12/09/2017
Năng lượng tái tạo (NLTT) là dạng năng lượng có trong các nguồn mà về bản chất là vô tận, không giống một số nguồn năng lượng khác như nhiên liệu hóa thạch, là dạng năng lượng cung cấp có giới hạn. Các nguồn NLTT bao gồm năng lượng sinh khối (gỗ, chất thải sinh học), địa nhiệt, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy năng
“Công nghệ NLTT” là các công nghệ trực tiếp hoặc có khả năng được triển khai với mục đích chuyển đổi một cách bền vững các nguồn NLTT thành các nguồn năng lượng thương mại hóa hoặc dạng năng lượng sử dụng cuối cùng như điện, nhiệt, hơi nước, nhiên liệu sinh học… Công nghệ NLTT rất đa dạng. Một số công nghệ đã hoàn thiện và có khả năng cạnh tranh về mặt kinh tế (địa nhiệt, năng lượng gió, thủy điện), ngoài ra còn các công nghệ khác cần được phát triển hơn nữa để trở nên cạnh tranh hơn.
NLTT và người nghèo là khái niệm trái ngược nhau. NLTT là sản phẩm đắt tiền trong khi người nghèo không có nhiều tiền. NLTT cho người nghèo, bản thân đã mang nhiều thách thức và trở ngại cần vượt qua để sử dụng thành công NLTT vì lợi ích người nghèo. Câu hỏi đặt ra là người nghèo có thể đầu tư vào công nghệ NLTT như thế nào vì sức mua của người nghèo là hạn chế. Rõ ràng là sử dụng nhiều NLTT phục vụ người nghèo nằm ngoài tầm với của người nghèo bởi những thách thức và rào cản.
Chính sách về NLTT
Về chính sách và khuôn khổ pháp lý: Mặc dù, có thể tìm thấy một số quan điểm liên quan đến việc phát triển NLTT được nêu trong một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, tuy nhiên Việt Nam chưa có chính sách riêng về NLTT. Việc thiếu một chiến lược hoặc quy hoạch toàn diện cấp quốc gia về sử dụng NLTT để thỏa mãn nhu cầu về năng lượng được xem là rào cản chính đối với việc thúc đẩy sử dụng NLTT. Những rào cản liên quan đến chính sách và khuôn khổ pháp lý để phát triển NLTT như sự phân chia không rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước về NLTT, trợ cấp cho người nghèo còn hạn chế, không miễn các loại thuế và thuế nhập khẩu.
Lập quy hoạch NLTT và phát triển dự án: Trong các chương trình xóa đói giảm nghèo hiện tại như chương trình xóa đói giảm nghèo (Chương trình 133) và chương trình cho các xã nghèo đặc biệt khó khăn ở miền núi và vùng sâu vùng xa (Chương trình 135) không thấy có sự lồng ghép các quy hoạch sử dụng NLTT phục vụ người nghèo. Khi xem xét các nghiên cứu điển hình cho một số tỉnh lựa chọn triển khai các chương trình và dự án liên quan đến năng lượng nông thôn ở Việt Nam cho thấy sự thiếu năng lực chuẩn bị các quy hoạch dự án NLTT nông thôn. Ngoài ra, chính từ quá trình quản lý thiếu số liệu về các nguồn NLTT và nhu cầu năng lượng ở các khu vực nông thôn cũng là một khó khăn nữa trong quá trình xây dựng quy hoạch và dự án về NLTT.
Tiếp cận các nguồn tài chính và mô hình kinh doanh: Các dự án về NLTT là các dự án thường không bền vững về tài chính do công suất lắp đặt nhỏ, nằm ở vùng sâu, vùng xa và doanh thu thấp chủ yếu từ nguồn bán điện phục vụ nhu cầu chiếu sáng từ nông thôn. Thực tế cho thấy, doanh thu từ việc bán điện của các dự án NLTT ở những lưới điện nhỏ, độc lập sẽ không đủ bù đắp chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống, không trang trải được chi phí đầu tư hoặc hoàn vốn đầu tư. Trong những năm qua, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn tài chính chủ yếu của các dự án NLTT. Tuy nhiên, ngân sách Trung ương cũng như của tỉnh rất hạn chế và còn phải chi vào nhiều nhu cầu khác nhau nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho các dự án NLTT trong tương lai sẽ rất khó khăn.
Cả khu vực tư nhân cũng không tham gia tích cực vào điện khí hóa nông thôn vì các dự án NLTT thường không khả thi về mặt tài chính do quy mô nhỏ. Vì vậy, nếu không có những khuyến khích từ chính quyền như viện trợ không hoàn lại, trợ cấp, miễn thuế và thuế nhập khẩu thì những dự án này không thể thu hút sự chú ý của khu vực tư nhân.
Ngân hàng và các tổ chức tín dụng địa phương chỉ cho vay ngắn hạn vì cho rằng đầu tư vào dự án NLTT nông thôn có rủi ro cao, quản lý phức tạp, chi phí quản lý cao và lợi nhuận thấp.
Chi phí đầu tư của các công nghệ NLTT: Chi phí đầu tư cho loại hình công nghệ này vẫn còn cao, làm cho người nghèo không còn khả năng chi trả. Trên thực tế, công nghệ NLTT vẫn chưa phát triển ở Việt Nam. Nguyên nhân chính xuất phát từ năng lực tài chính của các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong nước hạn chế, trong khi đó về phía Nhà nước vẫn chưa có những cơ chế khuyến khích hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển NLTT. Thị trường về công nghệ NLTT không lớn cũng là nguyên nhân của việc các tổ chức nghiên cứu trong nước không tích cực.
Cơ sở nhận thức và kiến thức: Nhận thức và kiến thức về NLTT của cán bộ chính quyền địa phương ở cấp huyện và cấp xã còn thấp. Họ thụ động trong việc phổ biến các công nghệ NLTT ở địa phương. Trong những năm gần đây, dù hoạt động phổ biến thông tin và tuyên truyền lợi ích của việc sử dụng NLTT đã tiến bộ hơn, nhiều hội thảo, khóa đào tạo đã được tổ chức, một số chương trình được giới thiệu trên truyền hình, nhiều bài báo được xuất bản. Nhưng những biện pháp tuyên truyền này người nghèo không thể tiếp cận được. Cần có những biện pháp tuyên truyền khác để phổ biến thông tin về công nghệ NLTT riêng cho người nghèo và người dân nông thôn.
Các ứng dụng thực tiễn đã thành công
Việc sử dụng NLTT ở dạng nguyên thủy là rất ít. Để NLTT có ích hơn cần phải đầu tư công nghệ NLTT thích hợp để chuyển sang dạng năng lượng hữu ích để sử dụng cuối cùng. Rõ ràng là sử dụng nhiều NLTT phục vụ người nghèo nằm ngoài tầm với của người nghèo. Điều này cần có sự tham gia của chính phủ, kể cả khu vực nhà nước hoặc tư nhân trong việc đầu tư vào hệ thống NLTT ở những vùng nghèo.
Đáng chú ý trong đánh giá có sự tham gia của cộng đồng làm cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung có xu hướng ưu ái những khía cạnh cuộc sống thuộc trách nhiệm của phụ nữ như giảm công sức và thời gian thu nhặt củi, tiết kiệm thời gian và công sức đun nấu, giảm tác động tiêu cực của việc đun nấu bằng sinh khối trong nhà đối với sức khỏe phụ nữ, cải thiện an ninh và khả năng tham gia vào cộng đồng của phụ nữ, làm cho công việc nhà của phụ nữ dễ dàng hơn tăng năng suất lao động của phụ nữ...
Số lượng các tổ chức trong nước nghiên cứu và phát triển NLTT không nhiều. Một số tổ chức trong nước (IOE, IWRR, HUT, HCMUT, SOLARLAB...) đã nghiên cứu và chế tạo các hệ thống thủy điện nhỏ, hệ thống năng lượng gió quy mô nhỏ và hệ thống pin mặt trời. IOE (trực thuộc EVN/MOIT) và IWRR (trực thuộc MARD) là những cơ quan dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ thủy điện tại Việt Nam. Viện Cơ điện Nông nghiệp và Viện Công nghệ sau trực thuộc MARD là những đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng sinh khối. Một số tổ chức nghiên cứu khác như Trung tâm nghiên cứu NLTT (Đại học Bách Khoa Hà Nội), SOLARLAB (Phòng Phát triển công nghệ điện mặt trời, trực thuộc Viện Vật lý TP. Hồ Chí Minh), VACVINA... đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những thiết kế công nghệ NLTT của họ, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, gió, khí sinh học, bếp đun cải tiến.
Qua đánh giá một số dự án NLTT đã hoàn thành, một vài công nghệ NLTT đã được xác định là có hiệu quả, đã được thử nghiệm và xác định phù hợp để áp dụng rộng rãi cho người nghèo ở các khu vực nông thôn như các hệ thống thủy điện nhỏ ngoài lưới điện quy mô cộng đồng (phục vụ một nhóm nhỏ vài hộ gia đình cá biệt); hầm khí sinh học quy mô gia đình; các loại bếp lò dùng củi tạo ít khói, hiệu quả cao; các loại bếp lò sản xuất ra than củi sạch từ các nguồn sinh khối của địa phương; các hệ thống thủy điện nhỏ và pin mặt trời quy mô hộ gia đình...
Một số mô hình tài chính phù hợp đã được áp dụng thành công ở các dự án và chương trình NLTT đã hoàn thành và đang thực hiện.
Các mô hình đồng tài trợ: Những mô hình này được áp dụng để thực hiện một số dự án thủy điện nhỏ ở Võ Nhai - Thái Nguyên thuộc dự án EASE và các dự án thí điểm tại Hà Giang, Quảng Nam thuộc chương trình VSRE. Nguyên tắc chính của các mô hình này là vốn đầu tư đến từ các nguồn khác nhau như viện trợ không hoàn lại, trợ cấp từ ngân sách Chính phủ, đóng góp của các hộ gia đình, các khoản vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Mô hình kinh doanh theo định hướng thị trường: Những mô hình thuộc loại này đã được áp dụng để triển khai hệ thống khí sinh học thuộc “Dự án hỗ trợ dự án cho chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi gia súc ở Việt Nam” để phổ biến rộng rãi loại bếp đun bằng khí sinh học VACVINA và các bếp lò sinh khối đã được cải tiến thuộc dự án EASE. Nguyên tắc chính của mô hình là giai đoạn đầu, nguồn vốn của dự án sẽ viện trợ không hoàn lại với một tỉ lệ phần trăm hợp lý của cả tổng chi phí hệ thống, các hộ gia đình tham gia chi trả phần còn lại bằng ngân quỹ gia đình hoặc các khoản vay từ quỹ tín dụng và ngân hàng địa phương. Song song với việc xây dựng hệ thống, các hoạt động khác (mở cửa hàng, tiếp thị, quảng cáo, đào tạo cán bộ kỹ thuật) được thực hiện để xây dựng thị trường cho công nghiệp khí sinh học. Đây được coi là mô hình phù hợp cho hệ thống NLTT giá rẻ hoặc trung bình.
Mô hình tự đầu tư: Mô hình đã được áp dụng để phổ biến bếp lò làm than củi và bếp hiệu suất cao trong dự án PACODE. Vì hệ thống công nghệ này rẻ và có thể do nguời nghèo xây dựng nên với nguyên vật liệu đơn giản và sẵn có quanh nhà, do đó dự án cần chuyển giao công nghệ cho người nghèo để tự xây dựng những hệ thống NLTT.
Sự tham gia của các tổ chức cộng đồng địa phương như Hội Phụ nữ xã, Hội Nông dân là những nhân tố chính để thực hiện thành công các dự án về NLTT ở khu vực nông thôn. Các tổ chức cộng đồng này sẽ đóng vai trò các tư vấn kỹ thuật địa phương, cơ quan tiếp thị, nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ.
Một số giải pháp khả thi nhằm đưa dự án NLTT tạo tiếp cận vào khu vực nông thôn, người nghèo
Một là, bắt đầu từ nhu cầu, các hệ thống năng lượng mới nên bắt nguồn từ tình hình thực tế và các nhu cầu của các hộ gia đình. Nếu không, các mô hình đề xuất sẽ không nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía đối tượng người nghèo.
Hai là, đơn giản về mô hình. Các mô hình năng lượng triển khai cho người nghèo phải đơn giản để người dân đã tham gia các khóa đào tạo có thể xây dựng và vận hành các mô hình này.
Ba là, mang lại lợi nhuận. Các mô hình được triển khai và nhân rộng phải mang lại lợi nhuận để các hộ gia đình với năng lực tối thiểu có thể huy động các nguồn lực có sẵn (lực lượng lao động, vật liệu đơn giản) để triển khai các hoạt động với sự hỗ trợ tối thiểu từ các chuyên gia của chương trình.
Bốn là, mô hình tự đầu tư đã được ứng dụng thành công cần được nhân rộng để phổ biến rộng rãi, ví dụ mô hình bếp lò làm than củi và bếp hiệu suất cao trong dự án PACODE. Vì các hệ thống này rẻ, mang lại lợi nhuận và có thể sử dụng những vật liệu đơn giản do người nghèo xây dựng nên.
Năm là, sự hiện hữu của các hướng dẫn kỹ thuật ở địa phương với hướng dẫn đã được huấn luyện kỹ, những khó khăn về kỹ thuật đã được giải quyết ngay từ đầu.
Sáu là, chú trọng vào xây dựng năng lực thiết yếu. Nhóm hướng dẫn kỹ thuật tại địa phương đã được tham quan học tập ở nước ngoài để tiếp thu những kỹ thuật và kinh nghiệm thực hiện thành công. Sau các mô hình thí điểm, phương pháp của mỗi mô hình nên được ghi lại thành các hướng dẫn để nhân rộng ở những nơi khác.
Bảy là, tổ chức dự án tốt với cấu trúc tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đồng thời, với sự tư vấn thì việc hỗ trợ cho từng địa điểm dự án được đưa ra kịp thời bất cứ khi nào có vấn đề xảy ra và cần giải quyết ngay.
Tám là, các dự án năng lượng cho người nghèo nên được lồng ghép và dự án cộng đồng toàn diện. Cách tiếp cận này có thể sử dụng để thiết kế các dự án NLTT trong tương lai.
NLTT là một chìa khóa để giải quyết một số vấn đề về môi trường, tạo ra lợi nhuận, thu hút và gắn kết người nghèo vào các hoạt động BVMT, cải thiện sinh kế. Về tương lai, công nghệ sử dụng NLTT sẽ là “chìa khóa” để mở cánh cửa cho nền kinh tế chuyển đổi theo hướng mô hình kinh tế xanh. Chính vì vậy, ngày từ bây giờ, cần có những hoạch định, chính sách áp dụng và nhân rộng các mô hình công nghệ NLTT vào thực tiễn.
Đại úy, TS. Chu Xuân Đức1
Thượng úy, ThS.Bùi Phương Thảo1
Khoa Cảnh sát môi trường - Học viện Cảnh sát Nhân dân1