03/07/2018
Nguyễn Tiến Dũng
Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh
Võ Thị Thanh Hương
ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Thị Phương Thảo, Lê Quốc Vĩ, Lê Thanh Hải
Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
TÓM TẮT
Bài báo đã đề xuất nguyên tắc xây dựng mô hình BVMT dựa vào cộng đồng (CBEM) phù hợp cho làng nghề (LN). Ngoài ra, nghiên cứu áp dụng các nguyên tắc đã đề xuất để xây dựng nên mô hình CBEM cho LN bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống CBEM của LN này gồm tổ tự quản (TTQ) BVMT, quy chế TTQ, quy ước BVMT LN, chương trình hoạt động và mô hình tích hợp giảm thiểu, xử lý ô nhiễm cho nghề sản xuất bánh tráng. Hệ thống này đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức BVMT và giảm thiểu ô nhiễm cho LN.
Từ khóa: Quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, làng nghề, sản xuất bánh tráng.
1. Giới thiệu
Gần đây công tác quản lý môi trường (QLMT) và tài nguyên chú trọng sự tham gia của cộng đồng được gọi là QLMT hoặc tài nguyên dựa vào cộng đồng (DVCĐ). Quản lý DVCĐ là một trong 3 phương thức quản lý: Nhà nước quản lý tập trung; quản lý DVCĐ; cộng đồng tự quản lý. Phương thức này gồm 5 cấp độ: Cấp độ thông báo (Nhà nước ra quyết định, thông báo và hướng dẫn cộng đồng tham gia quản lý); Cấp độ tham vấn (Cộng đồng cung cấp thông tin, Nhà nước tham khảo ý kiến của cộng đồng để đưa ra quyết định, thông báo và hướng dẫn cộng đồng tham gia quản lý); Cấp độ cùng thực hiện (Cộng đồng có cơ hội và được phép tham gia thảo luận, góp ý kiến để đưa ra quyết định và được tham gia quản lý; Cấp độ đối tác: Nhà nước và cộng đồng cùng quản lý); Cấp độ chủ trì (Cộng đồng được Nhà nước trao quyền quản lý, Nhà nước chỉ thực hiện việc kiểm soát).
QLMT DVCĐ có nhiều mục tiêu, không chỉ quan tâm tới BVMT mà còn hướng tới phát triển kinh tế - xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và hướng tới sự phát triển bền vững. Delgado-Serrano và cộng sự đã giới thiệu 5 dự án liên quan đến QLMT DVCĐ ở Mỹ Latin và Caribean gồm COMET-LA, COPRA, CiVi.net, COMBIOSERVE và EcoAdapt cho thấy được hiệu quả và đóng góp thiết thực của các chương trình này. Trong các mô hình này thì bên thứ 3 là một tổ chức phi Chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và phổ biến các vấn đề liên quan đến BVMT và tài nguyên đến cộng đồng dân cư. Ngoài ra, trong mô hình này, đội quản lý DVCĐ với các thành viên chủ chốt là người địa phương là một tổ chức tích cực đóng góp vào thành công của mô hình, đây một loại hình tương tự như tổ tự quản BVMT ở Việt Nam.
Hơn nữa cộng đồng còn có vai trò giám sát môi trường. Có 2 lỗ hổng chính cần được xác định: Cần so sánh và đối chiếu thành công (và các tình huống tạo thành công) của các chương trình CBM với các bằng chứng hiện tại nêu rõ ảnh hưởng của khoa học cộng đồng đến những thay đổi môi trường tích cực trong hệ sinh thái địa phương mà họ theo dõi; nhiều nghiên cứu điển hình cho thấy, các nhà lãnh đạo sử dụng dữ liệu CBM từ đó khắc phục những rào cản đối với các bên liên quan. Nếu nghiên cứu mới tập trung vào những vấn đề này chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái.
Ở Việt Nam, mô hình QLMT DVCĐ đã được triển khai nhiều nơi như Quảng Ngãi, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai... Ngoài ra, mô hình này còn được triển khai cho các lĩnh vực đặc thù như BVMT nước, bảo vệ rừng… Một tổ chức không thể thiếu trong các mô hình CBEM ở Việt Nam đó là tổ tự quản BVMT. Tùy thuộc vào loại hình TTQ gồm các thành viên như trưởng ấp/khóm, đại diện các tổ chức đoàn thể và người dân. Có nơi thành viên TTQ là cán bộ phụ trách địa chính môi trường, với sự tham gia của thành viên này thì sự kết nối giữa các chương trình BVMT của xã, huyện, tỉnh với khóm/ấp được thuận lợi hơn. Ví dụ như các thành viên TTQ BVMT ở Đồng Tháp được phép tổ chức thu gom rác ở nông thôn và tham gia vào các hoạt động BVMT ở địa phương và đặc biệt đây là lực lượng nòng cốt tham gia chính vào các dự án, chương trình BVMT được triển khai ở địa phương.
Mặc dù đã hình thành nhiều mô hình CBEM cho nhiều đối tượng khác nhau và cũng đã mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên nó cũng còn tồn tại nhiều rào cản dẫn đến hiệu quả không cao: Các tổ tự quản BVMT mang tính tổng quát cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của địa phương dẫn đến chưa bám sát vào các đặc thù của các ngành nhất là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có phát sinh chất thải, các thành viên TTQ chủ yếu hoạt động tình nguyện, cơ chế tài chính cho tổ này chưa được cụ thể, do vậy, các thành viên của tổ chủ yếu là kiêm nhiệm do vậy chưa thể dành nhiều thời gian, tâm huyết cho hoạt động BVMT. Để công tác BVMT được hiệu quả thì các lĩnh vực đặc thù cần phải có mô hình riêng để kết nối vào mô hình BVMT khác hình thành nên một mạng lưới chương trình BVMT DVCĐ đa dạng và rộng khắp về cả địa lý và các đối tượng ngành nghề. Chính vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu là đề xuất một mô hình QLMT DVCĐ phù hợp cho các LN sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhằm bổ sung để hoàn thiện hơn chương trình QLMT DVCĐ hiện nay.
2. Đề xuất nguyên tắc xây dựng mô hình QLMT DVCĐ CHO LN
Nguyên tắc trong xây dựng mô hình CBEM cho LN được đề xuất theo “quy tắc 7C1A” như sau:
3. Áp dụng quy tắc đã đề xuất xây dựng mô hình QLMT DVCĐ cho LN bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh
3.1. Mô tả đối tượng nghiên cứu
Trên địa bàn Huyên Củ Chi có 15 nhóm ngành nghề nông thôn. Các nhóm ngành nghề này phân bố ở khắp các xã trên địa bàn huyện. Sự phân bố các ngành nghề trên địa bàn huyện Củ Chi (Hình 1).
Hình 1. Hiện trạng phân bố ngành nghề nông thôn huyện Củ Chi
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Củ Chi hiện có tổng cộng 4 LN đang hoạt động: LN mành trúc Tân Thông Hội, LN bánh tráng Phú Hòa Đông, LN đan đát Thái Mỹ và LN sinh vật cảnh Trung An nhưng mới chỉ có 2 LN được công nhận là LN đan đát Thái Mỹ và LN bánh tráng Phú Hòa Đông. Đối với LN sinh vật cảnh xã Trung An hiện không còn hoạt động mạnh mẽ như trước, một số hộ trồng cây cảnh chủ yếu là trồng lan hoạt động cầm chừng và rải rác cung ứng chủ yếu ở thị trường nội địa. Nổi tiếng nhất có thể kể đến là LN bánh tráng Phú Hòa Đông.
Hình 2. Sơ đồ quy trình nghề sản xuất bánh tráng
Để xác định được thành phần, tính chất các nguồn thải phát sinh tại các cơ sở sản xuất bánh tráng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhóm thực hiện đã tiến hành đo đạc, lấy mẫu, phân tích các nguồn thải, kết quả cho thấy: Nước thải sản xuất bánh tráng có nồng độ BOD5 472 - 2.132 mg/L, COD 938 - 4.930 mg/L, TSS 316 - 1.098 mg/L. Khí thải tại ống khói lò hơi sử dụng nhiên liệu đốt là củi có nồng độ bụi và CO vượt quy chuẩn cho phép (bụi 157 - 671 mg/m3, CO 1.870 - 2.460 mg/m3). Một số hộ kết hợp chăn nuôi (heo) phát sinh mùi hôi tại khu vực chăn nuôi, nồng độ các khí NH3 22 - 287 mg/m3, H2S 3 - 38 mg/m3, THC 7 - 87 mg/m3. Vấn đề BVMT LN sản xuất bánh tráng đáng quan tâm nhất là khí thải và nước thải, tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các cơ sở đều chưa có hệ thống xử lý phù hợp đạt quy chuẩn của Bộ TN&MT. Do vậy, cần phải có mô hình và giải pháp phù hợp nhằm BVMT cho LN này.
3.2. Xây dựng mô hình BVMT DVCĐ cho LN
Nghiên cứu đã xây dựng mô hình BVMT cho LN này theo quy tắc “7C1A” như sau:
Trước tiên tiến hành họp các hộ trong LN và phổ biến về chương trình BVMT LN đang được triển khai theo nguyên tắc thứ 1 ‘Cùng tham gia ngay từ đầu’, ngoài ra, nhóm tư vấn còn tiến hành khảo sát chi tiết và phổ biến các tác động môi trường của quá trình sản xuất bánh tráng cũng như các văn bản pháp luật về BVMT liên quan mà các hộ trong LN phải tuân thủ. Quá trình này đảm bảo được nguyên tắc ‘Cùng hiểu đúng, đầy đủ các tác động môi trường của hoạt động sản xuất’ .
Cùng xây dựng quy chế, quy ước: Nhóm tư vấn phối hợp với địa phương xây dựng quy chế và quy ước BVMT LN nhằm thể hiện các cam kết cần thực hiện của các hộ dân trong LN để ngăn ngừa ô nhiễm và BVMT. Bản thảo quy ước BVMT được xây dựng theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT về BVMT cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, LN và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Bộ TN&MT ngày 14/10/2016. Các văn bản này được đem ra thảo luận với các hộ dân trong LN và thống nhất trước khi ban hành.
Cùng bầu ra các thành viên TTQ : Tiếp theo tổng hợp các ý kiến đóng góp của người dân trong ấp về các tiêu chí cần và đủ để lựa chọn người tham gia tổ tự quản, gồm: Nhiệt tình, có trách nhiệm, có uy tín, có tính cộng đồng cao, có thời gian… Nên xác định lựa chọn những người có uy tín như Trưởng ban, Phó ban LN mỗi ấp… Dựa trên đề xuất của ban ngành cấp ấp và người dân chọn các thành viên đáp ứng được các tiêu chí trên tham gia vào tổ tự quản BVMT. Thành viên tổ tự quản BVMT cùng người dân trong ấp bầu ra ban quản lý tổ bao gồm: 1 tổ trưởng và 1 tổ phó và 1 thư ký. Cơ cấu TTQ đảm bảo quy tắc không quá 10 người, các hộ dân quyết định chọn 7 người tham gia TTQ, gồm có 1 tổ trưởng (Phó chủ nhiệm HTX LN bánh tráng Phú Hòa Đông); 1 tổ phó (thành viên LN nơi triển khai mô hình thí điểm); 1 thư ký (chọn lựa từ các thành viên khác của TTQ); 4 thành viên (là những hộ làm nghề tích cực trong công tác cộng đồng). Tổ tự quản BVMT tại LN sản xuất bánh tráng xã Phú Hòa Đông đã được thành lập theo Quyết định số 222-QĐ/UBND ngày 8/11/2017 của UBND xã Phú Hòa Đông.
TTQ phối hợp với nhóm tư vấn tiến hành xây dựng chương trình và kế hoạch hoạt động. Các nội dung của chương trình BVMT DVCĐ hàng năm tại LN như sau: Nội dung 1 - Truyền thanh BVMT, Nội dung 2 - Tổ chức ngày “Chủ nhật xanh”, tuần lễ “Cộng đồng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường”, Nội dung 3 - Thu phí BVMT đối với nước thải.
Hình 3. Họp góp ý quy chế và chương trình hành động của TTQ
Trong phạm vi chương trình, nhóm tư vấn đã lựa chọn được mô hình công nghệ ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm tích hợp cho nghề sản xuất bánh tráng làm mô hình mẫu để phục vụ công tác tuyên truyền nhân rộng. Mô hình này đã được triển khai tại hộ Nguyễn Văn Bảnh, ấp Cây Trâm xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, đại diện hộ này được chọn là tổ phó của TTQ BVMT LN do nắm bắt được kỹ thuật thi công, vận hành mô hình. Mô hình điển hình đã được triển khai (Hình 4).
Hình 4. Sơ đồ mô hình các giải pháp tổng hợp xử lý ô nhiễm môi trường cho hộ điển hình làm nghề sản xuất bánh tráng
Nhìn chung, nước thải sản xuất bánh tráng có pH thấp, sau khi qua bể lọc bằng tro (liều lượng 2g/lít) thì pH tăng lên khoảng 6,5 phù hợp khi cho vào bể biogas. Ngoài ra, tại quá trình này COD, BOD và N tổng giảm một phần, riêng P tăng do hàm lượng phosphat trong tro củi đi vào nước thải. Nước thải sau khi ra khỏi bể biogas thì BOD5 giảm đến 70%, nước thải sau khi đi qua hệ thống xử lý và bay hơi amoni thì hàm lượng N, P và BOD, COD đều giảm, điều này cho thấy, hiệu quả của việc tận dụng khí thải lò hơi để bay hơi NH3 cũng như tận dụng nước thải để xử lý khí thải. Nước thải sau khi ra khỏi hệ thống xử lý có các chỉ tiêu đều đạt QCVN40:2011/BTNMT, cột B. Như vậy, với sự hỗ trợ của hệ thống lọc từ tro củi của cơ sở thì hàm lượng coliform cũng đạt tiêu chuẩn. Do vậy, trong quy trình này không cần sử dụng hóa chất khử trùng, vì thế, có thể sử dụng trong việc tưới tiêu vườn cỏ. Chi phí đầu tư mô hình tổng hợp các giải pháp ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường tương đối thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế, thu nhập của các hộ sản xuất bánh tráng trong LN. Tổng hợp chi phí đầu tư xây dựng và máy móc thiết bị của hộ điển hình khoảng 102 triệu đồng, tính trung bình khoảng 5 triệu đồng/m3. So sánh với giá thị trường hiện nay, chi phí dao động từ 8 - 16 triệu đồng/m3 nước thải (loại nước thải có mức độ ô nhiễm không cao).
Các hộ dân trong LN bánh tráng được giới thiệu và tham quan mô hình thí điểm. Nhóm tư vấn trình bày cách triển khai cũng như hướng dẫn vận hành mô hình. Các sổ tay hướng dẫn thiết kế, thi công và vận hành cũng được phát cho các hộ dân. Đặc biệt, các thành viên TTQ được hướng dẫn kỹ cũng như tham gia vào ngay từ ban đầu lúc thiết kế, xây dựng và vận hành. Do vậy, thành viên TTQ là người nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật của mô hình để phục vụ nhân rộng sau này.
Hình 5. TTQ và các hộ dân được hướng dẫn thực hiện mô hình
Hình 6. Các hộ trong LN tham quan mô hình thực tế
Có thể nói LN bánh tráng Phú Hòa Đông là một LN có nhiều vấn đề môi trường nhất trong tổng số 27 LN và có nghề ở TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu đã đề xuất, triển khai mô hình BVMT DVCĐ, trong đó, có đưa vào vận hành thành công mô hình thí điểm. Đây là một mô hình tích hợp, xử lý chất thải rắn, lỏng và khí với chi phí đầu tư, vận hành phù hợp. Trong quá trình thực hiện, các cơ sở sản xuất đã tham quan mô hình, sau khi nhận thấy sự hiệu quả của mô hình, nhiều đơn vị đã mong muốn được chuyển giao kết quả mô hình. Nếu mô hình được nhân rộng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho sản phẩm bánh tráng của LN, nhất là sản phẩm LN được xuất khẩu vào các thị trường khác nhau. Quy trình công nghệ và các hạng mục triển khai cho hộ quy mô 1,5 tấn sản phẩm/ngày, gồm: Hệ thống lọc và nâng pH tận dụng tro từ lò hơi; bể gom nước thải và gia tăng nhiệt độ; bể biogas; bể chứa nước thải sau biogas; bể tách amoniac; bể thu hồi Nitơ; bể điều hòa; bể xử lý sinh học hiếu khí gián đoạn; bể lọc với vật liệu tro từ lò hơi; bể chứa nước sau xử lý. Các công việc cần triển khai thực hiện như sau: (1) Khảo sát chi tiết, thiết lập cân bằng vật chất và năng lượng cho các hộ tham gia mô hình; (2) Thiết kế sơ bộ mô hình cho các hộ; (3) Thiết kế chi tiết; (4) Thi công mô hình; (5) Đánh giá hiệu quả triển khai các mô hình; (6) Tổ chức huấn luyện vận hành và chuyển giao, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực địa phương nhất là các hộ tham gia; (7) Tổng kết và đánh giá dự án. Tổng kinh phí dự kiến triển khai dự án dự kiến là 5.000 triệu đồng, trong đó: Chi phí hỗ trợ triển khai (tối đa 30%/1 mô hình): 3.300 triệu đồng (66 hộ); Chi phí đánh giá trước và sau khi triển khai, tổ chức huấn luyện, chuyển giao: 1.700 triệu đồng. Dự án chia thành 2 giai đoạn: 2018 - 2019: Triển khai 33 hộ với tổng kinh phí 2.500 triệu đồng; 2019 - 2020: Triển khai 33 hộ với tổng kinh phí 2.500 triệu đồng.
Nguồn kính phí triển khai thí điểm và tuyên truyền được lấy từ kinh phí sự nghiệp BVMT của địa phương để hỗ trợ, kinh phí phát triển Khoa học Công nghệ, kinh phí khuyến công, khuyến nông… và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác trong chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường, kinh phí từ các tổ chức khác.
4. Kết luận
Nghiên cứu đã đề xuất nguyên tắc “7C1A” xây dựng mô hình CBEM cho LN và đã triển khai thí điểm cho LN bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, trong 8 nguyên tắc thì “Có mô hình kỹ thuật ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm hiệu quả được triển khai điển hình” và “Am hiểu mô hình kỹ thuật ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm hiệu quả của ngành” đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sự thành công của mô hình. Để có mô hình phù hợp trong giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường, LN cần phải có sự tham gia của nhiều tổ chức, trong đó, tổ chức khoa học và công nghệ đóng vai trò tiên phong, kế đến là cơ chế và chính sách.
1. L. T. Hải, "Dự án Trình diễn mô hình quản lý và giữ gìn vệ sinh môi trường DVCĐ tại xã Nhị Mỹ và thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2," Sở TN&MT Tỉnh Đồng Tháp, 2009.
2. L. T. Hải, "Báo cáo tổng kết đề tài 'Nghiên cứu đề xuất các giải pháp BVMT phục vụ phát triển bền vững tại các LN khu vực nông thôn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh'," Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, 2018.
3. Đ. N. Vinh, "Áp dụng phương thức quản lý DVCĐ để quản lý tài nguyên và BVMT biển tại Quảng Ngãi," Tạp chí Môi trường, vol. 6, 2014.
4. C. C. Conrad and K. G. Hilchey, "A review of citizen science and community-based environmental monitoring: issues and opportunities," Environ Monit Assess, vol. 176, pp. 273-291, 2011.
5. M. d. M. Delgado-Serrano, J. Mistry, B. Matzdorf, and G. Leclerc, "Community-based management of environmental challenges in Latin America and the Caribbean," Ecology and Society 22(1):4. https://doi.org/10.5751/ES-08924-220104, 2017.
6. T.-h. Tsai and T.-f. Tsen, "Community-based environmental management and sustainable development," the World Forum on sustainable development: Economy, Environmental and Society. Johannesburg, South Africa, pp. 207-224, 2002.
LỜI CẢM ƠN
Tập thể tác giả xin chân thành gửi lời cám ơn đến Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Viện Môi trường và Tài nguyên và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện nghiên cứu này!
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề II/2018)