13/09/2017
Tóm tắt
Bài báo đề xuất tiêu chí đánh giá khu công nghiệp (KCN) carbon thấp phù hợp với điều kiện Việt Nam dựa trên cơ sở các tiêu chí về phát triển bền vững KCN, KCN sinh thái, KCN thân thiện môi trường. Sử dụng phương pháp đa tiêu chí để sàng lọc tiêu chí, nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí gồm 5 chủ đề với 26 tiêu chí: Kế hoạch phân khu sử dụng đất (2 tiêu chí), giảm thiểu chất thải (5 tiêu chí), cơ chế quản lý KCN (2 tiêu chí), sử dụng năng lượng (7 tiêu chí), BVMT (10 tiêu chí). Chỉ số đánh giá carbon (Low carbon index: LCI) là tổng điểm tương đối của các tiêu chí. KCN được xem là đạt mức KCN carbon thấp khi LCI đạt 70 - 80 điểm và điểm số của mỗi chủ đề đạt ≥ 60% điểm tối đa của chủ đề đó.
Từ khóa: Công nghiệp carbon thấp, KCN carbon thấp, tiêu chí đánh giá KCN carbon thấp.
1. Đặt vấn đề
Trên con đường công nghiệp hóa, tổng phát thải CO2 của Việt Nam dự báo sẽ tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với sự phát triển KCN ngày càng tăng đòi hỏi phải có sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và sức chịu tải của môi trường, hầu hết các KCN đang hướng đến KCN phát thải thấp nhất như là một nhiệm vụ khẩn cấp. Chưa có một khái niệm rõ ràng về KCN carbon thấp, tuy nhiên có thể hiểu theo cách đơn giản nhất KCN carbon thấp là KCN thải ra ít nhất khí nhà kính (KNK) vào bầu sinh quyển. Xét về góc độ nền kinh tế ít carbon, thì có thể thấy sự xuất hiện mô hình KCN carbon thấp là một trong những xu hướng để giải quyết 2 mâu thuẫn do việc sử dụng nguyên nhiên liệu quá mức và thải một lượng khí thải CO2 nhiều vào bầu khí quyển. Vì vậy, việc xuất hiện mô hình KCN carbon thấp là một trong những tiền đề kiểm soát KNK hướng tới nền kinh tế carbon thấp, điều này đòi hỏi việc xây dựng hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá KCN carbon thấp là cần thiết.
2. Phương pháp xây dựng hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá KCN carbon thấp
2.1 Cơ sở phương pháp đánh giá KCN carbon thấp
Khái niệm KCN carbon thấp mới xuất hiện trong thời gian gần đây, KCN carbon thấp (LCZ) là một trong những mô hình lấy mục tiêu môi trường làm định hướng phát triển nhằm giảm đến mức thấp nhất phát sinh chất thải; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên bằng các giải pháp tối ưu hóa dòng vật chất và năng lượng trong từng xí nghiệp công nghiệp và KCN. ISC (Institute for Sustainable Communities) đưa ra khái niệm “KCN carbon thấp là một khu vực, trong đó phát thải lượng KNK ít nhất, trong khi vẫn đạt hiệu quả kinh tế, xã hội ở mức cao nhất hướng tới phát triển bền vững, cân bằng giữa xã hội, kinh tế và môi trường”. Tom Maes dẫn lại từ Timmerman J. và ctv (2014) [7] rằng KCN carbon thấp là một khu vực mà trong đó sử dụng các biện pháp để kiểm soát và quản lý năng lượng một cách hiệu quả để giảm phát thải KNK ở mức thấp nhất. Dựa trên những khái niệm đã tham khảo, trong nghiên cứu này KCN carbon thấp được hiểu là một KCN thông qua các hoạt động sử dụng, tiêu thụ năng lượng để phát thải KNK ít nhất mà vẫn đạt hiệu quả kinh tế - xã hội ở mức cao nhất hướng tới phát triển bền vững, cân bằng giữa xã hội, kinh tế và môi trường.
Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm KCN carbon thấp, khả năng nguồn số liệu, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đa tiêu chí để sàng lọc bộ tiêu chí đánh giá KCN carbon thấp thông qua các chỉ số. Quá trình sàng lọc thông qua 7 tiêu chí sàng lọc và việc xây dựng thang điểm các tiêu chí theo phương pháp phân khoảng cho điểm của tác giả John Agard và Marissa Gowrie (2003)[5].
2.2 Xác lập bộ tiêu chí:
Đánh giá hiệu quả của việc phát triển KCN theo mô hình carbon thấp là đánh giá việc phát triển KCN với phát thải lượng KNK ít nhất trong khi vẫn đạt hiệu quả kinh tế - xã hội ở mức cao nhất hướng tới phát triển bền vững. Điều này có nghĩa là, việc đánh giá KCN tùy thuộc rất nhiều vào lĩnh vực đầu tư, năng lượng sử dụng và quy định BVMT phát triển KCN. Hệ thống tiêu chí đánh giá KCN carbon thấp là một tập hợp các tiêu chí, chỉ tiêu quan trọng phản ánh các vấn đề về phát triển bền vững tại KCN theo hướng giảm phát thải carbon ở mức thấp nhất. Vì vậy, đòi hỏi khi xây dựng tiêu chí và chỉ số đánh giá KCN carbon thấp cần phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Tiêu chí KCN carbon thấp phải được xây dựng dựa trên nguyên lý phát triển bền vững: Mục đích cuối cùng của KCN carbon thấp hướng đến là phát triển bền vững, việc xây dựng tiêu chí KCN carbon thấp phải bao gồm các tiêu chí về kinh tế - xã hội và môi trường.
- Tiêu chí KCN carbon thấp phải được xây dựng dựa trên bậc thang quản lý môi trường: Các tiêu chí KCN carbon thấp được xây dựng để đánh giá các biện pháp quản lý môi trường dựa trên các bậc thang quản lý môi trường. Ở đây, các bậc thang quản lý môi trường được hiểu là việc BVMT và quản lý chất thải đều theo thứ tự ưu tiên. Nguyên tắc đầu tiên trong quản lý chất thải là ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh. Khi các giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải tại nguồn không thể áp dụng được, chất thải phải được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ở những quy trình sản xuất khác để tạo ra sản phẩm mới. Ngay cả khi áp dụng ngăn ngừa và giảm thiểu tại nguồn, cũng như tái sinh và tái sử dụng, hay trao đổi chất thải, cuối cùng vẫn còn chất thải và phần chất thải này cần phải xử lý đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải vào môi trường, nhằm ngăn chặn và hạn chế các rủi ro cho môi trường, cũng như sức khỏe cộng đồng.
- Tiêu chí KCN carbon thấp phải được xây dựng dựa trên mô hình phát triển carbon thấp trên thế giới: Các mô hình carbon thấp trên thế giới hướng tới như: Phát triển nguồn năng lượng sạch (thay thế cho nguồn năng lượng sử dụng nguyên liệu hóa thạch), sử dụng hiệu quả năng lượng.
- Tiêu chí KCN carbon thấp phải được xây dựng dựa trên yếu tố hấp thụ carbon: Mục tiêu tiếp theo của KCN carbon thấp là phát thải KNK ở mức thấp nhất. Việc ước lượng được hàm lượng khí CO2 dựa vào khả năng hấp thụ carbon của cây xanh trong KCN sẽ mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính.
Để triển khai việc thiết lập bộ tiêu chí đánh giá KCN carbon thấp cần phải tập hợp những dữ kiện về tự nhiên, quy hoạch phát triển KCN, ngành nghề sản xuất và môi trường trong KCN. Trên cơ sở thiết lập bộ tiêu chí đánh giá KCN carbon thấp, nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí sơ bộ dùng để đánh giá KCN carbon thấp phù hợp với điều kiện Việt Nam gồm 5 nhóm chủ đề với 26 tiêu chí. Cụ thể:
- Nhóm tiêu chí dùng để đánh giá KCN có phát thải carbon thấp gồm 3 nhóm chủ đề và 9 tiêu chí như sau:
+ Chủ đề 1(C1): Kế hoạch phân khu sử dụng đất gồm 2 tiêu chí:
* Tiêu chí 1 (C1.1): Diện tích KCN: Để đánh giá hiệu quả sử dụng đất trong KCN. Một KCN lấp đầy 100% là KCN có hiệu quả sử dụng đất đối với chủ đầu tư và hiệu quả kinh tế - xã hội đối với địa phương.
* Tiêu chí 2 (C1.2): Tỷ lệ diện tích cây xanh trong KCN: Phản ánh việc đáp ứng mục tiêu tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, góp phần hấp thụ CO2 từ KCN.
+ Chủ đề 2 (C2): Giảm thiểu chất thải gồm 5 tiêu chí:
* Tiêu chí 1: (C2.1): Thu gom và xử lý nước thải cục bộ theo quy định hiện hành của KCN: Đánh giá mức độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải KCN.
* Tiêu chí 2 (C2.2): Thu hồi, tái sử dụng nước thải: Đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.
* Tiêu chí 3 (C2.3): Quản lý hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các cơ sở sản xuất trong KCN: Đánh giá hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
* Tiêu chí 4 (C2.4): Quản lý hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp của các cơ sở sản xuất trong KCN: Đánh giá hiệu quả xử lý chất thải rắn công nghiệp.
* Tiêu chí 5 (C2.5): Quản lý hoạt động thu gom và xử lý chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất trong KCN: Đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại.
+ Chủ đề 3 (C3): Cơ chế quản lý KCN gồm 2 tiêu chí:
* Tiêu chí 1 (C3.1): Bố trí cán bộ chuyên trách về công tác môi trường: Đánh giá năng lực cán bộ quản lý KCN về BVMT.
* Tiêu chí 2 (C3.2): Thiết lập những đầu mối để chỉ đạo và thực thi các hoạt động giảm phát thải KNK trong KCN: Đánh giá sự sẵn sàng của chính quyền trong thực hiện mục tiêu BĐKH.
- Nhóm tiêu chí dùng để đánh giá doanh nghiệp có phát thải carbon thấp gồm 2 nhóm chủ đề và 17 tiêu chí như sau:
+ Chủ đề 4 (C4): Sử dụng năng lượng gồm 7 tiêu chí:
* Tiêu chí 1 (C4.1): Tỷ lệ % doanh nghiệp có sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ, các thiết bị văn phòng, hệ thống chiếu sáng được cấp nhãn sử dụng năng lượng hiệu quả: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng tiết kiệm năng lượng.
* Tiêu chí 2 (C4.2): Tỷ lệ % doanh nghiệp có sử dụng các nguồn năng lượng sạch (năng lượng gió, năng lượng mặt trời…): Đánh giá mức độ khai thác và sử dụng NLTT.
* Tiêu chí 3 (C4.3): Tỷ lệ % doanh nghiệp đã thay thế nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch bằng NLTT (thay than, dầu bằng củi, rơm rạ, trấu…): Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng giảm phát thải KNK.
* Tiêu chí 4 (C4.4): Tỷ lệ doanh nghiệp có thu hồi và tận dụng nhiệt dư: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng tiết kiệm năng lượng.
* Tiêu chí 5 (C4.5): Tỷ lệ % doanh nghiệp có áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng: Đánh giá việc sử dụng hiệu quả năng lượng.
* Tiêu chí 6 (C4.6): Tỷ lệ % doanh nghiệp có các tòa nhà xanh đã được chứng nhận: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng tăng trưởng xanh.
* Tiêu chí 7 (C4.7): Tỷ lệ % doanh nghiệp có sử dụng phương tiện giao thông xanh: Đánh giá mức độ phát triển giao thông xanh.
+ Chủ đề 5 (C5): BVMT gồm 10 tiêu chí:
* Tiêu chí 1 (C5.1): Tỷ lệ % doanh nghiệp có tái sử dụng và tái chế chất thải rắn công nghiệp: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng giảm thiểu chất thải
* Tiêu chí 2 (C5.2): Tỷ lệ % doanh nghiệp sản xuất năng lượng từ chất thải: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng tái sử dụng chất thải, giảm thiểu phát thải KNK
* Tiêu chí 3 (C5.3): Tỷ lệ % doanh nghiệp đã tạo ra sản phẩm có ích từ chất thải: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường
* Tiêu chí 4 (C5.4): Tỷ lệ % doanh nghiệp có tuần hoàn tái sử dụng nước trong công nghiệp: Đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên nước do phát triển KCN.
* Tiêu chí 5 (C5.5): Tỷ lệ % doanh nghiệp đã thực hiện CDM: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng giảm thiểu phát thải KNK.
* Tiêu chí 6 (C5.6): Tỷ lệ % doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất sạch hơn: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng giảm thiểu phát thải KNK.
* Tiêu chí 7 (C5.7): Tỷ lệ % doanh nghiệp có sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng giảm thiểu phát thải KNK.
* Tiêu chí 8 (C5.8): Tỷ lệ % doanh nghiệp được dán nhãn năng lượng: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng giảm thiểu phát thải KNK.
* Tiêu chí 9 (C5.9): Tỷ lệ % doanh nghiệp có hệ thống quản lý môi trường (EMS) theo ISO 14001: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng giảm thiểu phát thải KNK.
* Tiêu chí 10 (C5.10): Tỷ lệ % doanh nghiệp được dán nhãn sinh thái: Đánh giá sự phát triển KCN theo hướng giảm thiểu phát thải KNK.
Tổng cộng có 26 tiêu chí thuộc 5 nhóm chủ đề được sử dụng tính chỉ số đánh giá KCN carbon thấp.
2.3 Các bước thực hiện đánh giá KCN carbon thấp:
Việc xây dựng hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá KCN carbon thấp gồm 6 bước theo thứ tự: 1) Lựa chọn vùng nghiên cứu; 2) Thiết lập các tiêu chí; 3) Chuẩn hóa các biến số; 4) Xác định trọng số; 5) Tính giá trị chỉ số đánh giá KCN carbon thấp (LCI); 6) Đánh giá mức độ carbon thấp của KCN.
Bước 1: Lựa chọn vùng nghiên cứu: vùng nghiên cứu được lựa chọn là KCN, KCN là nơi tập trung sản xuất tác động đến kinh tế - xã hội và môi trường.
Bước 2: Thiết lập bộ tiêu chí: Để triển khai việc thiết lập các tiêu chí đánh giá KCN carbon thấp cần phải tập hợp các dữ liệu về phát triển KCN, BVMT của KCN và doanh nghiệp hoạt động trong KCN.
Bước 3: Chuẩn hóa các biến số: Các biến thành phần có thứ nguyên khác nhau, vì thế khi sử dụng trong hàm quan hệ cần chuẩn hóa trước khi tính toán giá trị carbon thấp của KCN.
Bước 4: Xác định trọng số: Các tiêu chí được thiết lập đánh giá KCN carbon thấp được thể hiện qua chỉ số đánh giá carbon thấp. Thực chất mỗi tiêu chí có vai trò nhất định trong việc xác định giá trị chỉ số carbon thấp của KCN. Để xác định vai trò của mỗi tiêu chí báo cáo sử dụng các tiêu chí sàng lọc và sử dụng phương pháp trọng số theo thứ tự. Để tính trọng số cho các tiêu chí sàng lọc theo thứ tự, tầm quan trọng theo thứ tự báo cáo sử dụng phương pháp chuyên gia bằng cách tham khảo ý kiến một số cán bộ kỹ thuật đã làm trong dự án của IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế) tại Việt Nam.
Bước 5: Tính giá trị chỉ số đánh giá KCN carbon thấp: Sau khi giá trị các tiêu chí được thiết lập, chuẩn hoá và được sử dụng để tính toán giá trị của các tiêu chí. Chỉ số đánh giá carbon thấp (LCI) là tổng điểm tương đối của các tiêu chí.
Bước 6: Đánh giá mức độ carbon thấp của KCN: Trên cơ sở xác định giá trị chỉ số đánh giá carbon thấp, nếu chỉ số LCI đạt 70 - 80 điểm và điểm số của mỗi chủ đề đạt ≥ 60% điểm tối đa của chủ đề đó thì KCN đó được đánh giá là đạt mức KCN carbon thấp.
3. Kết quả và bàn luận
Kết quả nghiên cứu đã xây dựng tiêu chí và chỉ số đánh giá KCN carbon thấp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ đó đề xuất phát triển mô hình KCN theo hướng phát thải carbon thấp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nghiên cứu đề xuất hai lựa chọn cơ bản để phát triển một KCN carbon thấp: Thứ nhất là lập kế hoạch và thiết kế một LCZ mới và thứ hai là chuyển đổi một KCN hiện có thành một LCZ.
Trường hợp 1: Để hình thành các KCN mới với mức phát thải carbon thấp, Chính phủ khuyến khích việc xây dựng mới KCN carbon thấp thông qua quy hoạch, bố trí hợp lý các khu chức năng, các khu vực gồm các doanh nghiệp có ngành nghề tương đồng và thu hút các ngành nghề sản xuất sạch; hoặc khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng các loại nhiên liệu sạch như LPG, nhiên liệu sinh khối phục vụ cho quá trình sản xuất.
Trường hợp 2: Đối với các KCN đã có sẵn, nghiên cứu đưa ra các tiêu chí chuyển đổi từ hình thức hoạt động truyền thống, sang hình thức hoạt động mới nhằm giảm mức phát thải carbon đến mức thấp nhất bằng cách: Thúc đẩy thực hiện kiểm toán năng lượng và xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm; Chuyển đổi các nhiên liệu đốt hóa thạch sang khí LPG hoặc nhiên liệu sinh khối; Tăng cường quản lý hoạt động giám sát chất lượng nước thải, phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý bùn thải.
4. Kết luận
Kết quả nghiên cứu đã xây dựng các cơ sở khoa học để xây dựng các tiêu chí và chỉ số đánh giá KCN carbon thấp. Đã đề xuất những ban đầu về phát triển mô hình KCN với mức độ phát thải carbon thấp nhất phù hợp với điều kiện Việt Nam, từ đó đề xuất các chương trình hành động và biện pháp quản lý nhằm phát triển KCN theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải KNK. Kết quả nghiên cứu góp phần tạo cơ sở dữ liệu để xây dựng các tiêu chí mô hình KCN carbon thấp định hướng cho việc ngăn ngừa ô nhiễm KCN, giảm thiểu phát thải KNK từ KCN, đồng thời nêu rõ sự phát thải CO2 từ KCN làm cơ sở đánh giá hiệu quả phát triển KCN và ảnh hưởng đến môi trường■
Tài liệu tham khảo
. Nguyễn Thị Bình, 2011. “Xây dựng một số chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững tại các KCN Đồng Nai.” Tạp chí khoa học Đại học sư phạm TP. HCM, số 26.
. Lê Ngọc Hiền và Đỗ Thị Thu Huyền, 2015. “Nghiên cứu đề xuất mô hình KCN bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nguồn nguyên liệu tại chỗ,” Tạp chí Phát triển KH & CN, số 2, tập 18.
. Phùng Chí Sỹ, 2015. “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá hàng hóa cacbon thấp tại Việt Nam.” Tạp chí Môi trường, số 5.
. Phùng Chí Sỹ, 2015. “Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá quá trình chuyển đổi từ KCN hiện hữu thành KCN sinh thái tại Việt Nam.” Tạp chí Khoa học và phát triển, số 2.
. Agard John B.R and M.Gowrie 2003. Environmental Vulnerability Index (EVI): Provisional indices and profiles for Trinidad and Tobago. State of the Environment Report 2001 -2002. Environmental Management authority .53p.
. Jonas Timmerman et al., 2014 “Towards low carbon business park energy systems: Classification of techno-economic energy models.” Energy, Vol 75: 68 – 80.
. Timmerman J., et al, 2014. “ Low carbon bussiness park manual.” A guide for developning and managing energy efficient and low carbon bussinesses park and bussiness park, Internet: www.ace-low-carbon-economy.eu/en/results-tools/manual/..
Developing criteria and indicatiors for low carbon industrial zone according to Vietnam's condition
Vương Thị Mai Thi
Tay Ninh Economic Zone Authority
Đinh Xuân Thắng
Hoa Lu Center for research and appliment
Abstract:
This paper proposed criteria using to valuate low-carbon industrial zones which are suitable to Vietnam's condition, based on the criteria of: sustainable development of industrial zones, eco-industrial zones and environment-friendly industrial zones. Using the multi-criteria methodlogy to set up the criteria, the study proposed the criteria system which consists of five subjects with 26 criteria including: using land planning (2 criteria), waste reduction (5 criteria), management mechanism of industrial zone (2 criteria), energy consumption (7 criteria), environmental protection (10 criteria). The low carbon index (LCI) is a sum of the relative marks of the criteria. The industrial zones are considered to reach the low carbon industrial zone when they get 70-80 points and the points of every subject is over 60% of the subject's maximum point.
Key world: Low carbon industrial, low carbon industrial zones, low carbon industrial zones assessment criteria.
NCS Vương Thị Mai Thi 1
1Ban Quản lý khu kinh tế Tây Ninh
PGS.TS Đinh Xuân Thắng1
1Trung Tâm Nghiên cứu và ứng dụng Môi Trường Hoa Lư
(Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)