Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Ngành Y tế nỗ lực thực hiện tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường

11/02/2020

     Trong thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Y tế dự phòng được tăng cường đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần... được quan tâm hơn.

     Để giải quyết vấn đề vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, cải thiện sức khỏe người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 về việc lấy ngày 2/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 về việc tổ chức triển khai phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Quyết định số 622/QĐ-TTG ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

     Một số kết quả thực hiện tiêu chí 17 về vệ sinh môi trường (nhà tiêu hộ gia đình)

     Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đưa tiêu chí vệ sinh nhà tiêu vào tiêu chí 17 về vệ sinh môi trường. Mặt khác, Bộ ban hành các văn bản, hướng dẫn Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh lập kế hoạch, triển khai thực hiện công tác truyền thông, kiểm tra giám sát chất lượng nước sạch, nhà tiêu hộ gia đình nhằm góp phần đạt được các chỉ tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vào năm 2020.

     Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động Chiến dịch truyền thông Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (15/10); Ngày Nhà tiêu thế giới (19/11), hưởng ứng Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường... Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân; phổ biến các loại hình nhà tiêu HVS có chi phí thấp phù hợp với điều kiện sinh thái, phong tục tập quán và kinh tế của địa phương nhằm khuyến khích người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS. Một số mô hình truyền thông đã được triển khai thành công là mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; Tiếp thị vệ sinh; Hỗ trợ dựa trên kết quả đầu ra... Nhìn chung, các hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nhà tiêu HVS, thực hành các hành vi vệ sinh và BVMT. Qua đó, các tập quán và hành vi vệ sinh của người dân đã được cải thiện; huy động được sự tham gia của người dân tự bỏ kinh phí xây dựng nhà tiêu HVS.

     Để huy động nguồn lực của các tổ chức quốc tế tham gia thực hiện hợp phần vệ sinh môi trường, Bộ đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef); Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV); Tổ chức tầm nhìn thế giới (World Vision), Tổ chức Cứu trợ nhà thờ thế giới (CWS), Tổ chức Plan International... triển khai các hoạt động để cải thiện vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình.

 

Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn

 

     Trong thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Bộ triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả (PforR) trong giai đoạn 2013-2017 tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng (Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, và Hưng Yên). Kết quả thực hiện Chương trình là số nhà tiêu xây mới đạt 142.938, vượt so với kế hoạch 130.000 nhà tiêu; số người hưởng lợi là 1.456.596 người, vượt so với kế hoạch là 1.275.000 người; số xã vệ sinh toàn xã bền vững là 184 xã, vượt so với kế hoạch là 150 xã vệ sinh toàn xã bền vững. Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ triển khai Dự án Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa vào kết quả - WASHOBA tại 4 tỉnh Bến Tre, Bình Định, Thái Nguyên và Bắc Giang. Kết quả thực hiện Dự án WASHOBA đến năm 2016 đã có 17.207 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và vận động thêm 5.913 hộ lan tỏa không thuộc đối tượng nghèo làm nhà tiêu HVS, góp phần tăng độ bao phủ nhà tiêu HVS ở các tỉnh Dự án triển khai. Tương tự, tỷ lệ bao phủ nhà tiêu HVS đã tăng thêm trong 2 năm thực hiện Dự án CHOBA tại các xã của 8 tỉnh dự án (Hải Dương tăng 17%, Ninh Bình tăng 19%, Thanh Hóa tăng 15%, Hà Tĩnh tăng 20%, Quảng Bình tăng 16%, Tiền Giang tăng 7%, Trà Vinh tăng 8% và Đồng Tháp tăng 6%). Ngoài ra còn một số tổ chức SNV, Plan, IDE, Child Fun... đang triển khai dự án liên quan đến lĩnh vực vệ sinh nông thôn tại một số tỉnh.

     Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố năm 2010, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu là 77%, tuy nhiên tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) là 60%. Các tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu HVS hộ gia đình đạt thấp nhất (dưới 50%) tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long như: Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Trà Vinh, Gia Lai, Vĩnh Long, Bến Tre, Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sơn La, Nghệ An, Sóc Trăng, Cà Mau, Yên Bái.

     Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (tính đến hết tháng 12/2018), tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu trên toàn quốc là 90,5% (tăng 12,5% so với năm 2010); tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu HVS trên toàn quốc là 73,6%, tăng 13,6% so với năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà tiêu HVS phân bố không đồng đều giữa các vùng sinh thái. Khu vực Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ nhà tiêu HVS cao nhất với 94,5%, tiếp theo là các tỉnh đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 80,9% và Duyên hải Nam Trung Bộ với tỷ lệ 83,5%. Miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có tỷ lệ nhà tiêu HVS thấp nhất (lần lượt là 55,3% và 55,4%), tập trung ở các tỉnh như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Vĩnh Long, Sóc Trăng... Đây chủ yếu là những tỉnh có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội khó khăn, tập trung nhiều đông bào dân tộc thiểu số với phong tục tập quán về vệ sinh môi trường chưa được cải thiện.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện tiêu chí 17 về vệ sinh môi trường (nhà tiêu hộ gia đình) cũng gặp một số thách thức. Đó là các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể ở nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác truyền thông. Công tác truyền thông đến từng đối tượng thụ hưởng chưa hiệu quả, chưa có giải pháp đồng bộ gắn liền với đặc điểm địa lý, văn hóa của từng vùng miền. Nhận thức của người dân về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu HVS còn chưa đồng đều giữa các vùng miền. Việc thực hiện các hành vi vệ sinh cá nhân của người dân còn thấp. Việc sử dụng, bảo quản công trình vệ sinh hộ gia đình, trạm y tế chưa có tính bền vững dẫn đến nhiều công trình sau một thời gian sử dụng từ HVS trở thành không HVS.

       Ở Việt Nam hiện còn thiếu khung pháp lý để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và chính sách quốc gia khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực vệ sinh; chưa có sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần tư nhân để phát triển thị trường vệ sinh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ vệ sinh cần được tiếp tục xây dựng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho thị trường vệ sinh phát triển một cách bền vững, đảm bảo mọi đối tượng trong xã hội đều có thể tiếp cận dịch vụ vệ sinh cơ bản, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

     Các giải pháp về tài chính, kỹ thuật đối với nhà tiêu đơn giản, giá thành thấp chưa được thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là đối với nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Thực tế, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu và sử dụng nhà tiêu HVS còn thấp ở những vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Trong bối cảnh, nhận thức và trình độ của người dân ở những khu vực này còn nhiều hạn chế thì việc xây dựng mô hình cụ thể, đơn giản là giải pháp quan trọng giúp người dân tiếp cận với các mục tiêu của Dự án Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

     Định hướng giai đoạn 2020 - 2030

     Mục tiêu đến năm 2030, tất cả mọi người dân được tiếp cận đầy đủ và công bằng vệ sinh, vệ sinh cá nhân, chấm dứt phóng uế bừa bãi, đặc biệt quan tâm đến nhu cầu của phụ nữ, trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Để đạt được mục tiêu này, ngành y tế sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

     Hoàn thiện thể chế chính sách: Rà soát, xây dựng, bổ sung các văn bản, cơ chế chính sách để thúc đẩy vệ sinh và gia tăng sự quan tâm của các cấp chính quyền, xem xét đưa chỉ tiêu vệ sinh vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và của các địa phương; Đề xuất Chương trình dành riêng cho cải thiện vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, bố trí nguồn lực, ưu tiên các vùng vệ sinh kém như đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; Đề xuất mục tiêu phát triển bền vững (SDG6) - Đảm bảo sự sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người, với mục tiêu cụ thể liên quan đến nước và vệ sinh.

     Xây dựng và nhân rộng các mô hình thúc đẩy vệ sinh: Xây dựng mô hình cụ thể, đơn giản giúp người dân ở những vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn tiếp cận và tiếp nhận thực hiện xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS; Phát triển và nhân rộng các mô hình nhà tiêu/thị trường vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh giá rẻ và đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực vệ sinh môi trường; Tổ chức các lớp tập huấn về mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ và tiếp thị vệ sinh cho 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

     Triển khai các chương trình/dự án về vệ sinh nông thôn: Hướng dẫn và triển khai hoạt động liên quan đến cải thiện vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, trạm y tế, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi vệ sinh; Triển khai có hiệu quả Chương trình “Mở rộng Quy mô vệ sinh và cấp nước nông thôn dựa trên kết quả” tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2016 – 2020, Dự án Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh; Phối hợp chặt chẽ với các Dự án của NGOs, các doanh nghiệp thúc đẩy vệ sinh và tiếp tục chỉ đạo các tỉnh triển khai Chương trình/Dự án có hiệu quả.

     Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giám sát:  Hướng dẫn và triển khai Đề án truyền thông về cải thiện Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn 2030 (Quyết định số 6847/QĐ-BYT ngày 13/11/ 2018); Phối hợp với Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện các hoạt động triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Cùng với việc tuyên truyền vận động người dân xây mới/cải tạo nhà tiêu hộ gia đình, đầu tư xây mới/xây thêm công trình vệ sinh cho các trạm y tế, cần tăng cường hoạt động hướng dẫn bảo trì/sửa chữa, sử dụng nhà tiêu để duy trì tình trạng HVS bền vững đối với công trình vệ sinh; Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đảm bảo chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

 

Trần Anh Dũng - Vũ Nhung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

 

Ý kiến của bạn