Thiết kế chương trình quan trắc môi trường nước các sông, hồ nằm trong khu vực kinh thành Huế
15/09/2015
TP. Huế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây còn là trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, là nơi có quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993. Cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích Huế chính là hệ thống sông, hồ trong khu vực kinh thành Huế. Hệ thống sông, hồ là nhân tố quan trọng trong việc điều hòa môi trường sống tạo nên sự cân bằng sinh thái, điều tiết, lưu thông nước trong khu vực kinh thành Huế và các vùng phụ cận. Tất cả các sông, hồ được thông với nhau qua hệ thống cống ngầm, cống nối và mạch ngầm để nhận nước thải từ các khu dân cư. Nước mưa, nước thải theo hệ thống cống dẫn sẽ đổ dồn về các sông, hồ làm cho các sông, hồ trở thành rốn nước của khu vực và các sông, hồ thông qua quá trình tự làm sạch của mình sẽ góp phần giảm thiểu các chất ô nhiễm. Ngoài ra, hệ thống sông, hồ đóng vai trò quan trọng trong chức năng tiêu thoát nước ở bên trong kinh thành Huế.
Tuy có vai trò hết sức quan trọng như vậy nhưng cùng với sự phát triển lớn mạnh của TP. Huế trong những năm qua đã làm cho hệ thống các sông, hồ trong khu vực kinh thành Huế bị san lấp, lấn chiếm, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm đang ngày càng nghiêm trọng. Do đó, việc thiết kế chương trình quan trắc môi trường nước các sông, hồ nằm trong khu vực kinh thành Huế nhằm theo dõi kiểm soát và bảo vệ hệ thống sông, hồ trong khu vực kinh thành Huế là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Lê Văn Thăng, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Đăng Hải
Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học - Đại học Huế
(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2014)