Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Tìm hiểu việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường đối với hoạt động sinh kế của người dân tại Bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn, Huyện Ðiện Biên

27/09/2017

     Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMT) rừng tại tỉnh Điện Biên bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Có thể khẳng định đây là chính sách đúng đắn, góp phần tăng thu nhập cho người trực tiếp bảo vệ rừng, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.

     Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn tình trạng nợ đọng tiền chi trả DVMT rừng, mức chi trả DVMT rừng còn thấp, có sự chênh lệch lớn về đơn giá chi trả bình quân cho 1 ha rừng trên địa bàn tỉnh; chính sách về đất đai, sự tiếp cận và hưởng lợi của các đối tượng trên cùng một địa bàn là khác nhau. Do đó, tìm hiểu việc thực hiện chính sách chi trả DVMT đối với hoạt động sinh kế của người dân địa phương tại bản Mường Pồn, xã Mường Pồn 2, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho thấy, hiệu quả chính sách của nhà nước khi đi vào cuộc sống.

     1. Khái niệm về chi trả DVMT và chi trả môi trường rừng

     Chi trả DVMT

     Có nhiều khái niệm về Chi trả DVMT (PES). Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng khái niệm được quy định trong Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Theo đó, chi trả DVMT rừng là quan hệ kinh tế giữa người sử dụng các DVMT rừng trả tiền cho người cung ứng DVMT rừng.

     Chi trả DVMT rừng

     Theo Điều 6, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, chi trả DVMT rừng là quan hệ cung ứng và chi trả giữa bên sử dụng DVMT rừng. Cụ thể, việc chi trả được thực hiện theo hai hình thức đó là: chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp.

     Chi trả trực tiếp là bên sử dụng DVMT rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng DVMT rừng. Chi trả trực tiếp được áp dụng trong trường hợp bên sử dụng DVMT rừng có khả năng và điều kiện thực hiện việc trả tiền cho bên cung ứng DVMT rừng không cần thông qua tổ chức trung gian. Chi trả trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận tự nguyện giữa bên sử dụng và cung ứng rừng phù hợp với quy định của Nghị định, trong đó mức chi trả không thấp hơn mức do Nhà nước quy định đối với cùng một loại DVMT rừng.

     Chi trả gián tiếp là bên sử dụng DVMT rừng trả tiền cho bên cung ứng DVMT rừng ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức làm thay nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định. Chi trả gián tiếp được áp dụng trong trường hợp bên sử dụng DVMT rừng không có khả năng và điều kiện trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng DVMT rừng mà thông qua tổ chức trung gian theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6. Chi trả gián tiếp có sự can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước, giá DVMT rừng do Nhà nước quy định.

     Các loại rừng và loại DVMT rừng được chi trả DVMT rừng theo quy định tại Điều 4 như sau:

     Rừng được chi trả tiền DVMT rừng là các khu rừng có cung cấp một hay nhiều DVMT rừng theo quy định tại khoản 2 gồm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

     Loại DVMT rừng được chi trả bao gồm:

a. Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối;

b. Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội;

c. Hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững;

d. Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch;

đ. Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.

     2. Địa điểm và đối tượng nghiên cứu

     Địa điểm nghiên cứu thuộc xã Mường Pồn, là vùng đặc biệt khó khăn 135 thuộc huyện Điện Biên, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên 20 km về phía Tây Bắc chạy dọc theo Quốc lộ 12.

     Diện tích tự nhiên toàn xã: 12.518,77 ha. Trong đó diện tích đất có rừng được chi trả 3.850,59 ha rừng; được phân theo mục đích sử dụng, rừng phòng hộ: 2.791,81ha; rừng sản xuất: 1.058,78 ha. Theo nguồn gốc hình thành, rừng tự nhiên: 3.849,92 ha, rừng trồng: 0,67 ha.

     Loại chủ quản lý, diện tích được chi trả: Cộng đồng: 10 cộng đồng; Diện tích: 3.768,32 ha. Hộ gia đình: 18 hộ; Diện tích: 82,270 ha.

     3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

     3.1. Các hoạt động PES mà cộng đồng và người dân tham gia

     Để có số liệu phục vụ việc viết báo cáo, nhóm tác giả đã đi xuống bản Mường Pồn 2 phỏng vấn người dân, ưu tiên các đối tượng nghèo, cận nghèo, bị tác động bởi Biến đổi khí hậu (BĐKH), phụ nữ đơn thân. Kết quả cho thấy, từ khi triển khai chính sách chi trả DVMT rừng (năm 2011), các hoạt động bảo vệ rừng của cộng đồng bản Mường Pồn được triển khai xuống cho các hộ dân. Bản thành lập tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 12 thành viên nòng cốt là các thanh niên.Hàng tháng, bản tổ chức từ 1 - 2 lượt tuần tra bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Số vụ vi phạm về lâm luật không xảy ra.

     Khi thực hiện PES, cộng đồng và người dân được tham gia các lớp tập huấn về PES do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh tổ chức. Ngoài ra, còn có các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức... Qua các đợt tập huấn, người dân hiểu biết hơn về BĐKH, tác động của việc quản lý bảo vệ rừng cũng như ảnh hưởng của việc tàn phá rừng đến đời sống của người dân như: nguồn nước, sâu bệnh hại, hạn hán, lũ lụt…

      Vai trò của phụ nữ cũng được quan tâm hơn khi các hoạt động của phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong việc thu hái các lâm sản ngoài gỗ để sử dụng sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình trong thôn bản. Điều này thể hiện rõ nhất khi tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng và sửa đổi quy ước quản lý bảo vệ rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng thôn bản.

     Người dân đã quan tâm đến việc quản lý bảo vệ rừng của thôn bản, nhiều ý kiến tham gia xây dựng quy ước, hương ước thôn bản, trong đó có quy ước quản lý bảo vệ rừng thôn bản đã được đưa ra và tất cả các hộ dân nhất trí thực hiện.

     Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng đã không còn vụ cháy rừng nào xảy ra. Số lượng hộ dân đăng ký trồng rừng cũng tăng, thể hiện qua các số liệu cấp phát giống cây trồng hàng năm…

 

Bảng 1:  Mức độ tham gia của các nhóm đối tượng

Đối tượng

Tham gia các hoạt động tập huấn

PES

Trồng trọt

Chăn nuôi

Sức Khỏe

Bảo vệ rừng

Bảo vệ môi trường

Hộ giầu

 

 

 

 

 

 

Hộ trung bình

t

t

t

t

t

t

Hộ cận nghèo

t

t

i

t

t

t

Hộ nghèo

t

i

i

i

t

t

Hộ bị tác động của BĐKH

t

i

i

i

t

t

    Nguồn: Nhóm điều tra (2015)     Chú giải:  t: thường xuyên; i: ít tham gia

 

     Qua Bảng 1 cho thấy, các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ bị tác động bởi BĐKH ít tham gia lớp tập huấn hơn nhóm hộ trung bình, hộ cận nghèo. Qua tìm hiểu, nhóm hộ nghèo, hộ bị tác động bởi BĐKH thường ít đất sản xuất do sạt lở, không có trâu, bò hoặc có thì bị chết do thời tiết giá rét, dịch bệnh nên các hộ này thường ít quan tâm và đi dự các lớp tập huấn. Mặt khác, họ thường phải đi làm thuê nên không thường xuyên có mặt trên địa bàn.

     3.2. Thay đổi trong sinh kế người dân khi triển khai thực hiện PES

     Chi trả DVMT rừng góp phần vào việc cải thiện sinh kế của bà con trong xã, đặc biệt là các hộ gia đình còn nghèo đói: Mua cây, con giống, lợn, gà, gióng lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, trừ cỏ… Số tiền chi trả cho cộng đồng, người dân tuy không lớn khoảng 2.563.000 đồng/hộ/năm (Nguồn: Nhóm điều tra năm 2015) nhưng được người dân đồng tình ủng hộ, đặc biệt là làm thay đổi cách nghĩ về việc quản lý bảo vệ rừng, từ đó người dân có ý thức trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với các chương trình (CT) dự án khác như CT 135 giai đoạn 2, CT Nông thôn mới, CT hỗ trợ sản xuất... thực hiện trên địa bàn xã Mường Pồn trong những năm qua đã từng bước góp phần nâng cao kiến thức về trồng trọt như trồng lúa lai, chăm sóc vườn cây ăn quả (cam), chăn nuôi trâu, bò... Ngoài ra, người dân còn được tiếp cận nguốn tín dụng có lãi suất thấp của ngân hàng để phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

Bảng 2: Các nguồn thu nhập chính của người dân bản Mường Pồn 2

 

    Nguồn: Nhóm tác giả

 

     Bảng 2 cho thấy, người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả tiền DVMT rừng. Trong thời gian qua, tại những nơi triển khai chính sách chi trả DVMT rừng, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn. Đồng thời, môi trường rừng từng bước được bảo vệ, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết nước của rừng trên địa bàn bản. Kết quả từ việc thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên.

     Bản Mường Pồn 2 nằm ngay trung tâm xã và cũng là một trong những bản được Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường bê tông, trường học, trạm y tế...) theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

     3.3. Đóng góp của PES trong cải thiện sinh kế

     Việc thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng ở bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn bước đầu đã tăng thu nhập cho người dân. Trước đây nguồn thu nhập chính của dân bản Mường Pồn 2 là từ trồng trọt, chăn nuôi và thu hái lâm sản nhưng do nhiều lý do về đất đai, thời tiết, khí hậu thất thường cộng với chi phí cao... nên thu nhập của người dân thấp. Vì thế, tiền công bảo vệ rừng từ PES đã góp phần giải quyết những khó khăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo những chi phí sinh hoạt; còn các hộ có thu nhập như hộ giàu và trung bình sử dụng tiền để mua giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, cho con đi học... Tuy nhiên, người dân cho biết, với số tiền từ PES trên 2 triệu đồng/năm là quá ít, vì vậy chưa cải thiện rõ rệt sinh kế của người dân.

     4.  Kết luận và khuyến nghị

     4.1. Kết luận

     Từ khi chính sách chi trả DVMT rừng được thực hiện và đi vào cuộc sống cùng với các chính sách hỗ trợ khác, nguồn sinh kế của cộng đồng được cải thiện, đặc biệt là nhóm hộ nghèo sống phụ thuộc vào rừng. Do vậy, việc tác động của các cộng đồng thôn bản vào rừng giảm, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, rừng được bảo vệ tốt hơn, diện tích rừng được giữ vững. Từ đó góp phần vào việc bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn tỉnh Điện Biên, đảm bảo duy trì nguồn nước ở các lưu vực cho các nhà máy thủy điện, nhà máy nước hoạt động và hạn chế những tác động do BĐKH gây ra như: Lũ lụt, hạn hán, sạt lở, sâu bệnh hại…

     Từ những phân tích đánh giá trên nhận thấy, tiền chi trả DVMT rừng góp phần cải thiện sinh kế, giúp người dân gia tăng sản xuất, giảm bớt đói nghèo. Ý thức trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng của người dân được nâng cao nên rừng được bảo vệ tốt hơn.

     Đối với nhóm hộ nghèo và cận nghèo, nguồn tiền từ chi trả DVMT rừng tác động tới sinh kế của người dân, góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, đầu tư cho con em đến trường và khám chữa bệnh. Còn với nhóm hộ giàu và trung bình so với nguồn thu nhập hàng năm thì nguồn tiền chi trả DVMT rừng không đáng kể, tuy nhiên nguồn tiền này cũng đóng góp một phần nhỏ vào sinh kế hàng năm của nhóm hộ này.

     4.2. Những khuyến nghị

     Để thực hiện PES có hiệu quả, góp phần nâng cao sinh kế của cộng đồng địa phương nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung, nhóm nghiên cứu xin đưa ra một số khuyến nghị sau:

- Cần kiện toàn tổ chức, bộ máy điều hành cấp tỉnh Điện Biên và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng địa phương do chức năng chồng chéo khi triển khai thực hiện, dẫn đến nhiều hoạt động còn chậm trễ;

- Xây dựng quỹ điều tiết để điều chỉnh hợp lý tiền chi trả giữa các khu vực;

 - Có cơ chế chia sẻ lợi ích và tiếp cận hưởng lợi trong cộng đồng hợp lý bởi số tiền chi trả cho các cộng đồng, hộ gia đình có sự chênh lệch.

 

Trần Xuân Tâm và các cộng sự1

1Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

 (Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017)

 

Ý kiến của bạn