Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Chất lượng không khí trong nhà văn phòng ở một số thành phố và đề xuất giải pháp cải thiện

07/02/2020

     Chất lượng không khí (CCKK) trong nhà có tác động lớn đến sức khỏe và hiệu quả làm việc của cộng đồng dân cư, đặc biệt ở trong văn phòng, khi đóng kín cửa để phòng lạnh mùa đông hay bật điều hòa chống nóng mùa hè thì mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thường lớn hơn ngoài nhà. Để có cơ sở ban hành Tiêu chuẩn CLKK trong nhà đóng kín cửa (IAQ Standard), Bộ Xây dựng đã giao cho Trung tâm Môi trường đô thị và Công nghiệp (VACEE) thực hiện Đề tài: MT 08-17 “Khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí trong nhà văn phòng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí”, thời gian thực hiện trong 2 năm (2017 - 2018).

     Một số nguy cơ ô nhiễm không khí trong nhà

     Theo Báo cáo của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), năm 2017, ở các đô thị, không khí trong nhà có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Tại Hà Nội, phòng khách của các hộ gia đình ở mặt đường có nồng độ bụi PM10 vượt TCCP 2,5 lần, nồng độ bụi PM 2.5 vượt TCCP 3 lần; ở các nhà trong hẻm, nồng độ bụi tương ứng vượt quá tiêu chuẩn 1,6 -1,8 lần; các căn hộ mới (vượt tiêu chuẩn 1,1 - 1,3 lần); nồng độ bụi trong các nhà văn phòng vượt tiêu chuẩn 1,4 -1,7 lần. Ngoài ra, tổng số vi khuẩn hiếu khí, liên cầu tan huyết và nấm mốc tại hầu hết các nhà gia đình được khảo sát đều không đạt tiêu chuẩn.

 

Hoạt động đo nồng độ các chất ô nhiễm không khí (TSP, PM2.5, VOC, SO2) trong nhà

 

     Khi nhà đóng kín cửa để phòng lạnh mùa đông hay bật điều hòa không khí (ĐHKK) chống nóng mùa hè thì tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong nhà chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn thải ô nhiễm không khí ở trong nhà và mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thường lớn hơn ngoài nhà. Vì vậy ở các nước đều ban hành Tiêu chuẩn CLKK trong các nhà đóng kín cửa (IAQ Standard), trong khi đó ở nước ta cho đến nay vẫn chưa có Tiêu chuẩn về IAQ trong nhà. Số liệu của WHO cũng cho thấy, tổng số người chết bệnh tật (chết non) do ô nhiễm không khí gây ra trên thế giới mỗi năm từ 3,5 đến 7 triệu người. Theo số liệu của WB mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại khoảng 5% GDP do bệnh tật bởi ô nhiễm môi trường gây ra, trong đó ô nhiễm không khí trong nhà đóng góp khoảng 50% nguyên nhân gây các bệnh tật đó. Vì vậy CLKK trong nhà rất hệ trọng, việc kiểm soát ô nhiễm không khí trong nhà ở nước ta hiện nay là rất cấp bách.

     Kết quả nghiên cứu về CLKK trong và ngoài nhà ở 3 TP lớn

     Thực hiện Đề tài, các chuyên gia đã tiến hành lựa chọn công trình để khảo sát, đo lường ứng với mỗi TP là: Khu trung tâm (vùng lõi đô thị) chọn 1- 2 tòa nhà văn phòng thấp tầng hay nhiều tầng; khu đô thị mới: chọn 2-3 tòa nhà cao tầng hiện đại trong đó có tòa nhà sử dụng điều hòa trung tâm và có tòa nhà sử dụng điều hòa cục bộ. Ở Hà Nội đã chọn 5 công trình để khảo sát đo lường, bao gồm: A1- Đại học xây dựng, trụ sở Viện Quy hoạch ĐT&NT (tòa nhà cũ, nhiều tầng), tòa nhà Zodiac, Gelex Land và EVN (tòa nhà hiện đại, cao tầng); Đà Nẵng đã chọn 4 công trình: Đại học bách khoa Đà Nẵng (nhà cũ, nhiều tầng), tòa nhà Petrolimex, FPT Complex và Trụ sở Điện cao thế miền Trung (hiện đại, cao tầng); TP. Hồ Chí Minh đã chọn 4 công trình: Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh và nhà Điện lực Tân Bình (nhà cũ, nhiều tầng), tòa nhà Bitexco Nam Long và tòa nhà IPC (nhà hiện đại, cao tầng). Thời gian khảo sát, đo lường ở Hà Nội vào các ngày lạnh nhất của mùa đông (tháng 1, 2) và mùa hè vào các ngày nóng nhất (tháng 7, 8) và Đà Nẵng (tháng 7); TP. Hồ Chí Minh (tháng 4) năm 2018. Các thông số khảo sát đo lường về chất lượng/ô nhiễm không khí ở trong nhà và ngoài nhà bao gồm: tổng số bụi lơ lửng (TSP), bụi mịn (PM2,5), khí SO2, khí CO2, khí CO, TVOC, tổng vi khuẩn, nấm mốc...

     Kết quả đánh giá về chất lượng không khí (CLKK) trong nhà và ngoài nhà ở 3 TP (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, riêng ở Hà Nội, CLKK trong nhà tại 5 văn phòng vào mùa đông khi đóng kín cửa, tại các điểm đo ở trong nhà hầu hết nồng độ các chất ô nhiễm không khí (TSP, PM2.5, VOC, SO2) ở trong các nhà đóng kín cửa (có hay không có điều hòa) đều thấp hơn giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của Singapore SS 554:2009 về Quy định nồng độ các chất ô nhiễm không khí trong nhà có điều hòa và tiêu chuẩn của Mỹ: ASHRAE - ANSI/ASHRAE 62.1: 2016 về Chất lượng không khí trong nhà chấp nhận được. Các chỉ số đo cũng cho thấy, nồng độ khí CO2 ở trong nhà cao hơn ở ngoài nhà. Có 8/10 (80%) số phòng của 5 nhà khảo sát đều có nồng độ khí CO2 ở trong nhà lớn hơn trị số nồng độ khí CO2 ngoài nhà (β*CO2 <700 ppm) (đạt trị số cho phép theo Tiêu chuẩn Singapore SS 554:2009); Có 2/10 (20%) số phòng của 5 nhà khảo sát có trị số β*CO2 trong nhà không đạt trị số cho phép (β*CO2 > 700 ppm), cụ thể là phòng tầng 11 tòa nhà Zodiac có β*CO2 = 833ppm, phòng tầng 6 nhà A1 ĐHXD có β*CO2 = 745 ppm, nguyên nhân là ở 2 phòng này không bảo đảm lưu lượng thông gió không khí của phòng theo tiêu chuẩn vệ sinh.

     Về CLKK trong các phòng đóng kín cửa (bật điều hòa) ở 3 TP trên cho thấy, dù điều kiện môi trường không khí ở ngoài nhà có bị ô nhiễm nặng, nhẹ hay không bị ô nhiễm, các khí ô nhiễm SO2, và VOC trong không khí ở trong tất cả (100%) các phòng đóng kín cửa bật điều hòa mùa nóng đã được khảo sát ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đều đáp ứng trị số giới hạn cho phép (TCCP). Xét về thông số nồng độ bụi lơ lửng TSP và bụi mịn PM2.5 thì chỉ có 73% số phòng đã được khảo sát là thấp hơn trị số TCCP, 27% số phòng đã được khảo sát có nồng độ bụi lớn hơn trị số TCCP từ 1,7 đến 3 lần.

     Còn về CLKK ngoài nhà trong mùa nóng, ở Đà Nẵng đạt chất lượng tốt nhất, hầu hết nồng độ các chất ô nhiễm không khí ngoài nhà ở Đà Nẵng đều thấp hơn nhiều lần so với trị số giới hạn cho phép theo QCVN 05: 2013/BTNMT. Ngược lại, môi trường không khí ngoài nhà ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là tương tự như nhau và đều bị ô nhiễm nặng. Ở Hà Nội nồng độ bụi lớn hơn trị số TCCP từ 1,77 lần đến đến 4,72 lần.  Ở TP. Hồ Chí Minh nồng độ bụi lớn hơn trị số TCCP từ 1,35 đến 4 lần. Môi trường không khí ngoài nhà ở Hà Nội trong mùa hè bị ô nhiễm hơn mùa đông.

     Về tổng lượng vi khuẩn-vi sinh vật và tổng lượng nấm mốc ở trong nhà đối với 17 phòng ĐHKK ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ chí Minh cho thấy (theo tiêu chuẩn của Singapore -SS 554:2009 - Quy định tổng lượng vi khuẩn-vi sinh vật và tổng lượng nấm mốc có trong không khí trong nhà không được vượt quá trị số 500 cfu/m3), thì có tới 12/17 phòng (70,6%) lượng vi khuẩn - vi sinh vật vượt giới hạn cho phép; chỉ có 5 phòng (29,4%) bé hơn giới hạn cho phép. Ở Đà Nẵng không có phòng nào đáp ứng tiêu chuẩn của Singapore về tổng vi sinh vật. Về nấm mốc có tới 16/17 phòng (94%) có tổng lượng nấm mốc bé hơn trị số TCCP (500 cfu/m3), chỉ có 1 phòng (6%) có tổng lượng nấm mốc lớn hơn trị số 500 cfu/m3, đó là phòng tầng 1 của trường Đại học kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

     Đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí CLKK trong nhà

     Thứ nhất, tận dụng thông gió tự nhiên, khi điều kiện khí hậu ngoài nhà cho phép. Ở nước ta nói chung, ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, có tỷ lệ thời gian có điều kiện khí hậu ngoài nhà mát mẻ trong năm tương đối lớn. Vì vậy, nên tận dụng mở cửa sổ thông gió tự nhiên (không bật điều hòa), vừa tiết kiệm năng lượng điện, bảo đảm CLKK trong nhà.

     Thứ hai, cần ban hành tiêu chuẩn CLKK trong nhà có điều hòa, trong đó quy định về các ngưỡng giới hạn cho phép đối với các thông số: Bụi lơ lửng TSP và bụi mịn PM2.5, các khí CO, CO2, SO2, VOCs, tổng vi sinh vật, vi khuẩn và nấm mốc trong 1 m3 không khí trong nhà.

     Thứ ba, quy định cụ thể về chất lượng hệ thống điều hòa đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường như phải có thiết bị lọc bụi tốt, đặc biệt là lọc bụi mịn PM 2.5, PM10 ; bảo đảm tỷ lệ cung cấp đủ lượng không khí tươi vào nhà để nồng độ khí CO2 thấp hơn trị số tiêu chuẩn cho phép...

     Thứ năm, xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các TP để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo CLKK cho từng khu vực. Từ đó, kết hợp với công tác điều tra, kiểm kê các nguồn thải, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá, phân tích, xác định tác nhân gây ô nhiễm, mức độ, xu hướng diễn biến ô nhiễm để có biện pháp kiểm soát và cải thiện CLKK.

 

GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường

TS. KTS Phạm Thị Hải Hà, ThS. Trần Thị Minh Nguyệt

Trường Đại học Xây dựng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 

Ý kiến của bạn