06/08/2020
TÓM TẮT
Tri thức địa phương về di sản địa chất là một bộ phận thiết yếu của tri thức địa phương nói chung, chủ yếu liên quan đến hiểu biết của người dân địa phương, được truyền từ đời này sang đời khác, về tự nhiên và sự tương tác giữa họ với tự nhiên. Đó là một bản ghi vô giá về sự thích nghi và sáng tạo của con người trước tự nhiên. Tri thức địa phương về di sản địa chất như một cửa sổ mở cho ta nhìn về quá khứ tiến hóa và biến động của Mẹ Trái đất - nền tảng cho hiện tại và định hướng cho tương lai. Bảo tồn và phát huy giá trị tri thức địa phương về di sản địa chất phụ thuộc phần lớn vào nhận thức và ý thức gìn giữ của người dân địa phương, trong công cuộc đó, các CVĐC cũng như các nhà khoa học về Trái đất đóng vai trò không nhỏ. Nội dung chính của bài viết này sơ bộ giới thiệu nguồn tài nguyên tri thức địa phương về di sản địa chất ở CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh, diện tích ~ 4600 km2, bao gồm 8 huyện và 1 thành phố: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tây Trà, Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn, một phần diện tích của huyện Mộ Đức và Đức Phổ. Trên quan điểm bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản, thông qua tổng hợp, phân tích tài liệu, khảo sát thực địa và điều tra xã hội học, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, chủ yếu tập trung vào các đặc điểm, giá trị địa chất và đa dạng sinh học, qua đó xác nhận rằng, tiềm năng tri thức địa phương về di sản địa chất ở khu vực này rất phong phú và chưa được ghi nhận đầy đủ. Kết quả điều tra còn cho thấy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc định hình các tri thức địa phương về di sản địa chất là rất cần thiết cho việc giữ gìn sinh kế và bản sắc của họ. Xác định một cách có hệ thống tri thức địa phương về di sản địa chất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của chúng trong CVĐC, vì vậy, đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển du lịch, và là một hoạt động trọng tâm của CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh trong thời gian tới.
Từ khóa: Tri thức địa phương, di sản địa chất, du lịch địa chất, CVĐC, cộng đồng địa phương.
Nhận bài: 28/5/2020; Sửa chữa:15/6/2020; Duyệt đăng: 19/6/2020
1. Mở đầu
Mỗi cộng đồng người sinh sống ở một khu vực nhất định trên Trái Đất đều chịu sự chi phối của những đặc điểm, điều kiện tự nhiên của khu vực đó trong mối tương tác với các quần thể sinh vật khác của cùng hệ sinh thái nơi họ cư trú. Nói cách khác, điều kiện tự nhiên, đặc điểm địa chất và dẫn xuất của chúng là hệ sinh thái, quyết định (hoặc ít nhất cũng góp phần quyết định) đặc tính xã hội của mỗi cộng đồng dân cư. Ngược lại, cộng đồng dân cư ở những khu vực có đặc điểm, điều kiện tự nhiên khác nhau lại có những phương thức, kỹ năng sống, phong tục tập quán, thậm chí nền văn hóa khác nhau, phản ánh đặc điểm môi trường nơi họ sinh sống. Trong quá trình sinh sống, cư trú, các cộng đồng dân cư tích lũy cho mình và các thế hệ con cháu những kiến thức, kỹ năng thích ứng, chung sống hài hòa với môi trường tự nhiên, gọi chung là kiến thức, hay tri thức địa phương, trong đó tri thức địa phương về các đặc điểm, quá trình địa chất, về các giá trị địa chất nói chung và di sản địa chất nói riêng là bộ phận thiết yếu. Dưới hình thức các luật tục, tập quán, lễ nghi, câu truyện cổ tích, dân gian, truyền thuyết, sự tích, thậm chí thơ ca, ca dao... cộng đồng dân cư luôn có một cách nhìn độc đáo, cách lý giải riêng đối với các hiện tượng, sự kiện tự nhiên đã và đang xảy ra ở địa phương mình, trong đó có các di sản địa chất.
2. Sơ lược về CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh
CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh nằm vùng duyên hải Nam Trung bộ, Việt Nam với diện tích ~ 5100km2, trong đó ~2500km2 là đất liền và ~2600 km2 là vùng nước nội thủy. Đây là khu vực có nhiều dạng địa hình như rừng núi, trung du, đồng bằng, hải đảo và bãi cát ven biển [6, 9].
Hình 1. Vị trí CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh
Về địa chất/di sản địa chất, khu vực CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh thuộc một bộ phận của lục địa cổ Gondwana với lịch sử tiến hóa địa chất đến 2,5 tỷ năm, 24 phân vị địa tầng cùng các hoạt động kiến tạo, magma phun trào đa dạng, rộng khắp và liên tục cho đến những đợt phun trào basalt cuối cùng cách ngày nay khoảng 12-1,2-0,1 triệu năm, thậm chí vài nghìn năm, để lại ở nơi đây vô cùng phong phú các giá trị di sản địa chất như: Thác nước, miệng núi lửa, ghềnh đá basalt…
Trên địa bàn CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh từng có nhiều lớp cư dân cổ sinh sống như cư dân Sa Huỳnh, cư dân Chăm Pa. Hiện tại, đây còn là nơi sinh sống lâu đời của một số tộc người bản địa khác như người Hre, Cor và Ca Dong thuộc ngữ hệ Mon-Khome. Người Việt và sau này một ít người Hoa, đến định cư ở Quảng Ngãi bắt đầu từ khoảng thế kỷ XV mang theo những phong tục tập quán hòa quyện vào văn hóa của người dân bản địa cũng góp phần tạo nên một nền văn hóa giao thoa đặc sắc. Một số nghiên cứu thời gian gần đây cho thấy mối liên hệ giữa tri thức địa phương với di sản địa chất ở khu vực này cũng đa dạng, phong phú. Bài báo sẽ giới thiệu một số thí dụ tiêu biểu về tri thức địa phương liên quan đến quá trình nhận biết các yếu tố tự nhiên, cách thức ứng xử và thích ứng với môi trường tự nhiên được thể hiện trong văn học dân gian.
3. Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng:
Phương pháp tổng hợp, phân tích, xử lý tài liệu hiện có: Các tài liệu khoa học về địa chất/di sản địa chất (DSĐC) và đặc biệt là các tri thức địa phương về chúng ở khu vực CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh sẽ được tổng hợp, phân tích lại để chắt lọc ra các biểu hiện DSĐC theo hệ thống phân loại GILGES của UNESCO.
Phương pháp điều tra xã hội học: Thăm dò dư luận xã hội, lấy phiếu điều tra nhân dân tại các khu vực có DSĐC, áp dụng các phương pháp RRA (Đánh giá nông thôn nhanh) và PRA (Đánh giá nông thôn với sự tham gia của cộng đồng) cũng như các phương pháp thẩm định, đánh giá, thử nghiệm kết quả...
Phương pháp khảo sát thực địa: Trên cơ sở tổng hợp tài liệu thu thập được và điều tra xã hội học một số khu vực có tiềm năng sẽ được khảo sát thực địa bổ sung để khẳng định các giá trị địa chất - địa mạo, cũng như các tri thức địa phương về chúng, làm cơ sở khoa học cho việc hình thành, quản lý và khai thác các tri thức địa phương về di sản địa chất.
Phương pháp phân loại DSĐC và các tri thức địa phương về chúng: Trên cơ sở các tài liệu tổng hợp, thu thập, điều tra được tiến hành phân loại DSĐC theo các tiêu chí của UNESCO (hệ thống GILGES)
Phương pháp đánh giá, xếp hạng: Đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác sử dụng bền vững DSĐC/tri thức địa phương về DSĐC.
Đối với người bản địa, đất đai là cội nguồn cuộc sống, là món quà từ việc sáng tạo và là chủ thể nuôi dưỡng, hỗ trợ và răn dạy họ. Mặc dù mỗi dân tộc đều có sự khác nhau về phong tục, văn hóa và mức độ ảnh hưởng đến đất đai, nhưng tất cả đều tôn kính và coi Trái đất như cha mẹ. “Mẹ Trái đất” là trung tâm vũ trụ, là cốt lõi của nền văn hóa và là cội nguồn bản sắc dân tộc của họ. Trái đất liên kết họ với quá khứ (nơi tổ tiên họ từng sinh sống), hiện tại (nơi đáp ứng những nhu cầu vật chất của họ) và tương lai (di sản họ truyền lại cho con cháu). Linh hồn của mối liên hệ sâu sắc này chính là sự nhận thức và ý thức được rằng sự sống - từ những ngọn núi, các dòng sông, bầu trời, các loài vật, cây cối, côn trùng, đất đá và con người - có mối liên hệ không thể tách rời. Thế giới vật chất và tinh thần cùng đan xen lẫn nhau trong một mạng lưới phức tạp và tất cả các dạng sống đều chứa đựng một ý nghĩa thiêng liêng. Tri giác sinh động về mối liên kết này gắn chặt những dân tộc bản địa với đất đai của họ [2];
Lý thuyết về hình thành vũ trụ là một vụ nổ lớn (Big Bang) - một mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai hình thành vũ trụ [7]. Theo lý thuyết này, vụ nổ lớn cách ngày nay 15 tỷ năm [5] và các nhà khoa học coi là tuổi của vũ trụ. Lý thuyết này cũng giải thích trước vụ nổ Big Bang, có một điểm “kỳ dị” là điểm tập trung tất cả khối lượng của vũ trụ, nên nó khiến thời gian bị bế tắc, hay có thể coi như không có khái niệm thời gian cũng đồng nghĩa với việc không có khái niệm thời kỳ. Sau vụ nổ lớn vũ trụ ở trạng thái cực nóng, đặc bắt đầu giãn nở nhanh chóng.
Vậy người dân bản địa đã nhận thức về việc hình thành vũ trụ như thế nào?
Sự tích Ông Trời Bà Nước của người Cor thời thượng cổ đã thể hiện nhận thức sơ khai của họ về nguồn gốc hình thành vũ trụ. Theo đó, trước khi vũ trụ được hình thành thì không tồn tại khái niệm thời gian và không gian, không có sự sống, điều này được thể hiện bằng hình ảnh “thủa nguyên khai hỗn mang, không có ngày đêm, trời và đất rất gần nhau. Người khổng lồ Tmang Xri xuất hiện vươn vai đẩy bầu trời lên cao, mặt đất sáng dần, cây cối phát triển, chim thú sinh sôi, loài người cảm thấy thoải mái trong bầu trời bao la thoáng rộng”. Người khổng lồ đi đến đâu lún đụn đất lên thành núi đến đó, xuống gần biển nằm ngủ tạo thành đồng bằng ven biển. Người khổng lồ xuất hiện như một hiện tượng “kỳ dị” đánh dấu sự hình thành của vũ trụ. Người xưa đã có hiểu biết nhất định về tầm quan trọng của các yếu tố quan yếu tạo nên sự sống trên Trái đất, đó là ánh sáng mặt trời, nước, lửa, đất và mỗi yếu tố đó cũng gắn bó với một vị thần. Trên trời có thần Mặt Trời, Mặt Trăng, Vì Sao với ý niệm nam thần, ở mặt đất có thần Nước với ý niệm nữ thần, có thần Đất với ý niệm nam thần, có nam có nữ, có trời có nước thì mặt đất mới sinh sôi. Đối với hiện tượng nguyệt thực và nhật thực, người dân bản địa cho rằng đó là lúc con cá tràu to trên trời nuốt chửng Mặt Trăng vào bụng; cá nhả ra, Mặt Trăng lại sáng; nhật thực là con kabay khổng lồ ăn Mặt Trời [1]. Những giá trị tri thức này vừa thiêng liêng, vừa phi tôn giáo lại còn mang cả giá trị tâm linh.
Quảng Ngãi cũng như bao vùng đất khác đã trải qua tiến trình phát triển của lịch sử Trái đất với các hoạt động địa chất, kiến tạo, magma, các chu kỳ biển tiến, biển thoái… Những tư duy “triết học” sơ khai nhất về các vận động của vỏ Trái Đất được người dân bản địa thể hiện trong Truyền thuyết đảo Lý Sơn. Truyền thuyết đã đề cập đến các hiện tượng núi lửa phun trào làm cho vùng đất này khô hạn “rẫy lúa rẫy bắp khô rang, chết trơ dưới bầu trời hầm hập như trong lò lửa, rừng bị tàn phá, sự sống của muôn loài bị hủy diệt” [1]. Hình ảnh người dân làng Tali đã chiến đấu với thần Nước không những thể hiện sức mạnh đoàn kết của họ mà còn thể hiện kỹ năng, phương thức sống, “sự am hiểu về vùng đất của mình” và những kiến thức về môi trường đến mối quan hệ giữa các yếu tố với nhau để ứng phó, khắc chế các hiện tượng tự nhiên bất lợi và sống hài hòa với thiên nhiên. Hình ảnh “Bầu trời Rabua năm ấy tối tăm hỗn độn và mịt mù. Đất đá, cây rừng ngã nhào xuống sông tấn công thủy quái. Gió rít và nước gào… Núi đá vỡ toang và sập đổ, mặt đất rung chuyển, vỡ tung ra, nước phun lên cuồn cuộn, cuốn tất cả đi. Đất làng Tali trôi xuống sông Ta Ít, chảy ra sông Riềng, lao xuống sông Tang, xuôi về sông Trà Khúc và trôi ra biển cả. Khi giông bão đi qua, mặt trời hiện ra rực rỡ, soi sáng mọi vật và cây cối. Người Tali hoàn hồn và thấy mình đang chới với giữa bốn bề là sóng nước mênh mông” đã ẩn chứa trong đó hình ảnh người dân bản địa kiên cường giật giành lại cuộc sống trong giông bão, lũ lụt hay cách thức đối phó với bão lửa, hạn hán. Hơn thế nữa còn là cách mà người dân bản địa nhận thức, giải thích về các hoạt động địa chất, kiến tạo, quá trình tạo núi, phun trào núi lửa hay chu kỳ biển tiến… để hình thành nên hệ thống sông ngòi, địa hình đồi núi, đồng bằng, biển đảo… và cũng minh chứng rằng dải đất đảo Lý Sơn là một phần ruột thịt của đất liền và người dân trên đảo Lý Sơn cũng từ đất liền di cư ra. Điều này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu về khảo cổ học các di tích Xóm Ốc và Suối Chình trên đảo Lý Sơn, cho thấy dân cư trên đảo đã xuất hiện cách ngày nay hơn 2.500 năm, nguồn gốc là cư dân văn hóa Sa Huỳnh di cư từ đất liền ra đảo [8].
Sinh sống trong khu vực với các giá trị địa chất đặc biệt riêng, người dân bản địa đã nhận thức được các giá trị của tài nguyên thiên nhiên và giải thích các hiện tượng tự nhiên bằng nhiều chuyện kể dân gian liên quan đến nhiều ngọn núi, con sông, như truyện ông Khổng Lồ gánh đất lấp biển làm đổ hai đầu đất, một đầu thành núi Ấn, một đầu thành núi Bút; Truyện về những dấu chân khổng lồ ở Sa Kỳ, ở Gò Yàng, chuyện về các dấu chân thiêng của Cao Biền, chuyện về Hòn Son [6].
Hình 2. Các “dấu chân khổng lồ” trên các đá granit (trái) và basalt (phải) ven biển Quảng Ngãi
Mỗi ngọn núi, con sông trong tâm thức của họ đều là một kho tàng thiên nhiên kỳ thú, họ đặt tên cho các dòng sông, ngọn núi và đều gắn với nhân vật linh thiêng, mang tính chất tâm linh, hoặc mang đặc điểm hình thái như các núi Cà Đam Ông, Cà Đam Bà, hòn Ông Táo, núi Răng Cưa, núi Thiên Ấn, núi Long Đầu, La Hà Thạch Trận, hay đảo Lý Sơn hiện còn dấu tích 5 miệng núi lửa hoạt động cách ngày nay khoảng một vài chục ngàn đến trên dưới 10.000 năm, dân gian thường gọi là “ngũ hành sơn”, ví như năm yếu tố tự nhiên Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong thuyết ngũ hành [6].
Hình 3. La Hà Thạch Trận - đá granit cổ bị biển mài mòn (a) Núi Phú Thọ và (b) Núi Hùm
Núi Thới Lới mang hành Thủy, vì có nguồn dự trữ nước ngọt khá lớn. Trong núi còn có dòng suối nước ngọt chảy quanh năm, bắt nguồn từ rừng cây xuống Vũng Bàu chảy ra biển về phía Nam, người địa phương gọi là suối Chình. Núi Giếng Tiền thuộc hành Hỏa vì đất núi có màu đỏ và thường xuyên xảy ra các vụ cháy trong mùa nắng nóng. Núi Hòn Sỏi mang hành Mộc vì trên núi có nhiều cây cổ thụ, xanh tốt quanh năm. Đất núi không có màu đỏ mà có màu nâu bạc xen lẫn rất nhiều đá cuội như viên sỏi nên được gọi là Hòn Sỏi. Núi Hòn Tai thuộc hành Kim vì theo truyền thuyết, trên núi thường xuất hiện một con ngựa vàng. Núi Hòn Tai được tạo bởi bọt dung nham núi lửa, chủ yếu là đá basalt bọt (người dân thường gọi là đá phổi), từ ngoài biển trông vào thấy giống như hình cái tai, vì thế mà thành tên. Núi Hòn Vung thuộc hành Thổ, đất núi có màu đỏ thẫm và rất xốp. Trước đây khu vực Núi Hòn Vung có rất nhiều rừng: cây gạo, Nhợ, gò, giữa, Bà Bút, Phật, phía Tây là giếng Xó La chỉ cách biển khoảng 10m nhưng nước ngọt, có quanh năm và không bị nhiễm mặn.
Hình 4. Đảo Lý Sơn với di tích các miệng núi lửa
Vùng người Cor cư trú có nhiều hạt vàng li ti lẫn trong cát ở các sông suối. Vậy sao lại có những hạt vàng lẫn trong cát? Sự tích những hạt vàng trong cát đã giải thích nguồn gốc vàng sa khoáng, nhưng lại có liên quan đến sinh hoạt và tình cảm con người. Tình người biến thành vàng, tan chảy trong cát. Phải chăng người Cor xưa muốn gửi gắm rằng, không có gì quý hơn tình người. Chuyện kể về tình cảm của hai anh em trai, cho dù họ đã trưởng thành có cuộc sống riêng nhưng vẫn luôn thương yêu nhau, tìm cách giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hình ảnh người anh và người em hàng đêm vẫn âm thầm mang thóc từ ruộng nhà mình sang cho nhau, rồi đến lúc hai anh em nhận ra nhau, ôm nhau khóc, khóc mãi, biến thành hai cục vàng rất lớn. Người vợ đi tìm chồng, thấy chồng và người em đã hóa vàng. Nước mắt của người vợ đã làm tan chảy hai cục vàng thành những hạt li ti chảy xuống sông suối…”. Người dân bản địa mặc dù không có kiến thức về địa chất, quá trình tạo khoáng nhưng họ cũng hiểu rất logic về sự xuất hiện các hạt vàng trong cát chính là vàng sa khoáng, được tách ra từ các mạch quặng vàng gốc và được dòng nước đưa đi rồi lắng đọng trong cát.
Mặc dù thế giới hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh thái nhưng các nền kinh tế và công nghệ bản địa, truyền thống lại thường bị coi là “nguyên thủy”, “thuộc thời đồ đá” trong khi chính chúng mới chứng tỏ sự ổn định dài lâu. Người Inuit đã và đang sinh tồn được ở Bắc cực chỉ bằng săn bắt, đánh cá; Người dân ở khu vực Sahelian cằn cỗi ở châu Phi chỉ sống bằng chăn nuôi du mục trên đồng cỏ; Hàng trăm nền văn hóa bản địa ở các vùng sinh thái nhạy cảm ở Amazon và Đông Nam Á tồn tại nhờ phương thức canh tác theo thời vụ (du canh)... Tri thức địa phương về tự nhiên đảm bảo sự sinh tồn của con người trong những môi trường sống không ổn định. Người không phải là bản địa thường không thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt này nếu không tàn phá, làm mất đi sự cân bằng của hệ sinh thái. Mấu chốt của sự khác biệt này chính là sự bền vững. Các dân tộc bản địa sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có mà không làm suy kiệt chúng; sử dụng những kiến thức riêng của họ về các loài động thực vật, đất đai, khí hậu và mùa vụ không phải để khai thác tự nhiên mà là để sống chung một cách hài hòa với tự nhiên; quản lý tài nguyên một cách cẩn trọng, kiểm soát số lượng loài, khai thác một lượng nhỏ nhưng đa dạng các loài động thực vật và ít xả rác ra môi trường nhất. Mọi loài động thực vật đều có chỗ trong một thế giới có trật tự được cấu thành từ các yếu tố như con người, tự nhiên và các đấng siêu nhiên. Các nền văn hóa bản địa cũng giúp bảo vệ thế giới tự nhiên khỏi sự phá hoại thông qua tôn giáo và các nghi lễ [2,6].
Quảng Ngãi có 2/3 diện tích là rừng, rừng không chỉ giúp bảo vệ cuộc sống của con người, bảo vệ cho các thôn bản được yên bình, tránh được những rủi ro do thiên tai mang lại, mà còn là nơi cung cấp cho người bản địa rất nhiều sản vật, nhiều thứ mà họ cần trong đời sống hằng ngày. Việc khai thác và bảo vệ rừng đã được người bản địa thực hiện một cách hài hòa, đảm bảo cho rừng luôn phát triển, luôn là “kho của cải” tự nhiên để cho họ muôn đời khai thác.
Tri thức về thời gian khai thác: Thời gian khai thác tài nguyên rừng được thực hiện đều trong cả năm, mỗi mùa đều có một số loại cây, củ, quả sinh trưởng và thời gian thu hái. Mùa xuân là thời điểm hợp lý để khai thác các loại măng, nấm, rau rừng... Mùa thu và hè thích hợp để chặt gỗ, tre... làm nhà. Người dân tộc Hrê làm nhà vào thời gian tháng 8 và tháng 9 trong năm. Họ thường đốn các loại cây gỗ rắn chắc vào ngày 29, 30 (âm lịch) của các tháng hè và thu, bởi vì khi đó nhựa thân ít, khiến cho các thớ gỗ không bị mối mọt phá hoại. Mùa đông là thời điểm thích hợp để khai thác một số loại quả, hạt… [6,9].
Tri thức về bảo vệ rừng: Quá trình sinh sống khiến cư dân bản địa sớm có ý thức về tác hại của thiên nhiên luôn đe dọa cuộc sống của con người và khả năng phòng hộ của rừng trong việc chắn gió, chắn cát, ngăn cản dòng chảy trong mùa mưa lũ. Diện tích rừng ở khu vực đồng bằng Quảng Ngãi hầu hết đều là rừng cấm, thuộc địa hạt làng xã nào thì làng xã ấy tự quản lý. Các lệ làng xưa có những quy định khá chặt chẽ về bảo vệ các lâm cấm và được thể hiện trong hương ước của làng; quy định nhiệm vụ của người bảo vệ và việc xử phạt người xâm phạm, người thiếu trách nhiệm. Để tránh cát bay vùi lấp đồng ruộng, làng mạc, người dân bản địa đã trồng dương liễu và đến nay vẫn tiếp tục trồng giúp dân ven biển ổn định đời sống, tránh gió bão và bổ sung được nguồn chất đốt đáng kể (dân ven biển thường gom lá dương và các cành nhỏ khô mục để đun nấu).
Trước đây, mỗi làng ở Quảng Ngãi đều có một cái cấm, tức là một khu rừng nhỏ - là nơi bảo tồn các loại thực vật, động vật quý hiếm và là lá phổi của làng được bảo vệ bằng hương ước và tín ngưỡng, ví dụ Cấm Nghè Tộ là núi đá nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, được cấu thành từ hàng trăm tảng đá granit với nhiều kích cỡ xếp chồng lên nhau, tạo nên nhiều hang hốc với khung cảnh kỳ vĩ. Dân gian đã đặt nhiều tên gọi độc đáo như đá bàn, đá hang cọp, đá con cù… Bên cạnh những tảng đá là đa dạng chủng loại cây cối như chè he, vú bò, bồ đề, sanh, các loại dây leo…, tạo nên màu xanh thẫm và che phủ cả cấm trong bóng mát. Ở đây có những cây lâu năm, thân to 2 người không ôm xuể, những chùm rễ trăm năm tuổi, bám vào đá núi tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, lạ thường.
Hình 5. Cấm Nghè Tộ, thôn Năng Tây, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa
Người dân Quảng Ngãi không chỉ có ý thức bảo vệ rừng thời xưa mà ngày nay vẫn vậy. Minh chứng là hiện nay vẫn còn một số khu rừng nguyên sinh vẫn được bảo vệ bởi cộng đồng dân cư sống quanh đó như bảo vệ chính cuộc sống của họ, như rừng Nà ở Mộ Đức và rừng Sầu Đâu ở Đức Phổ.
Hình 6. Rừng Nà hiện giữ vai trò như một tiểu khí hậu, có tác dụng ngăn gió bão mùa đông, mùa hè ngăn gió cát từ phía biển thổi vào, hạn chế được cát xâm lấn ruộng đồng, cung cấp nước cho vùng ruộng khá rộng xung quanh
Hình 7. Rừng Sầu Đâu tựa bức tường thành chắn bão giông, là vị “thần hộ mệnh” của thôn Hải Môn, xã Phổ Minh (Đức Phổ), nên được bao đời cư dân nơi đây chung sức gìn giữ, bảo vệ cây cối tốt tươi
Trong đời sống của người Việt Nam nói chung, của người dân Quảng Ngãi nói riêng, từ xa xưa đánh bắt hải sản là một hoạt động quan trọng, chỉ xếp sau canh tác nông nghiệp. Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử, nghề đánh bắt hải sản Quảng Ngãi ngày càng phát triển. Thời kỳ đầu, việc đánh bắt tôm cá như một nhu cầu sinh tồn tự nhiên của mỗi người, mỗi gia đình, mang tính tự túc, tự cấp, chưa phải là một hoạt động sản xuất mang tính xã hội. Ngư cụ đánh bắt thô sơ từ "mò cua bắt cá" bằng tay, đánh giậm, thả lờ, đặt nơm, câu tay cho đến dùng lưới bắt cá như lưới bén, quăng chài, kéo vó. Xã hội càng phát triển, nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng lên, ngư cụ ngày càng được cải tiến, người ta có thể đánh bắt cá từ trong nội đồng vươn dần ra biển, ban đầu chỉ bằng những phương tiện nhỏ bé, mỏng manh như thuyền chèo, thuyền nan, thuyền thúng, thuyền buồm, chỉ đánh bắt ven bờ không vượt quá tầm nhìn. Đến nay, ngành sản xuất truyền thống đánh bắt thuỷ sản là thế mạnh của nghề cá Quảng Ngãi vẫn giữ vai trò quan trọng nhất, đem lại thu nhập đời sống cho phần lớn ngư dân vùng biển [4,6,9].
Sống lênh đênh trên biển cả mênh mông, đối mặt với thiên tai, vật lộn với bão to, sóng lớn, ngư dân đã tích luỹ vốn tri thức khá phong phú về biển, về nghề nghiệp. Những kinh nghiệm đúc kết từ bao đời đó không chỉ mang lại cho họ bát cơm manh áo mà còn là bảo bối giúp họ vượt qua bao hiểm nguy để bảo tồn và duy trì cuộc sống. Nhiều kinh nghiệm là kiến thức tổng hợp được tích luỹ, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, thấm sâu vào trí nhớ, trở thành lối ứng xử linh hoạt trước thiên nhiên. Những thay đổi bất thường của thời tiết, biểu hiện qua màu sắc đám mây, ráng trời, âm thanh sóng vỗ, gió thổi, dòng nước chảy, màu nước, bọt sóng nước, kể cả khi trời trong trăng tỏ hay một vài cánh chim bay về rừng... cung cấp cho người ngư dân những phán đoán khá chính xác về những điều sắp xảy ra để tránh những rủi ro: “Trời trong trăng tỏ, nước đục ngàu ngàu, cha con bảo nhau, chèo mau cập bến”. Họ nhắc nhau khi có hiện tượng thời tiết khác lạ: “Bạn chèo thợ lái bảo nhau, Mống tây chớp lạch quay mau mà về”. Quan sát thiên nhiên còn giúp cho việc xác định tọa độ, phương hướng ra vào cửa lạch để tránh va vào đá ngầm, mắc cạn “Đi ra trông sao, đi vào trông rú” ....[4,6,9].
Bên cạnh đó, còn nhiều kinh nghiệm như nghe tiếng rung kêu, dựa vào tuần trăng, theo con nước, luồng hải lưu đến việc lợi dụng những thời điểm luồng cá di cư để đánh bắt cho thu hoạch cao. Và hầu như ở làng nào cũng có "cuốn lịch" hàng năm với công cụ nào đánh bắt loại cá gì, lịch những ngày nước sinh, nước cường từng tháng, nhật trình đi biển cho đến kinh nghiệm về ăn uống, dưỡng sinh, trị bệnh từ những hải vật quý của vùng biển quê hương.
Tùy theo tập tính sinh sống của các loài thủy sản ở các vùng nước khác nhau (vùng khơi, vùng lộng, tầng đáy, tầng mặt), ngư dân biết sử dụng nhiều loại tàu thuyền và ngư cụ, được phân chia ra thành những nghề đánh bắt khác nhau như nghề lưới kéo, nghề lưới vây, nghề lưới rê, nghề lưới chuồn, nghề mành đèn, nghề câu khơi, nghề lặn biển, ….
Sinh sống trong vùng đất với đa dạng các loại đá và loại hình khoáng sản, người bản địa đã tích lũy những tri thức trong việc sử dụng khai thác nguồn tài nguyên để phục vụ cuộc sống của mình.
CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh là một vùng đất với địa hình đặc biệt gồm miền núi, đồng bằng, đảo và vùng tương tác giữa đất liền, biển. Người dân bản địa đã tích lũy các kiến thức nhận diện, phân tích và lựa chọn những vị trí để đào giếng lấy nước ngọt ở những vùng ven biển, đặc biệt là nơi cửa sông, cảng biển là nơi các thuyền buôn thường ghé vào để nghỉ, trao đổi hàng hóa và lấy nước ngọt.
|
|
Hình 8. Giếng nước ngọt Xó La (đảo Lý Sơn) nằm sát bờ biển |
Hình 9. Thành giếng xếp đá, nước trong và có nước quanh năm |
Người dân bản địa cũng đã phát hiện ra những thuộc tính của các tầng đất sét được hình thành qua những thời kỳ biển tiến - biển thoái và tạo tác ra các sản phẩm gốm phục vụ trong đời sống sinh hoạt. Không ai biết chích xác nghề gốm đất nung ở đây có tự bao giờ. Có tài liệu cho rằng nó có từ thời văn hóa Chăm, hoặc từ thời Nguyễn. Nhưng với việc bộ sưu tập 18 bình gốm đất nung, niên đại 3.370±40 năm trước, được tìm thấy năm 1978 ở di chỉ khảo cổ Long Thạnh thuộc xã Phổ Thạnh và vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2018, giả thuyết về việc nghề này đã được lưu truyền từ thời văn hóa Sa Huỳnh có lẽ cũng không phải là quá lãng mạn. Một số đặc điểm khác ủng hộ ý tưởng này, chẳng hạn như sản phẩm gốm ở đây chỉ là đất sét nung, không dùng men; hoặc nguồn đất sét đa phần là khai thác tại chỗ hoặc lân cận như Núi Dâu (đất sét xanh, đất sét đen), Bàu Súng (đất sét vàng).
Hình 10. Làng nghề làm gốm Phổ Khánh
Trong quá trình cư trú lâu dài, cư dân bản địa ở khu vực CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đã “nhận thức và ý thức được rằng sự sống - từ những ngọn núi, sông hồ, bầu trời, các loài vật, cây cối, đất đá và con người - có mối liên hệ không tách rời”. Họ đã học được cách thích ứng với môi trường tự nhiên, dựa vào các nguồn lợi tự nhiên để sinh tồn và phát triển. Qua nhiều thế hệ, họ đã tích lũy được một hệ thống tri thức, hiểu biết về tự nhiên, sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng và những hình thức ứng xử phù hợp với tự nhiên. Tri thức địa phương về di sản địa chất là một phần quan trọng của di sản tự nhiên và di sản văn hoá của CVĐC Lý Sơn -Sa Huỳnh. Tri thức địa phương là công cụ để nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản địa chất và CVĐC. Việc nghiên cứu, bảo tồn và khai thác kho tàng tri thức địa phương về di sản địa chất sẽ giúp cho hoạt động phổ biến khoa học về Trái đất một cách dễ dàng hơn. Các giá trị tri thức địa phương về di sản địa chất cần tiếp tục triển khai nghiên cứu, điều tra xác định một cách có hệ thống tri thức địa phương về di sản địa chất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển du lịch địa chất phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung Việt Nam nói chung.
Cộng đồng địa phương khu vực CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh với vị trí và đặc điểm tự nhiên đặc biệt cùng với việc trải qua các biến thiên của lịch sử, trong quá trình lao động và đấu tranh bảo vệ cuộc sống đã làm nên sự phong phú và đa dạng những giá trị di sản văn hóa bản địa. Các giá trị văn hóa bản địa mang đậm nét dấu ấn của môi trường tự nhiên, dấu ấn của cộng đồng và mang tính đặc trưng vùng miền. Hơn thế nữa, các giá trị văn hóa mang đậm “tính dân gian” giúp cho khả năng khai thác kho tàng tri thức địa phương về môi trường thiên nhiên, lao động sản xuất, ứng xử xã hội và quản lý cộng đồng. Việc tiếp tục nghiên cứu và nhận diện các tri thức địa phương về di sản địa chất, hay di sản địa văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản đồng thời sử dụng chúng như một công cụ hữu hiệu để phát triển du lịch, du lịch địa chất và phát triển bền vững là bước đi tất yếu đối với CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ trong khuôn khổ đề tài: Nghiên cứu kiến thức bản địa về di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số Công viên địa chất Việt Nam”. Mã số: ĐTĐL.CN-06/18. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản trong khuôn khổ dự án: “Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản, xác định phạm vi, quy mô để xây dựng Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu Quảng Ngãi”. Tập thể tác giả xin trân trọng cảm ơn!
Đỗ Thị Yến Ngọc, Trần Tân Văn, Đoàn Thị Ngọc Huyền, Phạm Thị Thúy, Nguyễn Thị Thủy1
1Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 2/2020)
Indigenous knowledge on geoheritage - some preliminary studies in aspiring Ly Son - Sa Huynh Geopark (Quang Ngai Province) Do Thi Yen Ngoc, Tran Tan Van, Doan Thi Ngoc Huyen, Pham Thi Thuy, Nguyen Thi Thuy Vietnam Institute of Geosciences and Mineral Resources Asbtract Indigenous knowledge is the knowledge of local people about nature and their interaction with nature, and is passed on from generation to generation. It is an invaluable record of human adaptation and creativity towards nature. Indigenous knowledge of geoheritage is usually referred to as a window that shows the evolution of the Mother Earth, and based on which people can have thorough understanding about the present and direction for the future. Preserving and promoting indigenous knowledge of geoheritage relies largely on the awareness of local people, and as such, geoparks and scientists can have considerable contribution. This paper will preliminaryly introduce indigenous knowledge of geoheritage in the Ly Son - Sa Huynh Geopark (Quang Ngai provice). The intended area of Ly Son - Sa Huynh Geopark includes several districts e.g. Binh Son, Son Tinh, Tra Bong, Tay Tra, Tu Nghia, Quang Ngai city, Ly Son Island, a part of Mo Duc and Duc Pho. The Geopark was established at the end of 2016 after many years of investigation, survey and research, and its dossier for UNESCO Global Geopark designation was submitted at the end of 2019. Through thorough literature review, sociological survey and field work, the relationship among people, geology and biodiversity has been analyzed. The result shows that indigenous knowledge on geoheritage in this area is highly diversified but has not been well enough documented. Besides, the involvement of local communities in defining indigenous knowledge on geoheritage is remarkably necessary for the preservation of their livelihoods and identities. Therefore, systematic identification of indigenous knowledge in the geopark is considered an effective method to raise awareness of local communities and develop tourism. This will be one of the most important activities in the near future in the Ly Son-Sa Huynh Geopark. Key words: Indigenous knowledge (IK); geo-heritage (GH); geo-tourism (GT); geopark; local communit |