13/10/2013
Nhãn sinh thái là một công cụ kinh tế, thông qua nhà sản xuất và người tiêu dùng để giảm thiểu tác động xấu của quá trình sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm đến môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm [1,2,3]. Khái niệm NST lần đầu tiên xuất hiện năm 1978 tại Đức và kể từ đó đến nay đã được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới [4].
Trong Chiến lược BVMT quốc gia định hướng đến năm 2020 có nội dung: phấn đấu đến năm 2020, 100% sản phẩm hàng hóa xuất khẩu (có nhu cầu) 50% hàng hóa tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ được ghi NST theo tiêu chuẩn ISO 14024 [5]. Tính đến thời điểm tháng 3/2012, Chương trình nhãn xanh Việt Nam [6] đã có 4 sản phẩm được cấp. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: dựa vào đâu để chọn các nhóm sản phẩm này? Liệu việc áp dụng NST có mang lại hiệu quả về mặt môi trường và kinh tế? Mặc dù 4 sản phẩm trên đều có tiêu chí cấp NST nhưng bộ tiêu chí chỉ tập trung vào giai đoạn sản xuất ra sản phẩm cuối, chưa xét đến vòng đời của sản phẩm, không có con số định lượng đối với các khía cạnh môi trường chính cần được ghi trên nhãn, đó là hạn chế cần cải tiến. Vì vậy, việc xác định một số tiêu chí gây ô nhiễm chính và mức giảm của sản phẩm nhằm công bố ở trên nhãn như phiên bản mới nhất của chương trình NST châu Âu [7] là hết sức cần thiết.
Nghiên cứu áp dụng thử nghiệm tại ngành sản xuất các sản phẩm cao su vì đây là các sản phẩm được sử dụng hàng ngày và thường xuyên tiếp xúc với con người như: săm lốp, găng tay, dụng cụ y tế, nệm, quần áo, giầy dép… Chúng có lượng lưu thông và sử dụng lớn, chỉ cần giảm lượng nhỏ phát thải trên một đơn vị sản phẩm cũng làm giảm đáng kể tác động đến môi trường. Giải pháp áp dụng NST vừa giảm ô nhiễm môi trường do các hoạt động của ngành vừa tăng uy tín với sản phẩm xuất khẩu.
Theo mạng lưới NST toàn cầu [1], quá trình áp dụng NST qua ba bước: xác định các sản phẩm ưu tiên; đề xuất các tiêu chí cấp nhãn; cấp nhãn và kiểm toán. Nghiên cứu này hướng vào hai mục tiêu chính: Lựa chọn nhóm sản phẩm ưu tiên của ngành cao su; Đề xuất các tiêu chí dán nhãn cho nhóm sản phẩm được chọn.
Thái Văn Nam
Đại học Kỹ thuật công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Vũ Đức Tiến
Trường Cao đẳng Công nghiệp cao su Bình Phước
(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2013)