Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Bước đầu áp dụng kiểm toán tác động môi trường cho Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định tại Khu công nghiệp Hòa Xá

13/09/2017

     Tóm tắt

     Bài báo trình bày kết quả kiểm toán tác động môi trường tại Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định. Theo đó, hoạt động của Nhà máy không gây tác động đáng kể đến môi trường xung quanh; tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại: nước thải, bùn thải, khí thải có dấu hiệu ô nhiễm; môi trường lao động không được quan trắc; các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường đã được thực hiện song chưa hiệu quả. Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân và đưa ra những biện pháp hiệu chỉnh, khắc phục.

     Từ khóa: Kiểm toán tác động môi trường.

     1. Đặt vấn đề

     Tại Việt Nam, kiểm toán môi trường (KTMT) vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ đối với cả doanh nghiệp và nhà quản lý. Thực tế này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu các hướng dẫn kỹ thuật, quy trình thực hiện KTMT. Xuất phát từ mong muốn xây dựng được một quy trình KTMT có thể áp dụng được tại hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về KTMT tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, áp dụng thí điểm cho một doanh nghiệp ngành dệt may”, nhóm tác giả đã nghiên cứu, xây dựng được quy trình thực hiện KTMT cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, trong đó kiểm toán tác động môi trường là một trong những loại hình kiểm toán quan trọng nhất, phù hợp và thiết thực với hầu hết tất cả các loại hình sản xuất kinh doanh hiện nay.

     Để đảm bảo quy trình kiểm toán nói chung, kiểm toán tác động môi trường nói riêng khi được ban hành có tính khách quan, khoa học, thực tế, nhóm tác giả đã lựa chọn áp dụng thí điểm tại Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định. Việc áp dụng thí điểm KTMT tại đây cho thấy những kết quả khả quan, tích cực, đem lại những lợi ích nhất định cho Tổng Công ty, đồng thời là tư liệu thực tế quan trọng cho nhóm tác giả trong quá trình hoàn thiện các quy trình KTMT.

     Kiểm toán tác động môi trường (environmental impact audit) là kiểm tra có hệ thống các tác động môi trường thực tế của một doanh nghiệp đang hoạt động, dựa trên cơ sở các số liệu quan trắc môi trường nhằm mục đích giảm thiểu các rủi ro về môi trường. Kiểm toán tác động môi trường liên quan đến việc so sánh các tác động được dự báo trong một báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương tự) với những tác động xảy ra thực tế do hoạt động của doanh nghiệp nhằm mục tiêu giám sát các cam kết đã chỉ ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và những vấn đề cần quan tâm khác [1-2]. 

     2. Đối tượng và phương pháp

     2.1. Đối tượng thực hiện áp dụng thí điểm

     Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định đã lập dự án “Đầu tư di dời Công ty Dệt may Nam Định” ra khu công nghiệp (KCN) Hòa Xá, Nam Định và lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường tháng 9/2007 [3]. Hiện tại, hai Nhà máy Nhuộm và Động lực là 2 cơ sở chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được di dời ra vị trí mới của Tổng Công ty trong KCN Hòa Xá và đi vào vận hành được hơn một năm. Khi các Nhà máy này đi vào hoạt động, những tác động môi trường thực tế mới thực sự bộc lộ bản chất vốn có của nó. Do vậy, tiến hành KTMT là cần thiết, giúp nhận diện sớm những tác động thực tế, những vấn đề môi trường mới phát sinh (chưa được dự báo) cũng như đánh giá hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực. Trên cơ sở đó, những biện pháp hiệu chỉnh, khắc phục những vấn đề còn tồn tại sẽ được đề xuất [1]. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho Tổng Công ty tránh được những chi phí không đáng có do không tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường cũng như nâng cao uy tín của Tổng Công ty trên thị trường trong nước và quốc tế.

     2.2. Xác định vấn đề và phương pháp kiểm toán

     Trong quá trình thực hiện KTMT tại Tổng Công ty, nhóm kiểm toán (gồm đại diện cán bộ Văn phòng Tổng cục Môi trường, chuyên gia đến từ Khoa Môi trường, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xác định vấn đề kiểm toán trọng tâm là nước thải và bùn thải của Nhà máy Nhuộm sau khi qua trạm xử lý nước thải; khí thải công nghiệp và khả năng tác động đến môi trường lao động và xung quanh trong phạm vi Nhà máy. Các cơ sở được lựa chọn kiểm toán là Nhà máy Nhuộm và Động lực của Tổng Công ty trong KCN Hòa Xá [4]. Các phương pháp KTMT đã được sử dụng để thu thập các bằng chứng kiểm toán bao gồm rà soát tài liệu; điều tra khảo sát thực địa thông qua quan sát trực tiếp, phỏng vấn và lấy mẫu môi trường để kiểm tra [5]. Ngoài ra, phương pháp tính toán kiểm tra số liệu [6] đã được sử dụng để tính toán và kiểm tra lượng phát thải thực tế của bụi lơ lửng (TSP) và nồng độ TSP trong khí thải từ lò hơi sau khi xử lý tương ứng với các trường hợp hiệu suất lọc bụi khác nhau cũng như tính toán hiệu suất lọc bụi thực tế của hệ thống lọc bụi tại thời điểm khảo sát. Dựa vào các bằng chứng kiểm toán thu thập được, tiến hành phân tích, so sánh với tiêu chuẩn kiểm toán và báo cáo Đánh giá tác động môi trường để xác định các phát hiện kiểm toán về những tồn tại và nguyên nhân có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến môi trường và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm cải thiện vấn đề môi trường ở Nhà máy.

     Các tiêu chuẩn sử dụng trong quá trình kiểm toán bao gồm các Quy chuẩn kỹ thuật thuật quốc gia (QCVN) về môi trường và Quyết định Số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định về môi trường lao động. Các QCVN đã được áp dụng bao gồm QCVN về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ (QCVN 19:2009/BTNMT); QCVN về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT); QCVN về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT); QCVN về nước thải công nghiệp Dệt nhuộm (QCVN 13-MT:2015/BTNMT (B)); QCVN về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT); QCVN về ngưỡng chất thải nguy hại (QCVN07/2009/BTNMT).

     2.3. Cơ sở dữ liệu để kiểm toán

     Số liệu được sử dụng trong quá trình kiểm toán bao gồm số liệu quan trắc định kỳ liên tục, số liệu khảo sát tại thời điểm kiểm toán và số liệu tính toán để kiểm chứng và dự báo, cụ thể như sau:

- Số liệu quan trắc môi trường định kỳ: trong 5 đợt quan trắc liên tục (3 đợt năm 2015 vào các tháng 6, 10, 12 và 2 đợt năm 2016 vào các tháng 4, 6) từ khi Nhà máy Nhuộm và Động lực bắt đầu vận hành tại KCN Hòa Xá đến thời điểm kiểm toán [6]. Các thông số quan trắc môi trường không khí bao gồm: khí thải lò hơi và môi trường không khí xung quanh: TSP,  CO, SO2, NOx. Các thông số quan trắc nước thải sau xử lý bao gồm các thông số pH, COD, BOD5, Colifom, chất rắn lơ lửng, độ màu, Clo, chất hoạt động trên bề mặt, xianua.

- Số liệu khảo sát thực tế tại thời điểm kiểm toán: Thời điểm lấy mẫu và quan trắc được thực hiện vào tháng 10/2016 trong điều kiện hoạt động sản xuất đang diễn ra bình thường. Đối với môi trường không khí, ngoài tiến hành quan trắc khí thải công nghiệp tại các vị trí giống như quan trắc định kỳ, nhóm kiểm toán đã tiến hành quan trắc bổ sung môi trường trong khu vực sản xuất. Các thông số quan trắc được bổ sung thêm các chỉ tiêu về vi khí hậu và một số hơi khí độc như NH3, Cd và Pb. Đối với môi trường nước, quan trắc nước thải sau trạm xử lý của Tổng Công ty bao gồm 21 chỉ tiêu được chia theo nhóm: chỉ tiêu đo nhanh; chỉ tiêu kim loại nặng; chỉ tiêu độ dinh dưỡng; chất rắn và nhóm chỉ tiêu khác.

- Số liệu để tính toán kiểm tra thực tế: Hiện tại trong KCN Hòa Xá, có lò hơi số 1 với công suất 6 tấn/giờ đang hoạt động. Nhiên liệu sử dụng cho lò đốt là than với tỉ lệ 6,5% tro bụi  và 0,65% S đối với than cục 5a;  21% và 0,65% đối với than cám 4a. Than được sử dụng là than trộn giữa than cục 5a và than cám 4a  với tỷ lệ là 40:60.  Lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 3.540 tấn than/năm, lưu lượng khí thải phát sinh qua ống khói có chiều cao 17 m, đường kính 0,6 m của lò hơi đo được là 1.374 m3/giờ.

     3. Kết quả áp dụng kiểm toán tác động môi trường tại Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định

     3.1. Những kết quả đã đạt được trong công tác giảm thiểu ô nhiễm và BVMT của Tổng Công ty

     Tổng Công ty đã đầu tư kinh phí xây dựng các công trình BVMT tại khu công nghiệp mới cũng như thực hiện tương đối đầy đủ các biện pháp giảm thiểu như đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chương trình quan trắc môi trường đã được thực hiện và có báo cáo lưu tại Tổng Công ty, đảm bảo cung cấp số liệu cần thiết trong công tác giám sát và quản lý tác động. Đối với vấn đề sức khỏe và an toàn cho người lao động, Tổng Công ty thực hiện trang bị đầy đủ khẩu trang, thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân làm việc. Công nhân lao động được khám sức khỏe định kỳ, được hưởng các chế độ bồi dưỡng độc hại cho người lao động như quy định. Kết quả bước đầu cho thấy các vấn đề môi trường đã được cải thiện hơn nhiều so với khi còn ở vị trí cũ (trước khi di dời). Chất lượng khí thải công nghiệp nhìn chung đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường; môi trường không xung quanh khu vực Tổng Công ty không có dấu hiệu ô nhiễm TSP và các khí độc; Nước thải Nhà máy Nhuộm sau khi xử lý không bị ô nhiễm kim loại nặng.

     3.2. Một số phát hiện kiểm toán không phù hợp, cần khắc phục

- Thứ nhất, nước thải Nhà máy Nhuộm sau khi xử lý tại trạm xử lý nước thải của Tổng Công ty vẫn có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Bùn thải tại trạm xử lý nước thải bị ô nhiễm kim loại nặng As, Cd, Pb. Vào thời điểm khảo sát 10/2016, khí thải lò hơi không đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đối với thông số TSP và CO, đặc biệt TSP vượt tới hơn 7 lần quy chuẩn cho phép (QCCP) đối với khí thải công nghiệp QCVN 19:2009, hiệu suất xử lý bụi lơ lửng chỉ đạt khoảng 61%.  Kết quả tính toán thực tế cho thấy, trong trường hợp hệ thống lọc bụi hoạt động với hiệu suất nhỏ hơn 95%, nồng độ TSP trong khí thải không đạt QCVN 19: 2009 trước khi xả ra môi trường và có thể gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Môi trường lao động trong khu sản xuất không được quan trắc, do đó không đánh giá được tác động của khí thải đến sức khỏe công nhân trong khu vực sản xuất. Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường mặc dù đã được thực hiện song chưa thực sự hiệu quả.

- Thứ hai, so sánh tác động thực tế với tác động dự báo trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho thấy, chất lượng Báo cáo không cao. Một số tác động không được phân tích và dự báo cụ thể như: bùn thải của trạm xử lý nước thải có chứa kim loại nặng; tác động có thể xảy ra đối với môi trường không khí trong các trường hợp nhà máy không vận hành hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý ngừng hoạt động do hỏng hay sự cố. Kết quả tính toán thực tế cho thấy, giá trị của TSP có thể vượt tới 18 lần QCCP nếu hệ thống xử lý khí thải không hoạt động.

- Thứ ba, nguyên nhân của những vấn đề còn tồn tại nêu trên là do công tác kiểm soát, quản lý môi trường nội bộ của Tổng Công ty còn yếu. Tổng Công ty không có Phòng/Ban chuyên trách về môi trường dẫn đến hệ thống quản lý môi trường chưa đáp ứng được các tiêu chí của một hệ thống quản lý môi trường hoàn chỉnh - đóng vai trò cốt yếu trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa giảm thiểu tác động nói riêng và công tác BVMT nói chung.

     3.3. Đề xuất các giải pháp khắc phục

     Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán về những vấn đề còn tồn tại cũng như phân tích các nguyên nhân cụ thể và nguyên nhân sâu xa của vấn đề, một số hướng giải pháp khắc phục sau:

- Duy trì thực hiện đầy đủ và thực hiện bổ sung những biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực như đã được nêu trong Báo cáo ĐTM.

- Thực hiện quan trắc, giám sát môi trường lao động và phổ biến thông tin kịp thời cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động.

- Thường xuyên bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra hiệu quả hoạt động của hệ thống lọc bụi lò hơi (Nhà máy Nhuộm) và trạm xử lý nước thải (Nhà máy Động lực) và có các kế hoạch ứng phó kịp thời trong trường hợp xảy ra các sự cố môi trường.

- Đầu tư kinh phí để thực hiện tốt các biện pháp giảm thiểu nhằm giảm những tác động môi trường thông qua các hình thức như vay vốn ưu đãi, Quỹ BVMT…

- Đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các cán bộ và công nhân, nhằm  nâng cao hiểu biết về vấn đề môi trường và các tác động môi trường có thể xảy  nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu. Đào tạo về chuyên môn cho công nhân công đoạn pha màu nhuộm, tăng cường nhân lực chuyên môn (kỹ sư hóa) hướng dẫn, đào tạo cho công nhân công đoạn pha màu nhuộm.

- Thành lập Phòng/Ban chuyên trách về môi trường, xây dựng các chương trình, kế hoạch quản lý và giám sát môi trường nội bộ.

     4. Kết luận

     Sau thời gian áp dụng thí điểm KTMT nói chung, kiểm toán tác động môi trường nói riêng tại Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định, nhóm tác giả đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, có giá trị khoa học cũng như thực tiến cao để hoàn thiện quy trình thực hiện KTMT cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Các quy trình thực hiện KTMT sau khi được ban hành dưới dạng sổ tay hướng dẫn sẽ là cẩm nang quan trọng, cần thiết cho các doanh nghiệp khi thực hiện KTMT■

     Tài liệu tham khảo

.     Phạm Thị Việt Anh, Kiểm toán tác động môi trường - kinh nghiệm quốc tế và khả năng ứng dụng ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tập 31, Số 2S  (2015).

.     Tổng Công ty CP Dệt may Việt Nam. Báo cáo Kết quả xử lý ô nhiễm triệt để theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg (2015);

.     Phạm Thị Việt Anh. Giáo trình KTMT, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (2006).

.     Công ty TNHH Nhà nước MTV Dệt Nam Định. Báo cáo Đánh giá tác động môi trường về dự án di dời Công ty dệt Nam Định (2007);

.     Trung tâm Quan trắc và Phân tích TN&MT, Sở TN&MT Nam Định. Báo cáo Kết quả Quan trắc môi trường đợt tháng 4,6,12 năm 2015 và tháng 4, 6 năm 2016. 

      .     Lee Wilson, A Practical Method for environmental impact assessment audits, Lee Wilson & Associates, Inc., P.O. Box 931, Santa Fe, NM 87504, USA, 1998.

 

The intiation of the application of environmental impact auditing for Nam Dinh textile garment joint stock corporation at Hoa Xa industrial zone

     Phạm Thị Việt Anh

     Faculty of Environmental Sciences, VNU University of Science

     Hoàng Văn Thức

     General Department of Environment, Ministry of Natural Resources and Environment

     Abstract

     This paper presents the initial results of the environmental impact auditing at Nam Dinh Textile Garment Joint Stock Corporation. The results have showed that the operation of the plants do not cause significant impacts to the surrounding environment. However, there are still some limitations and shortcomings: wastewater, sludge of the wastewater, emissions has signs of contamination; the company does not have environmental management Division, which plays a crucial role in controling negative impact mitigation, that leads to ineffecient environmental management. Based on the auditing findings of nonconformity and their root causes, some solutions to overcome these limitations  have been proposed.

     Keywords: Environmental impacts, Impact auditing.

 

Phạm Thị Việt Anh1

Hoàng Văn Thức2

Ý kiến của bạn