20/07/2020
TÓM TẮT
Bài viết đánh giá thực trạng giải quyết, khắc phục sự cố môi trường (SCMT) liên vùng/liên tỉnh ở một số tỉnh/thành trong thời gian qua để đề xuất một số giải pháp. Qua kết quả điều tra, SCMT liên tỉnh (từ 2 tỉnh trở lên) trong 10 năm trở lại đây ngày càng gia tăng. Hầu hết các SCMT liên tỉnh xảy ra đều được các cơ quan Trung ương chủ trì giải quyết, tuy nhiên vẫn còn một vài SCMT chưa được giải quyết kịp thời (các tỉnh/thành tự phối hợp giải quyết). Nguyên nhân do quy định trách nhiệm Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết SCMT liên tỉnh còn chung chung; Thiếu hướng dẫn quy trình và quy chế phối hợp. Trên cơ sở đó, một số giải pháp được đề xuất là: Xây dựng về cơ chế giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh; Ban hành Quy chế phối hợp giải quyết SCMT liên tỉnh; Xây dựng Hướng dẫn giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh; Lập Quỹ giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh và cơ chế tài chính; Đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát SCMT liên tỉnh…
Từ khóa: Giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh, SCMT liên tỉnh;
Nhận bài: 21/5/2020; Sửa chữa:24/5/2020; Duyệt đăng: 29/5/2020
1. Mở đầu
SCMT xảy ra do chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động sản xuất, thiên tai sẽ ảnh hưởng xấu không chỉ cho một khu vực hẹp, mà còn có thể trên phạm vi liên vùng/liên tỉnh, làm mất an toàn môi trường, gây thiệt hại tới hệ sinh thái, sức khỏe con người và tài sản. Do vậy, khi xảy ra SCMT, đặc biệt SCMT liên tỉnh cần phải được giải quyết, khắc phục kịp thời để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại, cũng như có phương án, giải pháp phục hồi môi trường hiệu quả. Đồng thời cần có sự thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp giải quyết vấn đề môi trường có tính liên ngành, liên vùng/liên tỉnh cần phải có sự thống nhất chỉ đạo, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; kết hợp đấu tranh pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân, cũng như khắc phục môi trường.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng giải quyết, khắc phục SCMT liên vùng/liên tỉnh của một số tỉnh/thành trong thời gian qua ở Việt Nam với mục tiêu tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để có cơ sở khoa học đề xuất những giải pháp trong công tác quản lý và khắc phục SCMT một cách hiệu quả, kịp thời là hết sức cần thiết trong thời gian tới.
Đối tượng điều tra là các cán bộ của các cơ quan quản lý môi trường và các sở, ban ngành liên quan của 34 tỉnh/thành đại diện 3 vùng Bắc-Trung-Nam.
2. Tình trạng xảy ra SCMT liên vùng/liên tỉnh trong thời gian qua
Kết quả khảo sát của Viện Khoa học môi trường năm 2019 cho thấy, tình trạng xảy ra SCMT liên tỉnh ngày càng gia tăng, trong đó SCMT xảy ra trên phạm vi địa bàn 2 tỉnh là cao nhất (chiếm 48,8%), tiếp đến là trên phạm vi từ 3-4 tỉnh (chiếm 35,6%), phạm vi >4 tỉnh chiếm rất thấp (chỉ <4%).
Bảng 1: Nguyên nhân dẫn đến SCMT liên vùng/liên tỉnh
TT |
Nội dung |
Tỷ lệ |
|
N |
% |
||
1 |
SCMT liên tỉnh do sự cố chất thải, hóa chất từ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất |
115 |
71,9 |
2 |
SCMT liên tỉnh do thiên tai (bão, lũ) |
39 |
24,4 |
3 |
SCMT liên tỉnh do sự cố tràn dầu |
20 |
12,5 |
4 |
SCMT liên tỉnh do cháy rừng |
8 |
5,0 |
5 |
Khác |
01 |
0,6 |
SCMT liên tỉnh chủ yếu do sự cố chất thải, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất (chiếm cao nhất 71,9%), tiếp đến là do thiên tai (bão, lũ) (chiếm 24,4%); do sự cố tràn dầu chiếm 12,5%; do cháy rừng hay nguyên nhân khác chiếm <1%.
Hình 1: Thành phần môi trường bị ô nhiễm do SCMT liên tỉnh đã xảy ra
Kết quả phân tích cho thấy, các SCMT liên tỉnh xảy ra gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu là nước mặt lưu vực sông chiếm cao nhất (55,3%), gây ô nhiễm không khí chiếm 51,1%, gây ô nhiễm nước ven biển chiếm 37,6%, gây ô nhiễm đất chiếm 35,5%.
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2010-2015 của Bộ TN&MT, SCMT tiếp tục gia tăng trong những năm qua, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, điển hình như: Sự cố tràn dầu các vùng ngoài khơi, ven biển (hàng năm có trung bình khoảng 5-6 vụ tràn dầu lớn được ghi nhận); Sự cố rò rỉ hóa chất (sự cố bục lò chất thải của Công ty CP Phốt pho Lào Cai năm 2012; vụ nổ hóa chất tại Công ty TNHH sản xuất-dịch vụ-thương mại Đặng Huỳnh tại TP.HCM năm 2014; sự cố vỡ bể chứa bùn thải chì thuộc nhà máy chế biến chì kẽm của Công ty TNHH CKC Cao Bằng năm 2016); Sự cố gây cá chết hàng loạt trên sông Bưởi (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) năm 2016 do việc xả thải của nhà máy Mía Đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình, thượng nguồn sông Bưởi) gây ô nhiễm hạ lưu sông Bưởi. Đặc biệt nghiêm trọng là sự cố nước thải gây ô nhiễm môi trường ven biển 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016.
Báo cáo công tác BVMT 2019 của Bộ TN&MT cho thấy, SCMT nghiêm trọng vẫn còn diễn ra như sự cố cháy nổ Công ty Phích nước Rạng Đông, sự cố ô nhiễm nguồn nước cấp sinh hoạt cho Hà Nội do vụ việc đổ dầu thải trái phép tại tỉnh Hòa Bình, sự cố tràn dầu trên sông Sài Gòn… Các sự cố ô nhiễm này đã ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe người dân, [2].
3. Giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh trong thời gian qua
3.1. Thực trạng giải quyết SCMT liên vùng/liên tỉnh
Trong thời gian qua ở Việt Nam, công tác giải quyết, khắc phục SCMT còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi lúng túng, đặc biệt là khi SCMT gây ô nhiễm liên tỉnh. Một trong những trường hợp SCMT liên vùng/liên tỉnh xảy ra vào tháng 4/2016 do Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã làm ô nhiễm môi trường ven biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, gây thiệt hại lớn tới nguồn lợi thủy hải sản, hệ sinh thái biển, tác động tới sinh kế người dân, ảnh hưởng tới ngành du lịch... Đây là SCMT nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta, nên việc giải quyết, ứng phó sự cố gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Qua kết quả khảo sát của Viện Khoa học môi trường năm 2019 cho thấy, thực trạng công tác giải quyết, phối hợp giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh trong thời gian qua tại một số tỉnh/thành cụ thể:
+ Giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh: Có tới 80% cán bộ các cơ quan quản lý cho biết khi có SCMT liên tỉnh xảy ra thì cơ quan Trung ương chủ trì giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn có tới 17,5% cho rằng khi xảy ra SCMT liên tỉnh thì các tỉnh/thành tự phối hợp giải quyết.
+ Về công tác phối hợp giải quyết SCMT liên tỉnh: Có tới 45,6% cán bộ quản lý cho biết sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương và địa phương với địa phương ở mức độ tốt; tuy nhiên vẫn có tới 28,1% cho rằng sự phối hợp giải quyết SCMT liên tỉnh là chưa tốt; và 26,3% cho rằng chưa có sự phối hợp trong giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh giữa Trung ương với địa phương và địa phương với địa phương. Nguyên nhân do thiếu quy chế phối hợp giải quyết SCMT liên tỉnh; Thiếu hướng dẫn quy trình giải quyết SCMT liên tỉnh; Quy định trách nhiệm Bộ, ngành, địa phương giải quyết SCMT liên tỉnh còn chung chung; Thiếu kinh phí, nguồn lực giải quyết SCMT liên tỉnh.
+ Tình trạng ban hành quy chế phối hợp giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh và kế hoạch ứng phó SCMT liên tỉnh: Chỉ có 10/34 tỉnh/thành có ban hành quy chế phối hợp giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh, trong số đó vẫn có 1/3 số tỉnh/thành chưa xây dựng kế hoạch ứng phó SCMT liên tỉnh. Vẫn còn 24/34 tỉnh/thành chưa có quy chế phối hợp giải quyết, khắc phục SCMT.
+ Tham gia giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh: Có tới 48,8% cán bộ quản lý cho biết đã từng tham gia giải quyết SCMT liên tỉnh, số còn lại chưa từng tham gia giải quyết SCMT liên tỉnh. Trong số đơn vị đã tham gia giải quyết SCMT liên tỉnh chủ yếu: giải quyết sự cố chất thải từ các KCN, cơ sở sản xuất (chiếm 65,4%); tham gia giải quyết SCMT do tràn dầu (19,2%); Tham gia giải quyết SCMT do bão lũ (chiếm 15,4%), giải quyết SCMT liên tỉnh do cháy rừng chỉ chiếm 5,1%.
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2010-2015 của Bộ TN&MT, một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng trong xử lý SCMT đó là năng lực ứng phó. Hoạt động ứng phó SCMT trong thời gian qua ở nước ta cho thấy còn rất hạn chế, cả ở cấp Trung ương và địa phương. Mặc dù từ năm 2005, Luật BVMT đã có một chương quy định về phòng ngừa, ứng phó SCMT, khắc phục và phục hồi môi trường, đến năm 2014, Luật BVMT được sửa đổi tiếp tục bổ sung quy định chi tiết về trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện đánh giá, cảnh báo và ứng phó, tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn hạn chế, [1].
Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hồng Quang 2018 cho biết, theo Luật BVMT năm 2014 quy định về trách nhiệm điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do SCMT gây ra là tương đối rõ (thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh nếu sự cố gây ra trên địa bàn mình quản lý hoặc của Bộ TN&MT nếu gây ra trên địa bàn liên tỉnh), tuy nhiên các nội dung khác quy định còn chung chung, không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm, cơ chế phối hợp (đến nay chưa có hướng dẫn, quy định nào để cụ thể hóa các quy định này của Luật BVMT năm 2014), [4].
Theo kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Lợi và cộng sự, đối với các vụ việc SCMT liên tỉnh thì hiện nay chưa có cơ quan giám định thiệt hại, đây là một trong những khâu để thực hiện giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh. Chính vì vậy, việc triển khai để giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh trong thời gian qua là khó tránh khỏi sự lúng túng và chưa đánh giá được mức độ thiệt hại của sự cố tới môi trường, sức khỏe và tài sản, để có cơ sở đầu tư nguồn lực phù hợp hỗ trợ, khắc phục hoặc yêu cầu doanh nghiệp gây sự cố bồi thường thiệt hại...[3].
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải [5]. Theo đó, sự cố chất thải được phân loại thành 4 mức độ (thấp, trung bình, cao, thảm họa). Ngoài ra, Quy chế quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan quản lý Trung ương, địa phương trong quản lý và tổ chức thực hiện ứng phó sự cố chất thải. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện giải quyết kịp thời các biện pháp khẩn cấp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan và hạn chế thấp nhất các thiệt hại, khắc phục hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, quy định về cơ chế phối hợp ứng phó sự cố chất thải giữa các cơ quan Trung ương với Trung ương và cơ quan Trung ương với địa phương chưa được cụ thể, cũng như quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố cũng đang dừng lại mức độ khẩu hiệu.
3.2. Thực trạng nguồn lực giải quyết, khắc phục SCMT liên vùng/liên tỉnh
- Nguồn lực tài chính giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh
+ Kết quả điều tra cho thấy, có tới 21/34 tỉnh/thành (chiếm 61,8%) không bố trí ngân sách nhà nước (NSNN) để giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh. 13/34 tỉnh/thành có bố trí nguồn NSNN để giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh, tuy nhiên, nguồn tài chính để giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh còn rất hạn hẹp và không đủ.
+ Trong số 11 tỉnh/thành có ban hành quy chế quản lý nguồn tài chính từ NSNN để khắc phục SCMT liên tỉnh, có tới xấp xỉ 30% cán bộ quản lý cho biết việc sử dụng nguồn lực tài chính trong giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh trong thời gian qua chưa hiệu quả.
- Chính sách hỗ trợ/cứu tế khắc phục SCMT liên tỉnh dùng từ NSNN
+ Qua kết quả điều tra các cán bộ quản lý ở một số tỉnh/thành cho biết việc chi NSNN để hỗ trợ, khắc phục SCMT liên vùng/liên tỉnh chủ yếu là cho thiên tai bão lũ chiếm cao nhất (86,9%) và cháy rừng (chiếm 65,6%); ngoài ra một số tỉnh/thành cũng đã chi NSNN để hỗ trợ khắc phục SCMT liên vùng/liên tỉnh cho trường hợp: khi không xác định được chủ thể gây sự cố; sự cố chất thải của doanh nghiệp xảy ra do tác động của bão, lũ; và trường hợp doanh nghiệp gây ra SCMT nhưng không có khả năng chi trả khắc phục… Cụ thể: có tới 56,9% cán bộ điều tra cho biết chi hỗ trợ khắc phục SCMT liên vùng/liên tỉnh khi không xác định được chủ thể gây SCMT; 31,3% cho biết tỉnh/thành chi hỗ trợ khắc phục sự cố chất thải từ các KCN, cơ sở sản xuất nhưng do tác động từ bão lũ; và 15,6% cho biết chi hỗ trợ cho một số trường hợp doanh nghiệp gây ra sự cố chất thải nhưng không có khả năng để chi trả khắc phục.
+ Đối với nguồn lực tài chính từ NSNN của tỉnh/thành dùng để giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh thì có hỗ trợ thiệt hại, ảnh hưởng tới sức khỏe do SCMT. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thiệt hại sức khỏe mới chỉ ở mức hỗ trợ một phần (chưa đảm bảo đủ toàn bộ chi phí khám, điều trị và phục hồi sức khỏe) vì chưa có khung định mức bồi thường cho thiệt hại sức khỏe.
- Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2010-2015 của Bộ TN&MT: Năng lực quản lý nhà nước về BVMT còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát sinh và tính chất ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường. Điều này thể hiện từ vai trò điều phối, thống nhất quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều bất cập, triển khai chưa hiệu quả do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Ở cấp địa phương, cơ cấu tổ chức và năng lực của tổ chức chuyên môn về BVMT chưa đáp ứng yêu cầu quản lý (cả về số lượng và chất lượng). Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính đầu tư từ NSNN còn hạn hẹp, trong khi đó nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật về BVMT (hệ thống thu gom, xử lý nước thải; thu gom, vận chuyển, xử lý và chôn lấp rác thải) là rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách và từ xã hội đều không đảm bảo, đặt ra thách thức đối với công tác BVMT [1].
Theo Nguyễn Hồng Quang vì chưa có sự phân định rõ ràng trách nhiệm trong ứng phó SCMT nên các cơ quan liên quan chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng (nhân lực, vật tư, phương tiện, công cụ và nguồn lực tài chính) cho việc ứng phó SCMT [4].
Chính điều này dẫn đến việc giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh là gần như chưa có nguồn lực dành riêng để phục vụ cho công tác này.
3.3. Đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách giải quyết, khắc phục SCMT liên vùng/liên tỉnh
- Cần thiết xây dựng về cơ chế giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh.
- Ban hành Quy chế phối hợp giải quyết SCMT liên tỉnh: Phối hợp, trao đổi thông tin giải quyết SCMT liên tỉnh; Cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát SCMT liên tỉnh; Xây dựng cơ chế phối hợp tham gia thẩm định đánh giá tác động môi trường các dự án nằm giáp ranh giữa các tỉnh/thành
- Hoàn thiện quy định Luật BVMT năm 2014 về phân công trách nhiệm Trung ương, địa phương giải quyết SCMT liên tỉnh: giao cho cơ quan Trung ương (Bộ TN&MT) chủ trì giải quyết SCMT liên tỉnh, phân công trách nhiệm đơn vị phối hợp khi xảy ra SCMT liên tỉnh.
- Xây dựng Hướng dẫn giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh.
- Lập Quỹ giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh và có cơ chế thuận lợi để giải quyết, khắc phục kịp thời SCMT liên tỉnh;
- Đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo SCMT; đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tập trung giảm thiểu SCMT liên tỉnh.
4. Kết luận và kiến nghị:
4.1. Kết luận:
- SCMT liên tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là do sự cố chất thải, hóa chất từ các KCN, cơ sở sản xuất, khai thác khoáng sản, sự cố tràn dầu, rò rỉ khí độc từ các kho chứa hóa chất, bãi chôn lấp chất thải nguy hại liên tỉnh; các SCMT do thiên tai chủ yếu là bão lũ, cháy rừng…
- Tình hình giải quyết và khắc phục SCMT liên tỉnh: Một số SCMT liên tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng phối hợp giữa Trung ương, địa phương trong thời gian qua chưa tốt. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu quy chế phối hợp cụ thể; Thiếu hướng dẫn quy trình giải quyết SCMT liên tỉnh; Thiếu quy định trách nhiệm cho từng cơ quan Trung ương, địa phương và thiếu nguồn lực tài chính để giải quyết, khắc phục sự cố. Một số trường hợp SCMT liên vùng/liên tỉnh xảy ra trong thời gian qua vẫn chưa được các cơ quan Trung ương giải quyết kịp thời, mà các tỉnh tự phối hợp giải quyết.
- Nguồn lực giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh: Nhiều tỉnh/thành không có bố trí NSNN để giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh. Một số tỉnh/thành có bố trí nguồn tài chính để giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh nhưng cũng rất ít và không đủ giải quyết.
4.2. Kiến nghị:
- Sửa đổi và hoàn thiện Luật BVMT năm 2014 về quy định trách nhiệm giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh.
- Sớm ban hành Quy chế phối hợp giải quyết SCMT liên tỉnh giữa các Bộ với các Bộ, giữa cơ quan Trung ương với địa phương và giữa địa phương với địa phương.
- Bộ TN&MT xây dựng và ban hành hướng dẫn giải quyết, khắc phục SCMT liên tỉnh.
- Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh/thành bố trí nguồn tài chính, con người cũng như đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát để giải quyết SCMT liên tỉnh;
Bùi Hoài Nam, Lưu Thị Hương, Nguyễn Thị Thu Thảo
Viện Khoa học Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 2/2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo công tác BVMT năm 2019
3. Phạm Văn Lợi, Bùi Hoài Nam và cộng sự (2018), Điều tra, khảo sát, xây dựng hướng dẫn giám định thiệt hại về môi trường và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường
4. Nguyễn Hồng Quang (2018), Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó SCMT
5. Quyết định 09/2020/QĐ-TTg quyết định của Thủ tướng ngày 18/3/2020, ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải.
CURRENT SITUATION OF RESOLUTION OF PROVINCIAL ENVIRONMENTAL INCIDENTS IN SOME PROVINCES/CITY AND PROPOSED SOLUTIONS Bui Hoai Nam, Luu Thi Huong, Nguyen Thi Thu Thao Environmental Science Institute Abstract The research topic with the purpose of assessing the situation of addressing and resolving inter-regional/inter-provincial environmental incidents in some provinces/cities in the past time to propose some solutions. Based on the results of surveys of officials in some provinces, inter-provincial environmental incidents (2 or more provinces) in the past 10 years have been increasing. Most inter-provincial environmental incidents happened in the past by the central agency to resolve, but still 17.5% of management officials said that some inter-provincial environmental incidents were not promptly addressed (provinces/city to work together to resolve it). Up to 28.1% said that the coordination in addressing inter-provincial environmental incidents between the central government and localities and localities with localities was not good, but 26.3% said that they did not coordinate to solve and resolve incidents. The reason is that the responsibilities of ministries, branches and localities dealing with inter-provincial environmental incidents are still general; Lack of guidance on procedures and regulations for coordination. Regarding resources to solve inter-provincial environmental incidents: up to 21/34 provinces/cities (61.8%) do not have state budget allocations to resolve and overcome inter-provincial environmental incidents. A number of proposed solutions: building mechanisms to resolve and overcome inter-provincial environmental incidents; Promulgate a Regulation on coordination in dealing with inter-provincial environmental incidents; Develop guidelines for addressing and overcoming inter-provincial environmental incidents; Establishing a fund to resolve and overcome inter-provincial environmental incidents and financial mechanisms to address inter-provincial environmental incidents; Invest in an inter-provincial environmental incidents monitoring and supervision system ... Keywords: Resolving and overcoming inter-provincial environmental incidents, Inter-provincial environmental incidents; |