Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Giới thiệu phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế của các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn

25/12/2017

TÓM TẮT

     Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính (KNK) quốc gia năm 2010 và Báo cáo cập nhật hai năm một lần của Việt Nam (Bộ TN&MT, 2014) đã nêu rõ, tổng phát thải KNK từ lĩnh vực chất thải năm 2010 là 15.352 nghìn tấn CO2tđ, chiếm 5,78% tổng phát thải KNK ở Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ phát thải không lớn so với các lĩnh vực khác, tuy nhiên lĩnh vực chất thải là lĩnh vực có tiềm năng không phát thải hoặc phát thải một lượng không đáng kể. Hiện nay có nhiều nghiên cứu, dự án đánh giá tiềm năng giảm phát thải trong lĩnh vực chất thải và đạt các kết quả khả quan khi đưa ra nhiều các giải pháp giảm phát thải hiệu quả. Tuy nhiên, để có thể đưa các giải pháp này áp dụng trong thực tế cần phải có những đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế của các giải pháp này, từ đó có thể lựa chọn các giải pháp phù hợp với điều kiện của từng địa điểm, khu vực cụ thể. Bài báo nhằm xây dựng cơ sở khoa học trong việc đánh giá hiệu quả kinh tế của các biện pháp giảm phát thải KNK trong quản lý chất thải rắn (CTR). Kết quả nghiên cứu sẽ là tiền đề cho việc xây dựng mô hình đánh giá hiệu quả kinh tế đối với từng giải pháp và áp dụng cho các thành phố nhằm đề xuất và lựa chọn được các định hướng ưu tiên giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Từ khóa: Chất thải, KNK, hiệu quả kinh tế.

1. Mở đầu

     Việt Nam đang nỗ lực cùng cộng đồng các nước trên thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua các hành động giảm phát thải KNK của quốc gia. Việt Nam là nước thứ 74 trên thế giới đã gửi Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) cho Ban thư ký Công ước vào ngày 25/9/2015. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (3/11/2016).Trước đó, ngày 28/10/2016, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg.

     Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế, trong đó các đóng góp giảm nhẹ phát thải KNK tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp (LULUCF) và chất thải.

     Trong Quyết định 1775/QĐ-TTgngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới, lĩnh vực chất thải đã đặt mục tiêu đến 2020giảm phát thải KNK 5% so với năm 2005. Nhìn chung, Việt Nam đã xây dựng các chính sách về quản lý chất thải (điển hình là Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050), trong đó thể hiện mục tiêu đối với 3R (Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế), thu gom và xử lý chất thải, tuy nhiên vẫn chưa lồng ghép được mục tiêu giảm phát thải KNK trong các Chiến lược quốc gia hiện tại. Đối với Việt Nam hiện nay, các công nghệ xử lý chất thải đã được triển khai khá nhiều, tuy nhiên việc đánh giá tiềm năng giảm phát thải KNK của từng công nghệ cũng như đánh giá hiệu quả làm cơ sở lựa chọn các công nghệ ưu tiên vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

     Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có một số dự án, nghiên cứu về các giải pháp giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực chất thải và cũng đã tính toán được sơ bộ về hiệu quả kinh tế cho từng giải pháp giảm nhẹ nhằm lựa chọn ra những giải pháp tối ưu nhất, tuy nhiên các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở phân tích các chi phí và lợi ích tài chính mà chưa tính đến các chi phí như môi trường, xã hội (Ví dụ: Biến rác thải thành tài nguyên ở Việt Nam, Báo cáo INDC lĩnh vực chất thải,…). Vì vậy, việc đặt ra yêu cầu lượng giá hiệu quả kinh tế của các giải pháp công nghệ giảm phát thải trong lĩnh vực chất thải một cách toàn diện nhất là cần thiết. Hiện nay, CTR chiếm tỷ trọng lớn trong phát KNK kính trong lĩnh vực chất thải (chiếm khoảng 47%) và chất thải rắn đô thị (CTRĐT) chiếm 76% tổng lượng phát thải KNK của lĩnh vực CTR. Bởi vậy, phạm vi đánh giá trong nghiên cứu được khu trú lại cho lĩnh vực CTRĐT. Nghiên cứu này giới thiệu cách tiếp cận mới trong việc ứng dụng phương pháp đánh giá chi phí lợi ích (CBA) cho việc đánh giá hiệu quả kinh tế giảm phát thải cho các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực CTR đô thị.

2. Tổng quan về phát thải KNK và đánh giá hiệu quả kinh tế trong giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực CTR

2.1. Tổng quan các nghiên cứu về phát thải KNK trong lĩnh vực CTR ở Việt Nam

     Trong giai đoạn 2012 - 2013, được sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác môi trường quốc tế của Nhật Bản (OECC), Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH (IMHEN) đã thực hiện Dự án: “Tăng cường năng lực hợp tác và nghiên cứu về các hành động giảm nhẹ KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) theo hướng hệ thống đo lường (MRV) trong lĩnh vực CTR”. Kết quả của Dự án đã thống kê được các dữ liệu hoạt động lịch sử từ tất cả các bãi rác tại Việt Nam; đã xây dựng các kịch bản BAU và kịch bản giảm phát thải từ các lựa chọn NAMA. Tuy nhiên, Dự án này vẫn chưa phân tích, đánh giá được chí phí – lợi ích kinh tế cụ thể của từng giải pháp giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực chất thải.

     Trong giai đoạn 2013 – 2014, IMHEN phối hợp với Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á -Thái Bình Dương của Liên hợp quốc nhằm xây dựng Chương trình NAMA với tên gọi “Chuyển chất thải thành tài nguyên tại các thành phố ở Việt Nam”. Chương trình NAMA này dự kiến được chia làm ba giai đoạn: (1) Giai đoạn chuẩn bị và thiết kế các hoạt động của chương trình NAMA; (2) Giai đoạn tập trung vào xây dựng năng lực cho các đối tác địa phương và thực hiện ít nhất hai dự án thí điểm tại các thành phố trên khắp Việt Nam; (3) Giai đoạn (đến cuối 2020) sẽ mở rộng phạm vi thực hiện NAMA đến nhiều thành phố khác tại Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu đến 2020 giảm 5% lượng phát thải KNK từ lĩnh vực chất thải so với năm 2005.

     Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng lợi ích kép về môi trường của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” thuộc Chương trình KHCN cấp Nhà nước do TS. Đỗ Nam Thắng thực hiện năm 2013 đã góp phần xây dựng cách tiếp cận lợi ích kép về môi trường trong đánh giá các giải pháp, chính sách giảm nhẹ BĐKH, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý chất thải ở Việt Nam và tiến hành tính toán lợi ích kép cho các giải pháp giảm nhẹ trong lĩnh vực chất thải. Tuy đề tài đã đánh giá được lợi ích kép của các hoạt động giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực chất thải nhưng cũng chưa đánh giá được chi phí của từng giải pháp để từ đó tính toán được hiệu quả kinh tế.

     Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều đề tài, dự án về các hoạt động giảm nhẹ trong lĩnh vực CTR, các nghiên cứu thường mớichỉ tập trung vào việc xây dựng đường phát thải cơ sở, các kịch bản giảm nhẹ cho lĩnh vực chất thải mà chưa xem xét phân tích chi phí – lợi ích kinh tế của các hoạt động giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực chất thải.

2.2. Các phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế

     Có nhiều phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế khác nhau, tuy nhiên có thể chia thành 2 nhóm cơ bản là nhóm các phương pháp đánh giá kinh tế một phần và nhóm các phương pháp đánh giá kinh tế đầy đủ.

     Trong nhóm các phương pháp đánh giá kinh tế một phần, điển hình có Đánh giá phi tham số hay Phân tích bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis –DEA).DEA là phương pháp hữu ích trong đánh giá năng suất và hiệu quả sản xuất, tập trung vào đánh giá hiệu năng so sánh.Một phương pháp khác là Đánh giá tham số hay Phân tích giới hạn ngẫu nhiên (Stochastic Frontier Analysis – SFA),dựa trên khái niệm kinh tế vi mô về chức năng sản xuất thể hiện cho kết quả lớn nhất có thể đạt được với một lượng đầu vào nhất định. Tuy nhiên, DEA và SFA thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh tế hoạt động thường niên của các đối tượng cụ thể như doanh nghiệp, tổ chức, tỉnh, quốc gia chứ không phải các dự án.

     Ngoài ra, một nhóm phương pháp khác là đánh giá kinh tế đầy đủ. Phân tích chi phí-tối thiểu (Cost minimization analysis - CMA) nhằm đo đạc và so sánh chi phí đầu vào vớigiả định đầu ra là tương đương. Phân tích chi phí - hiệu quả (Cost effectiveness analysis – CEA) nhằm so sánh các lựa chọn và biện pháp thay thế (theo đơn vị tự nhiên) cả về chi phí và hiệu quả theo các mục tiêu chính của dự án.Phân tích chi phí -lợi ích (Cost-benefit analysis - CBA) so sánh những lựa chọn thay thế bằng cách sử dụng một kết quả tiền tệ chung (đô la). Phân tích chi phí - tiện ích (Cost utility analysis - CUA) so sánh lựa chọn thay thế tương tự như trong CEA, nhưng sử dụng một kết quả chung chung hơn.

     Trong khi hạn chế của CMA là chỉ giải quyết hiệu quả kỹ thuật và chi phí đầu vào, CUA thường chỉ sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, thì hạn chế của phương pháp CEA lại là đo đạc kết quả đầu ra phải thống nhất chung giữa tất cả các biện pháp để cho phép so sánh. Trong khi đó, CBA có liên quan, nhưng khác với phân tích CEA. Trong CBA, lợi ích và chi phí được quy về đơn vị tiền tệ, và được điều chỉnh bởi tỷ lệ chiết khấu để đưa tất cả các lợi ích và chi phí dự án phát sinh theo từng thời điểm về "giá trị hiện tại ròng". Ngoài ra, CBA còn cho phép so sánh các dự án giữa các lĩnh vực khác nhau (hiệu suất cấp phát). CBA có một lợi thế rất lớn là có thể quy đổi tất cả các giá trị phi thị trường sang tiền tệ, bằng cách sử dụng các cách tiếp cận như Vốn con người hay Mức độ sẵn lòng chi trả (WTP). Như vậy, CBA là phương pháp có nhiều đặc điểm phù hợp với việc đánh giá hiệu quả kinh tế trong việc giảm nhẹ KNK.

2.3. Một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế trong giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực chất thải

     Trong lĩnh vực xử lý CTR, có nhiều nghiên cứu đã đi sâu vào phân tích hiệu quả kinh tế, điển hình như của Wenhua Piao và nnk (2015) hay Jana Põldnurk (2015). Một loạt các nghiên cứu trong lĩnh vực chất thải cũng sử dụng phương pháp CBA để đánh giá (Joe Pickin,2008); Zhou và nnk,2014;You và nnk,2016). Ngoài ra, một số phân tích kinh tế thông qua phân tích chi phí - lợi ích xã hội đã được thực hiện cho các nhà máy Sản xuất năng lượng từ chất thải (waste-to-energy – WTE) ở một số quốc gia như ở Anhvới nghiên cứu của Jamas và Nepal (2010), ở Brazil trong nghiên cứu của Leme và nnk (2014).

     Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế trong thực hiện các phương án giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực quản lý CTR như Dự án Chuyển rác thải thành tài nguyên ở Việt Nam”, giai đoạn 2013 - 2014 của IMHEN và UNESCAP. Dự án cũng đã phân tích chi phí, lợi ích một phần nhằm lựa chọn ra công nghệ phù hợp nhất trong các công nghệ xử lý CTR để thiết kế các thành phần của NAMA chuyển rác thải thành tài nguyên. Ngoài ra, trong NDC của Việt Nam – Lĩnh vực chất thải, các tác giả đã phân tích và tính toán các kịch bản phát triển thông thường, và các kịch bản giảm nhẹ, nhằm đánh giá tiềm năng giảm phát thải KNK, áp dụng cách tiếp cận từ dưới lên và làm đơn giản các CDM. Hợp tác với tổ chức Hành động phát triển và môi trường (ENDA), Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Trung tâm xử lý chất thải, ESCAP đã làm việc với chính quyền địa phương ở Hà Tĩnh, Kon Tum và thành phố Quy Nhơn để phát triển các trung tâm phục hồi tài nguyên tổng hợp (IRRCs). Dự án nêu trên nhằm cải thiện thu gom CTR, đã mang đến hiệu quả tài chính cho từng thành phố và trong lĩnh vực chất thải, đặc biệt tạo việc làm cho nhóm những người dân thu gom rác thải tự phát.

3. Cơ sở khoa học đánh giá hiệu quả kinh tế của các biện pháp giảm phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý CTR

3.1. Tính toán xác định lượng phát thải KNK của các giải pháp xử lý CTR được nghiên cứu

     Phương pháp chung để ước tính KNK quốc gia trong lĩnh vực CTR là nhân dữ liệu hoạt động với hệ số phát thải:

     E = AD * EF

    Trong đó: E là lượng KNK phát thải; AD là dữ liệu hoạt động (được hiểu là dữ liệu về mức độ tác động của các hoạt động của con người lên lượng khí thải hay loại bỏ trong một thời gian nhất định,cóthể lấy từ thống kê quốc gia); EF là hệ số phát thải (hệ số định lượng mức phát thải hoặc loại bỏ của từng loại khí trên một đơn vị hành động)

     Trong nghiên cứu này, các phương pháp tính toán kiểm kê phát thải KNK cho bãi chôn lấp CTR và sử dụng các biện pháp như đốt chất thải, xử lý sinh học, sản xuất nhiên liệu dạng rắn (RDF, RPF), chôn lấp CTR có thu hồi khí bãi rác cho phát điện đã được sử dụng.Ngoài ra, phương pháp dự báo phát thải KNK cũng được ứng dụng để ước tính lượng KNK trong tương lai sẽ phát thải trong lĩnh vực CTR tại các thành phố, dựa trên phương pháp kiểm kê KNK, lượng CTR được xử lý trong tương lai và các phương pháp xử lý CTR.

3.2. Phương pháp đánh giá tiềm năng giảm phát thải KNK

     Đánh giá tiềm năng giảm phát thải KNK của các giải pháp xử lý CTR là sự so sánh mức phát thải của các giải pháp xử lý CTR thay thế với mức phát thải của giải pháp chôn lấp CTR (được coi là giải pháp cho kịch bản cơ sở). Do vậy, nghiên cứu này sẽ áp dụng các phương pháp, số liệu và kế thừa các kết quả của nghiên cứu về kiểm kê và dự báo phát thải KNK của các giải pháp xử lý CTR. 

     Để tính toán tiềm năng giảm phát thải KNK, những thông số cần có bao gồm đặc tính và thành phần của CTR, lượng CTR đem chôn lấp mỗi năm và các giải pháp xử lý CTR (Chôn lấp, đốt, làm phân hữu cơ, tiêu hủy yếm khí, sản xuất nhiên liệu dạng rắn). Các công thức sử dụng để tính toán tiềm năng giảm phát thải của các giải pháp được tham khảo từ “Hướng dẫn của IPCC 2006 về kiểm kê KNK quốc gia” và “Báo cáo của Nhật Bản về kiểm kê KNK quốc gia 2012”.

     Quá trình tính toán gồm: (1) Xác định lượng từng thành phần CTR được chôn lấp; (2) Tính toán phát thải KNK từ hoạt động chôn lấp; (3) Tính toán phát thải KNK từ hoạt động đốt CTR; (4) Tính toán phát thải từ hoạt động sản xuất phân hữu cơ; (5) Tính toán phát thải từ hoạt động tiêu hủy yếm khí; (6) Tính toán phát thải từ hoạt động sản xuất nhiên liệu dạng rắn; (7) So sánh kết quả với các kịch bản cơ sở.

     Hai kịch bản phát thải KNK được sử dụng trong đề tài dựa trên các giả định về mức tăng lượng CTR theo 2 kịch bản: Kịch bản 10% theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2011; Kịch bản 3,27% theo các giả định về tăng trưởng dân số và GDP của OECC.

3.3. Phương pháp phân tích hiệu quả kinh tế mở rộng

     Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích (CBA) với các bước chính được thực hiện qua sơ đồ ở Hình 1.

 

Hình 1. Sơ đồ các bước trong phân tích chi phí lợi ích

 

     Giá trị hiện tại (Present Value - PV): Đối với đa số các dự án, việc phân tích, kiểm tra được thực hiện bằng cách so sánh dòng lợi ích và chi phí theo thời gian. Một vài giả thiết cơ bản về dòng tiền tệ như sau: (1) Năm khởi đầu của một dự án có thể được gắn cho cái tên “năm 0” hay “năm 1” (thứ nhất); (2) Tất cả dòng tiền tệ (chi phí hay lợi ích) xuất hiện trong năm sẽ được chiết khấu cho thời gian toàn năm. Ví dụ, một chi phí nào đó xảy ra vào bất cứ thời gian nào ở năm thứ 5 sẽ được chiết khấu theo thời gian 5 năm. Giả thiết này sẽ dẫn tới một sai số nhỏ, bởi vì chi phí thực tế hoặc doanh thu phải được chiết khấu từ khi nó xuất hiện; (3) Mọi chi phí và lợi ích cũng được xử lý tương tự như dòng tiền tệ (Cash Flow). 

     Giá trị hiện tại ròng (NPV): Đại lượng này xác định giá trị lợi nhuận ròng hiện thời khi chiết khấu các dòng lợi ích và chi phí trở về với năm cơ sở bắt đầu (năm thứ nhất). Hai công thức được sử dụng:

     Trong đó:  Bt: Lợi ích của dự án tại năm t; Ct : Chi phí phát sinh ở năm t; r : tỷ lệ chiết khấu; n: số năm thực hiện dự án; NPV ≤ 0: dự án không có hiệu quả - không nên đầu tư; NPV >0: đầu tư hiệu quả.

     Nếu NPV dương thì dự án đáng giá bởi vì suất chiết khấu đã là chi phí cơ hội của dự án, vì vậy, nếu đã khấu trừ chi phí cơ hội mà vẫn có lời thì dự án có lợi tức kinh tế. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi tính toán chính xác chi phí mà điều này thường khó thực hiện đối với các dự án trong thời gian dài. Một nhược điểm khác nữa của NPV đó là không cho biết khả năng sinh lợi tính theo tỉ lệ % do đó ảnh hưởng đến việc khó chọn lựa cơ hội đầu tư.

     Tỷ lệ lợi ích - chi phí (BCR): tỷ lệ của tổng giá trị hiện tại của lợi ích so với tổng giá trị hiện tại của chi phí :

     Tỷ lệ này so sánh tổng lợi ích và tổng chi phí đã được chiết khấu. Trong trường hợp này, lợi ích được xem là lợi ích thô bao gồm cả lợi ích môi trường và xã hội, còn chi phí bao gồm vốn cộng với các chi phí vận hành, bảo dưỡng và thay thế cũng như những chi phí cho môi trường và xã hội.Phương án được quyết định là phương án có BCR lớn hơn 1, trong trường hợp có nhiều phương án khác nhau phải lựa chọn thì phương án được quyết định là phương án có BCR dương lớn nhất.

     Các loại chi phí và lợi ích của các khu chôn lấp CTR có thể được thể hiện ngắn gọn trong Bảng 1.Các lợi ích cần tính đến là lợi ích từ phí xử lý CTR và lợi ích từ việc bán các sản phẩm khác (B­2) như từ sản xuất điện năng, sản xuất tấm nhiên liệu RDF, sản xuất phân hữu cơ. Các chi phí bao gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành. Ngoài ra, còn có Chi phí môi trường đối với khu vực lân cận (C3) và Chi phí phát thải KNK (C4).Tuỳ vào đối tượng gánh chịu/thụ hưởng, thị trường trao đổi và tính chất đặc trưng, các lợi ích và chi phí này sẽ được lượng hoá giá trị bằng tiền sử dụng các phương pháp khác nhau.

 

Bảng 1. Tổng hợp chi phí và lợi ích dự án chôn lấp CTR

Lợi ích

Chi phí

Lợi ích từ xử lý CTR (B1)

Chi phí đầu tư ban đầu (C1)

Lợi ích từ việc bán các sản phẩm (B­2)

Chi phí vận hành (C2)

 

Chi phí môi trường đối với khu vực lân cận (C3)

 

Chi phí phát thải KNK (C4)

 

     Đối với quá trình xử lý CTR, phương pháp giá thị trường sẽ được sử dụng nhằm ước lượng lợi ích từ xử lý CTR thông qua phí xử lý CTR. Về cơ bản, đây là một khoản thanh toán từ phía người dân cho các đơn vị thực hiện việc xử lý CTR. Lợi ích ròng mà xã hội nhận được trong giao dịch này đó là việc CTR được xử lý tập trung, đảm bảo môi trường sống. Theo Campbell và Brown (2003), phí xử lý hoàn toàn có thể đại diện cho lợi ích này.

     Dự án bãi chôn lấp CTR khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra các tác động tới môi trường xung quanh như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm và ô nhiễm đất trồng trọt. Những tác động này được coi là ngoại ứng tiêu cực vì đối tượng gánh chịu thiệt hại là người dân khu vực lân cận thường không nhận được đền bù thoả đáng.Tác động ngoại ứng này được coi là chi phí không có giá trên thị trường trao đổi nên được ước lượng thông qua các kỹ thuật lượng giá.

     Đa phần các phương pháp xử lý CTR phổ biến hiện nay tại Việt Nam đều gây phát thải KNK, tiêu biểu là khí CO2, CH4 và N2O. Để ước lượng chi phí do phát thải KNK của từng phương pháp xử lý CTR, phương pháp giá thị trường sẽ được áp dụng. Do lượng phát thải KNK từ từng dự án xử lý chất thải được coi là rất nhỏ so với tổng lượng phát thải trên thị trường nên mức giá không bị ảnh hưởng bởi lượng KNK tăng thêm, vì vậycó thể sử dụng giá thị trường của CO2tđ nhằm ước lượng đóng góp cho sự nóng lên toàn cầu của ba loại khí CO2, CH4 và N2O tạo ra từ các dự án xử lý CTR.

    Các giả định và thông số cơ bản: Lạm phát VND trung bình là 6%/năm; Tỷ suất chiết khấu xã hội sử dụng là 5%/năm; Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 7%/năm, tốc độ tăng dân số giữ ở mức trung bình 2,6%/năm ở các đô thị,như vậy, GDP bình quân đầu người sẽ tăng ở mức 4,4%/năm; Tổng lượng CTR xử lý trung bình tại các dự án sẽ tăng cùng với tốc độ gia tăng dân số; Chi phí vận hành mỗi năm theo danh nghĩa là giống nhau trong suốt vòng đời dự án; Phân tích chi phí lợi ích mở rộng không tính đến các khoản chuyển giao như thuế, lãi suất; Thời gian phân tích cho mỗi dự án sẽ kéo dài từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động cho tới hết vòng đời dự kiến; Chi phí xây dựng và mua sắm thiết bị ban đầu được giả định là chi trả toàn bộ trong năm đầu tiên của vòng đời; Các chi phí và lợi ích hàng năm sẽ được tính vào thời điểmcuối năm; Chi phí môi trường được coi là kéo dãi mãi mãi về sau nếu không có tác động cải tạo và nâng cao chất lượng; Giá các loại KNK dựa trên thị trường trao đổi quota CO2.

3.4. Phương pháp đánh giá lợi ích từ phí xử lý CTR

     Nếu không được xử lý đúng quy trình, CTR từ sinh hoạt của người dân và từ hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ gây rất nhiều tác động tiêu cực tới đời sống của người dân. Đối tượng thụ hưởng lợi ích trực tiếp từ quá trình chôn lấp CTR tại Dự án là người dân tại khác khu vực lân cận BCL. Tổng lợi ích đạt được từ việc xử lý rác thải (B1) sẽ được tính toán thông qua công thức:

B1= PxQ

     Trong đó: P là chi phí xử lý trung bình của CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp vào năm t và Q là tổng lượngCTR mà dự án xử lý trong năm t.

3.5. Phương pháp đánh giá lợi ích từ các sản phẩm khác

     Lợi ích từ sản xuất điện năng: Giả định giá điện không chịu ảnh hưởng bởi sản lượng của một dự án đơn lẻ, lợi ích cho xã hội từ sản xuất điện năng sẽ trùng khớp với doanh thu bán điện của dự án. Như vậy, tổng lợi ích từ sản xuất điện đối với xã hội của dự án mỗi năm sẽ được tính toán theo công thức:

     Trong đó: Pe là giá điện thu mua, Q là sản lượng điện mỗi năm của dự án.

     Lợi ích từ sản xuất tấm nhiên liệu RDF: Giả định giá tấm nhiên liệu RDF không chịu ảnh hưởng bởi sản lượng của một dự án đơn lẻ, lợi ích cho xã hội từ năng lượng tăng thêm sẽ trùng khớp với doanh thu của Dự án. Theo Reza và cộng sự (2013), mỗi 1,6 tấn nhiên liệu RDF có thể tạo ra năng lượng thay thế được cho 1 tấn nhiên liệu hóa thạch. Về phát thải, 1 tấn nhiên liệu RDF khô, được phân loại và sản xuất đúng quy trình sẽ phát thải chỉ 0,8 tấn CO2 so với 3 tấn CO2 đối với 1 tấn nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, tổng lợi ích từ sản xuất tấm nhiên liệu RDF đối với dự án mỗi năm sẽ được tính toán theo công thức:

     Trong đó: PRDF là giá thị trường của tấm nhiên liệu RDF, Q là sản lượng RDF mỗi năm của dự án và PCO2 là giá thị trường của mỗi tấn CO2tđ

     Lợi ích từ sản xuất phân hữu cơ: Giả định giá tấm phân hữu cơ không chịu ảnh hưởng bởi sản lượng của một dự án đơn lẻ, lợi ích cho xã hội từ sẽ trùng khớp với doanh thu của dự án. Như vậy, tổng lợi ích từ sản xuất phân hữu cơ đối với xã hội của dự án mỗi năm sẽ được tính toán theo công thức:

     Trong đó: Pcompost là giá thị trường của 1 tấn phân hữu cơ, Q là sản lượng phân hữu cơ mỗi năm của dự án.

3.6. Phương pháp xác định chi phí đầu tư ban đầu

     Đối với chi phí đầu tư ban đầu, dữ liệu sẽ được thu thập thông qua bảng hỏi đối với các khu xử lý CTR. Chi phí đầu tư ban đầu (C1) bao gồm chi phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị ban đầu và các khoản phát sinh khác, được trả một lần vào thời điểm trước khi dự án đi vào hoạt động.

3.7. Phương pháp xác định chi phí vận hành

     Chi phí vận hành (C2) là những khoản chi nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả của dự án, được chi trả hàng năm trong suốt vòng đời. C2 bao gồm tiền lương và bảo hiểm cho người lao động; tiền điện, nước, gas; chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị; chi phí nguyên vật liệu (phụ gia, men, vi sinh); chi phí liên quan tới đất (thuê, mua đất); và các khoản phát sinh khác. Trong phân tích chi phí lợi ích, thuế doanh nghiệp được coi là một khoản thanh toán chuyển giao giữa doanh nghiệp và chính phủ, và không được tính vào lợi ích hoặc chi phí ròng của xã hội.

3.8. Phương pháp xác định chi phí môi trường

     Nghiên cứu sử dụng một số phương pháp như: Phương pháp chi phí phòng vệ (Defensive Expenditures) cho biết số tiền tối thiểu mà mọi người sẽ sẵn sàng trả để ngăn chặn tác động môi trường; Chi phí sức khỏe (cost of illness) hay chi phí y tế (medical costs approach) để tính toán chi phí chữa các bệnh tật gây ra bởi ô nhiễm môi trường, được coi như giá trị thiệt hại mà sự cố ô nhiễm đã gây ra đối với nguồn lực con người. Ngoài ra còn có phương pháp Đánh giá ngẫu nhiên (contingent valuation method) và Thay đổi năng suất (productivity change method).

3.9. Phương pháp xác định chi phí phát thải KNK

     Đa phần các phương pháp xử lý CTR phổ biến hiện nay tại Việt Nam như chôn lấp hay đốt đều gây phát thải KNK, tiêu biểu là khí CO2, CH4 và N2O.Theo Marten và Newbold (2011), khí CH4 và khí N2O gây hiệu ứng nhà kính và đóng góp cho sự nóng lên của trái đất gấp ít nhất là 27 và 390 lần khí CO2. Để ước lượng chi phí do phát thải KNK của từng phương pháp xử lý CTR, phương pháp giá thị trường sẽ được áp dụng. Hiện nay, trên thế giới thị trường buôn bán giấy phép CO2 đã chính thức được công nhận. Ngoài ra, lượng phát thải KNK từ từng dự án xử lý chất thải được coi là rất nhỏ so với tổng lượng phát thải trên thị trường nên mức giá không bị ảnh hưởng bởi lượng KNK tăng thêm. Do đó, hoàn toàn có thể sử dụng giá thị trường của CO2tđ nhằm ước lượng đóng góp cho sự nóng lên toàn cầu của ba loại khí CO2, CH4 và N2O tạo ra từ các dự án xử lý CTR. Theo Marten và Newbold (2011), chi phí xã hội của CO2, CH4 và N2O lần lượt là $75, $2000 và $29000.

3.10. Phương pháp xác định hiệu quả kinh tế trên một đơn vị rác

     Hiệu quả kinh tế trên một đơn vị rác được xác định bằng hiệu số của tổng lợi ích với tổng chi phí trên lượng rác giảm được. Công thức cụ thể:

 

NPVrác 

 

     NPVrác: lợi nhuận dòng trên một đơn vị rác (triệu VND/tấn rác)

     B: Lợi ích thu được từ xử lý rác (triệu VNĐ)

     C: Chi phí bỏ ra cho việc xử lý rác (triệu VNĐ)

     W: Lượng rác được xử lý (tấn rác)

3.11. Phương pháp xác định các tiêu chí về kỹ thuật và kinh tế

     Các tiêu chí về kỹ thuật và kinh tế sẽ được xác định dựa trên 2 nguồn chính: Lựa chọn các chỉ tiêu được xác định trong mô hình lượng giá hiệu quả kinh tế của các biện pháp giảm phát thải KNK trong xử lý CTR; Tổng quan, bổ sung các tiêu chí liên quan khác. Ngoài ra, sử dụng phương pháp tham vấn các chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, môi trường và BĐKH nhằm đánh giá việc lựa chọn bộ tiêu chí và xác định những tiêu chí cuối cùng.

3.12. Phương pháp xác định hiệu quả kinh tế giảm phát thải KNK

     Để xác định được hiệu quả kinh tế giảm phát thải KNK cần thiết phải xác định tiềm năng giảm phát thải KNKvà hiệu quả kinh tế trên một lượng rác cần xử lý của giải pháp giảm nhẹ KNK với giải pháp cơ sở (giải pháp chôn lấp), cụ thể được xác định như sau:

 

ΔNPVco2

 

     ΔNPVco2: Hiệu quả kinh tế giảm phát thải khí nhà kính (tr VNĐ/1 tấn CO2)

    Gpgn: Giải pháp giảm nhẹ

     Gpcs: Giải pháp cơ sở

    Phương pháp xác định hiệu quả kinh tế giảm phát thải cho một nhóm giải pháp:

    ΔNPVco2 (nhóm giải pháp) =

     GPj: giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thứ j

     Kết luận và Kiến nghị

     Bài báo đã xây dựng được cơ sở khoa học đánh giá hiệu quả kinh tế của các biện pháp giảm phát thải KNK trong quản lý CTR dựa trên các nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Hầu hết các cơ sở lý thuyết và lý luận chung về các phạm trù kinh tế và các phương pháp luận về tính toán lượng phát thải KNK của các giải pháp xử lý CTR, đánh giá tiềm năng giảm phát thải KNK, phân tích hiệu quả kinh tế mở rộng, đánh giá các lợi ích và chi phí và cuối cùng là xác định hiệu quả kinh tế giảm phát thải KNK đều đã được phân tích chi tiết.

     Đây là nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong công tác ra quyết định và lựa chọn giải pháp tối ưu trong giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải trong bối cảnh hiện nay.Từ kết quả của bài báo, có thể xây dựng mô hình đánh giá hiệu quả kinh tế của các biện pháp giảm phát thải KNK trong quản lý CTR, bao gồm mô đun phát thải KNK và mô đun hiệu quả kinh tế, từ đó áp dụng cho các thành phố ở Việt Nam. Nội dung nghiên cứu này sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm xây dựng bộ tiêu chí, áp dụng tính toán thử nghiệm, xây dựng khung lựa chọn giải pháp ưu tiên trong lĩnh vực xử lý CTR.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT. 2014. Báo cáo cập nhật hai năm một lần đầu tiên của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH(BUR1).

2. Campbell, H. F., & Brown, R. P. (2003). Benefit-cost analysis: financial and economic appraisal using spreadsheets. Cambridge University Press.

3. Jamas, T., Nepal, R., 2010. Issues and options in waste management: a social costbenefit analysis of waste-to-energy in the UK. Resour., Conserv. Recycl. 54 (12), 1341–1352.

4. Jana Põldnurk. 2015. Optimisation of the economic, environmental and administrative efficiency of the municipal waste management model in rural areas. Resources, Conservation and Recycling 97 (2015) 55–65Jamas, T., Nepal, R., 2010. Issues and options in waste management: a social costbenefit analysis of waste-to-energy in the UK. Resour., Conserv. Recycl. 54 (12), 1341–1352.

5. Joe Pickin. 2008. Representations of environmental concerns in cost–benefit analyses of solid waste recycling. Resources, Conservation and Recycling 53 (2008) 79–85.

6. Leme, M.M.V., Rocha, M.H., Lora, E.E.S., Venturini, O.J., Lopes, B.M., Ferreira, C.H., 2014. Techno-economic analysis and environmental impact assessment of energy recovery from Municipal Solid Waste (MSW) in Brazil.Resour., Conserv. Recycl. 87, 8–20.

7. Marten, A. L., & Newbold, S. C. (2012). Estimating the social cost of non-CO 2 GHG emissions: Methane and nitrous oxide. Energy Policy, 51, 957-972.

8. Wenhua, P., Yejin, K., Hyosoo, K., Minsoo, K., Changwon, K. 2015. Life cycle assessment and economic efficiency analysis of integrated management of wastewater treatment plants. Journal of Cleaner Production 113 (2016), 325-337

9. You, S., Wang, W., Dai, Y., Tong, Y.T., Wang, C. 2016. Comparison of the co-gasification of sewage sludge and food wastes and cost-benefit analysis of gasification- and incineration-based waste treatment schemes. Bioresource Technology 218 (2016) 595–605.

10. Zhou, C., Gong, Zh., Hu, J., Cao, H., Liang, H. 2014. A cost-benefit analysis of landfill mining and material recycling in China. Waste Management 35 (2015) 191–198.

 

Đỗ Tiến Anh1, Nguyễn Phương Thảo1, Vương Xuân Hòa1, Ngô Minh NamNguyễn Viết Thành2,  Trần Phương3

1Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

2Khoa Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

3 Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề III năm 2017)

Ý kiến của bạn