14/10/2013
Ứng dụng phương pháp tương quan đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến chất lượng môi trường nước mặt lục địa
Nước có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với môi trường nước là một trong những nội dung quan trọng trong các giải pháp ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Nghiên cứu thử nghiệm ở khu vực hạ du sông Mê Công, Việt Nam với chuỗi số liệu từ năm 1985 đến nay cho thấy có mối quan hệ tương quan giữa các thông số khí tượng và chất lượng nước (CLN), đặc biệt là mối tương quan trung bình tháng giữa nhiệt độ không khí và nước cũng như giữa các thông số khí tượng với DO, độ kiềm, TSS.
Theo báo cáo lần thứ 4 của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH [3], Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do BĐKH và nước biển dâng. BĐKH có phạm vi và mức độ ảnh hưởng đến mọi thành phần của môi trường. Đối với môi trường nước mặt lục địa, tác động của BĐKH được phản ánh thông qua tất cả các thông số chất lượng nước như nhiệt độ nước, lưu tốc, hệ số đồng hóa các chất ô nhiễm, mật độ tảo...[5][7]. Trong đó, nhiệt độ, lượng mưa và độ bốc hơi được xác định là những thông số cơ bản trong đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến CLN[1][8].
Tuy nhiên, các nghiên cứu về ảnh hưởng của BĐKH đến môi trường nước ở Việt Nam còn hạn chế. Trong các phương pháp đang được ứng dụng trên thế giới, công cụ phân tích tương quan đang được sử dụng ngày càng nhiều [5][8][9] do tính toán đơn giản trong tiếp cận và diễn giải các kết quả [4]. Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu thử nghiệm phương pháp phân tích tương quan được thực hiện trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ “Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm thiết lập hệ thống giám sát tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với chất lượng môi trường nước mặt lục địa”.
ThS. Tăng Thế Cường
ThS. Lê Hoàng Anh
CN. Vương Như Luận
Th.S. Nguyễn Hồng Hạnh
(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2013)