Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Môi trường sinh thái biển đảo Lý Sơn và giải pháp phát triển bền vững

14/09/2017

     Khu bảo tồn biển (KBTB) Lý Sơn đã được phê duyệt trong danh mục 16 KBTB Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg năm 2010. KBT được chia thành 3 vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái (HST) vùng triều, cỏ biển và rạn san hô độ sâu từ 3 đến 20 m; vùng phục hồi sinh thái thuộc khu vực đảo Lớn và đảo Bé trên diện tích gần 2.000 ha, bảo vệ các loài sinh vật biển; vùng phát triển trên diện tích 4.500 ha gồm âu cảng và phần biển bao quanh.

     Lý Sơn - tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) và HST đặc thù

 

Hình 1. Khu vực biển đảo Lý Sơn

 

     Lý Sơn có vùng biển với sự ĐDSH cao, hệ sinh thái (HST) điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển và nhiều hải sản quý hiếm. HST thảm cỏ biển gồm 6 loài (Cymodocea rotundata, Halodule pinifolia và Halodule uninervis, Thalassia hemprichii, Halophila ovalis và Halophila minor ). So với các vùng biển khác, Lý Sơn có ĐDSH cỏ biển cao, với 7 loài, tương đương với chỉ kém Phú Quý 8 loài, Phú Quốc 9 loài, Côn Đảo 10 loài. Cỏ biển phân bố rải rác quanh đảo nhưng tập trung tại phía Tây Nam và Đông Nam. Nghiên cứu mặt rộng của Lý Sơn cho thấy, cỏ biển thường phân bố ở độ sâu 0,5 đến 2 m có nơi đến 3 m; Cỏ biển phân bố chỉ cách bờ khoảng 150 m. Loài chiếm ưu thế là Cymodocea rotundata, tiếp đến là Thalassia hemprichii. Hai loài Halodule pinifolia và Halophia ovalis chỉ phân bố ở phía Nam Tây và phía Nam của đảo và số lượng tương đối ít, chúng chỉ phân bố trong phạm vi 10 m2. Phân bố theo điều kiện nền đáy và động lực sóng: do tính đa dạng loài cao (6 loài) và phân bố cả 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc nên thành 5 dạng cấu trúc phụ thuộc. Diện tích thảm cỏ biển Lý Sơn khoảng 44,7 ha; Độ phủ cỏ biển tại đảo không đồng đều. Nhìn chung, phía Đông Nam và Tây Nam có độ phủ cao hơn những phía còn lại, độ phủ dao động từ 60 đến 80%; Mật độ trung bình là 247-716 cây/m2, khối lượng trung bình là 38,25 đến 104 g khô/m2. 

     Tại Lý Sơn có 85 loài san hô mềm được tìm thấy. Các kết quả phân loại cho thấy, chúng thuộc 10 giống và 5 họ. Giống Sinularia đa dạng nhất với 24 loài, Lobophytum có 15 loài và Sarcophyton có 13 loài; Đảo Lớn có 49 loài trong khi đảo Bé có 20 loài. Thành phần loài ĐDSH san hô mềm dao động ở các điểm khác nhau. Một số loài như Sinilaria arctium, Sinilaria cruciata, Lobophytum delectum, Sarcophyton birkelandi, Xenia umbellata được tìm thấy ở nhiều nơi quanh đảo. Động vật đảo Lý Sơn, thành phần san hô mềm được đánh giá trước tiên. Trong số các mẫu vật thu tại Lý Sơn có 2 giống như Hicksonella và Briareum, có 33 loài đã được tìm thấy tại Việt Nam. Trong số các loài tìm thấy, có 14 loài Sinularia, 9 loài Lobophytum và 6 loài Sarcophyton. Trong đó, một số giống như Hicksonella, Paralemnalia, Nephthea, Xenia, Briareum có một loài. Kết quả cho thấy, đảo Lớn có 26 loài và đảo Bé có 1 loài.

     Đối với HST vùng triều, phần lớn vùng triều ven biển Lý Sơn được tạo thành bởi cát nhỏ, các mảnh vụn san hô, thân mềm, trên bề mặt nền đá gốc hoặc thềm san hô nhộ lên khi nước triều xuống thấp. HST vùng triều ven biển Lý Sơn có giá trị rất lớn đối với công đồng người dân trên đảo.

 

Hình 2. Sơ đồ phân bố cỏ biển đảo Lý Sơn

 

     Vùng biển Lý Sơn có nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi, tạo nên một ngư trường có tính ĐDSH, giàu nguồn lợi hải sản. Vùng biển này không có mùa đông lạnh, nhiệt độ trung bình năm 26,6oC, độ muối ít biến đổi. Đây là khu vực dao nhau của 2 dòng biển ven bờ: dòng biển ấm từ vùng biển Đông Nam bộ trong mùa gió Tây Nam mang lên nhiều chất dinh dưỡng gặp dòng chảy lạnh ven bờ có nhiệt độ thấp tạo ra môi trường phù hợp cho các loài sinh vật biển quần tụ sinh sống.

     Trên đảo có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Hang, chùa Đục, đình làng An Hải, đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự, Bảo tàng đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và 2 miệng núi lửa là Giếng Tiền và Thới Lới... Ngoài ra, Lý Sơn còn có các lễ hội dân gian thu hút sự tham gia của đông đảo dân chúng như: Hội đua thuyền tứ linh, lễ hội đình An Hải, hội dồi bong.

     Huyện đảo Lý Sơn có 5 ngọn núi: Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Giếng Tiên và Hòn Vung. Trong đó, núi Thới Lới chiếm diện tích lớn nhất. Đất đai Lý Sơn do tro núi lửa hình thành nên phì nhiêu, thuận lợi cho việc trồng và phát triển các giống cây có giá trị kinh tế cao như tỏi, hành, đậu xanh, dưa hấu, mè. Đó là ngư trường đánh bắt hải sản lớn và là yếu tố tốt cho việc phát triển kinh tế du lịch trong hiện tại và tương lai. Nhìn chung, huyện đảo Lý Sơn có tiềm năng về khai thác, sử dụng tài nguyên biển để có thể trở thành một trong những trung tâm về nghề cá lớn của tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

     Nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy giảm ĐDSH

    Với việc gia tăng mạnh lương khách du lịch và các hoạt động kinh doanh dịch vụ kèm theo có thể gây quá sức chịu tải môi trường cho đảo và khu vực biển ven đảo, đặc biệt sau khi điện nối lưới đã được đâu từ đất liền ra đảo.

     Ở Lý Sơn, các con đường bao chạy dọc bờ kè biển là trục đường chính trên đảo, mọi hoạt động, đi lại của người dân cũng như khách du lịch đều tập trung trên con đường này nhưng rác thải tràn ngập, ùn ứ dưới các mương thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan của đảo. Nhiều người dân vẫn còn thói quen đổ rác ra biển cho nhanh. Rác thải có thể từ các cư dân sống trên đảo, từ khách du lịch, từ các cơ cở khai thác chế biến thủy sản, ô nhiễm môi trường từ các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển... Nếu như năm 2007, chỉ có 2.071 tổng lượt du khách, thì đến năm 2014 tăng lên 36.500 lượt, năm 2015 đã lên tới 45.000 lượt, năm 2016 có hơn 80.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến Lý Sơn.  Với lượng rác thải “khổng lồ” như hiện nay nhưng chỉ có một đơn vị doanh nghiệp tư nhân đảm nhận việc xử lý thu gom rác thải và mới xây dựng được một cơ sở xử lý. Việc quy hoạch khu tập kết rác, trung chuyển, vận chuyển chưa được quan tâm đầu tư triển khai đồng bộ, nên việc thu gom rác thải vẫn chậm trễ, không triệt để. Trước thực trạng này, UBND huyện đang nghiên cứu cùng với đơn vị nhận thu gom, xử lý rác thải tính toán xây dựng và quy hoạch đồng bộ về quy trình, điểm tập kết, xử lý rác thải. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi sinh môi trường cho người dân, du khách, giữ gìn môi trường biển đảo trong sạch, thân thiện.

     Quá trình xói lở bờ biển gia tăng thể hiện bằng việc tăng cường các công trình gia cố bờ và các đường giao thông ven đảo. Quá trình xói lở này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình qui hoạch và xây dựng trên đảo. Những tác động của con người đến môi trường thể hiện bằng hoạt động khai thác cát trên các thềm và bãi biển làm gia tăng quá trình xâm nhập mặn và xói lở bờ biển.

     Việc sử dụng, khoan giếng không kiểm soát có thể gây nhiễm mặn nguồn nước và đất, ảnh hưởng tới hoạt động canh tác và đời sống của người dân. Vì vậy, phải có các biện pháp khai thác nước ngầm, nước mặt cụ thể để sử dụng tối đa được trữ lượng nguồn nước, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trên đảo. Rõ ràng, nước ngầm cần được ưu tiên cho sử dụng nước sinh hoạt, nước kỹ thuật cho các khu chế xuất, tăng cường bổ sung nguồn nước mặt tưới cho rau màu, cây công nghiệp, chăn thả. Việc khai thác nước ngầm trên đảo cần phải được quản lý cấp phép tránh tình trạng khai thác bừa bãi.

     Nguồn nước thải chưa được xử lý, rác thải sinh hoạt đổ ra biển gây ô nhiễm đất ngập nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, diệt cỏ để làm nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước và hệ động, thực vật thủy sinh.

     Sự ĐDSH, đặc biệt là HST san hô ở vùng biển xung quanh huyện đảo Lý Sơn này bị suy giảm nghiêm trọng bởi tình trạng đánh bắt thủy hải sản quá mức và bằng phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, lưới kéo…

     Vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, do dòng chảy biển ổn định chảy từ phái bắc Biển Đông qua Hoàng Sa có thể mang theo các chất ô nhiễm như dầu tràn, hóa chất gây tác động xấu tới sinh vật và các hệ sinh thái biển khu vực xung quanh đảo Lý Sơn.

     Sinh vật biển di cư như ấu trùng san hô mang lại sự đa dạng cho HST biển Lý Sơn, tuy nhiên nhiều loại có thể gây hại cho các sinh vật tại chỗ.

     Biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất ấm lên có thể gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô, ảnh hưởng tới nơi cư trú và các loài sinh vật đáy biển.

     Đề xuất giải pháp BVMT và phát triển bền vững

     Đối với Quy hoạch, cần phải kết hợp một cách hài hòa giữa yếu tố tự nhiên, văn hóa bản địa với sự tiện nghi, hiện đại. Quy hoạch cũng cần mang tới cho du khách không gian du lịch hấp dẫn nhưng phải tạo môi trường sinh thái bền vững, có bản sắc riêng, mang đến chất lượng dịch vụ du lịch tốt. 

     Thực hiện đầy đủ Quy chế quản lý KBTB được ban hành nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý các HST, bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử, phục vụ phát triển bền vững tại huyện đảo Lý Sơn. Đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm các hoạt động khai thác nguồn lợi sinh vật và phi sinh vật; nuôi trồng thủy sản; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch, nghề cá, ảnh hưởng đến sự sống của các loài thủy sinh trong vùng, cấm các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển. Tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác không được phép qua lại trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của KBT, trừ trường hợp bất khả kháng.

     Các công trình, dự án cần phải có sự tham gia thẩm định của ngành văn hóa trước khi cấp phép đầu tư trên đảo, nhằm đảm bảo những công trình đó không ảnh hưởng đến di sản văn hóa, di sản địa chất. Ngoài ra, cần có một chiến lược bảo tồn được lồng ghép trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đảo Lý Sơn.

     Thúc đấy du lịch sinh thái biển bền vững dựa vào giá trị ĐDSH, cảnh quan các HST thảm cỏ biển, san hô và vùng triều ven biển Lý Sơn bao gồm cả các bãi cát ven. Khuyến khích các dịnh vụ du lịch lặn biển, ngắm san hô và cá biển, các hoạt động câu cá…

     Lồng ghép quy hoạch du lịch sinh thái vào các hoạt động bảo tồn biển nhằm phát triển KT-XH huyện đảo một cách bền vững. Bên cạnh việc xác lập rõ khu vực bảo tồn, các hoạt động như: bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác nguồn lợi sinh vật trái phép, phục hồi HST, tái tạo nguồn lợi, nghiên cứu thăm dò khảo sát, khảo cổ, phát triển hình thái du lịch cộng đồng sẽ được triển khai trong chương trình bảo tồn biển.

     Xem xét lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu, Khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế RAMSAR, khu dự trữ sinh quyển biên đảo và Khu biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA) hay di sản hỗ hợp (thiên nhiên và văn hóa) thế giới UNESCO để trình các cấp thảm quyền công nhận, sẽ làm gia tăng giá trị và vị thế của vùng biển đảo lên tầm cao mới.

 

TS. Dư Văn Toán

Viện Nghiên cứu Biển và hải đảo

 (Tạp chí Môi trường số chuyên đề II năm 2017) 

Ý kiến của bạn