19/12/2017
TÓM TẮT
Bài báo giới thiệu kết quả đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH của sản xuất nông nghiệp ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong các hiện tượng của BĐKH đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp thì hạn hán gây ra tác động tổng hợp cao nhất; tiếp đến là mưa lớn và ngập lụt. Hoạt động trồng trọt bị tác động nhiều nhất, xếp thứ hai là nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản bị tác động ít nhất. Nuôi trồng thủy sản là hoạt động sản xuất có năng lực thích ứng cao nhất, hoạt động trồng trọt có năng lực thích ứng cao thứ 2, đánh bắt thủy sản có năng lực thích ứng thấp nhất.
Từ khóa: xã Quảng Thành, BĐKH, tác động, tổn thương.
1. Đặt vấn đề
Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương thuộc vùng đồng bằng thấp trũng ven phá Tam Giang và hạ lưu của hệ thống sông Hương. Do vậy, đây là vùng chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH với những biểu hiện thời tiết cực đoan đã và đang diễn ra. BĐKH đã gây hậu quả nghiêm trọng đến các bộ phận cộng đồng dân cư và biện pháp thích ứng dài hạn tốt nhất cho những cộng đồng chịu tổn thương là tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai và thúc đẩy việc phát triển sinh kế bền vững (Hình 1).
Hình 1. Sơ đồ địa hình xã Quảng Thành
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp thu thập, tổng hợp tài liệu và khảo sát thực địa
Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở kế thừa, phân tích và tổng hợp các nguồn tài liệu, tư liệu, số liệu thông tin có liên quan một cách có chọn lọc, từ đó, đánh giá chúng theo yêu cầu và mục đích nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu thực địa nhằm lựa chọn được khu vực nghiên cứu điển hình, mang tính đại diện và thu thập bổ sung các số liệu, tài liệu thực tế tại khu vực nghiên cứu.
2.2. Phương pháp phỏng vấn hộ gia đình và phỏng vấn sâu
Phỏng vấn hộ gia đình: Tìm hiểu các thông tin liên quan đến mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
Phỏng vấn sâu cá nhân: Khai thác thông tin từ các chuyên gia địa phương, người có kinh nghiệm trong nghề lâu năm.
Cỡ mẫu điều tra tính theo công thức Slovin (1960) với mức tin cậy là 95% và sai số kì vọng 8% là 154 phiếu. Tuy nhiên, để tránh trường hợp một số phiếu không hợp lệ nên cỡ mẫu điều tra thực hiện là 160 phiếu. Trong đó, phiếu điều tra về nuôi trồng thủy sản tập trung tại các thôn: Quán Hòa và Ba Gò; Phiếu điều tra về trồng trọt tập trung tại các thôn: Thành Trung, Kim Đôi, Tây Thành.
2.3. Phương pháp phân tích SWOT
Phân tích SWOT (Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) là công cụ được sử dụng để phân tích nội lực của địa phương thông qua các ưu điểm và nhược điểm như khả năng, nguồn lực và cơ chế.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Đánh giá khả năng thích ứng
3.1.1. Đánh giá năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của chính quyền địa phương
Hiện nay, huyện Quảng Điền nói chung, xã Quảng Thành nói riêng chưa có bộ phận riêng biệt phụ trách việc phòng chống hay thích ứng với BĐKH mà các hoạt động dựa vào ban phòng chống lụt bão ở các cấp từ tỉnh tới xã và các cán bộ thực hiện công tác kiêm nhiệm [5].
Bảng 1. Sử dụng phương pháp SWOT đánh năng lực thích ứng BĐKH của chính quyền địa phương
Điểm mạnh |
Điểm yếu |
- Có đội ngũ Cán bộ công nhân viên làm việc trách nhiệm, công tác lâu năm. Hằng năm được tập huấn nâng cao nhận thức, kỷ năng lập kế hoạch, điều hành. - Xây dựng kế hoạch sớm, công khai đến tận người dân. - Công tác chỉ đạo và phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. - Tổ chức di dời, sơ tán kịp thời, an toàn. Thực hiện nghiêm túc phương châm 5 tại chỗ. Kịp thời tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ đến tận người dân bị thiệt hại. - Đã thành lập và thường xuyên kiện toàn đội phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 9/9 thôn.
|
- Một số Cán bộ còn hạn chế vềkinh nghiệm, tư tưởng chủ quan, đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên hàng đầu. - Công tác tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên. - Nhiệm vụ giáo dục thiên tai trong trường học chưa được triển khai thường xuyên, đồng bộ. - Một số thôn chưa kết hợp một cách đồng bộ phương châm “5 tại chỗ”. - Triệu tập đội phòng chống thiên tai khi cần thiết không đảm bảo số lượng do làm ăn xa. - Thiếu thông tin để dự báo sớm, còn thiếu phương tiện, thực tiễn chưa cao. - Công tác xây dựng kế hoạch phòng, chống chưa được quan tâm đúng mức đối với: hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng. |
Cơ hội |
Thách thức |
- Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước; quỹ phòng chống thiên tai; các dự án, các tổ chức, hội chữ thập đỏ, cá nhân là nguồn tài chính giúp cho xã trang bị các phương tiên ứng phó cũng như hỗ trợ cho người dân sau thiên tai. - Nhà phòng chống lũ cho hộ nghèo theo quyết định 48 của Chính phủ được triển khai. - Cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng. - Được các dự án tài trợ tại địa phương: + Quỹ hợp tác địa phương Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam. + Dự án Jica (Nhật Bản) về phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng. + Dự án LUX về nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH. - Được các tổ chức, các nhà nghiên cứu khoa học hướng dẫn, triển khai, xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH đến các hộ dân. |
- Kinh phí bố trí cho công tác phòng chống lụt bão còn hạn chế. - Thiếu phương tiện, trang thiết bị, máy phát điện dự phòng, ghe thuyền. - Hệ thống tháp báo lũ còn thiếu. Cơ sở hạ tầng chưa thực sự hoàn thiện. - Các hiện tượng BĐKH xảy ra không theo quy luật dẫn đến công tác phòng chống bị động, không kịp thời lên các kế hoạch phù hợp. - Thiếu kỹ năng phòng chống lụt bão, thiếu phương tiện trang bị cho những đối tượng dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật). - Thông tin xã lũ của các hồ chứa còn chậm. - Chưa có quy hoạch vùng nuôi tránh lũ, chưa có đầy đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn. - Chưa có nguồn thu mua đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm từ hoạt động sản xuất thích ứng với BĐKH. |
Nguồn [6].
3.1.2. Đánh giá năng lực thích ứng của người dân địa phương thông qua các nguồn vốn sinh kế
Nội dung phần này tập trung phân tích 5 nguồn vốn: Vốn con người, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn tự nhiên và vốn xã hội để đánh giá năng lực thích ứng của người dân địa phương thông qua các nguồn vốn sinh kế [2].
a. Vốn con người
* Quy mô hộ gia đình: Kết quả điều tra cho thấy, trung bình mỗi hộ gia đình có 5 thành viên, chia làm 3 đối tượng. Thứ nhất là đối tượng trung niên (lao động chính là trồng trọt, nuôi trồng thủy sản) tại địa phương; Thứ hai là đối tượng thanh niên (công nhân tại các Công ty) khu vực ngoại tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; thứ 3 là đối tượng phụ thuộc (còn nhỏ, học sinh) sinh sống tại địa phương.
* Trình độ học vấn: Nhìn chung trình độ dân trí tương đối thấp: 46,5% các thành viên được phỏng vấn có trình độ học vấn ở cấp I, 24,5% có trình độ học vấn ở cấp II; 13,5% có trình độ học vấn trung cấp; 15,5% đạt trình độ cao đẳng, đại học 15,5%.
Vốn con người mặc dù dồi dào nhưng số lượng người lao động phụ thuộc vẫn còn ở mức cao, trình độ học vấn ở mức thấp nên sinh kế sẽ dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH; vì khi đó việc làm sẽ bị hạn chế, thu nhập từ những người lao động chính không đủ trang trải cho gia đình.
b. Vốn vật chất
* Đặc điểm nhà ở: Theo kết quả điều tra, 61,9% hộ trong tổng số 155 hộ được phỏng vấn là nhà cấp 4, mái ngói (96 hộ); 20,6% nhà mái bằng kiên cố (32 hộ); 9,7% nhà nhiều tầng kiên cố (15 hộ) và 7,7% là nhà đơn sơ (12 hộ).
* Phương tiện sản xuất: Kết quả điều tra cho thấy, các hộ nghèo rất thiếu phương tiện sản xuất. Ngoài ra, trong tổng số các hộ được phỏng vấn về loại hình nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phần lớn đều có thuyền không có động cơ và duy nhất 5 hộ có thuyền có động cơ.
Như vậy, đối với nguồn vốn vật chất, hộ nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do họ rất thiếu các phương tiện sản xuất, đặc biệt là những phương tiện phục vụ trong thời điểm gặp thủy tai như ngập lụt, bão lũ.
c. Vốn tài chính
* Hoạt động tạo thu nhập: Hoạt động sản xuất chính trên địa bàn nghiên cứu là trồng trọt hoa màu; nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản.
Một số hộ có nguồn thu nhập chính từ buôn bán, thợ may, làm thuê, đi biển, làm ăn tại các khu vực ngoại tỉnh, cán bộ công tác tại địa phương… chiếm khoảng 23% tổng số hộ được điều tra.
* Thu nhập hộ gia đình: Thu nhập hộ gia đình thấp nhất là 1.200.000 VND/tháng và cao nhất là 14.000.000 VND/tháng. Trung bình các hộ gia đình có thu nhập trung bình tháng dao động trong khoảng 3.500.000 - 4.500.000 VND. Trong tổng số 155 hộ phỏng vấn, có 8 hộ cận nghèo (5,16%) và 2 hộ nghèo (1,3%); Có 21 hộ có con cái, người thân đi làm ăn xa gửi tiền về hằng năm, thấp nhất là 3.000.000 VNĐ/năm và nhiều nhất là 48.000.000 VND/năm.
d. Vốn tự nhiên
* Diện tích đất canh tác: Theo số liệu điều tra, trung bình mỗi hộ có khoảng 550 m2. Hộ gia đình có diện tích đất canh tác nhỏ nhất là 50 m2 và lớn nhất là 11.000 m2.
* Mô hình sản xuất: Đối với hoạt động trồng trọt, 71% tỷ lệ các hộ được hỏi vừa trồng lúa vừa trồng hoa màu (57 hộ); 16% hộ chỉ trồng lúa (13 hộ) và 13% hộ chỉ trồng hoa màu (10 hộ). Đối với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, 57% tỷ lệ các hộ được hỏi vừa nuôi trồng vừa đánh bắt thủy sản (43 hộ); 31% hộ chỉ nuôi trồng (23 hộ) và 12% hộ chỉ đánh bắt (9 hộ).
Nguồn lợi thủy sản: Nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong các đầm, phá, sông khá phong phú, như các loài tôm, ngao, sò, ốc, ghẹ, các loài cá… Tuy nhiên, nguồn lợi này đang bị suy giảm.
Có thể đánh giá nguồn vốn tự nhiên của các hộ gia đình ở mức trung bình, thể hiện qua diện tích đất canh tác bình quân của mỗi hộ gia đình khoảng 550 m2. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động sản xuất tại diện tích hiện có chưa thực sự tốt và chưa đem lại nguồn thu nhập ổn định.
e. Vốn xã hội:
* Tham gia vào các tổ chức: 24,5% số hộ được hỏi có tham gia vào tổ chức các Hội như: Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh… Đây được xem là nguồn quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền công tác cảnh báo và phòng chống các tác động do BĐKH gây ra.
* Nguồn giúp đỡ khi khó khăn: Tại địa phương khi bị thiệt hại bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai gây ra (lụt, bão) đều được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương dưới hình thức hỗ trợ bằng hiện vật (mỳ tôm, gạo) hoặc cho vay vốn với ưu đãi lãi suất thấp đối với các hộ nghèo hoặc các hộ bị thiệt hại nặng nề. Hoặc các mạnh thường quân, bà con, anh em.
Nhận xét chung: Năng lực thích ứng thông qua 5 nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình ở mức thấp; Các hoạt động sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương do tác động của các hiện tượng BĐKH vì vốn con người không đủ cả về số lượng và trình độ, vốn vật chất bị hạn chế chủ, vốn tài chính thấp do thu nhập của các hộ gia đình không ổn định, vốn tự nhiên liên quan đến diện tích đất canh tác mỗi hộ gia đình chưa thực sự được khai thác hiệu quả và vốn xã hội mặc dù khá đa dạng nhưng không thường xuyên, ít có tính dài hạn và đa phần vẫn không đủ để khắc phục thiệt hại.
3.2. Tính dễ bị tổn thương của hoạt động sản xuất nông nghiệp trước tác động của BĐKH
3.2.1. Tần suất xuất hiện các hiện tượng cực đoan của BĐKH
Kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy, so với trước năm 2012, các hiện tượng thời tiết bất thường như hạn hán, mưa lớn và ngập lụt được các hộ gia đình tại xã Quảng Thành nhận định là xuất hiện nhiều hơn so với các hiện tượng khác (tương ứng là 53,5%; 42,3% và 32,9%). Đa phần người dân chưa nhận thức về vấn đề nước biển dâng. Có 37,4 % người dân được phỏng vấn cho rằng tần suất xuất hiện của lũ quyét ít hơn vì xã Quảng Thành thuộc vùng đồng bằng không có núi nên khả năng xuất hiện lũ quét là thấp. Bảng xếp hạng thứ tự các hiện tượng của BĐKH được thể hiện tại Bảng 2.
Bảng 2. Tần suất xuất hiện các hiện tượng của BĐKH trong giai đoạn 2012 - 2016
Hiện tượng |
Tần suất |
Cho điểm |
Xếp theo thứ tự tác động |
Nước biển dâng |
Thấp |
1 |
1. Hạn hán |
Xâm nhập mặn |
Thấp |
1 |
2. Mưa lớn |
Hạn hán |
Cao |
3 |
3. Ngập lụt |
Lũ quét |
Thấp |
1 |
4. Bão |
Bão |
Trung bình |
2 |
5. Lũ quyét |
Ngập lụt |
Trung bình |
2 |
6. Rét đậm |
Mưa lớn |
Cao |
3 |
7. Xâm nhập mặn |
Rét đậm |
Thấp |
1 |
8. Nước biển dâng |
3.2.2. Phân tích tính dễ bị tổn thương của biến đổi khí hậu đối với hoạt động trồng trọt và nuôi trồng thủy sản
a. Phân tích tính dễ bị tổn thương của biến đổi khí hậu đối với hoạt động trồng trọt
Hình 2. Nhận thức của người dân về tác động của BĐKH đối với hoạt động trồng trọt giai đoạn 2012 - 2016
Các hiện tượng BĐKH gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động trồng trọt của các hộ được phỏng vấn là hạn hán, mưa lớn và ngập lụt. Tác động của các hiện tượng này là cây sinh trưởng chậm, năng suất giảm, mất mùa.
b. Phân tích tính dễ bị tổn thương của BĐKH đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản
Nhìn chung, việc nuôi trồng thủy hải sản của người dân phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, và tác động của BĐKH ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và hiệu quả của việc nuôi trồng. Đáng kể đến nhất đó là ngập lụt, ngập lụt có thể làm mất trắng cả một vụ nuôi trồng thủy hải sản. Tiếp đến là mưa lớn và hạn hán. Nước biển dâng, xâm nhập mặn và lũ quyét là ba hiện tượng theo ý kiến của các hộ cho rằng ít ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Hình 3. Nhận thức của người dân về tác động của BĐKH đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2012 - 2016
c. Phân tích tính dễ bị tổn thương của BĐKH đối với hoạt động đánh bắt thủy sản
Các hiện tượng BĐKH chủ yếu làm cho sản lượng đánh bắt giảm, 81,3% cho rằng nguyên nhân từ bão, 73,3% cho rằng, nguyên nhân từ hạn hán, còn lại do lũ quét, mưa lớn và ngập lụt.
Hình 4. Nhận thức của người dân về tác động của BĐKH đối với hoạt động đánh bắt thủy sản giai đoạn 2012-2016
3.2.3. So sánh tác động tổng thể của BĐKH lên các hoạt động sản xuất
Nhằm mục đích để so sánh mức độ tác động của BĐKH đối với các hoạt động sản xuất, luận văn đã đánh giá và cho điểm, dựa trên giả thuyết rằng mức độ tác động tỷ lệ thuận với số hộ gia đình đồng ý, có nghĩa là càng nhiều hộ lựa chọn thì tác động đó sẽ ở mức độ cao; từ đó quy đổi của mức độ tác động của BĐKH lên các hoạt động sản xuất (Bảng 3).
Bảng 3. So sánh mức độ tác động của BĐKH của 3 loại hình sản xuất
Hiện tượng |
Hoạt động trồng trọt |
Nuôi trồng thủy sản |
Đánh bắt thủy sản |
Tổng điểm |
NBD |
1 |
1 |
1 |
3 |
XNM |
1 |
2 |
1 |
4 |
Hạn hán |
4 |
3 |
3 |
10 |
Lũ quét |
2 |
2 |
1 |
5 |
Bão |
2 |
2 |
3 |
7 |
Ngập lụt |
3 |
3 |
2 |
8 |
Mưa lớn |
3 |
3 |
2 |
8 |
Rét đậm |
2 |
2 |
2 |
6 |
Tổng điểm |
18 |
18 |
15 |
|
Kết quả cho thấy, hoạt động trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bị tác động nhiều nhất, hoạt động đánh bắt thủy sản bị tác động ít nhất.
Các hiện tượng hạn hán, mưa lớn và ngập lụt có tác động mạnh, 3 hiện tượng bão, rét đậm và lũ quét có tác động trung bình, 2 hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn có tác động thấp (Bảng 4 và 5).
Bảng 4. Đánh giá kết quả tác động dựa trên tần suất và mức độ
|
Mức độ tác động |
|||||
Rất thấp |
Thấp |
Trung bình |
Cao |
Rất cao |
||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Tần |
Thấp |
Thấp |
Thấp |
Trung bình |
Trung bình |
Cao |
suất |
1 |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
xuất |
Trung bình |
Thấp |
Trung bình |
Cao |
Cao |
Rất cao |
hiện |
2 |
2 |
4 |
6 |
8 |
10 |
|
Cao |
Trung bình |
Cao |
Cao |
Rất cao |
Rất cao |
|
3 |
3 |
6 |
9 |
12 |
15 |
Bảng 5. Kết quả tác động tổng hợp của BĐKH lên các hoạt động sản xuất
Loại hình |
Tần suất xuất hiện |
Hoạt động trồng trọt |
Nuôi trồng thủy sản |
Đánh bắt thủy sản |
|||
Mức độ tác động |
Tác động tổng hợp |
Mức độ tác động |
Tác động tổng hợp |
Mức độ tác động |
Tác động tổng hợp |
||
NBD |
1 |
1 |
1 |
1 |
1 |
1 |
1 |
XNM |
1 |
1 |
1 |
2 |
2 |
1 |
1 |
Hạn hán |
3 |
4 |
12 |
3 |
9 |
3 |
9 |
Lũ quét |
1 |
2 |
2 |
2 |
2 |
1 |
1 |
Bão |
2 |
2 |
4 |
2 |
4 |
3 |
6 |
Ngập lụt |
2 |
3 |
6 |
3 |
6 |
2 |
4 |
Mưa lớn |
3 |
3 |
9 |
3 |
9 |
2 |
6 |
Rét đậm |
1 |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
Tổng |
|
|
37 |
35 |
30 |
Như vậy, trong các hiện tượng thời tiết bất thường do BĐKH đối với hoạt động trồng trọt và nuôi trồng thủy sản thì hạn hán gây ra tác động tổng hợp cao nhất; tiếp đến là mưa lớn và ngập lụt. Tác động tổng hợp của bão đối với hoạt động sản xuất nói trên chỉ ở mức trung bình. Còn lại tất cả các tác động tổng hợp đều được đánh giá ở mức thấp.
Khi cộng tổng tác động tổng hợp của các hiện tượng thời tiết bất thường, thì hoạt động trồng trọt bị tác động nhiều nhất, xếp thứ hai là nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản bị tác động ít nhất.
4. Kết luận
Quảng Thành là một xã vùng ven phá Tam Giang, cuối hạ lưu sông Bồ và sông Hương thuộc của huyện Quảng Điền có tổng diện tích tự nhiên 1.074,32 ha. Đây là vùng thường xuyên chịu tác động của các yếu tố khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, gió Tây Nam khô nóng, gió mùa Đông Bắc, mưa to, nắng lớn;
Hoạt động sản xuất chính tại địa bàn nghiên cứu là: Trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản;
Năng lực thích ứng thông qua 5 nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình ở mức thấp;
Trong các hiện tượng của BĐKH đối với hoạt động sản xuất thì hạn hán gây ra tác động tổng hợp cao nhất; tiếp đến là mưa lớn và ngập lụt. Tác động tổng hợp của bão đối với hoạt động sản xuất nói trên chỉ ở mức trung bình. Còn lại tất cả các tác động tổng hợp đều được đánh giá ở mức thấp;
Tổng tác động tổng hợp các hiện tượng của BĐKH, thì hoạt động trồng trọt bị tác động nhiều nhất, xếp thứ hai là nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản bị tác động ít nhất;
Nuôi trồng thủy sản là hoạt động sản xuất có năng lực thích ứng cao nhất, hoạt động trồng trọt có năng lực thích ứng cao thứ 2, đánh bắt thủy sản có năng lực thích ứng thấp nhất do tỷ lệ các hộ không có hành động điều chỉnh gì để ứng phó với BĐKH cao nhất;
Khi năng lực thích ứng càng cao thì tính dễ bị tổn thương càng giảm, thì nuôi trồng thủy sản là hoạt động ít bị tổn thương nhất, và đánh bắt thủy sản là hoạt động bị tổn thương nhiều nhất do ảnh hưởng của BĐKH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hà Hải Dương và nnk (2011), Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương do BĐKH, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
2. Lê Hà Phương (2014), Đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương do BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Luận văn Thạc sĩ ngành Khoa học Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội.
3. Lê Văn Thăng (2011), Mô hình thích ứng với BĐKH cấp cộng đồng tại vùng trũng thấp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
4. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của huyện Quảng Điền - tỉnh Thừa Thiên - Huế.
5. UBND xã Quảng Thành, Kế hoạch phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn xã Quảng Thành giai đoạn 2016 - 2020.
CLIMATE CHANGE VULNERABILITY ASSESSMENT IN THE AGRICULTURAL PRODUCTION IN QUANG THANH COMMUNE, QUANG DIEN DISTRICT, THUA THIEN - HUE PROVINCE
Lê Văn Thăng
Faculty of Environmental Science, Hue University of Sciences
Trần Thị Kim Khánh
Center for Monitoring of Resources and Environment, Quang Tri province
Nguyễn Đình Huy
Institute of Resource and Environment, Hue University
ABSTRACT
This paper presents the results of vulnerability assessment of climate change in the agricultural production in Quảng Thành commune, Quảng Điền district, Thừa Thiên - Huế province. In the integrated impact context of climate change on agricultural production, the highest is from the drought, then the heavy rain and the flooding. The most affected production activity is the cultivation, then the aquaculture and the least affected one is the fishing. The aquaculture is the most adaptive production activity, the second is the cultivation, and the least is the fishing.
Key words: Quảng Thành commune, climate change, impact, vulnerability.
Lê Văn Thăng1
Trần Thị Kim Khánh2
Nguyễn Đình Huy 3
1 Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
2 Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị
3 Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế
(Nguồn: Tạp chí Môi trường số chuyên đề III năm 2017)