Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Đề xuất áp dụng một số công cụ kinh tế trong quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam - Bài học kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới

06/02/2020

     Tác động của chất thải nhựa (CTN) tới môi trường tự nhiên đã trở thành thách thức, bài toán khó trong bối cảnh hiện nay. Để giải quyết, việc quản lý CTN cần áp dụng tổng hợp các giải pháp, bao gồm công cụ chính sách, công cụ kỹ thuật, công cụ kinh tế (CCKT) và công cụ giáo dục, nâng cao nhận thức. Bài viết đề xuất áp dụng một số CCKT trong quản lý CTN ở Việt Nam trên cơ sở phân tích thực tiễn và kinh nghiệm áp dụng ở một số nước trên thế giới.

  1. Các CCKT trong quản lý môi trường

     Trong những năm 1990, việc xem xét lợi thế khi thực hiện các quy định về quản lý môi trường thông qua các CCKT (EI) so với công cụ mệnh lệnh kiểm soát (CAC) đã mở ra một hướng mới cho các nhà làm chính sách môi trường.

     CCKT trong quản lý môi trường được sử dụng nhằm mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội về BVMT thông qua những tín hiệu về giá cả và chi phí có liên quan.

     CCKT trong quản lý môi trường thực hiện dựa trên hai nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí.

     Có nhiều cách để phân loại các CCKT đang được sử dụng hiện nay, nhưng về cơ bản, trong quản lý môi trường được chia làm 3 nhóm: Nhóm tạo nguồn thu gồm công cụ thuế/phí; nhóm tạo lập thị trường gồm các công cụ như giấy phép xả thải, hạn ngạch ô nhiễm; nhóm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức gồm công cụ về trợ cấp, đặt cọc - hoàn trả, ký quỹ môi trường, bảo hiểm môi trường…[1]

     2. Giới thiệu một số chương trình của các nước trên thế giới áp dụng CCKT trong quản lý CTN

     Việc nghiên cứu, áp dụng CCKT trong quản lý môi trường nói chung, quản lý CTN nói riêng đã được các nước trên thế giới áp dụng trong thời gian dài và đạt được những hiệu quả tích cực, cùng với các công cụ quản lý khác như mệnh lệnh, kiểm soát, kỹ thuật, tuyên truyền, giáo dục.

     Về thuế BVMT đối với túi ni lông, bao bì nhựa, sản phẩm từ nhựa

     Một số quốc gia thành viên EU, bao gồm các thành viên OECD Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Hà Lan và Slovenia đang áp dụng thuế đối với bao bì nhựa. Việc làm này có thể làm tăng giá nhựa sử dụng một lần, do đó sẽ góp phần giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa trên thị trường.

     Cụ thể, Đan Mạch áp dụng mức thuế từ 0,25 - 3,6 DKK/kg đối với các sản phẩm sản xuất từ nhựa PVC như ống nhựa, tấm lợp, băng keo (DKK là đơn vị đồng Krone của Đan Mạch); 1,70 DKK/m2 được áp dụng cho các sản phẩm như bạt nhựa. Quy định đánh thuế như trên tạo ra những khuyến khích nhà sản xuất tăng cường sản xuất ra các sản phẩm không sử dụng nhựa PVC.[2]

     Ireland là quốc gia có Chương trình thu thuế BVMT đối với túi ni lông, bao bì nhựa thành công nhất ở châu Âu. Theo đó, quốc gia này quy định mức thu thuế với sản phẩm trên là €0.15/sản phẩm. Kết quả sau 12 năm thực hiện chương trình thu thuế, Ireland đã thu được 200 triệu €, tạo ra nguồn thu ngân sách lớn, phục vụ đầu tư cho các dự án, hoạt động BVMT.

     Kinh nghiệm thực hiện thuế BVMT đối với túi ni lông của Ireland có thể nghiên cứu đó là việc tính toán, đưa ra mức thuế cho sản phẩm là việc làm quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại của Chương trình. Bởi lẽ, nếu mức thu thuế cao quá, sẽ vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp cũng như người dân. Nếu mức thu thuế thấp quá, lại không đạt được mục đích về tạo nguồn thu cũng như thay đổi hành vi. Do vậy, chính quyền Ireland đã rất nỗ lực trong việc nghiên cứu, tính toán để đưa ra mức thuế phù hợp, họ phải sử dụng các công cụ tổng hợp như thuế pigouvian, tính toán chi phí cận biên, sử dụng phương pháp sẵn lòng chi trả (WTP).

     Phí xử lý sản phẩm nhựa: Chương trình phí xử lý chất thải của Hàn Quốc áp dụng đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu nhựa gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường. Phí này áp dụng đối với các sản phẩm ống nhựa PVC, nhựa đồ chơi, nhà bếp, nhựa nội thất gia đình… Trong đó, mức 75KRW[3]/kg đối với nhựa xây dựng và 150 KRW/kg đối với các loại nhựa khác. Việc tính phí BVMT đối với sản phẩm nhựa của Hàn Quốc đã tính tới các sản phẩm nhựa khác nhau, tạo ra sự tính đủ đối với các loại sản phẩm nhựa, không chỉ là túi ni lông hay bao bì nhựa. Lệ phí thu được chính quyền địa phương sẽ sử dụng cho việc trợ cấp các cơ sở xử lý chất thải.

     Hệ thống đặt cọc - hoàn trả:

     Hàn Quốc cũng là một trong số các quốc gia đạt được thành công trong Chương trình đặt cọc - hoàn trả, áp dụng đối với vỏ chai nhựa, thủy tinh. Các văn bản Luật của Hàn Quốc đã quy định cụ thể nội dung thực hiện về đặt cọc - hoàn trả. Điều 17 Luật Tái sử dụng tài nguyên có quy định số tiền phải đặt cọc với từng vỏ chai theo từng loại thể tích. Thể tích lớn thí số tiền đặt cọc càng lớn. Trên mỗi vỏ chai đều có nhãn ghi số tiền đặt cọc, khi người mua hàng trả lại vỏ chai thì sẽ được nhận lại tiền.

     Luật Tái chế tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà sản xuất tính thêm tiền đặt cọc vào giá bán sản phẩm tới người tiêu dùng, đồng thời, quy định mức tiền đặt cọc tối đa là 40% chi phí để sản xuất vỏ chai. Chương trình đặt cọc - hoàn trả của Hàn Quốc cũng gắn chặt với Chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Chương trình EPR quy định cụ thể tỷ lệ tái chế mà các nhà sản xuất phải thực hiện hàng năm. Tỷ lệ tái chế được các nhà sản xuất đăng ký với Cơ quan hợp tác môi trường Hàn Quốc (KECO) và được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, Chương trình đặt cọc - hoàn trả của Hàn Quốc đạt được thành công rất lớn trong việc tái chế, tái sử dụng các sản phẩm chai nhựa.

     Chương trình đặt cọc - hoàn trả ở Phần Lan là một trong những chương trình thành công nhất ở châu Âu để hạn chế lượng bao bì nhựa phát sinh ra môi trường. Chính phủ Phần Lan lần đầu tiên giới thiệu Chương trình áp dụng đối với chai thủy tinh và chai nhựa sử dụng một lần vào năm 1950. Với số tiền đặt cọc được quy định từ 0,10 € - 0,40 €/vỏ chai, đến năm 2015 tỷ lệ hoàn trả vỏ chai ở Phần Lan là 95%. Kết quả này là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, tổ chức xã hội, nhà bán lẻ và ngành công nghiệp đồ uống. Chính phủ Phần Lan cũng có những quy định nhằm khuyến khích các nhà sản xuất tham gia vào Chương trình đặt cọc - hoàn trả.[4]

     Chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR)

     Chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) là một công cụ để đảm bảo rằng những người sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường (nhà sản xuất) phải chịu trách nhiệm một phần về mặt tài chính cho việc sử dụng và tiêu dùng các sản phẩm do họ sản xuất ra.

     Chương trình EPR ở các nước thành viên OECD áp dụng mức phí cho các nhà sản xuất là khác nhau, tùy thuộc vào từng loại nhựa như PET, HDPE, nhựa sinh học, nhựa phân hủy sinh học hay túi nhựa. Chương trình EPR ở Đức, Áo, Latvia, Hà Lan áp dụng mức phí thấp, ở Hungary thì áp dụng mức phí cao hơn.

     Chương trình CITEO ở Pháp quy định mức phí đối với nhà sản xuất sản phẩm bao bì và chai nhựa có thành phần chủ yếu là PET có thêm thành phần nhôm, PVC hay silicon. Chương trình cũng áp dụng mức phí đối với sản phẩm nhựa không có kênh thực hiện tái chế ở Pháp, ví dụ như nhựa không phải là nhựa PET, HDPE hoặc PP.[5]

     Trợ cấp đối với cơ sở tái chế nhựa: Hàn Quốc có những quy định rất cụ thể cho thực hiện trợ cấp đối với cơ sở chế sản phẩm nhựa, bằng cách xây dựng các quỹ như Qũy hỗ trợ tái chế CTN; Qũy hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế; Qũy hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các công ty tái chế nhựa; Qũy hỗ trợ các nhà bán lẻ trong việc phân phối sản phẩm tái chế trên thị trường. Chính sách này đã tạo thuận lợi cho các đơn vị trong việc triển khai các hoạt động tái chế.

     Có thể thấy, việc áp dụng các CCKT trong quản lý CTN đã được áp dụng tương đối thành công ở các nước, nhất là khu vực châu Âu. Các chương trình được thực hiện nhằm hạn chế khối lượng sản phẩm nhựa thải ra môi trường, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt, trách nhiệm của nhà sản xuất được nhấn mạnh, xem như một giải pháp góp phần quản lý CTN tốt hơn. Để thực hiện thành công các chương trình này có vai trò của Chính phủ, hiệp hội và cơ sở sản xuất trong việc tích cực, chủ động tham gia cũng như đóng góp nghĩa vụ tài chính.

  1. Thực trạng và đề xuất áp dụng một số CCKT trong quản lý CTN ở Việt Nam

     Việt Nam đã và đang áp dụng một số CCKT để quản lý về CTN, trong đó tập trung vào sản phẩm túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

     Thuế BVMT: Từ ngày 1/1/2019, mức thuế BVMT đối với sản phẩm túi ni lông được tăng lên là 50.000 đồng/kg. Đây là loại thuế gián thu, thu vào các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện công cụ này còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại cần giải quyết, cụ thể:

     Việc áp dụng phương án đánh thuế vào người tiêu dùng đối với sản phẩm túi ni lông chưa hoàn toàn đạt được mục tiêu hạn chế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này. Việc sản xuất ra một sản phẩm nhựa và đến tay người tiêu dùng trải qua một quy trình sản xuất với sự tham gia của các nhà sản xuất, nhà cung cấp và người tiêu dùng. Do vậy, việc chỉ áp thuế BVMT như hiện nay là chưa thật sự công bằng và bao phủ được nhóm đối tượng có liên quan, trong đó có các nhà sản xuất;

     Sản phẩm túi ni lông có rất nhiều loại: Dầy, mỏng và có loại sử dụng các thành phần nhựa khác nhau. Việc chỉ quy định một mức thuế trên một sản phẩm là chưa thật sự phù hợp với thực tế. Cách đánh thuế này chưa đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng có liên quan;

     Theo các quy định hiện hành về thuế BVMT đối với túi ni lông, chỉ những sản phẩm có hình dạng túi mới thuộc đối tượng chịu thuế, còn các sản phẩm khác như màng bọc, túi đóng gói phục vụ cho các nhà sản xuất nếu chứng minh được mục đích sử dụng thì sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế. Với quy định này, hiện nay các doanh nghiệp đang lách luật bằng cách thuê doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa gia công cho mình để không phải chịu thuế;

     Hiện nay, sản phẩm túi ni lông được cung cấp ra thị trường chủ yếu từ các nhà sản xuất, cơ sở gia công nhỏ lẻ, nằm ở các làng nghề hoặc hộ gia đình. Theo quy định thì các đối tượng này chỉ phải nộp thuế khoán hàng năm. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc thu thuế BVMT đối với túi ni lông, bao bì nhựa thấp như hiện nay.

     Nhãn sinh thái: Đây là một trong những CCKT được xếp vào nhóm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Mục tiêu chính là cung cấp thông tin tới người tiêu dùng về các sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường. Nhãn xanh Việt Nam là tên gọi của Chương trình Nhãn sinh thái tại Việt Nam, được triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống. Đến nay, Chương trình đã thực hiện thẩm định và gắn Nhãn xanh cho một số loại sản phẩm như pin, ắc quy, xà phòng và một số thiết bị điện tử.

     Tuy nhiên, hiện nay Chương trình Nhãn xanh Việt Nam chưa gắn kết với Chương trình chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT ngày 4/2/2017 của Bộ TN&MT. Điều này dẫn tới việc các sản phẩm túi ni lông thân thiện với môi trường đang được gắn nhãn hiệu riêng của cơ sở, doanh nghiệp sản xuất mà chưa được gắn Nhãn xanh Việt Nam, gây ra những khó khăn trong việc nhận biết cũng như thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm này trên thị trường.

     Trên cơ sở phân tích những điểm còn thiếu trong việc áp dụng một số CCKT trong quản lý CTN ở Việt Nam cũng như bài học thành công của một số nước về áp dụng công cụ này, bài viết đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị về chính sách mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập trong thời gian tới, cụ thể:

     Về thuế đối với sản phẩm nhựa: Cụ thể là túi ni lông, bao bì nhựa, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, cần nghiên cứu để có giải pháp áp mức thuế phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí có liên quan, nhất là các chi phí liên quan tới thiệt hại môi trường do việc sử dụng các sản phẩm này.

     Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần nghiên cứu bổ sung đối tượng chịu thuế BVMT, không chỉ áp dụng phương án thuế gián thu như hiện nay. Trong quy trình sản xuất sản phẩm là túi ni lông, sản phẩm nhựa thì nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu có vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Vì vậy, những đối tượng này cũng cần phải được xem xét như một đối tượng trực tiếp chịu thuế, chia sẻ gánh nặng về tài chính đối với người tiêu dùng.

     Về phí xử lý với các sản phẩm nhựa khác: Hiện nay, các văn bản pháp luật chưa quy định danh mục phí này, nhưng trong tương lai cần có nghiên cứu, đề xuất cụ thể về danh mục phí cũng như mức thu phí cho việc xử lý các sản phẩm ống nhựa, đồ nhựa gia dụng, đồ nhựa công nghiệp… mà không nằm trong diện chịu thuế BVMT là túi ni lông và bao bì nhựa.

     Phát triển Chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR): Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành những quy định cụ thể để phát triển Chương trình EPR, song thực tế hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Chương trình EPR đối với sản phẩm nhựa ở Việt Nam cần quy định cụ thể sản phẩm phải thu hồi và tỷ lệ thu hồi áp dụng cho từng nhà sản xuất. Việc triển khai Chương trình cần được thực hiện theo lộ trình và phải đồng bộ, gắn kết với thị trường tái chế chất thải đang có ở Việt Nam. Điều đó sẽ giúp giảm chi phí cho nhà sản xuất trong việc thực hiện thu hồi sản phẩm tái chế.

     Về phát triển thị trường đặt cọc - hoàn trả đối với sản phẩm nhựa: Đặt cọc - hoàn trả là một công cụ đặc biệt hiệu quả, được các nước trên thế giới áp dụng để thu hồi các sản phẩm chai nhựa phục vụ tái sử dụng, tái chế. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của Việt Nam cần có những nghiên cứu cụ thể cũng như đề xuất giải pháp để triển khai công cụ này trong các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát có sử dụng các sản phẩm chai nhựa.

 

ThS. Hàn TrầnViệt, ThS. Trần Bích Hồng

Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường

ThS. Nguyễn Thị Hương Ly

Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 

 

           

 

 

 

 
Ý kiến của bạn