20’57,9” Đông.
KCN An Hiệp: Tọa độ quan trắc 0°16'01,9"Bắc 106°17'01,8"Đông.
Cầu Cái Cá - Phường 5: tọa độ quan trắc 10°14'02,1"Bắc 106°25'17,91"Đông.
Cầu Cá Lóc - Phường 1: Tọa độ quan trắc 10°14'02,1"Bắc 106°22'56.0"Đông.
Cầu Gò Đàng - Xã Phú Hưng: Tọa độ quan trắc 10°14'15,3"Bắc 106°23'48,5"Đông.
Đây là 5 vị trí thường xuyên tiếp nhận các nguồn xả thải của các khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Hình 1. Phạm vi nghiên cứu
Phương pháp tính chỉ số chất lượng nước VN_WQI trong nghiên cứu được căn cứ theo Quyết định số 1460/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 về việc ban hành hướng dẫn tính toán và công bố chỉ số chất lượng nước Việt Nam (VN-WQI). Có năm nhóm thông số dùng để tính VN-WQI, bao gồm các thông số:
Chỉ số chất lượng nước được tính theo thang điểm (khoảng giá trị WQI) tương ứng với biểu tượng và màu sắc để đánh giá chất lượng nước đáp ứng nhu cầu sử dụng (Bảng 1).
Bảng 1. Thang điểm tính chỉ số chất lượng nước [13]
Giá trị WQI |
Chất lượng nước |
Mức đánh giá chất lượng nước |
Màu |
91 - 100 |
Rất tốt |
Sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt |
Xanh nước biển |
76 - 90 |
Tốt |
Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp |
Xanh lá cây |
51 - 75 |
Trung bình |
Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác |
Vàng |
26 - 50 |
Xấu |
Sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác |
Da cam |
0 – 25 |
Kém |
Nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai |
Đỏ |
Các công thức tính WQISI
(1)
(2)
BPi: nồng độ giới hạn dưới của giá trị thông số quan trắc
BPi+1: nồng độ giới hạn trên của giá trị thông số quan trắc
qi: là giá trị WQI ở mức i đã cho trong bảng tương ứng với giá trị BPi
qi+1: là giá trị WQI ở mức i + 1 đã cho trong bảng tương ứng với giá trị BPi+1
Cp: là giá trị của thông số quan trắcđược đưa vào tính toán
Tính nhóm I: đối với thông số pH
Bảng 2. Quy định các giá trị BPi và qi đối với thông số pH
i |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
BPi |
<5,5 |
5,5 |
6 |
8,5 |
9 |
>9 |
qi |
10 |
50 |
100 |
50 |
10 |
10 |
Nếu pH < 5,5 hoặc pH > 9, thì WQIpH = 10.
Nếu 5,5 < pH < 6, thì WQIpH tính theo công thức 2 và sử dụng Bảng 2.
Nếu 6 ≤ pH ≤ 8,5, thì WQIpH bằng 100.
Nếu 8,5 < pH < 9, thì WQIpH được tính theo Công thức 1 và sử dụng Bảng 2.
Tính nhóm IV
Đối với DO, BOD5, COD, PO4 thì tính công thức 2 và tra Bảng 3 sau đó tính toán WQI thông số (WQISI). Trong đó Cp là giá trị DO % bão hòa; BPi, BPi+1, qi, qi+1 là các giá trị tương ứng với mức i; i+1 trong Bảng 3
Bảng 3. Quy định các giá trị qi, BPi cho các thông số nhóm IV và V
i |
qi |
Giá trị BPi quy định đối với từng thông số |
||||||||
BOD5 |
COD |
TOC |
N-NH4 |
N-NO3 |
N-NO2 |
P-PO4 |
Coliform |
E.coli |
||
|
|
mg/L |
MPN/100 mL |
|||||||
1 |
100 |
≤ 4 |
≤ 10 |
≤ 4 |
≤ 0,3 |
≤ 2 |
≤ 0,05 |
≤ 0,1 |
≤ 2.500 |
≤ 20 |
2 |
75 |
6 |
15 |
6 |
0,3 |
5 |
- |
0,2 |
5.000 |
50 |
3 |
50 |
15 |
30 |
15 |
0,6 |
10 |
- |
0,3 |
7.500 |
100 |
4 |
25 |
25 |
50 |
25 |
0,9 |
15 |
- |
0,5 |
10.000 |
200 |
5 |
10 |
≥ 50 |
≥150 |
≥ 50 |
≥ 5 |
≥ 15 |
≥ 0,05 |
≥ 4 |
> 10.000 |
> 200 |
Tính nhóm V
Đối với E. coli, Coliform thì tính công thức (2) và tra Bảng 3 sau đó tính toán WQI thông số (WQISI).
Sau khi tính toán chỉ số WQISI cho từng nhóm. Chỉ số WQI tổng cho 5 nhóm đc tính theo công thức (3) như sau:
(3)
WQII là kết quả tính toán đối với thông số nhóm I.
WQIII là kết quả tính toán đối với các thông số II.
WQIIII là kết quả tính toán đối với các thông số nhóm III.
WQIIV là kết quả tính toán đối với các thông số nhóm IV.
WQIV là kết quả tính toán đối với thông số nhóm V.
Nhóm thông số I, IV, V là 3 nhóm được sử dụng trong nghiên cứu này để tính WQISI.
3.1. Đánh giá các thông số pH, COD, DO, BOD5, N- NH4+, P- PO43-, Colifroms của nước sông Hàm Luông tại các vị trí quan trắc
Theo kết quả quan trắc thông số pH nước mặt giai đoạn 2019-2021, 5 vị trí quan trắc đều trong khoảng giá trị cho phép theo QCVN 08-MT:2008/BTNMT (cột A2). Mùa khô: pH dao động trong khoảng 6,3 - 7,26 (Hình 2a), giá trị thấp nhất ở vị trí HL-04 (3/2019) và đạt giá trị cao nhất ở HL-04 (6/2021). Vào mùa mưa: pH dao động trong khoảng 6,36 - 7,33 (Hình 2b), đạt giá trị thấp nhất ở HL-2 (9/2020) và đạt giá trị cao nhất ở HL-02 (11/2020). Trong 2 đợt quan trắc giá trị pH đều tăng nhẹ nhưng đợt 1 cao hơn đợt 2.
Hình 2. (a) Hàm lượng pH mùa khô; (b) Hàm lượng pH mùa mưa
Trong đợt 1, giá trị DO dao động từ 3,86 – 5,54 mg/l (Hình 3a). Vị trí HL-04 có giá trị DO cao và vượt mức cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT – Cột A2 (tháng 06/2021; 5,54 mg/l). Vào đợt 2, giá trị DO dao động trong khoảng 2,47 – 4,86 mg/l (hình 3b), vị trí HL-02 (11/2021) đạt giá trị thấp nhất và vị trí HL-01 (11/2019) đạt giá trị cao nhất, giá trị DO tại các vị trí quan trắc trong đợt 2 có giảm rõ rệt so với đợt 1.
Hình 3. (a) Hàm lượng DO mùa khô; (b) Hàm lượng DO mùa mưa; (c) Hàm lượng COD mùa khô; (d) Hàm lượng COD mùa mưa
Trong cả hai đợt quan trắc hầu hết các vị trí đều cao hơn ngưỡng cho phép. Đợt 1 giá trị COD dao động trong khoảng 12 - 30 mg/l, hai vị trí HL-04 (06/2020) và HL-05 (03/2021) luôn vượt mức cho phép (COD = 30 mg/l) (Hình 3c). Trong cùng năm quan trắc giá trị COD trong đợt 2 vẫn cao hơn so với ngưỡng cho phép (Hình 3d), tương ứng là vị trí HL-05 đạt giá trị COD cao nhất (COD = 29 mg/l).
Với giá trị BOD5 ở các vị trí quan trắc đều chạm và vượt giá trị tối đa cho phép. Đợt 1 giá trị BOD5 ở các vị trí quan trắc đều chạm và vượt mức cho phép (Hình 4a). Giá trị BOD5 cao nhất tại vị trí HL-03 (03/2021) và HL-05 (03/2021) là 14mg/l. Trong đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11 đều tăng và vượt mức giá trị tối đa cho phép (Hình 4b). Giá trị BOD5 đạt cao nhất ở HL-02 và HL-04 là 12mg/l. Sự chênh lệch giá trị BOD5 giữa hai đợt không có sự chênh lệch nhiều.
Hình 4. (a) Hàm lượng BOD5 mùa khô; (b) Hàm lượng BOD5 mùa mưa
Giá trị N - NH4+ ở các vị trí quan trắc trong 2 đợt dao động trong khoảng 0,15 - 0,89 mg/l. Đợt 1 tại vị trí HL-02 (03/2020) giá trị N - NH4+ đạt giá trị cao nhất 0,53 mg/L vượt giới hạn cho phép khoảng 1,7 lần (Hình 5a). Đợt 2 hầu như ở các vị trí quan trắc đều vượt qua giá trị tối đa cho phép và cao hơn so với cùng kì. Các giá trị dao động trong khoảng từ 0,15 - 0,89 mg/l (Hình 5b). Đạt giá trị thấp nhất ở HL-04 (9/2021) và cao nhất ở HL-04 (11/2019). Vào đợt 1 giá trị P - PO43- đều không vượt qua giá trị tối đa cho phép. Các giá trị có sự dao động trong khoảng 0,008 - 0,19 mg/l (Hình 5c). Giá trị đạt thấp nhất tại HL-05 (06/2019) và đạt lớn nhất tại HL-04 (06/2021). Đợt 2 thông số quan trắc cũng không vượt qua mức cho phép. Tuy nhiên có 3 điểm lại chạm và vượt quy chuẩn, các thông số quan trắc có giá trị dao động trong khoảng từ 0,02 - 0,23 mg/l (Hình 5d). Giá trị lớn nhất tại HL-04 (11/2021) và đạt giá trị nhỏ nhất tại HL-02 và HL-03 (09/2020).
Hình 5. (a) Hàm lượng N-NH4+ mùa khô; (b) Hàm lượng N-NH4+ mùa mưa; (c) Hàm lượng P-PO43- mùa khô;
(d) Hàm lượng P-PO43- mùa mưa
Hình 6. Biểu đồ giá trị tổng Colifroms giai đoạn 2019 - 2021
Theo kết quả quan trắc Coliforms trong 2 đợt khảo sát dao động trong khoảng 210 – 4600 (MPN/100mL) và dưới giá trị cho phép theo QCVN 08-MT:2008/BTNMT (cột A2). Đợt 1 vị trí HL-03 (6/2020) đạt giá trị cao nhất (2400 MPN/100mL) và đợt 2 đạt giá trị cao nhất 3400 MPN/100mL tại vị trí HL-02 (11/2021).
3.2. Đánh giá chất lượng nước sông Hàm Luông tại các vị trí quan trắc thông qua chỉ số WQI
Tính toán chỉ số WQI được thực hiện tại 5 vị trí trong vùng nghiên cứu, với tần suất lấy mẫu 4 lần/năm (3 tháng/lần).
Hình 7. Biểu đồ giá trị VN_WQI giai đoạn 2019-2021 vào mùa khô
Chất lượng nước mặt sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre đợt 1 giai đoạn 2019-2021 dao động từ mức trung bình đến tốt (71 - 90), cụ thể:
Năm 2019, giá trị VN_WQI có mức dao động từ 78 (vàng) -90 (xanh lá) (Hình 6) với mức độ chênh lệch giữa các điểm không quá cao. Tại các điểm có VN_WQI màu xanh lá cây có chất lượng nước tại các vị trí quan trắc tốt được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.
Năm 2020, giá trị VN_WQI có mức dao động từ 71 (vàng) – 81 (xanh lá) (Hình 6) với mức độ chênh lệch giữa các điểm không quá cao. Tại điểm có VN_WQI màu vàng chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Chất lượng nước mặt tại các điểm quan trắc giảm so với năm 2019, giá trị COD tại vị trí HL-04 tháng 6/2020 lên đết 30 mg/l (vượt 2 lần so với quy chuẩn) và giá trị N – NH4+ tại HL-02 (3/2020) cũng đạt giá trị cao nhất trong đợt quan trắc là 0,53 mg/l. Chính vì vậy, cần có các biện pháp xử lý trong tương lai để sử dụng nước được nhiều mục đích và tốt hơn.
Năm 2021, giá trị VN_WQI có mức dao động từ 76 (vàng) – 87 (xanh) (Hình 6) với mức dộ chênh lệch giữa các điểm không quá cao. Tại điểm có VN_WQI màu vàng chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Tại các điểm có VN_WQI màu xanh lá cây có chất lượng nước tốt được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp. So với năm 2020, tất cả các điểm quan trắc có giá trị VN – WQI đều tăng nhưng vẫn chưa phục hồi chất lượng như năm 2019. Nguyên nhân có thể là do tình hình mùa khô năm 2021 lượng mưa ít hơn dẫn đến dòng chảy của sông làm cho khả năng tự làm sạch của sông giảm.
b. Mùa mưa
Hình 8. Biểu đồ giá trị VN_WQI giai đoạn 2019-2021 vào mùa mưa
Chất lượng nước mặt sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre đợt 2 giai đoạn 2019-2021 có mức dao động từ trung bình đến tốt 68 (vàng) – 89 (xanh lá), cụ thể:
Năm 2019, giá trị VN_WQI có mức dao động từ 77-89 (vàng – xanh lá) (Hình 7) với mức độ chênh lệch giữa các điểm không quá cao. So với mùa khô cùng năm giá trị VN – WQI đều thấp tại các điểm quan trắc. Phần lớn các thông số COD, BOD5, N- NH4+, P – PO43- đều vượt quy chuẩn cho phép
Năm 2020, giá trị VN_WQI có mức dao động từ 68 (vàng) – 80 (xanh lá) (Hình 7) với mức chênh lệch giữa các điểm không quá cao. Tại điểm có VN_WQI màu vàng chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Tại các điểm có VN_WQI màu xanh lá cây có chất lượng nước tốt được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Giá trị WQI so với mùa khô cùng năm giảm đáng kể, đặc biệt tại vị trí HL – 01 giá trị VN – WQI giảm còn 68. Nhìn chung, chất lượng nước mùa mưa tại các vị trí quan trắc giảm do các chất ô nhiễm như COD, BOD5, N- NH4+, P – PO43- tăng do được nước mưa rửa trôi đất vào sông.
Năm 2021, giá trị VN_WQI có mức dao động từ 74 (vàng) – 86 (xanh) (Hình 7) với mức chênh lệch giữa các điểm không quá cao. Tại điểm HL – 01 giá trị VN_WQI đã tăng lên 74 so với năm 2020. Các vị trí từ HL – 02 đến HL – 05 giá trị VN – WQI cũng tăng đều so với năm 2020. Cũng giống như mùa khô, năm 2021 giá trị VN – WQI tăng đều tại các vị trí quan trắc so với năm 2020. Tuy nhiên so với năm 2019 thì giá trị VN – WQI vẫn còn thấp nhưng vẫn nằm trong vùng cho phép để sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.
3.3. Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre
Kết quả tính toán tải lượng của các thông số chất lượng nước hiện có trong nguồn nước mặt sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre trong giai đoạn nghiên cứu hiện tại cho thấy sự có mặt của các chất ô nhiễm tương đối cao so với chất lượng nước sông sạch (Bảng 4).
Bảng 4. Tải lượng của các thông số chất lượng nước hiện có trong nguồn nước mặt sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre
Thông số Lnn (kg/ngày) |
BOD5 |
COD |
TSS |
Amoni |
Coliforms |
HL-01 |
55.061 |
147.594 |
180.657 |
3.235 |
8.924.774 |
HL-02 |
56.061 |
157.594 |
211.816 |
3.650 |
11.081.318 |
HL-03 |
55.355 |
137.594 |
196.682 |
3.484 |
11.056.435 |
HL-04 |
56.355 |
174.182 |
195.033 |
3.567 |
8.999.424 |
HL-05 |
63.355 |
165.888 |
267.329 |
3.235 |
9.248.256 |
HL-01 |
55.061 |
147.594 |
180.657 |
3.235 |
8.924.774 |
Khả năng tiếp nhận nước thải của sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre được tính toán và thể hiện trong Bảng 5 thông qua việc so sánh với tải lượng tối đa của các thông số chất lượng nước sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre (Bảng 6). Từ kết quả trên cho thấy, tại các vị trí quan trắc, nồng độ các thông số COD, BOD5, Amonia đều vượt quá khả năng chịu tải của nước sông Hàm Luông. Tại vị trí HL – 05 thì nồng đồ TSS bị vượt và nồng độ của Coliforms vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của nước sông
Bảng 5. Khả năng tiếp nhận nước thải sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre
Thông số Ltn (kg/ngày) |
BOD5 |
COD |
TSS |
Amoni |
Coliforms |
HL-01 |
-4.1475 |
-16.589 |
5568.588 |
-1540.29 |
16.273.613 |
HL-02 |
-4.1475 |
-16.589 |
2577.288 |
-44.644 |
15.195.341 |
HL-03 |
-8.2945 |
-16.589 |
3151.575 |
-331.788 |
15.207.782 |
HL-04 |
-8.2945 |
-24.883 |
3445.32 |
-478.66 |
20.286.288 |
HL-05 |
-8.2945 |
-20.736 |
-1489.01 |
1988.504 |
16.111.872 |
HL-01 |
-4.1475 |
-16.589 |
5568.588 |
-1540.29 |
16.273.613 |
Bảng 6. Tải lượng tối đa của các thông số chất lượng nước sông Hàm Luông khu vực TP. Bến Tre
Thông số |
BOD5 |
COD |
TSS |
Amoni |
Coliforms |
Cqc (mg/l) |
6 |
15 |
30 |
0,3 |
5000 |
Qs (m3/s) |
96 |
96 |
96 |
96 |
96 |
Ltđ (kg/ngày) |
49.766,4 |
124.416 |
248.832 |
2488,32 |
41.472.000 |
4.1. Kết luận
Kết quả tính toán chỉ số VN-WQI theo hướng dẫn tại Quyết định số 1460/QĐ-TCMT từ 2019-2021 cho thấy chất lượng nước sông Hàm Luông khu vực thành phố Bến Tre vào mùa mưa (VN – WQI từ 71 – 90) thường có xu hướng tốt hơn mùa khô (VN – WQI từ 68 – 89). Chất lượng nước mặt ở các vị trí quan trắc các khu dân cư thường ô nhiễm hơn so với khu vực khác do tại các vị trí này thường có hàm lượng BOD5, COD và N- NH4+, P – PO43‑ cao và thường vượt quy chuẩn cho phép QCVN 08-MT:2008/BTNMT cột A2 - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt và đều vượt quá khả năng chịu tải của nguồn nước tiếp nhận.
Bên cạnh các kết quả đạt được, nghiên cứu vẫn có một số hạn chế như: kết quả tính toán chỉ số WQI chưa sử dụng nhóm thông số kim loại như As, Cd, Pb, Cr6+, Cu, Zn. Đánh giá chất lượng nước và khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận chỉ diễn ra vào mùa khô và mùa mưa.
4.2. Kiến nghị
Để đánh giá đúng diễn biến thay đổi chất lượng nước mặt và khả năng chịu tải của sông Hàm Luông khu vực thành phố Bến Tre trong năm cần tăng cường tần suất quan trắc tại những vị trí quan trắc. Việc tính toán tải lượng các chất ô nhiễm từ các nguồn thải đổ vào nguồn tiếp nhận cũng cần được thực hiện để xác định các nguồn thải đổ chính vào sông Hàm Luông. Từ đó, các cơ quan chức năng có cơ sở để đề ra những biện pháp kiểm soát và xử lý triệt để các chất ô nhiễm trong các nguồn thải, bảo vệ chất lượng nước sông Hàm Luông.
Nguyễn Ngọc Trinh*, Nguyễn Thị Thu Hiền, Lê Tiến Thịnh
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2023)
Tài liệu tham khảo