Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Hệ thống Đổi mới và Sáng tạo quốc gia trong thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tại Việt Nam

06/02/2020

     1. Nhu cầu xây dựng hệ thống Đổi mới và Sáng tạo quốc gia thực hiện các mục tiêu khí hậu - phát triển bền vững tại Việt Nam

     Sau 30 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, những thành tựu này đang đứng trước rủi ro, thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Ứng phó với những thách thức từ BĐKH là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của Chính phủ Việt Nam để bảo vệ những thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

     Năm 2015, tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 21 (COP21), Việt Nam cùng 140 quốc gia tham gia ký kết Thỏa thuận Pa-ri về khí hậu, sau đó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo Đóng góp cam kết quốc gia tự quyết định (NDC) ngày 3/11/2016. Báo cáo NDC Việt Nam  đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với cả hai hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hợp phần thích ứng với BĐKH, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thực hiện Thỏa thuận Pa-ri [4].

     Khung thể chế và chính sách sách đã tạo dựng môi trường căn bản cho các hành động khí hậu tại Việt Nam. Tuy nhiên, những thiếu hụt về năng lực và nguồn lực được nhận định và những rào cản chính đối với Việt Nam trong thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH. Trong không gian ngân sách hạn hẹp, mặc dù đã có những ưu tiên nhất định và tập trung nguồn lực để thực hiện, nhưng nguồn lực nhà nước mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu cho các hành động khí hậu. Bên cạnh đó,  năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện còn yếu và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, thiếu hụt công nghệ tiên tiến, đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu, ứng dụng cũng như vận hành khoa học và công nghệ.

     2. Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

     Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bên cạnh xây dựng khung chính sách và huy động các nguồn hỗ trợ tài chính, xây dựng một Hệ thống đổi mới và sáng tạo quốc gia (NSI) tạo môi trường đổi mới khoa học, công nghệ là chìa khóa để các quốc gia thay đổi mô hình phát triển, hướng tới mô hình phát triển tiết kiệm và hiểu quả, phát thải thấp, thân thiện với môi trường và chống chịu với khí hậu [5].

     Phương pháp tiếp cận NSI giả định, những đổi mới được phát sinh từ quá trình học tập tương tác và sự hợp tác giữa các công nghệ, tổ chức và tổ chức, do đó mô hình NSI được xác định như một mạng lưới quốc gia bao gồm các nhân tố là các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; môi trường pháp luật; các mối liên kết làm thay đổi công nghệ quốc gia.

      Nỗ lực của các chính phủ nhằm xây dựng và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua tăng cường hiệu quả trong hoạt động của các nhân tố như các trường đại học, viện nghiên cứu, vườn ươm công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh, khuôn khổ thể chế và pháp luật, tạo chất xúc tác cho quá trình liên kết giữa các hoạt động phát triển khoa học kỹ thuật phù hợp với chủ trương phát triển, chính sách pháp luật và đặc điểm của từng quốc gia. Dựa trên các bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống đổi mới và sáng tạo của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể vận dụng linh hoạt và đưa ra các mô hình phù hợp tạo động lực lớn phát triển năng lực khoa học công nghệ quốc gia nói chung, khoa học công nghệ khí hậu nói riêng.

     2.1. Kinh nghiệm xây dựng NSI của Ấn Độ: Tăng cường tương tác và mối liên hệ các nhân tố trong hệ thống đổi mới sáng tạo trong nước tiến tới hội nhập quốc tế.

     Ngày nay, Ấn Độ là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với trình độ khoa học kỹ thuật phát triển. Chính sách của Chính phủ Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ như là hai công cụ giúp đem lại công bằng xã hội và phát triển kinh tế, hiện thực hóa ước mơ trở thành nước phát triển vào năm 2020. Điều này thể hiện qua chính sách liên quan đến khoa học công nghệ ngay từ năm 1958 với định hướng chính: Nuôi dưỡng, thúc đẩy và duy trì những hạt giống khoa học trong nước, bảo đảm đem lại cho người dân tất cả lợi ích thu được từ việc tiếp nhận và ứng dụng tri thức khoa học.

     Ấn Độ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về đặc điểm KT-XH và khó khăn trong xây dựng môi trường phát triển KHCN. Nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, và nguy cơ dễ bị tổn thương cao đối với BĐKH. Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển và đổi mới KHCN quốc gia bị chi phối bởi các cơ quan chính phủ - cả tài trợ (45,2% của chính quyền Trung ương, 7,4% của chính quyền tiểu bang và khu vực tư nhân là 47.4, trong đó các doanh nghiệp tư nhân nội địa chỉ chiếm 5,5%). Tổng mức đầu tư cho R&D thấp, tương đương 0,78% GDP trong khi mức trung bình toàn cầu 2,2%.

     Chính phủ Ấn Độ đã xác định xây dựng NSI có tính đồng bộ, hệ thống sẽ tác động mạnh mẽ tới quá trình phát triển, khuếch tán và khuyến khích đổi mới (ở đó đổi mới là giới thiệu thương mại của một "công nghệ" mới đối với thế giới hoặc mới đối với các vùng  và các ứng dụng).

     Một trong những nguyên nhân chính làm giảm hiệu suất của NSI là các vấn đề tồn tại liên quan đến giáo dục, cụ thể là đầu tư hạn chế trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng KHCN trong các trường học, các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, thiếu sự tương tác giữa các trường học với các ngành công nghiệp; Chính phủ; các trung tâm R&D của các công ty đa quốc gia tại Ấn Độ. Để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tiền đề cho phát triển NSI, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành chính sách hỗ trợ và tăng cường chi tiêu cho giáo dục tới 4% GDP, song song với nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục đại học, loại bỏ dần các cơ sở giáo dục có chất lượng thấp, không đạt tiêu chuẩn. Với một loạt chính sách mở cửa đối với hoạt động công nghệ cao, liên kết trong R&D công nghệ cao với các công ty đa quốc gia đã cải thiện đã nâng cao đáng kể trình độ KHCN của quốc gia.

     2.2. Kinh nghiệm Hàn Quốc: Hội nhập và phát triển, chuyển giao công nghệ cao

     Hàn Quốc từng là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với quy mô thị trường nhỏ, nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp và năng lực công nghệ thấp, chịu nhiều ảnh hưởng sau chiến tranh.

     Trong một thời gian ngắn, Hàn Quốc là một quốc gia thành công trong phát triển kinh tế nhờ công nghệ. Hàn Quốc nổi bật vì đã biến đổi các NSI của họ trong những thập kỷ gần đây, câu chuyện thành công của việc thay đổi quy mô lớn là rất đáng kinh ngạc và được biết đến như “kỳ tích sông Hàn”. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là một trong các quốc gia phát triển mạnh mẽ công nghệ khí hậu, theo đuổi tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

     Phương pháp tiếp cận NSI xuất hiện tại Hàn Quốc từ rất sớm trong những năm 1980 và 1990 được sử dụng như là một khung phân tích giúp xác định các tác nhân và cơ chế xác định sự thành công của các quá trình đổi mới và phát triển công nghệ đã tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển các khả năng cơ bản. Các chính sách xây dựng một hệ thống giáo dục đại học và đào tạo kỹ thuật mạnh là chìa khóa, bởi vì chúng phục vụ cho cả cơ sở nghiên cứu lẫn nền tảng đào tạo cho các diễn viên có tay nghề ở trung tâm của hệ thống đổi mới

     Trong giai đoạn đầu, các chính sách của Chính phủ thúc đẩy việc nhập khẩu và đồng hóa, cải tiến các công nghệ của họ theo thời gian thông qua học tập, liên kết sản xuất. Các chính sách tập trung vào các ngành công nghiệp cụ thể như thép, đóng tàu và ô tô. Chính phủ: (i) ban hành các chiến lược định hướng sản xuất trong nước và xuất khẩu đảm bảo phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia; (ii) khuyến khích đầu tư đáng kể vào R&D phát triển các công ty quốc gia cạnh tranh. Đầu tư của chính phủ vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cũng hỗ trợ xây dựng năng lực này. Đáng chú ý, các chính sách của Chính phủ đã phát triển theo thời gian để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

     Bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, khung thể chế và môi trường pháp luật đóng vai trò quan trọng trong định hướng và thúc đẩy hệ thống đổi mới quốc gia. Khung thể chế và sắp xếp tổ chức hỗ trợ trao đổi, chuyển giao, thương mại hoá công nghệ đặc biệt như liên doanh với các công ty đa quốc gia và hợp tác quốc tế với các trung tâm R&D có tác động thay đổi nhanh chóng tới trình độ KHCN quốc gia. Thường xuyên tổ chức sắp xếp, điều chỉnh các chiến lược của Hàn Quốc để phù hợp với nhu cầu và trình độ công nghệ hiện tại đã góp phần tăng hiệu quả trong việc đồng hóa, thích ứng và cải tiến các công nghệ phát triển bên ngoài quốc gia.

     2.3. Kinh nghiệm của Pháp: Hỗ trợ tài chính phù hợp đầu tư cho đổi mới, phát triển công nghệ khí hậu.

     Để cung cấp những hỗ trợ tài chính trong xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, khuyến khích hệ sinh thái gồm những vườm ươm công nghệ và vườn ươm khởi nghiệp trong tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH, Cơ quan quản lý năng lượng và môi trường Pháp (ADEME) được thành lập dưới sự quản lý của Bộ Sinh thái, phát triển bền vững, năng lượng; Bộ Đào tạo sau đại học và Nghiên cứu Pháp. Tổng ngân sách hàng năm của ADEME cho đổi mới lên tới 3,3 tỉ Euro, nhằm cung cấp cấp đa dạng các loại hình hỗ trợ đổi mới công nghệ như: Tài trợ, trợ cấp  hoàn lại và không hoàn lại thông qua hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp không kể quy mô; Vốn đầu tư mạo hiểm, được ADEME đầu tư và trực tiếp quản lý dành cho các công ty quy mô lớn và các Quỹ đầu tư sinh thái – môi trường.

     Với chức năng của mình, ADEME sẽ giúp huy động, cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc phát triển các dự án, xây dưng chiến lược truyền thông và nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ. Đáng chú ý như Dự án Quỹ nhiệt tái tạo, Quỹ rác thải và các Khu vực ô nhiễm. Bên cạnh đó, ADEME cung cấp những thống kê, số liệu thực tế hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước Pháp xây dựng những kế hoạch, chương trình, bộ công cụ quản lý nhầm đưa ra chính sách phù hợp trong việc phát triển công nghệ khí hậu tại Pháp như nghiên cứu các ngành công nghiệp, phát triển thử nghiệm, thí nghiệm công nghiệp, đổi mới và xây dựng thị trường đầu ra cho công nghê... Dưới tác động của ADEME, hệ thống vườn ươm và thúc đẩy đổi mới tại Pháp đã được xây dựng và phát triển. Theo thống kê, có hơn 130 các phòng Fablab, 21 vườn ươm từ khu vực công đang hoạt động, thu hút đa dạng các nhà đầu tư trong khu vực công - tư. Nhà đầu tư chính khu vực công là Bộ nghiên cứu và Phát triển, Bộ Công nghiệp, BPIFrance, Ngân hàng đầu tư công; và các nhà tài trợ tư nhân, các quỹ đầu cơ, tập đoàn lớn như Engie, EDF, Orange…

     Sau khi xây dựng cơ chế tài trợ linh hoạt và cơ sở hạ tầng đổi mới phát triển công nghệ, việc chuyển đổi định hướng sang tập trung vào công nghệ khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho Pháp thực hiện phát triển kinh tế xanh và bền vững. Cụ thể, thông qua ADEME, các sáng kiến như GreenTech verte (2016) đã thu hút nhiều nhà đầu tư khởi nghiệp (80 doanh nghiệp khởi nghiệp) được tài trợ với hơn 150 nghìn dưới hình thức vốn mồi.

     3. Cơ hội của Việt Nam

     Thỏa thuận Paris và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã công nhận quan trọng vai trò của đổi mới công nghệ trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tăng tính chống chịu khí hậu và tương lai thịnh vượng. Các yếu tố chính của thành công trong đổi mới công nghệ đã được xác định để tăng tốc và mở rộng quy mô của hành động khí hậu tại các quốc gia. Các công nghệ đổi mới được đề cập đến liên quan đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu 7 về tiếp cận năng lượng sạch, mục tiêu 8 việc làm và tăng trưởng kinh tế, mục tiêu số 9 đổi mới và cơ sở hạ tầng và mục tiêu 17 quan hệ hợp tác thực hiện các mục tiêu chung. [7]

     Các quốc gia thành viên của Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH đã cam kết hỗ trợ các hành động khí hậu, trên phương diện tài chính và  khoa học kỹ thuật thông qua các sáng kiến khí hậu Trung tâm và mạng lưới công nghệ khí hậu trực thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (CTCN0 UNEP); Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Thích ứng (AF)... Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển đang tích cực thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ song phương trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ khí hậu. Tận dụng được những hỗ trợ này, Việt Nam có thể thúc đẩy việc chuyển giao nhanh công nghệ, xây dựng năng lực phát triển và ứng dụng KHCN quốc gia cũng như năng lực quản lý nhà nước khung chính sách, pháp lý và quy định phù hợp góp phần phát triển kinh tế bền vững, chống chịu với những thách thức của BĐKH.

     4. Khuyến nghị đối với Việt Nam

     Một là, xây dựng, đánh giá Hệ thống đổi mới quốc gia NSI, trong đó tính đến các ngành kinh tế và khí hậu. Đánh giá thêm về hiện trạng NSI, các cơ chế công nghệ ở đó các bên liên quan chính được khuyến khích đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về tình trạng của các nước đang phát triển NSI liên quan đến đổi mới công nghệ khí hậu.

     Hai là, trong suốt quá trình xây dựng NSI, Chính phủ cần quan tâm đến sự phối hợp và mức độ tương tác, phối hợp của các nhân tố quốc gia với các chính sách và ưu đãi cụ thể.

     Ba là, xây dựng cơ chế tài chính phù hợp hỗ trợ đổi mới tại khu vực công tư. Chính sách đổi mới và sáng tạo cần đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tài chính. Xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ đổi mới, phát triển năng lực công nghệ quốc gia vững mạnh cần sự phối hợp nhịp nhàng của khu vực tư nhân và các chính sách ưu đãi và ưu tiên của quốc gia từng thời kỳ để có sự điều chỉnh phù. Một cơ chế phối hợp giữa Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT cùng Bộ Khoa học Công nghệ được khuyến nghị nhằm hỗ trợ các mục tiêu này.

     Bốn là, tích cực trao đổi, chia sẻ nhu cầu và kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế, tận dụng tốt những cơ hội trong chuyển giao, đồng hóa công nghệ nhờ hội nhập. Tận dụng những nguồn hỗ trợ quốc tế đặc biệt thông qua các sáng kiến khí hậu như CTCN, GCF, GEF để tăng cường các NSI, chuyển giao, áp dụng công nghệ khí hậu tiên tiến. Chủ động đánh giá nhu cầu công nghệ (TNA) và xây dựng kế hoạch hành động công nghệ (TAP) để tăng cường NSI và trao đổi những thống kê, đánh giá nhu cầu với cộng đồng quốc tế thông qua Trung tâm Công nghệ Khí hậu và mạng (CTCN). Bên cạnh đó, từng bước xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển R&D, chuyển giao công nghệ quốc gia thông qua các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết tạo động lực phát triển công nghệ khu vực tư nhân.

 

Phạm Hoàng Mai, Nguyễn Thị Diệu Trinh, Nguyễn Giang Quân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 

     Tài liệu tham khảo

     1. Susmita Dasgupta et al. The impact of Sea Level Rise on Developing Countries: An Comparative Analysis, World Bank, 28

     2. Tổng kết Diễn đàn Đối thoại cấp cao về việc Thực hiện Thỏa Thuận Pa-ri Việt Nam, Hà Nội, 25/10/2016

     3. Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Hà Nội, 2014,

     4.  Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, 2016, 2

     5.Technological Innovation for the Paris Agreement: Implementing nationally determined contributions, national adaptation plans and mid-century strategies, United Nations Framework on Climate Change, Technology Executive Committee, 2018

     6. Strengthening National System of Innovation to Enhance Action on Climate Change, United Nations Framework on Climate Change, Technology Executive Committee, 2018

     7. Agenda 2030 for Sustainable Development and SDGs, 2015

      8. Anne Varet, Hervé Pernin, French bazaar-like innovation ecosystem: How ADEME is taking profit from it to crop up climate action oriented start-ups and innovation, Experts meeting on National System of Innovation, 2018

 

Ý kiến của bạn