Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Giải pháp xây dựng bể tự hoại hộ gia đình để phòng ngừa ô nhiễm nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Phú Yên

06/04/2020

     TÓM TẮT

     Bài viết trình bày thực trạng các loại bể tự hoại hộ gia đình đã, đang xây dựng phổ biến ở tỉnh Phú Yên. Nhìn chung, bể tự hoại phổ biến nhất là loại bể 3 ngăn, gồm 1 ngăn chứa và 2 ngăn lắng. Nhóm tác giả đã phân tích những ưu và nhược điểm của bể tự hoại 3 ngăn, từ đó đề xuất giải pháp đấu nối hiệu quả nước thải của bể tự hoại 3 ngăn vào hệ thống thu gom nước thải tập trung. Đặc biệt, bài viết đề xuất giải pháp xây dựng một dạng bể tự hoại mới ở những khu dân cư đang chờ đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung nhằm phòng ngừa ô nhiễm nước dưới đất và thuận lợi đấu nối trong tương lai.

     Từ khóa: Bể tự hoại, hệ thống thu gom nước thải tập trung, ô nhiễm nước dưới đất.

     1. Đặt vấn đề

     Theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Luật Tài nguyên nước năm 2012 ‘‘Nghiêm cấm các hình thức xả thải vào lòng đất thông qua giếng khoan, giếng đào và các hình thức đưa nước thải vào lòng đất’’ [1]. Vì vậy, việc xả nước thải chưa qua xử lý hoặc sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn, kể cả loại A vào lòng đất dưới bất kỳ hình thức nào đều trái quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

     Tuy nhiên, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tỉnh Phú Yên chỉ mới kiểm soát vấn đề xả nước thải từ hoạt động công nghiệp, còn vấn đề quản lý nước thải sinh hoạt (NTSH) của các hộ gia đình chưa được thực hiện hiệu quả. Do vậy, sau hơn 07 năm triển khai thực hiện Luật tài nguyên nước, đến nay vấn đề NTSH tự thấm xuống đất vẫn còn khá phổ biến, nhất là nước thải của các hộ gia đình.

     Hiện nay, tại những khu vực chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung thì 100% NTSH tự thấm xuống đất hoặc chảy ra kênh, mương [2]. Tình trạng trên đã và đang gây ô nhiễm nước dưới đất. Theo báo cáo quan trắc môi trường nước dưới đất năm 2018 của tỉnh Phú Yên cho thấy [3]:

     - Thời điểm mùa mưa: 27/27 điểm quan trắc bị ô nhiễm Coliform, vượt giới hạn từ 7-1.433 lần; 22/27 điểm quan trắc bị ô nhiễm E.coli, vượt giới hạn từ 3-150 lần;

     - Thời điểm mùa khô: 26/27 điểm quan trắc bị ô nhiễm Coliform, vượt giới hạn từ 5-1.533 lần; 20/27 điểm quan trắc bị ô nhiễm E.coli, vượt giới hạn từ 3-150 lần;

     - Thời điểm giao mùa: 26/27 điểm quan trắc bị ô nhiễm Coliform, vượt giới hạn từ 5-3.666 lần; 17/27 điểm quan trắc bị ô nhiễm E.coli, vượt giới hạn từ 15-460 lần.

     Trong khi đó, khu vực nội thành thành phố Tuy Hòa đã xây dựng hệ thống thu gom NTSH, nhưng hiệu quả thu gom đạt thấp. Công suất hoạt động thực của hệ thống thu nước thải tập trung mới chỉ đạt 18,77% công suất thiết kế (751/4000 m3/ngày,đêm) [4]. Nguyên nhân chủ yếu là số hộ tham gia đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung chưa cao, lượng nước thải từ các hộ gia đình chưa được thu gom, đấu nối triệt để vào hệ thống thu gom nước thải tập trung. Trong đó, lượng NTSH từ hộ gia đình chưa được thu gom triệt để đã và đang là vấn đề chính vừa tiếp tục gây ô nhiễm nước dưới đất và vừa dẫn đến công suất hoạt động của hệ thống thu gom nước thải tập trung chưa đạt như kết quả mong muốn. Trong thực tế, NTSH từ hộ gia đình được thu gom chưa triệt để là do:

     - Các bể tự hoại hộ gia đình xây dựng phổ biến dạng bể tự hoại 3 ngăn, trong đó ngăn thứ 3 là ngăn tự thấm và khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung nhưng không làm mất tính tự thấm của bể.

     - Do bể tự hoại của hộ gia đình được chôn ngầm dưới đất nên để tiết kiệm chi phí, người dân chỉ tập trung tách và thu gom nước thải xám (nước thải khu vực nhà bếp, khu vực nhà tắm) phần được chôn nông dưới đất để đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung. Trong khi đó, nước thải đen (nước thải tại các khu vệ sinh sau bể tự hoại) vẫn tiếp tục được xử lý bằng bể tự hoại và thấm vào đất. Đây là phương pháp đấu nối vào hệ thống thu gom tập trung hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

     Một vấn đề khác cũng cần quan tâm: Hiện nay, nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được xây dựng nhưng công tác thu gom và xử lý NTSH chưa được xây dựng đồng bộ, bể tự hoại của các hộ gia đình được xây dựng tự phát. Hậu quả của vấn đề này là trong tương lai sẽ gây khó khăn khi đấu nối NTSH vào hệ thống thu gom nước thải tập trung, dẫn đến việc thu gom NTSH từ hộ dân không triệt để.

     Xuất phát từ những vấn đề trình bày trên, bài báo trình bày thực trạng xây dựng bể tự hoại của các hộ gia đình ở tỉnh Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung, đề xuất giải pháp thu gom triệt để NTSH từ bể tự hoại tự thấm và giải pháp xây dựng bể tự hoại ở những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn phải chờ đấu nối khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.

     2. Thực trạng xây dựng bể tự hoại hiện nay

     Bể tự hoại truyền thống được xây dựng phổ biến ở Việt Nam từ xưa đến nay chủ yếu có dạng 3 ngăn, gồm: 1 ngăn chứa, 1 ngăn lắng, 1 ngăn lọc, hoặc 1 ngăn chứa, 2 ngăn lắng. Theo kết quả điều tra các hộ gia đình và các thợ xây dựng bể tự hoại trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hầu hết người dân xây dựng bể tự hoại với ngăn thứ 03 là ngăn lắng tự thấm, không xây ngăn lọc vì cho rằng dễ gây tắt nghẽn và tốc độ tự thấm xảy ra chậm.

     Nhìn chung, thể tích ngăn chứa của bể tự hoại 3 ngăn chiếm ½ thể tích của bể, 2 ngăn còn lại có thể tích mỗi ngăn bằng ¼ thể tích của bể. Số liệu về thể tích các ngăn của bể tự hoại hiện hữu ở tỉnh Phú Yên phù hợp với các tài liệu hướng dẫn tính toán, thiết kế bể tự hoại [5].

     Theo khảo sát, thực trạng cấu tạo bể tự hoại hộ gia đình đã và đang xây dựng hiện nay có 3 loại. Vật liệu xây dựng hầu hết là bê tông được đúc dạng buy có chiều dày khoảng 100 mm nên khả năng chống thấm của tường bể tự hoại là rất tốt. Cụ thể, 3 loại bể tự hoại có cấu tạo chủ yếu như sau:

 

 

Hình 1: Các loại bể tự hoại 3 ngăn phổ biến

 

     - Bể tự hoại loại 1: Bể được xây dựng 3 ngăn, đáy của 3 ngăn được chống thấm, nước thải sau xử lý được đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung hoặc xả ra kênh, mương. Ưu điểm của bể tự hoại loại 1 là thu gom triệt để lượng nước thải phát sinh vào hệ thống thu gom nước thải tập trung. Nhưng nhược điểm là gây ô nhiễm mỗi trường, nếu nước thải xả ra kênh, mương. Như vậy, bể tự hoại loại 1 chỉ phù hợp ở những khu vực đã có hệ thống thu gom nước thải tập trung.

     - Bể tự hoại loại 2: Bể tự hoại được xây dựng 3 ngăn, 2 ngăn đầu được chống thấm, ngăn thứ 3 không chống thấm. Ngăn thứ 3 được đào sâu hơn ngăn 1 và 2, mục đích để thấm vào đất với tốc độ nhanh. Nhược điểm của bể tự hoại loại 2 là vi phạm Luật Tài nguyên nước, gây nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất. Nhưng ưu điểm là phù hợp với những khu vực vùng sâu, vùng xa và những khu vực chưa xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung.

     - Bể tự hoại loại 3: Ở những khu vực không có hệ thống thu gom nước thải tập trung, ban đầu người dân xây dựng dạng bể tự hoại loại 2 (Hình 1b). Khi cơ quan nhà nước xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung, người dân sẽ đấu nối những bể tự hoại loại 2 vào hệ thống thu gom nước thải tập trung tạo thành 1 dạng bể tự hoại mới mà chúng tôi gọi là bể tự hoại loại 3 như hình 1c. Ưu điểm của bể tự hoại loại 3 là thuận lợi khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung, nhưng nhược điểm là không thu gom triệt để nước thải, dẫn đến gây ô nhiễm nước dưới đất.

     Ngoài 3 loại bể tự hoại 3 ngăn nêu trên, người dân còn xây dựng nhiều dạng bể tự hoại cải tiến khác, bể tự hoại 1 ngăn, bể tự hoại 2 ngăn hoặc ngăn thứ 3 không phải ngăn lắng mà là ngăn lọc [5, 6]. Tuy nhiên nhìn chung ở Việt Nam hiện nay, NTSH sau khi xử lý bằng bể tự hoại thải ra môi trường có 3 trường hợp gồm:

     - Trường hợp 1: Thoát vào hệ thống thu gom nước thải tập trung, kênh, mương (như hình 1a);

     - Trường hợp 2: Tự thấm vào đất (Hình 1b);

     - Trường hợp 3: Một phần tự thấm, một phần thoát vào hệ thống thu gom nước thải tập trung (Hình 1c).

     3. Giải pháp xây dựng và quản lý bể tự hoại hiệu quả

     a. Giải pháp đấu nối bể tự hoại 3 ngăn loại 2 vào hệ thống thu gom nước thải tập trung.

     Trong quá khứ và hiện nay, các bể tự hoại tự thấm của các hộ gia đình phần lớn được xây dựng dạng 3 ngăn loại 2 (Hình 1b). Ở những khu vực có mật độ dân cư thấp thì vấn đề ô nhiễm nước dưới đất do bể tự hoại tự thấm gây ra không đáng kể. Tuy nhiên, mật độ dân cư ngày càng tăng nên gia đình này có giếng nước nằm sát gần bể tự hoại của gia đình khác. Do vậy, vấn đề ô nhiễm nước ngầm do bể tự hoại gây ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là những vùng có kết cấu địa chất là đất cát, đất cát pha [3].

     Ô nhiễm nước dưới đất gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người sử dụng, gây mất đoàn kết xóm làng. Do đó, các cơ quản quản lý nhà nước cần xây dựng hệ thống thu gom và xử lý NTSH ở những khu vực có mật độ dân số cao.

     Khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng hệ thống thu gom NTSH thì các bể tự hoại tự thấm được đấu nối. Tuy nhiên, hiệu quả thu gom NTSH không triệt để, vì việc đấu nối bể tự hoại vào hệ thống thu gom nước thải tập trung giống như hình 1c. Để thu gom triệt để nước thải của bể tự hoại tự thấm đã xây dựng trong quá khứ hiệu quả, chúng tôi đề xuất các giải pháp sau:

     - Giải pháp 1: Chủ hộ gia đình phối hợp với cơ quan quản lý để kiểm tra thực trạng của bể tự hoại về kết cấu, dung tích, đường ống. Nếu dung tích bể nhỏ không đáp ứng đủ nhu cầu hoặc kết cấu bể không vững chắc hoặc đường ống không phù hợp thì chủ hộ gia đình cần xây dựng bể tự hoại mới với tất cả các ngăn phải chống thấm, thành bể có kết cấu vững chắc và nước thải phải được thu gom triệt để vào hệ thống thu gom nước thải tập trung. Ngược lại, nếu bể tự hoại hiện hữu đáp ứng đủ về dung tích, kết cấu không vững chắc và đường ống phù hợp thì tiến hành giải phải 2.

     - Giải pháp 2: Chống thấm ở ngăn thứ 3.

     + Bước 1: Lấp cát bể thứ 3 (bể lắng) để giảm độ sâu của bể, nhằm phòng ngừa nước dưới đất thấm vào bể;

     + Bước 2: Bê tông hóa đáy bể thứ 3, nhằm mục đích chống thấm tuyệt đối.

     + Bước 3: Lắp đặt ống nước thải vào hệ thống thu gom nước thải tập trung.

 

Hình 2: Giải pháp đấu nối nước thải của bể tự hoại 3 ngăn tự thấm vào hệ thống thu gom nước thải tập trung

 

     Như vậy, cấu tạo của bể tự hoại hình 2 gần tương tự như bể tự hoại hình 1c, nhưng điểm khác là ngăn thứ 3 của hình 2 đã được chống thấm. Do đó, nước thải được thu gom triệt để, góp phần phòng ngừa ô nhiễm nước dưới đất và phát huy được hiệu quả của hệ thống thu gom nước thải tập trung.

     b. Giải pháp xây dựng bể tự hoại ở khu vực chờ đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung

     Dân số Việt Nam gia tăng theo thời gian, mức độ đô thị hóa cũng tăng nhanh nên ngày càng có nhiều khu đô thị mới được xây dựng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, xã hội một số địa phương còn khó khăn nên một số khu đô thị mới chưa xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung. Do vậy, các bể tự hoại của người dân trong khu đô thị mới được xây dựng tạm thời dạng tự thấm. Bể tự hoại tự thấm phổ biến là loại bể như hình 1b. Loại bể này khó đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung trong tương lai. Để tăng hiệu quả xử lý NTSH, đồng thời thuận lợi khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung trong tương lai, chúng tôi đề xuất xây dựng một loại bể tự hoại (Hình 3).

     Bể tự hoại Hình 3 có cấu tạo gồm 1 ngăn chứa, 2 ngăn lắng và có 1 bộ phận lọc. Tất cả 3 ngăn có tường và đáy được chống thấm, bộ phận lọc nằm tách rời bể tự hoại. Ngăn chứa có thể tích bằng ½ thể tích bể tự hoại, 2 ngăn lắng có thể tích mỗi bể bằng ¼ thể tích của bể tự hoại [5]. Nguyên tắc hoạt động của bể tự hoại này như sau:

     - Khi chưa có hệ thống thu gom nước thải tập trung thì nước thải sẽ được xử lý bằng bể tự hoại 3 ngăn cùng với bộ phận lọc tự thấm nên hiệu quả xử lý nước thải sẽ tốt hơn bể tự hoại 3 ngăn truyền thống. Bộ phận lọc tự thấm có thể tích lớn hay nhỏ là phụ thuộc vào số lượng người sử dụng bể, loại đất (đất sét, đất thịt, đất cát) ở vị trí đặt bể tự hoại. Vật liệu của bộ phận tự thấm là cát, sỏi, than.

     - Khi có hệ thống thu gom nước thải tập trung thì đấu nối trực tiếp đường ống ở ngăn thứ 3 vào hệ thống thu gom nước thải tập trung.

 

Hình 3: Bể tự hoại 3 ngăn, có bộ lọc tự thấm, có van chờ đấu nối

 

     Giải pháp cho NTSH đã xử lý bằng bể tự hoại tự thấm chỉ là giải pháp tạm thời ở những khu vực có mật độ dân số ít, điều kiện kinh tế và xã hội còn khó khăn. Ở những khu vực có mật độ dân số cao, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung để đảm bảo thực hiện đúng Luật Tài nguyên nước năm 2012.

     4. Kết luận

     Ô nhiễm nước dưới đất đang là vấn đề thách thức nhân loại, nếu nước dưới đất bị ô nhiễm thì vấn đề xử lý vô cùng khó khăn. Ở Việt Nam, tình hình ô nhiễm nước dưới đất do bể tự hoại gây ra khá phổ biến dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe người dân và gây mất đoàn kết trong khu dân cư (do bể tự hoại của người này gần giếng của người khác). Để góp phần bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, bài viết đã thống kê cơ bản một số bể tự hoại phổ biến hiện nay ở tỉnh Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đó, đề xuất giải pháp đấu nối những bể tự hoại 3 ngăn cũ vào hệ thống thu gom nước thải tập trung. Đối với những khu vực chưa có hệ thống thu gom nước thải tập trung, cơ quan quản lý cần hướng dẫn người dân xây dựng loại bể tự hoại như hình 3 để tăng hiệu quả xử lý nước thải trong giai đoạn tự thấm tạm thời, đồng thời thuận lợi khi đấu nối vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trong tương lai.

 

Võ Anh Khuê 1, Huỳnh Huy Việt 2, Phan Đức Lệnh 1

1 Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung

 2 Chi cục Bảo vệ môi trường Phú Yên

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 1/2020)

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13.

[2]. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2018 của Sở TN&MT Phú Yên.

[3]. Báo cáo Quan trắc môi trường tỉnh Phú Yên năm 2018.

[4]. Báo cáo giám sát môi trường định kỳ năm 2019 đối với hệ thống xử lý nước thải thành phố Tuy Hòa của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên.

[5]. Nguyễn Việt Anh (2017), Bể tự hoại, Nhà xuất bản Xây dựng.

[6] Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10334:2014 về Bể tự hoại bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn dùng cho nhà vệ sinh.

 

 

THE SOLUTION OF CONSTRUCTING HOUSEHOLD SEPTIC TANK TO PREVENT GROUNDWATER POLLUTION IN PHUYEN PROVINCE

 

Võ Anh Khuê 1, Huỳnh Huy Việt 2, Phan Đức Lệnh 1

1 Miền Trung Industry and Trade College

 2 Phú Yên province environmental protection Agency

 

     Abstract: This writing is about to introduce the use of various common home septic tanks in Phu Yen province. Basically, the most popular septic tank is the kind of three chambers including one storage chambers and two sediment ones. We analyse the advantages and drawbacks of this tank in order to propose the solution of effectively connecting the tank to the centralized wastewater collection systems. Especially, we propose a new septic tank in waiting for be connected to the centralized wastewater collection systems so as to prevent groundwater pollution and be easily connected to the centralized wastewater collection systems in the future.

     Keywords: Septic tank, centralized wastewater collection systems, groundwater pollution.

 

 

 

 

Ý kiến của bạn