Nghiên cứu nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong cộng đồng ngư dân nghèo ven biển tỉnh Ninh Bình
15/09/2015
Bài viết đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua các hiện tượng: bão, nhiệt độ, xâm mặn và nước biển dâng đến nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, phân tích thực trạng thu nhập và sinh kế, chỉ ra các yếu tố làm giảm năng lực phát triển nghề thủy sản. Khuyến nghị giải pháp tích hợp đồng bộ thích ứng với BĐKH trên các phương diện giáo dục, truyền thông; bảo tồn ĐDSH biển; ứng phó với BĐKH trên phương diện tài chính; dịch vụ khuyến ngư, đào tạo nghề thủy sản; liên kết phòng ngừa rủi ro, hạn chế ảnh hưởng của BĐKH trong cộng đồng ngư dân nghèo ven biển tỉnh Ninh Bình.
Năng lực thích ứng với BĐKH được hiểu là khả năng của một hệ thống để điều chỉnh đối với BĐKH, nhằm giảm nhẹ các thiệt hại tiềm tàng, tạo cơ hội hoặc đối phó với những hậu quả [1]. Những nỗ lực nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH thường dựa trên 4 yếu tố: Cung cấp, tiếp cận và sử dụng thông tin; Tham dự và tham gia; Trách nhiệm về pháp lý; Năng lực tổ chức.
Ở Việt Nam, theo tính toán, nhiệt độ trung bình có thể tăng lên 30oC và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập [2]. BĐKH gây ra những tác động đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già, làm suy sản lượng nguồn lợi tài nguyên thủy sản và ảnh hưởng tiêu cực lên các hệ sinh thái [3].
Ninh Bình có trên 15km bờ biển trong đó có xã Kim Đông, nằm ở cực Nam của huyện Kim Sơn. Kim Đông thành lập năm 1998, diện tích tự nhiên 652 ha, hàng năm phù sa bồi đắp mở rộng thêm ra biển hơn 100m đất, đây là nơi lấn biển lớn nhất nước ta hiện nay. Môi trường đa dạng sinh học cao được UNESCO đưa vào vùng bảo vệ đặc biệt của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Diện tích mặt nước chiếm hầu hết diện tích đất nông nghiệp, phần lớn người dân sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, tỷ lệ hộ nghèo còn cao [4]. Ngư dân nghèo gặp khó khăn về nguồn lực và kiến thức, nay đứng trước ảnh hưởng của BĐKH, họ rất cần được nâng cao năng lực để có những lựa chọn và biến những lựa chọn này thành hành động ứng phó với BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế hiện tại và tương lai.
ThS. Đỗ Xuân Đức
Đại học Quốc gia Hà Nội
ThS. Vũ Thị Nự
Cộng tác viên Dự án
(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2015)